Thêm một đóng góp vào mảng chân dung văn học

Thứ Hai, 15/07/2013, 08:00

Tiếp theo tập chân dung văn học "Phía sau con chữ" (NXB Thanh niên, 2007), gần đây nhà thơ Vũ Từ Trang lại cho ra mắt bạn đọc tập "Nhà văn độc hành độc bộ" được NXB Phụ nữ ấn hành (quý II năm 2013).

Nếu như tập "Phía sau con chữ" từng lọt vào vòng chung khảo giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008 thì tập sau này, dù ra mắt bạn đọc chưa lâu nhưng cũng đã có dư luận tích cực.

Thể loại chân dung văn học ở Việt Nam không phải mới. Trước nay đã có nhiều người viết. Tất nhiên từ mỗi góc độ, cách nhìn mà từng tác giả đã khai thác nhân vật mình tiếp cận. Có người chỉ viết về các tên tuổi đã định hình trên văn đàn, với những giải thưởng lớn, giải thưởng nhỏ. Có người chỉ viết về thành công. Có người lại chuyên chú vào những tình tiết hiếu kì, đời tư nhân vật. Thậm chí có người còn viết về nhân vật mà mình chưa từng quen, thậm chí chưa một lần gặp.  

Vũ Từ Trang thì khác.

Giống như phần đông những người viết chân dung, Vũ Từ Trang cũng đã giới thiệu giúp bạn đọc hiểu thêm về nhân vật, những con đường khác nhau đến với văn chương cùng những thành tựu dù ít dù nhiều nơi họ. Nhưng đọc Vũ Từ Trang là để thấy ra những "khuất lấp" không chỉ sau những vinh quang mà chủ yếu còn là những "cay cực" mà nhiều người viết - dù là người đã nổi tiếng hay những người đến với văn chương hoàn toàn vì tình yêu - từng gánh chịu mà không phải ngoài xã hội ai cũng dễ dàng được biết.                 

Trong "Nhà văn độc hành độc bộ", Vũ Từ Trang không chỉ viết về những nhà văn, nhà thơ lớp đàn anh đã thành danh được anh quí trọng như Yến Lan, Quang Dũng, Nguyễn Bản, Lê Bầu, Nguyễn Xuân Khánh, Phan Xuân Hạt, Thái Giang, Thanh Tùng, Hoài Anh…, những nhà văn bạn bè cùng trang lứa như Tô Ngọc Hiến, Lưu Quang Vũ, Nghiêm Đa Văn, Hoàng Việt Hằng… mà còn viết về những người viết có số phận không mấy an lành như Tuân Nguyễn, Phương Thúy, Nguyễn  Ngọc Ly, Lương Vĩnh… và cả về những người bình thường nhưng vì đam mê văn chương mà dấn thân như Nguyễn Hữu Cung - một người sửa mo-rát của một nhà xuất bản; như Nguyễn Thị Hoài Thanh - người thợ xúc nạp ắc qui cho các con tàu biển, rồi chịu tai nạn giao thông gẫy tay, phải dời Hải Phòng vào tận Đồng Nai kiếm mảnh đất nhỏ ở một huyện miền núi dựng túp lều để trồng sắn, nuôi gà lợn sống qua ngày mà vẫn  suốt cuộc đời đam mê với con chữ… v.v… Đó là tất cả những nhân vật mà Vũ Từ Trang đã có dịp gần gũi, thân quen. Dù viết về ai ta đều nhận thấy tác giả đã biểu hiện sự trân trọng, kính phục của mình trước họ. Anh đưa ra được rất nhiều chi tiết đời sống và hầu hết đều ấn tượng. Tôi nhớ một chi tiết, vài dòng thôi nhưng ám ảnh, rõ ra được đầy đủ một nhân cách: Đó là chi tiết về Tuân Nguyễn. Một hôm đi nhận sách báo về cho vợ bán nhưng mắt kém, trên đường chẳng may xe đạp của nhà thơ tông vào một xe tải bên đường. Dù rất đau đớn nhưng Tuân Nguyễn vẫn cố đứng lên bước đến bên người lái xe tải ấp úng nói lời xin lỗi. Động thái xin lỗi của Tuân Nguyễn làm chính người lái xe tải lúng túng. Xót thay, ngay đêm ấy Tuân Nguyễn qua đời. Cú va đập tưởng đơn giản nhưng đã làm anh bị chấn thương sọ não.

Những sự kiện, sự việc hay chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt đời thường của nhân vật khi đã được Vũ Từ Trang viết ra thì tất cả hoàn toàn trung thực, chính xác và mang ý thức cao của người viết. Vũ Từ Trang không suy diễn, bịa đặt hay khai thác tùy tiện tư liệu của người này người khác - điều không hiếm nhà văn, nhà báo ở ta cũng đã từng lỡ phạm phải. Vũ Từ Trang như chỉ  tìm đến với những điều tốt đẹp nhất ở mỗi người để khai thác. Anh viết từ tình yêu, từ sự cảm thông với từng cảnh ngộ. Ngoài những đánh giá công bằng về giá trị văn chương và tư cách nhân vật, anh không ngại tránh né trước những khúc mắc trong cuộc đời mỗi người, những khốn khó, tai ương và cái giá phải trả hình như quá đắt cho những trang viết máu thịt của họ. 

Với "Nhà văn độc hành độc bộ", Vũ Từ Trang giúp ta thấy ra có những người viết dám vượt qua số phận đầy nghiệt ngã chỉ với mục đích thể hiện khát vọng đam mê văn chương, như Nguyễn Ngọc Ly ngày ngày mưa nắng trên các con đường quanh thị xã Bắc Ninh đạp xích lô kiếm sống để rồi đêm đêm vẫn miệt mài chong đèn làm thơ. Như Lương Vĩnh, một người từng là thợ móc cống, thợ đổ thùng vệ sinh… ở dưới đáy tận cùng cuộc đời như thế nhưng vẫn không hề lơi lỏng với từng con chữ. Mới đây, người thợ khốn khó tưởng mãi mãi khuất lấp ấy đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hoàn toàn bằng tài năng, lao động của chính mình. Rồi Vũ Từ Trang viết về cuộc sống hôm nay của nhà thơ Phương Thúy, người đàn bà một thời nhan sắc, sinh ra trong một gia đình "danh gia vọng tộc", con gái của cụ Hoài Chân, đồng tác giả "Thi nhân Việt Nam", người từng là vợ một giáo sư vật lí hàng đầu của đất nước, sau đó là vợ của một nhà thơ có số phận đầy nghiệt ngã (Tuân Nguyễn). Bà nổi danh từ những năm 60 của thế kỉ trước, tác giả của "Người con gái sông La" những năm chống Mỹ, nhưng số phận trớ trêu, cuối đời không nơi nương tựa, phải cậy nhờ người này, người khác để được vào trại an dưỡng. Khi mới vào, chung quanh coi Phương Thúy là một bà lão lẩm cẩm như tất cả những người cùng đường phải tìm đến đây, nhưng sau khi được đọc bài Vũ Từ Trang viết về bà thì mọi người trong trại mới vỡ lẽ và đã nhìn và ứng xử với bà bằng một thái độ hoàn toàn khác.

Với những nhân vật tên tuổi hay người còn lẫm chẫm trên con đường văn học, khi đã đặt bút viết, Vũ Từ Trang đều ý thức về họ với những tình cảm trân trọng, yêu thương, cảm thông. Khi đọc Vũ Từ Trang, cảm giác anh không chỉ viết với tư cách một nhà văn mà như viết từ chính cảnh ngộ người trong cuộc. Anh luôn thấm thía với từng số phận không mấy may mắn của những người đam mê dám sống chết với văn chương mà không chút vụ lợi, toan tính hơn thiệt. Cũng qua đó ít nhiều Vũ Từ Trang đã bộc bạch nói lên cảm nghĩ của chính mình. Ví dụ những dòng mở đầu về Tuân Nguyễn trong bài "Phận mỏng cánh cò": "Tôi biết anh khi anh vừa đi cải tạo về. Tôi không quan tâm lắm vì lí do gì anh phải đi cải tạo. Chỉ biết chắc chắn là không phải côn đồ trộm cướp, mà loáng thoáng nghe anh có dính líu một chút về quan điểm nhận thức gì đó. Nó là dấu tích của xã hội giáo điều và ấu trĩ một thời". Hay trong bài "Thím Phụng", ở đoạn kết anh viết: "Văn chương là gì ư? Nó là chỗ tiến thân để kiếm danh, kiếm lợi? Nếu nghĩ thế, thì nó chỉ là trò phù phiếm. Mà ở đời đã khối kẻ theo lối phù phiếm đó. Với Phụng, tôi thấy như xa lạ những điều đó. Phụng viết thơ để tự an ủi riêng mình. Những con chữ giản dị lan tỏa nỗi niềm của một kiếp người".

Đọc "Nhà văn độc hành độc bộ", người đọc có thể dễ dàng hiểu thêm về tác giả qua những suy nghĩ, tâm sự như vậy.

Vũ Từ Trang là nhà thơ. "Nhà văn độc hành độc bộ" không chỉ là tập sách chân dung văn học chân thực, xúc động mà còn là một tác phẩm hấp dẫn vì được tác giả viết bằng một thứ văn xuôi đậm chất thơ

Huy Thắng
.
.