Thẳng thắn đối diện với dân

Thứ Năm, 10/03/2016, 08:54
Cuối cùng, nút thắt cho những khiếu nại của ngư dân Sầm Sơn đã được gỡ bỏ trong buổi gặp mặt kéo dài một buổi sáng (ngày 7/3/2016) giữa Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hoá - ông Trịnh Văn Chiến - với đồng bào trong địa phương của mình. Buổi gặp gỡ, đối thoại đó tràn ngập những câu hỏi của dân, những câu trả lời rốt ráo của Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến; tràn ngập tiếng vỗ tay mỗi khi người dân nhận được những thông tin thỏa đáng và đặc biệt là lời nhận lỗi chân thành của lãnh đạo tỉnh trước đông đảo bà con. 


Sự việc ở điểm “nóng” đã được giải nhiệt đúng chỗ, đúng lúc và nó để lại một bài học đáng nhớ. Đó là dân chỉ cần có thế, cần một người lãnh đạo trực tiếp và thẳng thắn đối diện với mình khi trong lòng dân mang nặng nhiều bức xúc, đặc biệt là những bức xúc gắn liền với đời sống, mưu sinh.

Nhưng qua cuộc gặp gỡ giữa Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến với ngư dân Sầm Sơn, chúng ta cũng nhận được từ đó một câu hỏi rất lớn. Đó là tại sao sau 10 ngày sự việc diễn ra, ồn ào và có xu hướng xấu đi, lãnh đạo địa phương mới đối thoại với dân? Tại sao cuộc gặp gỡ ấy không diễn ra sớm hơn, ở ngày 26/2/2016, ngày đầu tiên dân tề tựu lại trước UBND tỉnh để khiếu nại?

Nếu đã có một cuộc gặp như thế ở vào ngày đó, tất cả những rắc rối, hệ lụy của 10 ngày vừa rồi đã không xảy ra và hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân sẽ đẹp hơn rất nhiều, được trân trọng, nâng niu hơn rất nhiều.

Người dân Sầm Sơn nêu ý kiến tại cuộc đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa.

Mấy năm gần đây, nhiều lãnh đạo các cơ quan nhà nước đã công khai số điện thoại, đường dây nóng để bất kỳ khi nào dân có bức xúc, có thắc mắc, có nhu cầu cung cấp thông tin… là lập tức có thể liên lạc trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của địa phương, của ngành. Và dân đã liên lạc với lãnh đạo như thế, đang liên lạc như thế cũng như sẽ tiếp tục liên lạc như thế. Nhưng điều dân cần không chỉ là nhu cầu có thể cấp báo ngay lập tức mà còn phải là cả câu trả lời đúng lúc, thấu lý và đạt tình. Có làm như thế, lòng dân mới được yên. Lòng dân có yên, việc nước mới ổn. Dân có giàu thì nước mới phồn vinh, dân có thanh bình thì nước mới hùng mạnh.

10 ngày của lãnh đạo Thanh Hoá thực ra rất đáng qúy đối với rất nhiều lãnh đạo địa phương khác, ban ngành khác. Đó là 10 ngày của kinh nghiệm ứng xử với dân, kinh nghiệm đi sâu đi sát để hiểu tâm tư của quần chúng, kinh nghiệm xử trí những tình huống phát sinh sao cho hợp lòng người. 10 ngày ấy, dân mất bao nhiêu thành quả lao động? 10 ngày ấy, nhiều cán bộ phải mất công mất sức để giải quyết các hệ lụy xã hội. 10 ngày ấy, bao nhiêu uy tín của nhà nước đã bị ảnh hưởng một cách đáng tiếc. 10 ngày ấy, chính là 10 ngày để tất cả chúng ta phải nghĩ.

Nhưng suy cho cùng, thà có ngày thứ 10 ấy còn hơn không có ngày nào cả. Vẫn có những nơi, lãnh đạo im lặng và gần như vô hình trước nhân dân, trước những bức xúc liên quan trực diện đến sinh tồn của dân. Cái im lặng, cái vô hình ấy chính là sự vô tình của những người làm quản lý, những người lẽ ra phải là chỗ dựa cho dân chứ không phải là người quản trị đơn thuần. Mà khi đã làm việc nước với sự vô tình, hời hợt, thiếu trách nhiệm và lòng tự trọng, chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ chẳng còn gì ngoài hai chữ “phá hoại”.

Thanh Hoá đã cho chúng ta 10 ngày để nghĩ, để đau đáu trong lòng mình rằng nhiều khi, nhiều nơi, nhiều sự việc, dân không có đến 10 ngày để giữ được sự sinh tồn của mình. Thế thì lãnh đạo càng không thể rời xa dân khi dân cần; không thể mất quá nhiều thời gian để tính toán xem lúc nào gặp dân, đối thoại với dân thì phù hợp nhất. Có những lúc, cứu dân còn cấp kỳ hơn cứu hoả hoạn. Và nếu lãnh đạo để nước đến chân mới nhảy, sự ân hận nào đi chăng nữa thì cũng đều cũng quá muộn màng.

Ngày mai, những ngư dân Sầm Sơn lại tiếp tục ra biển như cha họ, ông họ, tổ tiên họ đã làm. Họ mang trong lòng sự yên tâm lớn hay không, điều đó còn phụ thuộc vào những gì mà Bí thư Trịnh Văn Chiến cam kết trong cuộc gặp gỡ có thành hiện thực. Nhưng chí ít, họ cũng có được chút an tâm ban đầu khi đã có lãnh đạo chịu lắng nghe những câu hỏi của họ, chịu trả lời họ, chịu nhận lỗi về mình.

Những tiếng vỗ tay trong hội trường mà dân dành cho ông Trịnh Văn Chiến đáng trân qúy lắm và chắc rằng, khi nghe những tiếng vỗ tay rền vang ấy, ông cũng ước gì mình gặp dân sớm hơn, để tiếng vỗ tay còn sảng khoái hơn nữa khi niềm tin giữa Tỉnh ủy và nhân dân được cấu thành rất bền chặt.

Hà Quang Minh
.
.