Hướng nghiệp cho con

Tạo cho con một môi trường phát triển tốt

Thứ Hai, 05/03/2012, 08:00
Tôi không đánh giá cao sự giáo dục của gia đình hơn ảnh hưởng của môi trường sống. Bố mẹ nên dành nỗ lực đẩy con vào "đường ray" của đời sống theo sự mong muốn của mình hơn là mơ "đội đá vá trời", uốn nắn con như nặn một hòn bột!  Dành sức tạo cho con mình một vùng "tiểu khí hậu" lành mạnh, rồi cứ thế nó sẽ sống khoẻ, sống đẹp!

- Thưa nhà thơ Vân Long, để có được thành công của các con ông hôm nay, nhất là với Nguyễn Xuân Phong, ông đã phải "dụng công" thế nào?

+ Vợ tôi sinh hai cậu con trai đều vào những năm tôi công tác ở Hải Phòng, xa nhà biền biệt. Phong là con thứ hai, khi Phong lên 4 tuổi tôi mới chuyển về công tác ở Hà Nội để gần con. Nhưng cũng chỉ là gần gũi con vào buổi tối, còn ban ngày tôi phải đi làm xa tận Hà Đông. Vợ chồng chúng tôi sống cùng với gia đình bố mẹ vợ tôi ở phố cổ Hà Nội, cùng với vợ chồng của 3 anh chị em ruột khác. Nhà nhiều người lớn, thành ra quan niệm việc dạy trẻ không phải lúc nào cũng thống nhất. Phố cổ thì như bạn biết, người dân làm nghề buôn bán là chính, một người bán hàng thì mấy người nhàn rỗi, bày trò cờ bạc. Có hôm tôi đi làm về thấy Phong đang cầm tiền trên tay, hỏi ai cho, Phong bảo mấy bác đánh cờ cho con. Thì ra mấy bác ngồi đánh cờ ăn tiền, thấy trẻ con thì sai đi lấy cái nọ, mua cái kia rồi cho tiền. Tôi hoảng quá, lựa lúc vắng người mà phân tích cho con hiểu về chuyện nhận tiền của người khác và chuyện tiêu tiền. Mỗi lần lấy nhuận bút (dạo đó tôi hay viết truyện cho thiếu nhi) tôi đều giảng giải cho Phong về việc bố đã viết truyện này thế nào và được người ta trả cho số tiền nhỏ này, nhưng bố rất vui vì câu chuyện bố viết ra có ích, được hàng ngàn bạn nhỏ tuổi đọc (sự khác nhau giữa đồng tiền do làm việc có ích và đồng tiền do chơi bời mà có). Và tôi cũng nhận ra vấn đề nan giải ở ngôi nhà chung cho mấy tiểu gia đình và môi trường phức tạp ở một phố buôn bán, dù có ở nhà suốt ngày cũng khó ngăn nổi ảnh hưởng xấu tới tính tình và học tập của con mình! Phải thay đổi môi trường sống cho các cháu…

Phải đến dăm năm tôi mới chuyển được về Báo Độc Lập, rồi cũng là dịp may, tôi và đồng nghiệp, nhà văn Trần Huy Quang được phân căn gác 29m2 ở phố Bà Triệu. Chúng tôi ngăn đôi ra bằng cót ép, mỗi bên 4 nhân khẩu, chỉ thế thôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi! Chuyển về nơi ở mới, tôi yên tâm hơn vì môi trường xung quanh khá đông các nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ. Phong có thiên hướng học giỏi toán từ khi còn nhỏ. Tôi tìm những lớp học thêm cho con. Để luyện thi vào lớp 5 chuyên toán trường Trưng Vương từ một trường bình thường, hai bố con tìm những bài toán hóc búa ở các hiệu sách. Mùa hè năm ấy, hai bố con tôi nằm soài ra nền gạch hoa mà cùng giải toán với nhau, phân tích cái khó, cái hay của từng bài… Cũng như việc tạo ra môi trường mới trong sinh hoạt, môi trường mới của học tập, sự ganh đua, "học thày không tày học bạn" cùng với những thày giỏi thực sự sẽ là ngọn gió lớn dìu ngọn gió nhỏ Phong nhà mình lên những đỉnh cao, tôi nghĩ vậy! 

- Sau này, trước những quyết định lớn của con trai trong việc chọn trường, chọn nghề để học, ông có "can thiệp" gì không?

+ Lên cấp 3 Phong không thi vào lớp chuyên Toán mà thi vào lớp chuyên Lý trường chuyên Hà Nội -Amsterdam. Vợ chồng chúng tôi để Phong tự quyết định. Trong hai năm liền: lớp 11 và lớp 12, Phong đều giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi lý toàn quốc. Hồi đó, có một chuyện vui là trong khoảng dăm năm liền có 3 người con của ba nhà thơ đều giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc 3 môn tự nhiên toán -lý - hóa. Con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương giành giải nhất toán toàn quốc. Con trai nhà thơ Ý Nhi thì giành giải nhất hóa, còn con trai tôi thì giải nhất lý. Khi thi đại học, Phong đủ điểm để chọn khoa và chọn đất nước mình thích. Phong chọn đi Nga, trong khi một vài bạn bè của Phong lại chọn đi Đức và đi Tiệp. Hồi đó các du học sinh thích đến Đức và Tiệp vì nghe nói đó là mấy nước có mức sống cao và cũng dễ kiếm tiền gửi về cho gia đình. Khi Phong nói chọn nước Nga thì bố mẹ có nghĩ đến điều trên nhưng với tâm lý: con nó đã học giỏi đạt được mức ấy thì phải để cho nó được hưởng trọn vẹn niềm vui như ý nó. Và vợ chồng tôi không hề bàn lại một lời về định hướng du học của con. Sau 8 năm ở xứ sở Bạch Dương, Phong về nước với tấm bằng thạc sĩ điện tự động hóa. Hóa ra ở Nga, Phong thấy ngành học ban đầu mình chọn không phù hợp với thực tế trong nước, nên đã tự quyết định chuyển sang học ngành khác, chấp nhận mất 2 năm học.

- Giờ đây con trai ông đã trở thành một nhà quản lý trong ngành Giáo dục. Nhìn lại những thành công của con hôm nay, ông nghĩ mình đã có những nguyên tắc gì hợp lý trong việc dạy con từ tấm bé?

+ Gia đình chúng tôi muốn có một định hướng mở với các con, để các con phát triển tự do về mặt cá tính. Tự do trong một khuôn khổ lớn để các con cũng phải tự chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình, đồng thời phát huy được hết sở trường của mình. Không phải lúc nào sự nghiêm khắc cũng có ích. Biết lơ đi những thiếu sót nhỏ để con cái tự nhận ra có khi còn "được việc" hơn những lời giáo huấn… 

- Thế còn môi trường giáo dục của gia đình thì sao, ông có thể chia sẻ gì về điều này, từ kinh nghiệm thực tế trong việc nuôi dạy con của mình?

+ Tôi không đánh giá cao sự giáo dục của gia đình hơn ảnh hưởng của môi trường sống. Bố mẹ nên dành nỗ lực đẩy con vào "đường ray" của đời sống theo sự mong muốn của mình hơn là mơ "đội đá vá trời", uốn nắn con như nặn một hòn bột!  Dành sức tạo cho con mình một vùng "tiểu khí hậu" lành mạnh, rồi cứ thế nó sẽ sống khoẻ, sống đẹp! 

Vâng, tôi cho rằng môi trường nói chung, không chỉ là môi trường gia đình đâu, là rất quan trọng với sự phát triển của một đứa trẻ. Nếu đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bố mẹ sống lương thiện, nền nếp, yêu sách, trọng văn hóa thì nó sẽ tốt hơn nhiều những lời giáo huấn nghiêm khắc. Ngoài ra là môi trường xung quanh… như trên tôi đã kể. Tôi không được gần gũi con trong những năm đầu đời của cháu vì điều kiện chiến tranh, công tác. Nhưng rất may là trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện nhân cách của con, tôi đã luôn có mặt bên con, tìm cách "nâng cấp môi trường sống", và nhắc nhở con kịp thời khi thấy những dấu hiệu đáng ngại. 

- Xin cảm ơn nhà thơ Vân Long

Thành Duy (thực hiện)
.
.