Chủ đề biển đảo và trách nhiệm của người cầm bút

Tâm thức biển

Thứ Ba, 21/06/2011, 10:59
Đất nước ta có 3.260km đường bờ biển và hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ. Những con số về địa lý này cũng đã phần nào lý giải về tâm - thức - biển trong mỗi người làm công tác sáng tạo văn học nghệ thuật...

Trong đời người cầm bút, dường như ai cũng ít nhất một lần viết về biển cả. Biển đã nuôi nấng tâm hồn của biết bao thế hệ văn nghệ sĩ. Viết về biển cũng chính là viết về những sâu thẳm của cõi người, của cuộc đời. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến động của lịch sử dân tộc, biển còn là nhân chứng của những đau thương, mất mát và hạnh phúc. Đã có bao người dân Việt Nam ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhạc sĩ Hồng Đăng, trong ca khúc “Biển hát chiều nay” đã viết: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”. Đó dường như là những lời khái quát nhất về tình yêu biển cả trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Biển chưa bao giờ vơi cạn trong cảm hứng của người làm nghệ thuật. Trong các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh…ta đều có thể gọi tên những tác phẩm xuất sắc về chủ đề biển đảo.

Chúng ta đang sống trong những ngày mà mỗi người dân Việt Nam đều dõi nhìn về Trường Sa, vùng biển đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong tâm - thức - biển của người sáng tạo, Trường Sa luôn luôn là một chủ đề lớn, bởi nơi đây đã thấm máu biết bao đồng bào, chiến sĩ, những người đã thầm lặng hy sinh vì sự bình yên của biển. Với mỗi người sáng tạo thì ngòi bút không chỉ thể hiện tình yêu dành cho văn học nghệ thuật, mà còn là vũ khí để họ thể hiện tinh thần công dân của mình trong cuộc chiến đấu vì lòng tự hào, tự tôn dân tộc

Thy Đoan
.
.