Sự phát tâm có cần phô trương?

Thứ Năm, 23/05/2013, 08:00

Khu du lịch Đại Nam tại tỉnh Bình Dương nổi tiếng về qui mô hoành tráng trên diện tích tổng thể lên đến 46 ha. Thế nhưng, du khách khi đến Đại Nam không hẳn ai cũng hài lòng. Vị trí đẹp nhất trong khuôn viên khu du lịch này được dành để xây Đại Nam Quốc Tự. Tuy nhiên, trong chùa lại thờ gia tộc của… ông chủ khu du lịch chung với những bậc thần thánh và những bậc vĩ nhân khác. Ai muốn thắp nén nhang để tỏ chút lòng thành kính, thì phải khấn vái cho cả những linh vị xa lạ với thế giới tâm linh của mình, khiến nhiều người phản ứng gay gắt

Cứ ngỡ cách bố trí thờ tự nhập nhèm của Đại Nam Quốc Tự sẽ làm bài học để rút kinh nghiệm ứng xử với chốn linh thiêng, không ngờ những hành vi khoa trương cá nhân vẫn tái diễn. Đầu tháng 4/2013, chánh điện chùa Giồng Lớn tọa lạc tại xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh được khánh thành sau một thời gian trùng tu. Phật tử khắp nơi đổ về để chiêm bái đã một phen sửng sốt khi chứng kiến ngôi chùa cổ trên 300 năm tuổi ấy không chỉ được (hay… bị?) mạ vàng lấp lánh, mà phía trên cổng chùa và nhà tăng đều có ghi dòng chữ cho biết, gia đình một đại gia đã bỏ tiền xây dựng vào năm 2007.

Đành rằng, gia đình đại gia nọ có lòng bỏ công bỏ sức để sửa chữa và tôn tạo chùa chiền, nhưng cách ghi nhận công đức như vậy có thực sự ổn không? Dư luận còn phát hiện thêm ngôi chùa cổ Vàm Ray với hàng trăm năm tuổi nằm trên địa phận xã Hàm Tân, huyện Trà Cú và chùa Ba Sát ở xã Đôn Châu, huyện Trà Cú cũng có chạm nổi tên tuổi, hình ảnh của dòng họ đại gia nọ xung quanh chánh điện giống như chùa Giồng Lớn. Nhà sư chủ trì một trong các ngôi chùa trên giải thích hiện tượng hơi kỳ dị bằng thái độ mềm mỏng: "Nhiều phật tử cũng than phiền, nhưng thí chủ cúng dường quá lớn nên không dám nói, sợ thí chủ buồn lòng"!

Theo ngôn ngữ Phật giáo, những việc làm tích phúc được gọi là phát tâm. Bất cứ biểu hiện phát tâm nào cũng đáng trân trọng, nhưng biểu hiện đích thực của phát tâm thường giản dị và khiêm nhường. Nếu biểu hiện phát tâm được mang ra phô diễn chốn trang nghiêm thì còn gì ý nghĩa của nẻo về thiện duyên? Sự phát tâm đâu phải một cuộc bán mua danh vọng mà phơi bày dấu tích người cúng dường một cách tràn lan và ngạo nghễ như vậy?

Họ muốn được xưng tụng tiếng tăm ư? Không thể, vì Đức Phật dạy rằng "danh tiếng và tôn quý đến từ sự chân tài thực học, có đức tự nhiên thơm". Họ muốn được chạm đến một miền cao vời ư? Cũng không thể, vì Đức Phật cũng dạy rằng "bạn hi vọng nắm được sự vĩnh hằng thì bạn cần phải khống chế hiện tại"

Gia Quan
.
.