Sự lệ thuộc thời hiện đại

Thứ Hai, 25/05/2015, 08:00
Thời gian gần đây, có một câu chuyện xôn xao dư luận và cũng tạo ra nhiều chiều quan điểm trong công chúng. Đó là nỗi khổ của những người nông dân trồng dưa ở miền Trung khi phải đối diện nguy cơ dưa phải bỏ phí vì không tiêu thụ được. 

Không nói đến nguyên nhân, cũng chưa vội nói đến hệ qủa sau này mà chỉ nói đến việc có những cá nhân, tổ chức tự nguyện phát động phong trào tiêu thụ dưa giúp cho nông dân thôi. Đó là hành động mà điều đọng lại duy nhất là cái tình nhưng nó cũng để lại hàng trăm câu hỏi dễ hỏi mà khó trả lời về chuyện những sản phẩm nông nghiệp khác rồi cũng sẽ đứng trước nguy cơ tương tự thì sao?

Câu hỏi ấy, xin đừng vội quy chụp cho người hỏi là không có tính xây dựng, thiếu trắc ẩn, không nhân văn mà hãy lật mặt ẩn giấu phía sau nó. Lúc ấy, hẳn ta sẽ nhìn ra những nguy cơ còn nguy hiểm hơn, lớn lao hơn và lâu dài hơn.

Tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, không thể lệ thuộc vào cái “tình” của cộng đồng.

Đối lập với câu chuyện nông sản rất khó tiêu thụ kia là một câu chuyện cũng đủ để ta phải suy nghĩ: Đó là trong một điều tra thị trường mới nhất của Asia Briefing, trong số 50 chiếc xe Mercedes-Mayback S600 dự kiến sản xuất cho thị trường toàn cầu năm 2015, có 10 chiếc đã được đặt cọc mua để đưa về Việt nam.

Vâng, 50 chiếc xe siêu sang cho năm 2015 đồng nghĩa với hàm ý đó là một phiên bản hạn chế (limited edition), ít ra là hạn chế cho 1 năm, cho thị trường toàn cầu. Thế mà một nước chậm phát triển như Việt Nam, với đánh giá gần nhất là năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất đã bắt đầu bị Lào và Campuchia vượt mặt, lại có những 10 người đủ tài lực để mua về trong hoàn cảnh siêu xe tại các đô thị lớn của chúng ta đã bắt đầu nhiều như ruồi. Không ít lần, trên phố Hà Nội hay Sài Gòn, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh du khách phương Tây trầm trồ khi nhìn thấy một chiếc Lamborghini hay Ferrarri hiện đại nhất. Họ trầm trồ vì bản thân họ không nghĩ ở một nước nghèo như Việt Nam mà lại có nhiều siêu xe đến vậy. Họ mặc định nghĩ rằng thứ ấy ở Việt Nam phải là siêu hiếm ở cấp độ cao.

Thêm một ví dụ nữa, ngắn gọn thôi, AC Nielsen đã đánh giá thị trường Việt Nam nghiện đồ hiệu thứ 3 thế giới, chỉ thua Ấn độ và Trung Quốc mà thôi. Chuyện đó bản thân chúng ta cũng dễ nhận thấy bởi việc bắt gặp một sản phẩm Hermes, Dior… mỗi ngày chúng ta ra phố là chuyện bình thường. Dự đoán của nhiều đơn vị phân tích thị trường cũng cho thấy, vào năm 2017, sức tiêu thụ hàng may mặc thời trang của thị trường Việt Nam sẽ lên tới con số trên 4 tỷ đô.

Nông sản không bán được; sản phẩm mũi nhọn thực sự của nền kinh tế vẫn không được xác định (vì không có); năng lực sản xuất và cạnh tranh đi xuống rõ rệt nhưng rõ ràng vẫn có một bộ phận người Việt siêu giàu. Điều lạ lùng là khác với các nước văn minh khác, khi nhắc tới một người giàu cự phú, đa số dân chúng biết người ấy giàu vì kinh doanh cái gì, sản phẩm nào, thương hiệu nào. Còn ở Việt nam ta thì khác. Chúng ta đang tạo ra một xứ sở toàn những người giàu bí ẩn.

Trong những năm gần đây, nhiều học giả đã bắt đầu cảnh báo về sự khác biệt giữa khái niệm quốc gia và khái niệm đế chế. Theo họ, quốc gia đã ngày càng chỉ giới hạn mình trong ý nghĩa của hành chính còn đế chế thì đã bắt đầu mở rộng khái niệm sang lĩnh vực kinh tế, thị trường và cạnh tranh. Quốc gia thì sẽ có đường biên thể lý còn đế chế là một khái niệm không còn đường biên, không có thủ phủ, không cả những sự tác động dân chủ đúng nghĩa. Đó chính là các đế chế được tạo ra bởi những người cầm nắm sinh mệnh kinh tế, tài chính toàn cầu mà chỉ cần một quyết định của họ, nhiều quốc gia sẽ phải lao đao.

Đế chế cũng có luật riêng của nó, thứ luật vượt qua cả các hiến pháp và thách thức các hiến pháp. Đơn cử như Apple. Họ không chỉ còn là một hãng, một thương hiệu, một nhà phát triển công nghệ mà họ là đế chế, với những luật lệ riêng mà người dùng buộc phải tuân thủ tuyệt đối, tuân thủ còn hơn cả ý thức chấp hành pháp luật tại quốc gia mà người dùng ấy đang mang quốc tịch. Đế chế Apple cũng không có đường biên, khi nó có thể trải rộng từ nước Mỹ sang tận Đông Á xa xôi và thậm chí thâm nhập cả những nơi mà người Mỹ không được phép bước chân tới (như trong lòng IS chẳng hạn).

Tương tự, Hermes, Dior, Louis Vuitton, Mayback, Lamborghini… cũng là những đế chế riêng với mức độ phủ sóng toàn cầu riêng. Những đế chế ấy đang áp đặt mạnh mẽ lên các vùng tiêu thụ một sự lệ thuộc tuyệt đối và chính chúng ta hôm nay đang là một vùng tiêu thụ cuồng si đến mức lệ thuộc tuyệt đối như thế.

Đó chính là vấn đề của Việt Nam ngày hôm nay, vấn đề có thể sẽ còn kéo dài hàng chục năm sau nữa và nó đòi hỏi những nỗ lực toàn diện của cả một dân tộc nếu muốn thoát khỏi cảnh lệ thuộc tuyệt đối. Và e rằng, nó sẽ còn kéo dài lâu hơn nữa nếu như lực lượng được coi là ưu tú của dân tộc, tức là lực lượng trí thức, vẫn chỉ đắm mình trong phê phán lý tính bằng lý thuyết suông sáo rỗng thay vì tìm cách tạo ra giá trị.

Còn giá trị là gì ư? Lực lượng trí thức ấy phải tự hiểu lấy. Và họ cũng cần nhớ lấy rằng "nông sản không tiêu thụ được; không có sản phẩm mũi nhọn; năng lực cạnh tranh kém" có một phần rất lớn do chính sự trì trệ, ưa tầm chương trích cú để tranh luận thay vì hoạt động sáng tạo của lực lượng trí thức mà ra.

Hà Quang Minh
.
.