Sản xuất phim Việt Nam:

"Sự chuyên nghiệp sẽ giúp chúng ta có sản phẩm điện ảnh chất lượng"

Thứ Ba, 08/08/2006, 08:00
Đó là nhận xét của diễn viên, nghệ sĩ kịch nói Trung Hiếu. Là “dân” sân khấu nhưng Trung Hiếu để lại nhiều ấn tượng với khán giả yêu điện ảnh. Ngoài 30 tuổi với hơn 10 năm trong nghề, Trung Hiếu đã có một gia tài vai diễn kha khá mà bất cứ một diễn viên nào trẻ nào cũng phải mơ ước.

Đó là hơn chục bộ phim nhựa, gần năm mươi phim truyền hình và rất nhiều vở diễn sân khấu. Điều đáng nói là ở lĩnh vực sân khấu hay điện ảnh, các đạo diễn đều tin tưởng giao vai chính cho anh. Và Trung Hiếu đã không làm cho các đạo diễn thất vọng.

Với các vai diễn trong phim “Hoa ban đỏ”, “Giải hạn”, “Cây bạch đàn vô danh”, “Lời sám hối muộn màng”... hay vở kịch:  “Lời nguyền kẻ mơ”, “Vòng đời”, “Cát bụi”... đã mang lại cho anh nhiều giải nghệ thuật. Nhưng đáng quý hơn, đó là sự yêu mến của các khán giả. Anh vào vai rất đa dạng: có thể là một anh nông dân hiền lành, chất phác, một sinh viên trong sáng, nhưng cũng có thể là một tay nhà giàu thâm hiểm độc ác, một tướng cướp khét tiếng tàn bạo...

Đam mê nghệ thuật tới mãnh liệt, hết tập vở cho sân khấu tới đóng phim, trong những phút nghỉ ngơi hiếm hoi, Trung Hiếu hồ hởi chia sẻ với VNCA những trăn trở  về nghề diễn của mình.

Tôi tốt nghiệp khoa Diễn viên Điện ảnh - Sân khấu, dù ăn lương “biên chế” của ngành sân khấu nhưng từ khi còn là sinh viên, tôi đã tham gia đóng khá nhiều bộ phim. Lâu nay, tôi cho rằng Điện ảnh của chúng ta chưa có phim hay vì chưa chuyên nghiệp từ người sáng tác, người duyệt, đến diễn viên...

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chúng ta chưa có một cơ chế làm việc rõ ràng, chúng ta vẫn làm việc theo những quy định bất thành văn, vì vậy rất mơ hồ, người nghệ sĩ không biết mình đang ở đâu. Ở nước ngoài, với từng thể loại phim như hành động, tâm lý, viễn tưởng,... họ có những quy định riêng, rất cụ thể, vì thế rất dễ cho người làm nghề.

Tôi ủng hộ việc xã hội hóa trong hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là ở lĩnh vực Điện ảnh. Chỉ có xã hội hóa, người làm nghệ thuật mới phát huy được hết nội lực của mình. Những người có tài thật sự sẽ tồn tại và sống thoải mái với tài năng của mình. Còn những người không có tài thì nên đi làm việc khác, nghệ thuật không thể lửng lơ, bàng bạc được.

Sự cạnh tranh, sự chuyên nghiệp sẽ khiến chúng ta có sản phẩm điện ảnh chất lượng ngay từ khâu kịch bản, tới đạo diễn và tất nhiên, diễn viên cũng phải nghiêm túc hơn. Tôi cho rằng việc xã hội hóa nghệ thuật ở phía Bắc vẫn còn manh mún. Trong miền Nam thì xu hướng này đã rõ hơn rất nhiều. Mỗi lần đi diễn tại các tỉnh phía Nam, tiếp xúc với các đồng nghiệp trong đó, đôi khi tôi rất thèm có được không khí làm việc như ở trong ấy, ngay cả ngày thứ 2 đầu tuần mà lịch diễn cũng kín đặc. Các diễn viên trong đó sống đàng hoàng và đầy đủ bằng lao động ngệ thuật của mình.

Là một diễn viên, tôi không quan trọng đóng phim cho hãng phim của Nhà nước hay tư nhân, mà quan trọng là kịch bản đó có hợp với mình không, êkíp làm phim chuyên nghiệp với sự tôn trọng khán giả. Trong cơ chế thị trường hiện nay, tôi không phản đối việc nghệ sĩ chạy sô. Thực tế cuộc sống của nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ miền Bắc quá khó khăn: lương thấp, cátsê bèo bọt…

Trong khi cả xã hội lao vào cuộc mưu sinh, không lẽ nghệ sĩ phải đứng ngoài guồng quay ấy? Họ cũng phải sống chứ! Tất nhiên, người nghệ sĩ phải biết tự điều chỉnh, nghĩa là chạy sô nhưng phải giữ cái tâm với nghề, phải có trách nhiệm với lương tâm, nghề nghiệp của mình. Người diễn viên phải biết giữ cái “mặt mình” sao cho mỗi lần xuất hiện trước khán giả là một lần mang đến cái mới chứ không phải nhìn thấy tên, khán giả đã chán rồi. Và ai không giữ được điều ấy, tất sẽ bị nghệ thuật đào thải. Đó cũng là câu trả lời của tôi trước khá nhiều thắc mắc của mọi người: sao dạo này hay đóng vai “dữ” thế vì từ trước đến nay tôi thường đóng những vai hiền lành, chất phác?

Ban đầu chỉ là sự thử nghiệm nhưng rất may mắn tôi được các khán giả ủng hộ. Các vai diễn phản diện của tôi bị mọi người “ghét cay, ghét đắng”. Thế là tôi thành công rồi! Từ khi bước vào nghề cho đến nay, thú thực tôi chưa khi nào thấy mệt mỏi. Lúc nào cũng say mê được diễn, được đóng phim. Tôi hy vọng rằng, thời gian tới, cùng với sự điều chỉnh mới trong công tác quản lý điện ảnh, giới nghệ sĩ chúng tôi sẽ có thêm động lực để yêu nghề

Khánh Thảo
.
.