Điện ảnh Việt và trào lưu phần kế tiếp:

Sự chắp nối vụng về

Thứ Hai, 23/02/2015, 08:00
"Để Hội tính 2", phần tiếp theo của "Để Mai tính" (Đạo diễn Charlie Nguyễn, sản xuất năm 2010) đang "làm mưa làm gió" các phòng chiếu trong thời gian gần đây. Chỉ trong thời gian ngắn, "Để Hội tính 2" đã trở thành bộ phim có mức doanh thu kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Việt…

Doanh thu cao gấp nhiều lần so với phần 1 nhưng "Để Hội tính 2" đang bị chê "tơi tả" trên nhiều phương diện truyền thông. Không chỉ có "Để Hội tính", những bộ phim dán mác "phần 2" trong làng điện ảnh Việt khi tái ngộ khán giả đều rơi vào tình trạng tương tự...

Doanh thu tăng, chất lượng nghệ thuật giảm

Điều này thấy rất rõ trong "Để Mai tính 2" ra rạp hồi tháng 12/2014. Chỉ đúng sau một tuần công chiếu, "Để Mai tính 2" đã cán đích doanh thu "khủng" là hơn 42 tỷ đồng và sau đó trở thành "hiện tượng" phá vỡ kỷ lục phòng vé những năm gần đây. Mặc dù đánh giá về mặt doanh thu phòng vé, "Để Mai tính 2" đã vượt khá xa "Để Mai tính" nhưng về chất lượng nghệ thuật, "Để Mai tính 2" chỉ là bộ phim ăn theo chứ không phải phần tiếp theo của "Để Mai tính". Thậm chí, có người còn xếp "Để Mai tính 2" vào "dòng" phim "thảm họa".

Trong thời lượng 90 phút của bộ phim, khán giả được "chọc cười" liên tục với nhiều thể loại khác nhau. Một số chi tiết trong phim bị đánh giá là "lệch" so với mạch phim, "lố" như chi tiết nhân vật Hội được khuyên rằng, muốn từ bỏ người yêu của mình chỉ có cách là phải "ngửi nách" người đó. Trên nhiều diễn đàn, "Để Mai tính 2" đã "châm ngòi" cho cuộc tranh luận chưa có hồi kết về hình ảnh người đồng tính. Đa số ý kiến cho rằng, "hình ảnh người đồng tính "méo mó", "giả tạo" qua nhân vật Hội và nhà sản xuất đã lợi dụng hình ảnh người chuyển giới để tạo tiếng cười phản cảm trên phim.

Poster phim "Để Mai tính 2" - bộ phim bị đánh giá là "kém duyên" so với phần 1.

Đạo diễn Việt kiều Victor Vũ là cái tên đảm bảo cho nhiều phim khá của điện ảnh Việt. Anh này cũng đã có ít nhất hai phim trong "seri" phần tiếp theo là "Cô dâu đại chiến" và "Scandal - Bí mật thảm đỏ". "Scandal - Bí mật thảm đỏ" được phát hành năm 2012 và "phiên bản" mới mang tên "Scandal - Hào quang trở lại" ra rạp hồi tháng 8/2014. Nếu "Scandal - Bí mật thảm đỏ" được đánh giá cao về cách khai thác, thể hiện bức tranh showbiz đầy hào nhoáng phía sau ánh đèn sân khấu thì "Scandal - Hào quang trở lại" chưa thực sự tạo được sự bứt phá mạnh mẽ ở cùng đề tài.

Thực chất, "Scandal 2" chẳng mấy liên quan đến "Scandal 1" khi dàn diễn viên được thay đổi toàn bộ và chủ đề phim vẫn xoay quanh giấc mộng của những nữ diễn viên xinh đẹp.

Sau thành công của "Cô dâu đại chiến" phát hành năm 2011, Victor Vũ tiếp tục thực hiện "Cô dâu đại chiến 2" vào đầu năm 2014. Mặc dù đạt doanh thu khá cao nhưng phim vẫn bị chỉ trích về phần biên kịch và dàn dựng. Tình tiết gây cười ngô nghê và những lỗ hổng trong diễn biến phim khiến nhiều khán giả thất vọng.

Ở "Cô dâu đại chiến 2", cặp đôi nam nữ chính Huy Khánh, Ngọc Diệp ở phần đầu được thay thế bằng Bình Minh và Lan Phương. Trong phần mới, nhân vật gã đàn ông hào hoa, đa tình do Bình Minh thủ vai bị nhóm những cô gái từng thất bại trong tình yêu mang tên "quả phụ áo đen" vạch trần bộ mặt thật.

"Cô dâu đại chiến 2" bị đánh giá là thua xa phần trước của nó. Kịch bản phim thiếu logic, tình huống phim thiếu sự dí dỏm, cách xây dựng nhân vật nữ trong nhóm "quả phụ áo đen" nhạt nhẽo. Họ là những người phụ nữ mạnh mẽ, dám yêu, dám hận nhưng lại được khắc họa một cách mờ nhạt, thiếu logic. Cái kết của phim tạo bất ngờ nhưng lại rất khiên cưỡng.

Mới chỉ là phim "ăn theo"…

Làm phim phần 2 là xu hướng làm chung của những bộ phim khi thành công ở phần đầu ra mắt. Nhiều bộ phim đình đám của Hollywood như "Điệp viên 007", "Step up", "X-Men", "Twilight", "Harry Poter"… đều có phần kế tiếp và phần sau của những bộ phim này luôn được đón nhận nồng nhiệt. Sự ra đời của phần kế tiếp đã góp phần tạo nên thành công chung của seri phim, gây ấn tượng sâu sắc với công chúng. Có thể thấy rằng, thuận lợi của làm phim phần tiếp theo là đã có "nền tảng" và sức hút từ phần 1

Xu hướng làm phim phần 2 ở Việt Nam chưa trở thành trào lưu mạnh mẽ và rõ ràng. Điểm chung của những bộ phim này là đều có phần trước thành công về mặt doanh thu và nhà sản xuất kể câu chuyện tiếp nối, đan xen giữa nhân vật cũ và mới trong phần 2 của phim.

Phim nhiều phần ở Việt Nam mới chỉ theo kiểu "anh em", tức là phim trước và phim sau "liên quan" đến nhau vì có chung đạo diễn, cốt truyện na ná như nhau, nhưng chưa thực sự là câu chuyện tiếp nối được phát triển từ phần trước. Phần sau chưa tiếp được "mạch" câu chuyện mà phần trước đã kể nên phải "hướng lái" sang câu chuyện khác, nhân vật khác. "Giải cứu thần chết" (phát hành năm 2009) phần tiếp theo sau của "Nụ hôn thần chết" (phát hành năm 2008) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một ví dụ rõ nét. Tương tự như vậy, trong "Gái nhảy 2", hay còn gọi là "Lọ lem hè phố" (đạo diễn Lê Hoàng), sự thay đổi của nhân vật Hoa (Mỹ Duyên đóng) và Hạnh (Minh Thư đóng) khiến khán giả... bàng hoàng vì không thể nhân ra nhân vật đã xuất hiện trong phần 1.

Tôi cho rằng, làm phim phần tiếp theo là một xu thế tất yếu và nên làm trong điện ảnh để nâng tầm tác phẩm và tạo ấn tượng sâu sắc đối với công chúng. Tuy nhiên, phần hai của phim phải là câu chuyện của chính nhân vật ở phần trước được phát triển lên với nhiều tình tiết và câu chuyện hấp dẫn. Sự tiếp nối và không ngừng phát triển mới lôi cuốn khán giả vào câu chuyện và cảm xúc của nhân vật. Điều này đòi hỏi tài năng, tâm huyết, sự sáng tạo của biên kịch và đạo diễn. Điện ảnh Việt hiện nay đang thiếu những tác phẩm xứng tầm như thế…

Tường Phạm
.
.