Sao lại "biên tập" quá khứ?

Thứ Hai, 13/08/2012, 08:00

Có một sự kiện rất đáng suy ngẫm vừa xảy ra trong làng báo chí, xuất bản thế giới tuần qua: Jonah Lehrer - nhà văn kiêm nhà báo nổi tiếng của tạp chí The New Yorker đã phải nộp đơn xin thôi việc vì những cáo buộc đã có hành vi bịa lời của huyền thoại âm nhạc Bob Dylan trong cuốn "Hãy tưởng tượng: Óc sáng tạo hoạt động ra sao?" ra mắt độc giả cách đây 5 tháng.

Đại diện NXB Houghton Miflin Harcourt, đơn vị phát hành cuốn sách thuộc dạng bán chạy nói trên cho biết: Trong sách, một số câu nói không có thật đã được tác giả Jonah Lehrer gán vào miệng Bob Dylan. Cụ thể, trên một cuốn phim, khi được hỏi ông nhận xét thế nào về những bài hát của mình, Bob Dylan đã trả lời: "Tôi chỉ đơn giản là viết chúng ra. Chẳng có thông điệp nào hết". Khán giả nghe rõ như thế. Vậy mà khi vào sách của Jonah Lehrer, câu nói ấy còn được nối thêm một câu "Đừng yêu cầu tôi giải thích". Ngoài ra, lời phát biểu của một số nhân vật khác trong cuốn sách cũng đã ít nhiều bị Jonah Lehrer chỉnh sửa.

Sau khi vụ việc vỡ lở, Jonah Lehrer đã ngay lập tức lên tiếng thừa nhận lỗi lầm của mình. Anh thành khẩn: "Tôi hiểu tính chất nghiêm trọng của sự việc. Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến những người đã bị tôi làm thất vọng, đặc biệt là các biên tập viên và các độc giả". Đồng thời với lời xin lỗi đó, Jonah Lehrer nộp đơn xin thôi việc. Hiện cuốn sách của Jonah Lehrer cũng đã bị ngưng phát hành.

Ở nhiều nước, việc những người làm báo chí, xuất bản bịa thêm đôi câu đôi chữ như vậy, dù chưa đến mức cháy nhà, chết người, song vẫn được xem là hành vi nghiêm trọng. Bản thân Jonah Lehrer, dù còn rất trẻ, cũng thừa nhận "tính chất nghiêm trọng của vụ việc". Vậy quay nhìn về tình hình báo chí xuất bản trong nước, liệu chúng ta đã thực sự nhận thức được rằng cách làm như Jonah Lehrer là nghiêm trọng khi soi vào những vụ việc tương tự chưa?

Phóng viên Jonah Lehrer vừa làm đơn xin thôi việc vì bị cáo buộc đã bịa lời cho  một số nhân vật trong cuốn sách của mình.

Trước đây, tôi từng có bài viết nêu hiện tượng: Khi dẫn lại ý kiến trả lời chất vấn của một số lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, mặc dù buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp, có thu vào clip và đưa lên mạng, vậy mà trên nhiều báo giấy, lời phát biểu của các vị vẫn mỗi nơi một khác, thậm chí còn… khác nhiều so với những gì được ghi lại trong clip. Và tôi đã đưa ra một nhận xét hài hước: Chẳng lẽ các máy ghi âm của phóng viên có độ dung sai lớn đến vậy?

Nói thì nói vậy chứ tôi biết, để xảy tình trạng trên có thể có mấy lý do: Một là do phóng viên làm việc ẩu tả, ghi chép theo kiểu "theo trí nhớ thì… đại ý là vậy". Hai là do người này cóp bài của người kia rồi sửa lại đôi chút cho… văn phong khác đi (nghe hãi không!). Ba là do họ muốn "lái" ý người phát biểu theo ý mình. Bốn là: Bài nộp lên bị sửa theo ý chủ quan của người biên tập, hoặc cao hơn: người duyệt.

Thiết nghĩ, trong khâu xử lý biên tập tại các cơ quan báo chí, xuất bản, có một số nguyên tắc cần phải quán triệt và xem đó là nguyên tắc bất di bất dịch: Đó là đối với ý kiến phát biểu của những nhân vật "người thật việc thật" (chưa cần nói những người có uy tín trong xã hội, lại phát biểu trong bối cảnh trang trọng như diễn đàn Quốc hội) thì nếu thấy hành văn chưa ổn, anh có thể nói tóm tắt những ý chính theo cách hành văn của mình, hoặc chọn trích những đoạn có tính đại diện chứ không được tùy tiện chỉnh sửa, bóp méo ý của người ta để cho vào ngoặc kép theo ý chủ quan của mình. Đặc biệt, với những bài viết của người đã khuất, vì không có điều kiện xin phép chỉnh sửa như đối với bài của người còn sống, người biên tập tuyệt đối không được động bút sửa chữa, dù chỉ một chữ. Không được lấy sự chủ quan của ngày hôm nay để sửa văn của người xưa. Bởi nếu ai cũng sửa như thế thì loạn mất, rốt cục bài văn biết là của ai? Nhân đây tôi cũng xin kể lại một chuyện tương đối bi hài xảy ra với anh bạn tôi cách đây ít lâu: Lần ấy, anh bạn tôi gửi cho tòa báo nọ bài bình bài thơ "Nắng mới" của thi sĩ Lưu Trọng Lư. Bài viết nhanh chóng được in ra. Chỉ có điều, trên tờ báo đó, tất cả những chữ "me tôi" trong bài thơ của thi sĩ họ Lưu (kiểu: "Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời", "Hình dáng me tôi chửa xóa mờ") đều bị in thành "mẹ tôi" hết. Thoạt đầu, anh bạn tôi còn tưởng do người đọc morat chữa ra như vậy, vì có thể họ tưởng tác giả đánh máy sai, chữ bị thiếu dấu. Tuy nhiên hỏi ra thì được biết tất cả là do bàn tay của chị biên tập từng tốt nghiệp đại học văn khoa. Điều đáng bực hơn là khi anh bạn tôi thắc mắc, chị nọ không nhận lỗi thiếu hiểu biết (rằng "me" là tiếng của một số vùng dùng để gọi người mẹ), mà lại còn trả lời rất chi là ngang: "Ông Lư hay ông Lử cũng thế thôi, phải sửa hết. Me tôi nghe cứ như… me Mỹ ấy, ngứa cả tiết! Dùng chữ thế mà dùng được".

Thôi thì, sự hiểu biết của con người là vô cùng, có thể ai đó vì thiếu hiểu biết mà làm sai. Nhưng kiến thức đến đâu thì cũng phải tuân thủ một nguyên tắc: Không được biên tập lại những văn bản của quá khứ. Điều gì chưa rõ thì tìm hiểu. Sợ độc giả khó hiểu thì chú thích thêm ở bên cạnh. Bởi mỗi thời có ngôn ngữ riêng của mình

Nguyễn Trường Văn
.
.