"Sạn" trong phim Việt

Thứ Tư, 04/07/2012, 09:07

Phim truyền hình Việt ngày càng mất điểm trong lòng công chúng, đó là chuyện rõ như ban ngày. Một trong những nguyên nhân khiến một số phim Việt trở thành "thảm họa", đó là vì phim quá nhiều sạn. Thậm chí những hạt "sạn" to đùng mà có người ví von đó là những "cục gạch" chứ không còn là sạn nữa, đã khiến khán giả quay lưng, nếu không muốn nói là "tẩy chay" phim Việt...

Sự ra đời của khung "giờ vàng" dành cho phim Việt trên kênh VTV1, VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian đã "kéo" được một bộ phận người xem về với dòng phim "made in Việt Nam". Với những "Chạy án", "Ma làng", "Gió làng Kình", "Luật đời"… dù là những "món ăn" vẫn ít nhiều còn sượng và không tránh khỏi có "sạn", song chí ít nó cũng khiến khán giả hy vọng vào một "làn gió mới" của phim truyền hình khi kéo được khán giả ngồi lại trước màn hình xem phim. Nhưng gần đây, sự xuống dốc không phanh của phim truyền hình Việt đã khiến khán giả thực sự nản lòng.

Sự cố gần đây nhất liên quan tới bộ phim truyền hình "Hoa nắng" khởi chiếu từ ngày 5/3 vừa qua, vào khung giờ vàng trên sóng truyền hình, do Nguyễn Minh Quang đạo diễn. Phim vừa khởi chiếu đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận khi trong phim xuất hiện những cảnh tượng phản cảm. Khi nhân vật Mỹ Linh (do Phương Đài đóng) đổ rượu ra ngực, thì nhân vật Phúc (Hoàng Anh đóng) đã dùng lưỡi liếm từ ngực lên cổ cô gái. Sau đó, nhân vật nữ còn chủ động đổ rượu lên người mình để nhân vật nam tiếp tục với hành động như vậy. Cảnh này được lặp lại khi nhóm bạn yêu cầu đôi tình nhân diễn để quay clip tung lên mạng... Dẫu nhà sản xuất có giải thích rằng, phim phản ánh về một lối sống thiếu lành mạnh của một bộ phận giới trẻ hiện nay, nhưng cách phản ánh như vậy của nhà làm phim thật là phản cảm. Phim còn nhiều cảnh diễn viên với trang phục hở hang, mát mẻ; cảnh hôn hít diễn ra khắp nơi, bất chấp sự có mặt của người xung quanh... là điều thật khó có thể chấp nhận ở một nước Á Đông như Việt Nam.

Khán giả từng theo dõi bộ phim "Tình như tia nắng" của đạo diễn Trương Dũng sẽ thấy, ở tập 35 của phim có cảnh hai chiến sĩ Công an đã bắt nhân vật tên Tường và vợ ngay tại sân bay để đưa về tòa án xét xử sơ thẩm với lý do… có đơn tố cáo ông Tường và vợ chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, một điều tưởng chừng như tối thiểu ai cũng biết, đó là đơn tố cáo không thể khiến một công dân bị biến thành tội phạm, bị bắt tức thì như vậy được. Không những thế, tại phiên tòa dân sự xét xử vợ chồng ông Tường, khi luật sư bên nguyên yêu cầu người làm chứng thì bị ngăn cản. Thấy vậy, một vị hội thẩm nhân dân có ý kiến: "Đề nghị thân nhân của bị cáo không được ngăn cản người làm chứng!".

Ô hay, trong phiên tòa dân sự làm sao lại có "bị cáo"? Cụm từ này chỉ dùng trong vụ án hình sự chứ? Một bộ phim có đề cập đến pháp luật nhưng những người làm phim lại mắc những lỗi kiến thức cơ bản về pháp luật như vậy quả là điều đáng tiếc. Trong khi đó, quy trình làm một bộ phim thường phải qua nhiều khâu biên tập, thẩm duyệt, vậy mà không hiểu sao những lỗi căn bản như thế vẫn bị bỏ lọt?

Nhiều hội thảo về phim truyền hình được tổ chức, nhưng chất lượng phim không được cải thiện.

Hiện nay, quá nhiều phim Việt khiến khán giả kinh ngạc trước sự tùy tiện, thô thiển trong diễn xuất, hóa trang của diễn viên. Trong nhiều phim có cảnh nhân vật đang ngủ, hoặc vừa ngủ dậy, thì dù mặc đồ ngủ nhưng nữ diễn viên mặt mũi vẫn đầy son phấn như sắp đi dạ hội. Có phim có cảnh cô gái dân tộc Mông, mặc váy thổ cẩm hoa xòe nhưng vẫn đậm son phấn, đánh màu mắt lóng lánh, chuốt lông mi cong vút... Thậm chí, trong nhiều bộ phim hình sự, sau những cảnh vật lộn, xô xát cật lực, tóc tai, quần áo của nhân vật vẫn phẳng phiu như lúc mới mặc vào. Không thiếu những cảnh đuổi bắt diễn ra như một vở kịch, có khi chỉ trong nháy mắt đã bắt được kẻ gian vốn thạo nghề chạy trốn; cảnh người  bắt trói hung thủ thì chỉ quấn lấy lệ một vòng dây lỏng lẻo. Chỉ cần cựa quậy là dây bung ra rồi, thế mà hung thủ với thân hình lực lưỡng vẫn cứ nằm im chịu trận một cách bất thường. Những bộ phim về chiến tranh, phim lịch sử cũng không hiếm hạt sạn. Thời chiến thiếu thốn trăm bề vậy mà áo quần của nhân vật vẫn mới tinh, láng cóng; súng ống, đạo cụ của ta, của địch dùng lẫn lộn cho nhau để quay quấy quá cho xong... Tất cả những lỗi trên đều phần nào thể hiện sự cẩu thả, thiếu tôn trọng, nếu không muốn nói là coi thường khán giả của các nhà làm phim...

Những hạt sạn kếch xù không chỉ xuất hiện trong phim của các đạo diễn mới nổi, hoặc chưa có tên tuổi gì mà còn xảy ra với một số đạo diễn lão làng. Một trong những đạo diễn "mạnh mồm" nhất Việt Nam là Lê Hoàng, trước đây tuyên bố "không thèm làm phim truyền hình", sau đó lại bảo: "Tôi làm phim truyền hình vì thấy phim truyền hình Việt Nam quá dở!". Nhưng lời nói nhiều khi không đi đôi với việc làm, đến khi "Những thiên thần áo trắng" lên sóng, đạo diễn Lê Hoàng nhận được không ít lời phê phán, chỉ trích nặng nề từ phía khán giả. Bởi phim làm cho tuổi teen nhưng nhiều đoạn quá hàn lâm, nhiều cảnh lại ngô nghê, phi lôgic, không ăn nhập gì với bối cảnh của phim đã khiến "Những thiên thần áo trắng" gần như bị tẩy chay.

Những sai sót đáng tiếc này, được xem là hệ quả của việc "chín ép". Mỗi bộ phim ra đời đều bị làm theo cách cuốn chiếu từ kịch bản đến quay hiện trường, dàn dựng hậu kỳ chứ không được đầu tư thời gian, công sức một cách đầy đủ. Đó là cách làm theo kiểu "ăn xổi", kịch bản có đến đâu, quay đến đó, rồi xoay ra làm hậu kỳ luôn, cho lên sóng luôn... Với cách làm phim theo kiểu "chụp giật" như vậy, khó mà có được một sản phẩm "sạch nước cản" chứ đừng nói đến hai từ thiêng liêng là "nghệ thuật".

Trên các kênh truyền hình hiện nay, đang có tình trạng "loạn" phim truyền hình do các hãng tư nhân sản xuất, với mục đích là thu lợi nhuận từ nguồn quảng cáo. Nhiều nhà sản xuất tư nhân chỉ chăm chăm làm thế nào để thu được thật nhiều tiền quảng cáo, còn chất lượng phim dường như đang bị... thả nổi. Nhà sản xuất không quan tâm hiệu quả xã hội, yếu tố thẩm mĩ mà chỉ chăm chăm vào nhu cầu giải trí rẻ tiền, nên không hiếm bộ phim xem xong mà chẳng thấy có gì đọng lại. Có những bộ phim dài tới mấy chục tập, vậy mà xem xong, khán giả không biết phim ấy muốn nói gì (như phim "Xin thề anh nói thật", "Vòng xoáy tình yêu" hay "Anh chàng vượt thời gian"...). Nhiều ý kiến còn lo ngại khi văn hóa công sở, văn hóa ứng xử của giới trẻ bây giờ được đưa vào phim một cách quá tùy tiện, ngẫu hứng, phản cảm... Một khi "nhà đài" còn vì mục tiêu xã hội hóa (nói chính xác là không mất tiền sản xuất mà vẫn có phim chiếu), chưa nghiêm túc trong khâu kiểm duyệt nội dung phim trước khi lên sóng, chưa "tuýt còi" cảnh cáo đối với những bộ phim có những sai sót, thì những bộ phim kém chất lượng vẫn có đất sống, gây bức xúc trong dư luận...

Vừa qua, tại Tp HCM đã diễn ra Hội thảo "Nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam". Cuộc hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo lực lượng làm phim truyền hình. Tại hội thảo, nhiều đại biểu là đạo diễn, biên kịch có uy tín đã lên tiếng về những căn bệnh thâm căn cố đế của phim truyền hình Việt Nam, đồng thời đưa ra những "cao kiến" vì một nền phim truyền hình lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu của khán giả cũng như nhu cầu phát triển của xã hội. Thế nhưng, đó vẫn chỉ là những ý kiến trong... hội trường. Trong lúc chờ đợi sự thay đổi này, những bộ phim đầy lỗi, đầy sạn vẫn tiếp tục tràn lan trên sóng, thách thức dư luận và sự kiên nhẫn của khán giả

N.H.
.
.