"Sạn" trong bài viết của một số thầy cô dạy văn

Thứ Năm, 14/03/2013, 08:00

Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 12/2012 dành trọn bộ để đăng tải, giới thiệu một số bài viết của cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường. Bên cạnh những bài viết có chất lượng, nghiên cứu công phu, có nhiều phát hiện mới thì vẫn còn một số bài viết mắc phải những sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc về mặt tri thức, cách diễn đạt....

Trong bài viết "Tìm hiểu triết lí "tam tài" trong Thiên Đô Chiếu của Lý Công Uẩn", Ths. Nguyễn Thị Hải Vân viết: "Thiên mệnh ở đây là việc Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã nắm được "thiên thời", khi nhà Lê suy đồi, các ông vua Lê Tương Dực, Lê Long Đĩnh không còn đủ sức lãnh đạo đất nước nữa…" (tr.7). Ở đây tác giả đã có sự nhầm lẫn căn bản về tri thức lịch sử, chưa phân định rõ đâu là ông vua thời Tiền Lê và ông vua thời Hậu Lê, vì thế tác giả mới khẳng định vua Lê Tương Dực có trước thời nhà Lý. Trong sử sách còn ghi rất rõ: Vua Lê Tương Dực (1495 - 1516) là vị vua thứ chín của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, là vị vua ăn chơi sa đọa, dâm đãng, gieo rắc nhiều tai họa cho chúng sinh, người đời thường gọi là ông "vua lợn".

Về cách diễn đạt của bài viết, đôi chỗ còn chưa rõ, ví như ở đoạn: "Địa lợi" là lợi ích của tài nguyên, địa thế đất đai, phong thủy nói chung, nếu chỉ dịch là "cái lợi của đất này" như đa số bản dịch hiện hành có lẽ chưa làm nổi bật hết ý nghĩa của hai từ ấy. Trong cuốn "Cơ sở Ngữ văn Hán nôm" do Lê Trí Viễn chủ biên (1986) có dịch là: "Trẫm muốn nhân cái địa lợi ấy để dựng chỗ ở của mình", hai chữ "địa lợi" vẫn được giữ nguyên, thiết nghĩ cách dịch như vậy là rất phù hợp với tinh thần nội dung của đoạn này" (tr.9). Mặc dù GS. Lê Trí Viễn không dịch hai từ "Địa lợi" mà để nguyên văn phiên âm Hán Việt, vậy mà tác giả bài viết đã dành lời khen ngợi không đúng chỗ khi cho rằng "cách dịch này là rất phù hợp" (?!). Cũng trong bài viết, tác giả sử dụng không thống nhất tên văn bản tác phẩm, khi thì gọi là "Thiên Đô Chiếu", lúc thì dùng "Chiếu Dời Đô"; chỗ thì viết "dời đô", chỗ khác lại sử dụng "rời đô", chỗ thì viết "tam tài", chỗ khác lại tam "tài"…

Ở bài "Đặc trưng ngôn ngữ Thơ mới", Ths. La Nguyệt Anh đã đưa ra những dẫn chứng thơ sai và thiếu so nguyên bản tác phẩm. Đây là đoạn tác giả trích dẫn bài "Cảm xúc" của Xuân Diệu:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc với muôn dây
Hay chia sẻ bởi tình yêu mến

Bài thơ "Cảm xúc" được làm theo thể thơ tám chữ, vậy mà khi tác giả trích dẫn bốn câu thì câu thứ ba dùng sai từ "với", câu thứ tư thiếu mất một chữ quan trọng, khiến người đọc như bị hụt hẫng vì ý thơ không hoàn chỉnh, mất đi sự nhịp nhàng, đăng đối. Cách sử dụng dấu phảy, dấu chấm câu cũng chưa thật chính xác. Câu thơ đầy đủ của Xuân Diệu phải là:

Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây,
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến.

Đặc biệt, tác giả đã viết thiếu và sai câu thơ đề từ bằng tiếng Pháp trong bài "Huyền diệu" của Xuân Diệu: "Les parfums, les couleurs et les respondent" (Những mùi hương, những màu sắc, và những âm thanh đáp ứng với nhau). Chính xác câu đề từ đó phải là: "Les parfums, les couleurs et les sons, se répondent".

Là bài viết của các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy khoa Ngữ văn - những bậc thầy của những thầy cô giáo tương lai thì tính chất khoa học, sư phạm phải được đặt lên hàng đầu. Bởi một khi thầy hiểu sai, trích dẫn thiếu, không có sự kiểm nghiệm, phản biện lại mà vội vàng truyền đạt, giảng dạy cho học trò thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến những thế hệ sau

Nguyễn Huy Phòng
.
.