Sân khấu 5B và xu hướng kịch thế sự

Thứ Hai, 22/09/2014, 08:00
"Cơm áo không đùa với khách thơ", câu chuyện đó luôn là nỗi bứt rứt của những nghệ sĩ sân khấu tâm huyết ở Thành phố Hồ Chí Minh đang loay hoay với bài toán tồn tại. Giữa xu hướng lấn át của các thể loại hài kịch kinh dị kiểu"ma cỏ", kịch thế sự phải chăng là một trong những hướng khả thi để các nghệ sĩ ở sân khấu nhỏ 5B được làm nghệ thuật giữa cuộc mưu sinh khó nhọc. Nhưng nhiều người hiểu, con đường đó thực chẳng dễ đi.

"Đời hóa" sân khấu

Dù được tổ chức ở nhiều rạp hát, nhưng năm nào cũng vậy, ngày giỗ tổ nghề sân khấu (12/8 âm lịch) luôn được tề tựu đông đảo nhất tại Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, nhà hát của Hội Sân khấu TP HCM, nơi mà các thế hệ nghệ sĩ diễn viên thành phố coi như tổ đường để về góp giỗ mỗi năm.

NSƯT Mỹ Uyên, Phó Giám đốc Sân khấu 5B từng có lần nửa đùa nửa thật bảo, "tổ đường" 5B linh lắm, gần như trong các anh chị em diễn viên, ai mà năm nào về giỗ tổ nghề được, năm đó chắc chắn… đắt "sô"!

Nếu "kinh nghiệm" NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ là đúng thì có lẽ, đời sống sân khấu ở TP HCM hẳn cũng đang "vấn đề" lắm lắm. Theo quan sát của chúng tôi, không phân biệt lớn bé, mùa giỗ tổ năm nay mâm lễ được bày la liệt phía trước hương án với đủ loại chay - mặn, từ heo quay, bánh kẹo đến hoa quả, hương đèn…

Sân khấu Sài Gòn đang bung mở nhiều hướng tìm tòi khác nhau. Số lượng rạp mới hình thành ngày một nhiều với xu hướng lan rộng ra các vùng ngoại thành. Có nơi dành tâm huyết đầu tư mảng kịch lịch sử dành cho thiếu nhi như Ideacaf. Nơi chuyên kịch tâm lý - xã hội như Hoàng Thái Thanh. Nơi lại khai thác các vở kịch kinh dị hài như Nụ cười mới, Thế giới trẻ, Đại Đồng, Sao Minh Béo,…

Bước qua giai đoạn xã hội hóa sôi nổi, hiện tại, sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần chỉ còn duy nhất một nhóm kịch hoạt động theo hình thức này là Buffalo. Trong áp lực cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường giải trí, vào những đêm sáng đèn ở 5B, người ta thấy sự trở lại đáng chú ý của xu hướng kịch thế sự với những vở như "Ảo và thật", "Phía sau tội ác".

Hai vở diễn này đều công diễn lần đầu vào khoảng cuối năm 2013, đầu năm 2014. Tới nay (9/2014) vẫn tiếp tục bán được vé. Nếu "Ảo và thật" bàn về những tác động nhiều mặt của Facebook, của thế giới ảo với đời sống thực, thì "Phía sau tội ác" lấy "tứ" từ chuyện kẻ trộm chó bị đánh chết ở một làng quê vùng Bắc bộ.

Không khí ngày giỗ tổ nghề năm 2014 tại Sân khấu 5B Võ Văn Tần.

Những câu chuyện trong kịch đều bắt đầu từ các sự việc gây nhiều dư luận trong đời sống cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì lẽ ấy, khi được nhào nặn lại trên sàn diễn, thoạt tiên sẽ tạo được sự chú ý với người xem. Đó có thể coi là một ưu thế của kịch thế sự.

Nhưng bên cạnh ưu thế đó thì những cái khó khi làm kịch loại này nhiều hơn. Từ cái "khung ban đầu" là kịch bản, đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực, người làm 2 vở "Ảo và thật" và "Phía sau tội ác" cho biết, anh đã phải cùng biên kịch và diễn viên "nhào đi nhào lại" tới mức "thành cháo" để rốt cuộc có được sản phẩm cuối cùng không vướng vào cái bẫy "rao giảng" hay "cứng nhắc".

Có thể thấy điều này qua những pha hài hước đan xen, những tình huống kịch có vận dụng linh hoạt ngôn ngữ và câu chuyện thời sự nóng hổi tại thời điểm diễn. Hai chữ "đắng lòng" trong suất diễn mới đây của "Phía sau tội ác" chắc chắn không thể có trong những suất diễn trước, vì lúc ấy chưa có tình trạng lạm dụng cách nói này. Cũng như thế, màn nhạc chế "Yêu em anh không đòi quà" sẽ không thể trở thành chất liệu trong "Ảo và thật" nếu vở diễn ra mắt thời điểm trước đó.

Khả năng biến báo linh hoạt, chủ động của đạo diễn, biên kịch và cả diễn viên tạo nên sinh khí mới mẻ, nhẹ nhõm cho những vở kịch thế sự. Nó khiến kịch thế sự trở thành món ăn "dễ nuốt" dù vấn đề chạm tới không hề vô thưởng vô phạt.

NSƯT Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu TP HCM cho rằng, 5B nên trở thành sân khấu ưu tiên những vở kịch thế sự bởi nhiều lẽ. Trước hết, vì đặc điểm cơ sở hạ tầng của điểm diễn. Sân khấu 5B không có không gian rộng, không có điều kiện phù hợp để tạo hiệu ứng làm kịch ma hù khán giả, chỗ ngồi cũng đã được thiết kế khá nghiêm ngắn. Lại nữa, 5B có một đội ngũ những đạo diễn, diễn viên có "chất" làm kịch thế sự, chính kịch. Theo đó, nếu đi theo hướng này, 5B sẽ tạo được đường nét riêng.

"Xem kịch mới thấy việc, chưa thấy người"

Là người đắm đuối với nghệ thuật sân khấu, mà nói theo lời NSƯT Trần Minh Ngọc, cả đời chỉ gắn với một Bộ là Bộ Văn hóa, ông thầy năm nay đã bước sang tuổi 80 khẳng định, kịch thế sự là mảng đề tài rất cần được khuyến khích, thậm chí phải được nhận sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển.

Theo ông Trần Minh Ngọc, có thể tạm phân chia diện mạo sân khấu phía Nam hiện nay thành hai dòng chính: sân khấu giải trí và sân khấu nghệ thuật. Nói một cách ước lượng, tỉ lệ giữa hai dòng này đang ở mức khoảng "một 7 một 3". Thực trạng này theo ông rất đáng ngại. Nó cho thấy thị hiếu khán giả đang dẫn dắt sân khấu, trong khi đáng lý phải là ngược lại nếu ở một nền nghệ thuật phát triển lành mạnh.

Là thành viên Hội đồng nghiệm thu các vở diễn trên địa bàn thành phố (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM), NSƯT Trần Minh Ngọc rất thấu cảm với các ông, bà bầu khi phải "chạy theo" khán giả một cách "cực chẳng đã" như vậy. Ông bảo, học trò của ông, NSND Hồng Vân từng kêu trời bảo với thầy, nếu không làm kịch ma, sân khấu SuperBall của chị không bán được vé. Mà chuyện không bán được vé với các đơn vị "tự làm tự ăn" thì cũng xem như đóng cửa.

Do đó, nếu để nói tới dòng kịch thế sự và dòng kịch có tính nghệ thuật, theo NSƯT Trần Minh Ngọc, tại TP HCM hiện chỉ có hai sân khấu vẫn đang dũng cảm theo đuổi là Hoàng Thái Thanh và 5B. Bản thân ông mỗi năm chỉ dựng được một đến hai vở kịch dạng này, và cũng chỉ dựng cho hai sân khấu đó.

Dù vậy, những tác phẩm sân khấu theo đuổi dạng đề tài này hiện nay theo ông vẫn mới chỉ dừng ở gợi mở, trình bày sự việc chứ chưa khắc họa được nhân vật sinh động, rõ nét. Xem kịch, người ta mới thấy việc mà chưa thấy người. Theo ông, kịch là khám phá chứ không chỉ là đưa ra sự việc. Mà điều này đòi hỏi cái tầm của người dựng.

Nhà nước phải vào cuộc

Trở lại với câu chuyện làm kịch thế sự, theo NSƯT Trần Minh Ngọc, giữa bối cảnh sân khấu hiện tại, muốn tạo điều kiện phát triển cho kịch thế sự cũng như các thể loại sân khấu giàu tính nghệ thuật, nhất thiết phải có sự góp sức của nhà nước. Nếu để tất cả các rạp đều phải "tự bơi" như hiện nay, tất yếu thị hiếu khán giả sẽ dẫn dắt sân khấu, và như thế, sân khấu "sẽ không bao giờ khá lên được" như lời ông nói.

Quan sát diện mạo sân khấu hai miền, NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng, nói gì thì nói, các nhà hát ở miền Bắc vẫn có điều kiện phát triển dòng sân khấu nghệ thuật hơn vì được sự "chống lưng" của nhà nước.

Cũng theo ông Ngọc, sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước cho những người làm nghề năng động, hiệu quả sẽ rất khác so với sự "bao cấp" cho những người chỉ muốn ngủ yên trong sự vô lo, nhợt nhạt tâm huyết với nghề.

Với sân khấu 5B nói riêng, tại thời điểm này cũng đang đương đầu với không ít khó khăn, mặc dù vẫn được xếp vào top những rạp đông khách của thành phố. Không mất chi phí thuê mặt bằng, những người chèo lái rạp này thoát được cái cảnh vừa nhập vai trên sân khấu vừa ngóng mắt đếm khán giả bên dưới như một vài ông/bà bầu khác phải đi thuê điểm diễn.

Dĩ nhiên, trong bối cảnh đốt đuốc không tìm ra một đạo diễn sân khấu nào sống được chỉ bằng nghề, chưa kể tình trạng một số nơi còn đang có tình trạng ai cũng có thể làm đạo diễn sân khấu, việc lựa chọn một hướng đi riêng như Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần buộc những người làm nghề phải trăn trở tìm tòi nhiều. Bài toán cân đối giữa nghệ thuật và mưu sinh thời nào cũng khắc nghiệt, và nó càng gian nan hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay

D.K.T.
.
.