Sân chơi nghệ thuật thiếu nhi

Thứ Hai, 15/08/2016, 08:13
Có một nghịch lý đang diễn ra hiện nay là trong khi truyền hình nở rộ những chương trình "ép" các em nhỏ phô diễn tài năng, nuôi mộng trở thành nghệ sĩ thì ngày càng thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật chất lượng dành riêng cho các em...


Món quà "tằn tiện"

Khánh Thảo

Văn học nghệ thuật có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành nhân cách, bồi đắp những giá trị chân - thiện - mỹ cũng như kỹ năng sống cho trẻ em. Những năm trước đây, khi chưa có sự xâm lấn của những loại hình giải trí hiện đại thì thế giới tuổi thơ của các em khá trong trẻo với những câu chuyện cổ tích, những bài đồng dao hay những bộ phim, vở kịch dành riêng cho thiếu nhi.

Sự xuất hiện của Internet - sản phẩm tất yếu của đời sống hiện đại - đã mang theo đầy đủ những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực tới đời sống tinh thần của các em. Nhìn bề ngoài, đời sống văn hóa đang có bước phát triển vượt bậc nhưng không ít phụ huynh đang lo lắng và hoang mang trong việc làm thế nào giữ được cho các em một thế giới tuổi thơ hồn nhiên trước sức ảnh hưởng như vũ bão của giải trí mạng? Những người nhiều tâm huyết với các em thì đau đáu với câu hỏi: Chúng ta đang có nghệ thuật gì để phục vụ tuổi thơ?

Có một nghịch lý đang diễn ra hiện nay là trong khi truyền hình nở rộ những chương trình "ép" các em nhỏ phô diễn tài năng, nuôi mộng trở thành nghệ sĩ thì ngày càng thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật chất lượng dành riêng cho các em.

Thay vì thưởng thức những sản phẩm nghệ thuật để bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng mơ ước trở thành người có ích cho xã hội thì các em lao vào những cuộc thi hát, thi nhảy, mong trở thành ngôi sao, người nổi tiếng. Sự đổ bộ của một loạt những gameshow truyền hình đã khiến các em trở nên thụ động, ngồi dán mắt vào màn hình. Nhưng quả thật, nếu không xem gameshow, không xem hoạt hình... trẻ biết xem gì?

Thực trạng "no dồn đói góp" là điều tồn tại lâu nay trên sân chơi nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Các đơn vị nghệ thuật, các nhà sản xuất dường như cứ gần tới những ngày lễ như Tết Thiếu nhi, Trung thu... mới nhớ ra còn một đối tượng cần phục vụ là trẻ em. Chính vì vậy, vào những thời điểm này, một loạt các chương trình nghệ thuật được dịp bung ra.

Một chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi của Nhà hát Tuổi trẻ.

Các khán giả nhí được dịp "no dồn" sau suốt một thời gian dài không biết đi đâu, xem gì. Tình trạng này dẫn đến việc các em chỉ thường có cơ hội xem 1 - 2 chương trình trong tổng số cả chục chương trình đang đồng loạt diễn ra. Bên cạnh đó, tình trạng này còn tạo nên thói quen chỉ đưa con đi xem vào những dịp lễ của các bậc phụ huynh. Nhiều chương trình dù hay, dù dở cũng đều cháy vé. Nhiều đơn vị nghệ thuật coi đây như một cơ hội "vàng" để tăng doanh thu nên chương trình được làm qua loa cho kịp ngày lễ. 

Những chương trình lẽ ra cần dàn dựng chỉn chu, kỹ lưỡng lại là những món ăn hổ lốn của những nhà sản xuất thiếu chuyên nghiệp. Không thể không buồn khi từ rạp chiếu đến sân khấu, từ truyền hình đến hiệu sách đều nhan nhản những tác phẩm nước ngoài, những sản phẩm không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Sự trống vắng những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa đã giải thích cho việc tại sao các em chỉ biết tới những nhân vật hoạt hình, siêu nhân nước ngoài xa lạ và nhuốm màu bạo lực? Vì sao các em không thích học lịch sử và trở nên xa lạ với những giá trị truyền thống?

Không thể phủ nhận có những đơn vị vẫn miệt mài tìm tòi để mang đến cho các em những chương trình có chất lượng nghệ thuật như Nhà hát Tuổi trẻ, sân khấu Idecaf, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát múa rối... nhưng số lượng những đơn vị này còn quá ít và bản thân họ cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Không phải các nhà quản lý, các nghệ sĩ không trăn trở với sân chơi nghệ thuật dành cho các em thiếu nhi. Các ý kiến đều khẳng định, bên cạnh ý nghĩa nâng cao đời sống tinh thần cho các em thì đây thực sự là lượng khán giả tiềm năng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện các chương trình này mới vấp phải muôn vàn khó khăn từ kịch bản, đạo cụ, đến phục trang, âm nhạc... Chính vì vậy không tránh khỏi tình trạng các chương trình bị chắp vá, rời rạc, đầu voi đuôi chuột. Những loại hình khá hấp dẫn dành với tuổi thơ như xiếc, múa rối thì ít tiết mục mới nên cũng khó có thể thu hút lâu dài.

Không ít cuộc bàn thảo đã chỉ ra rằng trách nhiệm đầu tiên vẫn là các cơ quan quản lý về văn hóa chưa có chiến lược nào cho sân khấu thiếu nhi, bản thân các đơn vị nghệ thuật vẫn vì bài toán doanh thu nên chưa thực sự tâm huyết với đối tượng này. Tuy nhiên, để tháo gỡ được vấn đề không phải là chuyện ngày một, ngày hai.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Không đổi mới sẽ tự bị đào thải

Thảo Duyên (thực hiện)

- Thưa NSND Tạ Duy Ánh, là một trong những đơn vị nghệ thuật có đối tượng phục vụ chính là trẻ em, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chăm chút những khán giả của mình như thế nào?

+ Cho tới thời điểm này, cùng với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chúng ta có Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối và một số câu lạc bộ, nhà văn hóa, nhà thiếu nhi... cùng có chung đối tượng phục vụ chính là các em thiếu nhi. Nhưng không phải gần đây Liên đoàn Xiếc mới thực hiện điều này mà đã có từ thời NSND Tâm Chính là giám đốc.

Tiếp nối truyền thống đó, gần đây, chúng tôi đã có những chỉ đạo cụ thể với đối tượng khán giả đặc biệt này. Trước hết là những ưu đãi vào những kỳ cuộc quan trọng như Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi 1-6, Trung thu... Ngoài các chương trình xiếc mới thì vào sáng chủ nhật hàng tuần, chúng tôi chạy chương trình giá vé đồng hạng cho cả trẻ em, người lớn.

Trong các chương trình biểu diễn xiếc truyền thống ký kết với các trường học, chúng tôi đều tăng thêm những tiết mục xiếc thú, xiếc hài, giảm giá vé. Vào những ngày lễ, Tết thường cho ra mắt những vở diễn có chủ đề hấp dẫn như Thạch Sanh, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Alibaba và 40 tên cướp, Phiên chợ Ba Tư, Xứ sở phù thủy, Nàng tiên cá... Những chương trình này thường phục vụ liên tục 4 - 5 ngày, mỗi ngày 3 - 4 suất...

Không chỉ trẻ em ở Hà Nội mới được hưởng những ưu đãi này mà chúng tôi còn một rạp lưu động với sức chứa 1.500 chỗ thường xuyên lưu diễn khắp cả nước với giá vé tương tự. Qua thực tê, tôi thấy những điều phi thường, lý thú từ các tiết mục xiếc đã kích thích được trí tưởng tượng, sự tò mò, ham hiểu biết ở các em.

- Những nỗ lực của các nghệ sĩ xiếc là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, có một thực tế là số lượng khán giả quay lại xem xiếc không nhiều?

+ Dù chưa có con số chính xác nhưng trong tình hình hiện nay, chúng tôi cho rằng giữ được khán giả là tốt rồi. Ngoài số lượng 60 - 70% chương trình dành riêng cho thiếu nhi, Liên đoàn Xiếc còn dàn dựng thêm nhiều chương trình phục vụ nhiều đối tượng khán giả khác nhau hay đi lưu diễn nước ngoài...

Cho tới thời điểm này, lượng khách tới xem tại rạp trung tâm ở Hà Nội vẫn chiếm số lượng lớn nhất. Nhiều trường học kết hợp giao lưu, phát phần thưởng cho các bé ngay trong buổi biểu diễn. Khi đi biểu diễn tại các tỉnh, việc khán giả không có tiền lệ xem xiếc ban ngày cũng là một rào cản khiến không nhiều trẻ em được xem xiếc. Chúng tôi đang dần cố gắng thay đổi thói quen này.

- Là người đứng đầu một đơn vị xiếc, đồng thời cũng là một phụ huynh, ông có cho rằng, còn hơi ít những chương trình nghệ thuật hấp dẫn dành cho các em. Và ngay cả xiếc cũng chưa thực sự khai thác hết thế mạnh của mình?

+ Dù nhiều năm qua, chúng ta đã nỗ lực đổi mới ở nhiều lĩnh vực nhưng sự quan tâm về vấn đề văn hóa chưa được đáp ứng đúng mức. Trước đây phải đi ra nước ngoài mới có được những khu vui chơi dành cho trẻ em nhưng giờ đây, với sự tham gia của nhiều công ty, tập đoàn ở trong nước đã có. Tuy nhiên, với những thành phố lớn thì nhu cầu này vẫn còn thiếu.

Người làm văn hóa văn nghệ ở Việt Nam còn nặng về cách thức bao cấp, chưa biết làm theo yêu cầu. Gần đây, mới có một số đơn vị có chuyển biến trong suy nghĩ tạo ra những sản phẩm "mùa nào thức ấy". Tuy nhiên, chưa đồng bộ còn thiếu những khâu maketting, chăm sóc khách hàng... Chúng ta mới làm manh mún, thời cuộc, chưa đồng bộ, chưa có sự quảng cáo phù hợp, chăm sóc khách hàng trước và sau biểu diễn.

Ngay với Liên đoàn Xiếc cũng vậy. Hiện nay, vẫn còn tư duy chủ quan, mình có địa điểm quen thuộc, đứng đầu ngành xiếc, nên vẫn còn chậm trễ trong việc khảo sát đối tượng khách hàng để có được con số cụ thể. Phải khảo sát mới biết khán giả muốn gì, cần gì để mình phục vụ. Việc phát phiếu thăm dò chúng tôi đã làm, tuy nhiên, nhiều khán giả chưa quen với việc này.

- Đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu về đời sống tinh thần cho các em ngày càng cấp thiết, vấn đề là chúng ta chưa có nhiều chương trình hay, đúng không ông?

+ Sự giao lưu, hội nhập tác động tới mọi lĩnh vực, không riêng văn hóa nghệ thuật. Khi chúng ta ký kết vào Công ước Berne chúng ta phải tuân thủ những quy định chung. Đơn cử như với xiếc thì chúng tôi không thể tự tiện mặc những trang phục hình thù con thú của nước ngoài. Hay trước đây, nhiều tiết mục xiếc "ăn theo" những phim hoạt hình hấp dẫn của nước ngoài, nhưng giờ thì không làm thế được. Điều này đòi hỏi các nghệ sĩ Việt phải sáng tạo hơn nữa.

Để có thể khiến các em đến với xiếc nhiều lần, chúng tôi đang cố gắng để nội dung các tiết mục luôn đổi mới, hấp dẫn. Chỉ có chất lượng biểu diễn mới chinh phục được khán giả và tạo ra những thế hệ yêu xiếc. Hiện nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hiện đại. Nếu không thay đổi sẽ bị đào thải.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả Nguyễn Toàn Thắng: Kịch bản phải khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ nhỏ

Những năm gần đây, do công việc của mình, tôi có xem nhiều chương trình thiếu nhi. Nhìn chung thì nhiều màu sắc hơn và đa dạng hơn. Ngay cả một số nhà hát trước kia không mặn mà lắm với việc dàn dựng các chương trình thiếu nhi, thì nay cũng đã vào cuộc, bởi đây là đối tượng khán giả đông đảo.

Nhưng nói chung, đa phần các chương trình đều dựa trên những tích truyện có sẵn, những nhân vật hoạt hình hay truyện tranh quen thuộc, từ đó thêm thắt những trò diễn, thành thử tôi cũng không có ấn tượng lắm. Bởi đó là những chương trình ăn xổi, diễn theo mùa vụ, nhất là dịp Tết Thiếu nhi 1-6, nên những người thực hiện đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu. Chỉ có các chương trình của các nhà hát là được đầu tư bài bản. Thậm chí từ lâu nay, các chương trình xiếc cũng không còn là các tiết mục đơn lẻ mà đã có kịch bản để xâu chuỗi lại, tăng thêm sự hấp dẫn cho các buổi diễn.

Với các chương trình thiếu nhi nói chung và kịch thiếu nhi nói riêng, thì khâu quan trọng đầu tiên bao giờ cũng là kịch bản. Theo quan sát của cá nhân tôi, các nhà hát trên địa bàn Thủ đô đủ sức dàn dựng những chương trình đặc sắc nếu có kịch bản tốt. Nhưng thực sự, để có một kịch bản tốt cho thiếu nhi là điều không hề đơn giản.

Thường một số tác giả hay tìm những truyện cổ tích rồi chế lại, phả vào đó một không khí mới, nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi. Bởi các cháu đã quá quen với những nhân vật ấy rồi, phá cách quá cũng không ổn, mà để nguyên thì lại chẳng có gì hấp dẫn. Còn sáng tác ra những câu chuyện mới thì lại gặp phải vấn đề là sao cho hấp dẫn. Kịch bản cho thiếu nhi mà cứ cố gắng nhồi nhét vào nhiều bài học đạo lý thì trẻ em không thể tiếp thu được, và biến một chương trình nghệ thuật thành ra một buổi lên lớp được minh họa bằng sân khấu hóa là hỏng.

Khi viết cho thiếu nhi, tôi luôn tránh sự giáo điều, cố gắng sao cho kịch bản hấp dẫn nhất có thể. Kịch tính phải đẩy lên cao độ, và cứ vài câu thoại là phải có một cái gì đó mới, có thể đó là một câu vè, một câu đồng dao, một câu nói vần, nếu không khán giả nhí sẽ chẳng có gì mà theo dõi. Tôi cũng cố gắng tránh một thói quen xấu mà lâu nay nhiều người mắc, nhất là trên các chương trình truyền hình, là viết theo kiểu giả bộ ngây thơ cho giống trẻ con.

Đối với tôi, đó là một quan niệm sáng tác sai lầm. Tư duy của trẻ em khác, chẳng hạn trẻ em nhìn đám cưới của công chúa và hoàng tử như một trò chơi, một bữa tiệc vui nhộn, vậy người viết phải tư duy theo cách đó. Lời thoại cho trẻ em phải trong sáng, và nhất là phải rõ nghĩa, để qua đó, làm giàu thêm khả năng tư duy về ngôn ngữ cho các cháu.

Những bài học về đạo đức, về xử thế thì bản thân câu chuyện đã chuyển tải rồi, không cần thiết phải bằng lời thoại nữa. Và một điều không kém phần quan trọng, là kịch bản phải khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ nhỏ, thúc đẩy ước mơ của lứa tuổi thiếu nhi. Thế giới trong kịch bản là thế giới tưởng tượng, do đó tất nhiên là phải đẹp.

Ngay cả những nhân vật tạm gọi là thuộc phe phản diện, cũng nhất quyết không được ác độc một cách man rợ. Bởi đầu óc của trẻ em là rất trong sáng, do đó những tình tiết man rợ sẽ gây tác động xấu về sau. Chính vì thế, những nhân vât như ma quỷ, những con vật tạm gọi là phá hoại trong kịch bản của tôi thường mang yếu tố hài hước để làm giảm nhẹ phần bạo lực.

Và trên hết, là một người sáng tác, tôi cố gắng viết những kịch bản mới, tạo ra những nhân vật mới cho khán giả nhí. Đó quả là thách thức, bởi để thuyết phục được đạo diễn và nhà hát, thì điều đầu tiên là kịch bản phải hay. Cũng lại là niềm vui trong nghề, giống như cảm giác tìm ra một vùng đất mới.

Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Không xã hội hóa bằng mọi giá

Tuấn Phong (thực hiện)

- Thưa ông, nhiều phụ huynh phàn nàn rằng, đang có quá ít chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi và nếu có cũng chỉ tập trung vào dịp hè? Ông nghĩ sao về ý kiến này?

+ Tôi cho rằng, các chương trình nghệ thuật dành cho trẻ em ở Việt Nam vừa thiếu vừa yếu. Với một đất nước có 1 triệu trẻ em đến trường một năm và trong độ tuổi đi học là 12 năm thì đây là một lỗ hổng rất lớn. Đây là một sự thật mà chúng ta phải nhìn vào đó để thấy rằng cần có một sự đầu tư, quan tâm xứng đáng.

Trong tổng số 134 đoàn nghệ thuật công lập, được sự quản lý từ cấp Trung ương xuống địa phương thì chỉ có 9 đơn vị dành cho thiếu nhi, còn lại là sân khấu giải trí dành cho người lớn. Chương trình nghệ thuật dành cho các em lại càng đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, nó tạo ra một thực tế là cầu nhiều, cung ít. Sự bất cập của thị trường này đòi hỏi sự chú tâm đúng mức của nhiều người làm nghệ thuật

Tuy nhiên, có một tín hiệu đáng mừng là hiện nay xuất hiện thêm một số tốp nhóm biểu diễn, một vài công ty hay trung tâm nghệ thuật biểu diễn. Những đơn vị này lấy trẻ em làm đối tượng phục vụ chính đã tạo ra sự hoạt động khá sôi nổi, sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Một số đơn vị nghệ thuật trước đây chỉ tập trung phục vụ người lớn như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội đã có những vở diễn dành cho thiếu nhi.

Bên cạnh văn học thì nghệ thuật là cái tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách, giáo dục chân - thiện - mỹ hay rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Sự thiếu vắng các chương trình nghệ thuật bổ ích đã được báo động từ lâu vì nó có thể dẫn đến sự lệch lạc trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Một đời sống tinh thần nghèo nàn có thể đẩy các em tìm đến với sự giải trí bằng game, bằng Internet, bằng phim hoạt hình mà thời lượng và nội dung khó kiểm soát. Không gì bằng sự tác động trực tiếp của hoạt động nghệ thuật lên những tâm hồn thơ ngây. Nó có sức bền lâu, lan tỏa hơn rất nhiều.

Ở những nước phát triển, người ta rất chú trọng đến nghệ thuật biểu diễn dành cho các em. Cha mẹ thường xuyên đi cùng các em tới các hoạt động này ngoài việc rèn luyện cho các em thói quen thưởng thức nghệ thuật còn là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Đơn cử như ở Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, chỉ có nửa triệu dân nhưng có trên 300 rạp hát và nhà hát dành cho trẻ em. Trong khi ở Hà Nội chỉ có khoảng 7 địa chỉ, lại không hoạt động thường xuyên.

- Là người đứng đầu một đơn vị nghệ thuật, hẳn ông hiểu rõ hơn ai hết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

+ Trước hết, ngân sách dành cho dàn dựng và biểu diễn những chương trình này rất ít. Mỗi năm, mỗi nhà hát chỉ được cấp kinh phí để thực hiện từ 2 - 3 tác phẩm dành cho các em từ nguồn ngân sách nhà nước.

Nguồn lực các nghệ sĩ chuyên nghiệp dành cho thiếu nhi còn mỏng. Điều này có nguyên nhân từ việc họ không có được sự đánh giá đúng về cát sê, danh hiệu. Cho đến thời điểm này mới có một vài nghệ sĩ như Hồng Kỳ, Xuân Bắc, Phúc Dĩ được phong NSƯT. Tuy nhiên, những danh hiệu ấy có được cũng lại nhờ những liên hoan sân khấu dành cho người lớn.

Không có liên hoan sân khấu dành riêng cho thiếu nhi.

Đội ngũ êkíp sáng tạo lại thiếu vắng khủng khiếp. Không có đạo diễn, tác giả, nhạc sĩ được đào tạo riêng cho loại hình này. Gần đây có một số tác giả như Nguyễn Toàn Thắng, Vũ Minh, Sĩ Tiến, Như Lai... chịu khó viết cho thiếu nhi. Lực lượng viết cho múa rối, viết cho xiếc đều khó cả. Viết khó lại dàn dựng ít, thu nhập không cao nên ít người theo đuổi đường dài. Với các tác giả, nếu không chuyên nghiệp, không am hiểu về tâm lý trẻ em sẽ khó có được tác phẩm hay.

Với chức năng được xác định ngay từ khi thành lập là phục vụ thiếu nhi và thanh thiếu niên nên 38 năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ có may mắn xây dựng được đội ngũ nghệ sĩ tài năng, tâm huyết cho thiếu nhi. Tuy nhiên, nếu không thường xuyên bổ sung, chú ý thì khó khăn là điều không tránh khỏi.

- Gần đây, một số công ty giải trí, nhóm nghệ sĩ tổ chức thực hiện các chương trình nghệ thuật, giá vé với giá khá cao so với bình quân thu nhập nhưng vẫn rất đông phụ huynh cho con em đi xem?

+ Hiện nay có một thực tế là một số nhóm nghệ sĩ, công ty coi thị trường nghệ thuật dành cho thiếu nhi là một thị trường béo bở. Các nghệ sĩ khi biểu diễn cho các tốp, nhóm này thường có thu nhập khá cao. Chạy theo thị trường, mùa vụ nên các sản phẩm này thường không có tính bền vững, không có tính giáo dục cao. Để câu khách, thậm chí họ còn đưa cả bạo lực, kinh dị vào sân khấu dành cho các em. Điều này vô cùng nguy hiểm.

Vì tính vụ lợi nên các nhà sản xuất đẩy giá vé lên quá cao (300.000 đến 500.000 đồng/vé). Nếu cả nhà cùng đi, số tiền phải bỏ ra khá lớn. Trong khi không tương xứng với giá trị mang lại, không phù hợp với thu nhập của nhân dân.

Gần đây, có một xu hướng là kêu gọi xã hội hóa chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi nhưng đôi khi sự can thiệp của các nhà tài trợ vào chương trình không đúng với nhận thức, không phù hợp với lứa tuổi các em. Xã hội hóa là cần thiết để vượt khó nhưng vì tương lai các em không kêu gọi xã hội hóa bằng mọi giá.  

- Cảm ơn ông!

PV
.
.