Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn: Phải biết tạo dựng và bảo vệ thương hiệu

Thứ Ba, 27/05/2008, 10:00
"Tôi nghĩ việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật địa phương sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải bàn tới. Tôi cho rằng, tất cả các đoàn nghệ thuật và các nghệ sĩ nói chung đều phải biết tạo dựng thương hiệu cá nhân mình và bảo vệ thương hiệu ấy" - NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho PV VNCA biết.

- Thưa ông, đề án quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có đề cập đến việc sáp nhập hoặc chuyển đổi thành các đoàn nghệ thuật ngoài công lập. Lại nghe có thông tin cho rằng đã có chủ trương sáp nhập Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ. Xin ông cho biết cụ thể vấn đề này?

+ Thực tế thì có thông tin như vậy. Nhưng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chưa có đề xuất chính thức và cũng chưa công bố đến các đơn vị nghệ thuật chúng tôi.

Trong đề án đã phê duyệt của Chính phủ, phần giải pháp chủ yếu đã đề ra có ghi rõ: "Các đơn vị nghệ thuật Trung ương trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục duy trì các hình thức công lập các đoàn nghệ thuật truyền thống và tiêu biểu như tuồng, chèo, cải lương, xiếc, ca múa nhạc dân tộc, giao hưởng, múa cổ điển châu Âu (ballet), múa rối, nhạc vũ kịch". Rõ ràng không thấy nhắc tới kịch nói. Bởi vậy, tôi nghĩ, nếu muốn sáp nhập các đơn vị kịch nói chúng tôi thành một Viện Kịch nghệ thì phải có ý kiến đề nghị của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình lên Chính phủ.

- Cá nhân ông có muốn đơn vị mình sáp nhập với đơn vị khác không? Hãy thử phân tích những khó khăn và thuận lợi khi sáp nhập các đơn vị nghệ thuật hiện nay thành một tổ chức kịch nghệ lớn?

+ Tôi cho rằng việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật lại với nhau (nếu có) cũng chẳng có gì là quá nặng nề. Nếu Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam được sáp nhập thành Viện Kịch nghệ thì theo tôi cũng là tốt thôi. Các nghệ sĩ sẽ có một môi trường làm việc mang tính hệ thống hơn, quy củ hơn, khoa học hơn trong công tác tổ chức biểu diễn. Họ được cọ xát với nghề và nâng cao tính sáng tạo hơn.

- Thế còn nỗi lo mất bản sắc của đơn vị mình thì sao, thưa ông?

+ Tôi nghĩ chuyện mất bản sắc không có gì đáng lo ngại cả. Ví dụ, chúng tôi có được sáp nhập thì chúng tôi vẫn là chính mình thôi. Chúng tôi vẫn dựng vở diễn hàng năm, vẫn giữ phong cách biểu diễn của riêng mình trước công chúng. Việc sáp nhập ở đây sẽ chỉ có ý nghĩa là làm cho quy mô của một đơn vị nghệ thuật lớn hơn, hệ thống hơn, chứ không hề có ý nghĩa là sẽ khiến các thành viên trong đó bị méo mó hay phai nhòa bản sắc, cá tính. Chúng tôi sẽ vẫn giữ thương hiệu nhà hát Tuổi trẻ trong hệ thống ấy.

Cùng với đó, chúng tôi vẫn sẽ chia ra các đoàn kịch nhỏ chuyên biệt như hiện nay là đoàn kịch hình thể, đoàn kịch thiếu nhi, đoàn kịch I, đoàn kịch II...

- Nỗi lo mất bản sắc có thể không xảy ra với Tuổi trẻ, một đơn vị nghệ thuật có cá tính và phong cách biểu diễn riêng, nơi tập trung của nhiều nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu của nền kịch nghệ Việt Nam. Nhưng với các đơn vị nghệ thuật yếu hơn, ở các địa phương chẳng hạn, theo ông, họ có gặp phải vấn đề này?

+ Tôi nghĩ việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật địa phương sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải bàn tới. Nó không đơn giản như chúng ta nghĩ. Nhưng tôi cũng cho rằng, tất cả các đoàn nghệ thuật và các nghệ sĩ nói chung đều phải biết tạo dựng thương hiệu cá nhân mình và bảo vệ thương hiệu ấy. Đó cũng đồng nghĩa với việc giữ gìn bản sắc của chính mình. Cái gì yếu, kém, nhạt nhòa dần dần sẽ bị loại bỏ. Điều đó cũng là tốt đối với nền sân khấu đang cần được thay đổi để phát triển của chúng ta hiện nay.

- Xin cảm ơn đạo diễn Lê Hùng

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.