Hội thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học":

Quan trọng là phải "nhập cuộc"

Thứ Sáu, 27/04/2012, 08:00
Ngày 10/4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (LLPBVHNTTƯ) đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học".  Nhiều nhà quản lý, nhiều văn nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học đã tham gia cuộc Hội thảo...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã dự và phát biểu chào mừng các đại biểu.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã trình bày tham luận với cách đặt vấn đề thú vị. Nội dung chủ yếu tập trung vào ba góc độ: Sự mỏng mảnh của đội ngũ cầm bút; chất lượng công tác lý luận, phê bình văn học và những kiến nghị, giải pháp về cơ chế, chính sách.

Về đội ngũ cầm bút làm công tác lý luận, phê bình văn học hiện nay, đa phần các ý kiến đều cho là quá mỏng mảnh, rất "đáng báo động". Trong phát biểu khai mạc, PGS - TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNTTƯ, đơn vị chủ trì cuộc hội thảo đã phải thẳng thắn thừa nhận: "Những cuộc hội thảo, tọa đàm về chuyên đề này trong những năm qua đều chưa thoát ra khỏi một hiện tượng chung là, không ít đại biểu là những nhà phê bình văn nghệ - cả hàn lâm lẫn báo chí - dường như chỉ đứng ngoài cuộc để nhìn nhận thực trạng, truy tìm nguyên nhân mà chưa đặt mình thật sự là người trong cuộc để xác định rõ trách nhiệm của mình cũng là người đã và đang trực tiếp hoặc gián tiếp làm nên thực trạng đó". Có thể nói, đây là một ý kiến rất sắc nét, thể hiện tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật". Bởi nói gì đi chăng nữa thì căn bệnh lớn nhất hiện nay vẫn là việc chúng ta đang thiếu một đội ngũ người viết năng nổ, xông xáo, có chuyên môn cao.

Ý kiến của PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh làm tôi nhớ tới hai ý kiến "trao đi đổi lại" xảy ra ngay chính tại cuộc hội thảo giữa nhà phê bình văn học Mai Quốc Liên và nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa. Trong phát biểu của mình, nhà phê bình văn học Mai Quốc Liên đã "phê" một số tờ báo lớn, trong đó có Báo Nhân dân là chưa thực sự mở được những mặt trận lớn, có tính đột phá trong công tác đấu tranh với các quan điểm lệch lạc trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Về điểm này, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, hiện là Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân dân có giải thích rằng, bản thân anh và các đồng nghiệp trong báo đã rất nỗ lực trong việc này, song cần phải có sự hỗ trợ của các cây bút bên ngoài, trong khi - như Nguyễn Hòa nêu ví dụ - ngay với nhiều "bác" ngồi đây, không ít lần anh đặt bài song "các bác có thực hiện cho đâu".

Vẫn biết, không mấy người viết có thể sống được bằng nghề, song không thể vì thế mà các cơ quan hữu trách xem thường chế độ nhuận bút, coi nhuận bút với nhà văn chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Một số đại biểu kêu nhuận bút cho sáng tác đã thấp, nhuận bút cho phê bình còn thấp hơn. Nhà phê bình văn học La Ngọc Hòa, trong tham luận của mình đã kể: "Cả năm trời tôi mới nghĩ ra một ý khả thủ, khảo sát đủ tư liệu, tìm đủ chứng lý để viết thành bài nghiên cứu tử tế dài hơn ba chục trang, đem in trên Nghiên cứu văn học rất sang trọng, tôi nhận được năm trăm nghìn nhuận bút". Đến đây, ông La Khắc Hòa tỏ ra bi quan: "Tôi sợ, cứ đà này, chỉ cần ít năm nữa, không khéo sẽ chẳng còn ai làm lý luận - phê bình, khi ấy, loại hoạt động này sẽ trở thành nghề đưa gấp vào "sách đỏ" để bảo vệ".

Cũng liên quan đến vấn đề đội ngũ, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị lại đặc biệt trăn trở ở một khía cạnh khác. Ông cho rằng: "Không ít người vẫn bị ám ảnh và dè chừng với những trận đòn hội chợ trước đây thời ông Đặng Bửu. Thời đại đặt ra trước mỗi người những lo toan thường nhật, không ai muốn bị làm phiền, không ai muốn làm mất lòng bạn bè đồng nghiệp, cho nên không ai còn muốn dấn thân đề cao chữ phê không mấy dễ chịu đối với người viết. Trong tình trạng như vậy, một số cây viết không còn tiếp tục công việc, rửa tay gác kiếm, một số chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu, đi dạy học tại các trường đại học, viết báo, viết sách… vừa có thu nhập lại vừa yên thân".

Từ vấn đề đội ngũ, đương nhiên sẽ dẫn tới vấn đề chất lượng của công tác lý luận, phê bình văn học. Theo nhận xét trong bản đề dẫn được trình bày tại hội thảo của PGS - TS Đào Duy Quát, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPBVHNTTƯ thì "Phê bình văn học chưa chủ động định hướng được dư luận; tác phẩm thành công không được kịp thời phát hiện, khẳng định; xu hướng thể nghiệm mới không kịp thời đánh giá, gợi mở; những tác phẩm yếu kém cả về tư tưởng và nghệ thuật không kịp thời được "rung chuông", những âm mưu, ý đồ đen tối trong lĩnh vực văn nghệ, những tác phẩm đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân không được kịp thời cảnh báo và phản kích…Tất cả những biểu hiện đó đã làm gia tăng tình trạng quần chúng tiếp nhận giảm niềm tin vào các nhà phê bình, một bộ phận không nhỏ người đọc và người sáng tác quay lưng lại với phê bình văn học".

Ý kiến của PGS -TS Đào Duy Quát khiến tôi nhớ tới các cuộc trao giải thơ ở thời bao cấp trước kia. Với mỗi tác phẩm được giải, bao giờ đại diện Ban giám khảo (thường là nhà thơ Xuân Diệu hoặc nhà thơ Chế Lan Viên) cũng có bài nhận xét rất kỹ lưỡng về ưu và khuyết, và bài viết đó được đăng trên báo của Hội để dư luận căn cứ vào đó biết được từ đâu Ban giám khảo có quyết định trao giải cho một tác phẩm. Hiện thời, công việc này gần như không được chú trọng. Thậm chí, như ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương nêu tại cuộc hội thảo, khi cuốn tiểu thuyết "Hội thề" của nhà văn Nguyễn Quang Thân (giải A cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006-2009) gặp phải một số ý kiến phản ứng trên báo mạng, cũng không thấy ai trong Ban giám khảo lên tiếng bênh vực hoặc giải đáp thắc mắc của người đọc.

Cũng chung ý kiến với nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Văn Chinh nêu hiện tượng: "Nhiều tác phẩm được Giải thưởng năm 2010 - 2011 của Hội cũng không có một bài phê bình tự giác nào, đến nỗi phải mở cả hội thảo và báo Văn nghệ phải đặt bài phê bình".

GS Phong Lê thì cho rằng, con người hôm nay đến với văn học trước hết bởi nhu cầu giải trí, từ đó, ông có ý nghĩ không phải không có phần bi quan: "Bởi vậy mục đích của phê bình chỉ giới hạn ở nhu cầu thông tin, quảng bá".

Về các giải pháp mà một số đại biểu đưa ra, tôi thấy đáng chú ý có mấy điểm sau đây: Theo nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan, chúng ta cần phải quan tâm thích đáng tới hệ thống báo mạng, bởi "Thực tế là những tờ báo in hiện có đều không thể so với các trang mạng trong việc phê bình kịp thời văn chương: các tờ nhật báo có lượng phát hành lớn nhất hiện nay đều chỉ dành cho văn học một diện tích mặt báo rất nhỏ, trong khi còn lại chỉ có vài tờ tuần báo văn học và vài tạp chí văn học đôi lần một tháng". Nhà phê bình văn học Mai Quốc Liên cho rằng, chúng ta xóa bao cấp nhưng không nên xóa tất cả. Nhà nước nên phân loại, trợ cấp thêm cho một số tờ báo phi thương mại, phi lợi nhuận mà ông ví von một cách hình tượng là không "lẳng lơ", mà "chính chuyên chỉ có một chồng…". Nhà phê bình văn học Phạm Quang Trung kiến nghị Hội Nhà văn cần có một trại viết chuyên dành cho các nhà phê bình để họ mổ xẻ, bàn luận về một hiện tượng nghệ thuật gợi ra những vấn đề nghệ thuật nào đó, để rồi "Sau trại viết, qua những lời bàn bạc qua lại của các nhà chuyên môn, mọi chuyện, dầu rắc rối đến đâu có thể được tập trung tháo gỡ". Nhà phê bình văn học Văn Giá thì kiến nghị "Hội Nhà văn Việt Nam rất nên có thêm một tờ tạp chí chuyên cho lĩnh vực lý luận - phê bình văn học". Theo anh, tờ tạp chí này "bao gồm hai mảng lý luận và phê bình", trong đó "Phần lý luận là vô cùng quan trọng. Nó là phần trí tuệ anh minh nhất của phê bình, làm điểm tựa cho phê bình phát triển".

Chỉ với một số ý kiến nêu trên, ta có thể thấy thực trạng của lý luận, phê bình văn học hiện nay là rất đáng lo ngại. Các giải pháp được nêu lên, thiết nghĩ tuy không phải đã sắc sảo nhưng cũng tương đối đầy đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là phải thực hành như thế nào. Hơn lúc nào hết, Hội đồng LLPBVHNTTƯ cần phải được quan tâm, củng cố đội ngũ hơn nữa và thể hiện vai trò định hướng của mình hơn nữa. Các nhà lý luận phê bình văn học cũng phải "nhập cuộc" hơn nữa. Có như vậy thì những vấn đề đặt ra trong hội thảo mới có ý nghĩa thiết thực

Phạm Thành Chung
.
.