Đề cử giải thưởng "Ấn tượng VTV": Tôn vinh sao cho xứng?

Thứ Bảy, 13/08/2016, 08:09
Ngay sau khi đạt ngôi vị quán quân chương trình "Thần tượng âm nhạc nhí" mùa đầu tiên, "thần đồng cảm xúc" Hồ Văn Cường ngay lập tức được đề cử giải thưởng "Ấn tượng VTV" (VTV Award) 2016, hạng mục "Ca sĩ ấn tượng". Điều đáng nói là, Hồ Văn Cường được "xếp chung" với một số ca sĩ hàng đầu của showbiz Việt. Vừa "chân ướt chân ráo" bước ra từ một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, chưa có đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà hay sản phẩm âm nhạc đáng chú ý, liệu Hồ Văn Cường có xứng đáng được "ưu ái" như vậy?


Cứ quán quân, á quân cuộc thi âm nhạc là "chắc tay" đề cử

Trong danh sách đề cử hạng mục "Ca sĩ ấn tượng" của giải thưởng "Ấn tượng VTV 2016" còn có những cái tên "đình đám" của show biz Việt như Noo Phước Thịnh, Trúc Nhân, Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Tùng Dương, Cát Tường, Lê Anh Dũng, Tóc Tiên, Thu Minh, PB Nation, O-Plus, Soobin Hoàng Sơn, Maya, Tiên Tiên, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Khởi My, Issac, Văn Mai Hương, Minh Hằng, Cẩm Ly. Đây là những ca sĩ, nhóm nhạc đã có thời gian dài hoạt động nghệ thuật và tên tuổi của họ đã được khẳng định bằng những sản phẩm âm nhạc có chất lượng.

Nhiều người cho rằng, việc đưa Hồ Văn Cường góp mặt trong danh sách này là sự khiên cưỡng, không xứng tầm giải thưởng có ý nghĩa là "dành cho những người làm truyền hình, những cá nhân, tổ chức đã và đang đóng góp cho sự phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam".

Nhìn lại chặng đường âm nhạc mà Hồ Văn Cường đã đi qua, có lẽ không có nhiều điều để nói, ngoại trừ ngôi vị quán quân "Thần tượng âm nhạc nhí 2016". Việc Hồ Văn Cường giành được ngôi vị cao nhất của chương trình đã là sự may mắn và ưu ái quá lớn của khán giả.

Theo đuổi dòng nhạc dân ca, sở hữu giọng hát ngọt ngào, thiên về cảm xúc nhưng xét về kỹ thuật, sự đa dạng, "biến hóa" trong biểu diễn, Hồ Văn Cường không thể "qua mặt" được ba thí sinh còn lại trong top 4 của chương trình. Tuy nhiên, trong một cuộc chơi, ngoài tài năng cần phải có thêm sự may mắn.

Rất có thể, với sự yêu thương của khán giả, Hồ Văn Cường sẽ nhận được lượng tin nhắn bình chọn lớn để trở thành "Ca sĩ ấn tượng". Tuy nhiên, liệu điều này có xứng đáng và công bằng với sự nỗ lực và cống hiến của những ca sĩ "gạo cội" khác?.

Vừa "chân ướt chân ráo" bước ra từ một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, Hồ Văn Cường đã ngay lập tức có tên trong danh sách đề cử giải thưởng  "Ấn tượng VTV" 2016, hạng mục "Ca sĩ ấn tượng".

Một thực tế rất đáng suy ngẫm là trong thời gian gần đây, thí sinh giành thứ hạng cao trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình thường xuyên có mặt trong những đề cử xếp hạng âm nhạc trong nước. Điều này khiến nhiều người băn khoăn về giá trị giải thưởng và đặt câu hỏi, liệu những người được tôn vinh đã thực sự xứng đáng với sự tung hô thái quá trên các phương tiện truyền thông. Liệu sự "dễ dãi" trong việc lựa chọn đề cử có làm giảm giá trị của giải thưởng?

Quán quân "Giọng hát Việt" mùa đầu tiên Hương Tràm giành chiến thắng ở hạng mục "Nghệ sỹ mới" - giải thưởng "Cống hiến 2013". Vừa bước ra khỏi cuộc thi, Trọng Hiếu (quán quân "Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2015"), Đức Phúc (quán quân "Giọng hát Việt 2015") đã ngay lập tức có tên trong danh sách đề cử "Gương mặt phát hiện" của giải thưởng "Làn sóng xanh" năm 2015 cùng với một số cái tên từng tham gia các cuộc thi ca nhạc khác như Hoàng Dũng, Yến Lê, Bích Ngọc. Cũng trong năm 2015, Trọng Hiếu còn có tên trong danh sách đề cử "Nghệ sỹ mới của năm" - giải thưởng "Cống hiến"...

Những quán quân, á quân các cuộc thi âm nhạc được vinh danh trong các giải thưởng âm nhạc trực tuyến, có tên trong danh sách đề cử ở hạng mục "Nghệ sỹ mới", "Phát hiện mới" có thể chấp nhận được nhưng việc đưa họ vào các hạng mục giải thưởng đòi hỏi sự cống hiến lâu dài thì e có phần "hơi quá".

Việc Uyên Linh, quán quân "Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2010" xuất hiện trong danh sách đề cử "Ca sĩ của năm" giải thưởng "Cống hiến 2011", cùng với Thanh Lam, Tùng Dương, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn gây nên những tranh luận trái chiều.

Ngay sau khi được vinh danh ở vị trí á quân chương trình "Giọng hát Việt nhí" mùa đầu tiên, Phương Mỹ Chi đã vượt qua các gương mặt kỳ cựu như Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Thanh Thúy giành giải "Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca, truyền thống cách mạng được yêu thích nhất", giải thưởng "Mai Vàng 2013". Trong đề cử giải "Mai Vàng 2013", Quang Anh, quán quân "Giọng hát Việt nhí" cũng lọt vào top 5 "Nam ca sĩ nhạc nhẹ".

Tôn vinh phải xứng tầm

Những ngày gần đây, sản phẩm phẩm mới nhất của Sơn Tùng M-TP là "Chúng ta không thuộc về nhau" bị tố đạo ca khúc "We don't talk anymore" - một bài song ca của Charlie Puth và Selena Gomez vẫn là tâm điểm của dư luận. "Chúng ta không thuộc về nhau" cũng như nhiều sản phẩm khác của chàng ca sĩ trẻ này cứ "trình làng" là "có chuyện".

Sơn Tùng M-TP được vinh danh ở hạng mục "Ca sĩ của năm", giải thưởng "Cống hiến" 2016.

Tuy nhiên, không phải "vì có chuyện" mà sản phẩm của Sơn Tùng M-TP bị "tẩy chay". "Chúng ta không thuộc về nhau" thu hút 2 triệu lượt xem sau 24 giờ ra mắt, xô đổ mọi kỷ lục mà MV Việt đạt được. Trước đó, ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” trong bộ phim “Chàng trai năm ấy” bị cho là có phần nhạc beat và cách xử lý khá giống với ca khúc “Because I miss you” do Yong Hwa, Trưởng nhóm CN Blue của Hàn Quốc thể hiện.

Chưa hết, ba ca khúc từng “làm mưa, làm gió” trên các sân khấu do Sơn Tùng sáng tác là “Em đừng đi”, “Em của ngày hôm qua”, “Cơn mưa ngang qua” cũng bị phát hiện có phần nhạc beat giống một số ca khúc nhạc Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đó là còn chưa kể đến những scandal về hành xử thiếu văn hóa khác. Còn nhớ, khi bị nhạc sĩ Phó Đức Phương và Dương Khắc Linh – những người đã lên tiếng khẳng định ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” đạo nhạc, Sơn Tùng M-TP và ekip của mình đã "tung" MV “Không phải dạng vừa đâu” trong đó có hình ảnh chỉ trích hai nhạc sỹ tài năng này. Với việc làm này, Sơn Tùng M-TP bị đánh giá là "vô lễ", “coi thường” bậc cha chú, “ngông cuồng”, “láo xược”.

Với một "hồ sơ cá nhân" không mấy sạch sẽ trên con đường hoạt động nghệ thuật nhưng Sơn Tùng M-TP lại là ca sĩ có được nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá. Một trong những giải thưởng đó phải kể đến "Cống hiến" - giải thưởng vốn được coi là "Grammy của nhạc Việt".

Lần trao giải thưởng âm nhạc "Cống hiến" lần thứ 11, năm 2016 vừa qua, Sơn Tùng M-TP "bội thu" khi xuất hiện ở bốn hạng mục đề cử là "MV của năm", "Bài hát của năm" (ca khúc ''Âm thầm bên em''), "Chương trình của năm" (M-TP Ambition - Chuyến bay đầu tiên) và "Ca sĩ của năm".

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, sở dĩ Sơn Tùng M-TP có tên trong nhiều hạng mục đề cử là do ca sĩ trẻ này có những hoạt động âm nhạc nghiêm túc, được công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ đón nhận trong năm 2016. Kết quả cuối cùng, Sơn Tùng M-TP đã "qua mặt" các bậc đàn anh, đàn chị trong làng nhạc Việt là Tùng Dương, Trần Thu Hà, Hồng Nhung để dành danh hiệu "Ca sĩ của năm".

Tôi cho rằng, Việc Sơn Tùng M-TP được vinh danh "Ca sĩ của năm" là một thất bại của "Cống hiến" bởi chàng ca sĩ trẻ này chưa có đủ tài năng và đạo đức nghề nghiệp để được tung hô như vậy.

Không thể phủ nhận giá trị tích cực của các giải thưởng. Đó là sự đánh giá, ghi nhận, tôn vinh những nghệ sỹ có đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Với mỗi nghệ sỹ, giải thưởng là mốc đánh dấu chặng đường phát triển của họ. Tuy nhiên, nếu giải thưởng không chọn "đúng mặt" để "gửi vàng" thì có lẽ, giải thưởng lại trở nên phản tác dụng.

Dẫu biết rằng, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của giải thưởng là phát hiện nhân tố mới nhưng xét ở tiêu chí, góc độ nào thì cái mới không đơn thuần là cái xuất hiện sau, cái độc, lạ, mà đó phải là cái mới ẩn chứa yếu tố tích cực. Tôn vinh phải đúng người có thực tài, nhân tố mới xuất sắc mới khẳng định được ý nghĩa, giá trị của giải thưởng. Bằng không, giải thưởng lại khiến nghệ sỹ ảo tưởng về khả năng của mình, lấy giải thưởng là "bàn đạp" để tiến thân trong showbiz. Như vậy, vô hình chung, giải thưởng đã tạo ra những giá trị ảo, những ngôi sao "lãng xẹt" cho showbiz.

Tường Phạm
.
.