Quản lý nghệ thuật biểu diễn: Vẫn là bài toán khó

Thứ Hai, 27/05/2013, 09:00
Lâu nay, Việc xử phạt các vụ vi phạm hoạt động biểu diễn nghệ thuật tập trung vào các chương trình biểu diễn trên sân khấu, bản ghi âm, ghi hình lưu thông trên thị trường với mục đích thương mại, còn các bản ghi âm, ghi hình lưu thông trên mạng thì gần như cơ quan chức năng đành "bó tay", nhất là với giới underground (không biểu diễn trên sân khấu). Và đây là kẽ hở lý tưởng để người ta "lách"...

74, 5 triệu đồng và chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"

74,5 triệu đồng là tổng số tiền xử phạt các vụ vi phạm hoạt động biểu diễn nghệ thuật (BDNT) và trình diễn thời trang (TDTT) trong cả nước sau một năm thực hiện Chỉ thị 65/CT - BVHTTDL. Con số vừa được công bố tại Hội nghị tổng kết một nă m thực hiện Chỉ thị 65/CT-BVHTTDL về chấn chỉnh hoạt động tổ chức BDNT và TDTT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức tại Tp HCM khiến người này "choáng", người kia tủm tỉm cười, người nọ thở dài thườn thượt. Có đủ mọi cảm xúc tiêu cực trên gương mặt các đại biểu đến dự Hội nghị vì nó nhắc đến vấn đề mà thoạt nghe có người đã nhăn nhó "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!". Người ta biết, nhưng vẫn nói dai, nói dài: Chuyện cátsê một bài hát của ca sĩ nổi tiếng có khi được "hét" tới cả trăm triệu đồng. Vậy mà loay hoay suốt một năm, tổng số tiền xử  phạt vi phạm trên cả nước của cơ quan chức năng còn chưa chạm đến mức cátsê đó. Đạo diễn Phạm Huy Thục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp HCM "nóng mặt": "Phạt thế thì ai sợ? Nếu cứ tiếp tục với mức phạt như "gãi ngứa" cho có như thế, nhiều người đua nhau vi phạm để nổi tiếng và thu lợi nhuận, chẳng sợ luật pháp nữa! Do đó phải phạt thật nặng, nặng hơn nữa mới đủ sức răn đe". Đề nghị này, nhiều người cũng đã nói đi, nói lại nhiều nhưng thực hiện thì "khổ lắm" vì muôn cái khó.

Con số trên không chỉ chứng tỏ mức phạt còn quá nhẹ mà số vụ vi phạm bị xử lý cũng quá ít trong khi chuyện "lộ hàng", hát nhép, quảng cáo "treo đầu dê bán thịt chó"… trong năm là vô số và được phản ảnh nhan nhản trên báo mạng khiến dư luận bất bình. Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh, từ tháng 4/2012 đến nay, Sở đã xử lý 11 trường hợp vi phạm. Trong đó, có hai cá nhân bị xử phạt vì ăn mặc phản cảm và hát nhép. Ngoài ra, có đến 5 trường hợp đơn vị tổ chức BDNT nhưng không xin phép. Song, đó là con số đếm trên đầu ngón tay, là phần nổi của tảng băng chìm. Với đội ngũ nhân lực mỏng, trình độ chuyên môn chưa cao, các vụ vi phạm nói chung và hoạt động BDNT, TDTT không xin phép dễ dàng lọt lưới. Đặc biệt có những vụ việc gây bức xúc dư luận nhưng việc phản ứng, xử lý của cơ quan chức năng địa phương gặp nhiều lúng túng, thiếu kiên quyết, đồng bộ.

Việc xử phạt vẫn tập trung vào các chương trình biểu diễn trên sân khấu, bản ghi âm, ghi hình lưu thông trên thị trường với mục đích thương mại, còn các bản ghi âm, ghi hình lưu thông trên mạng thì gần như cơ quan chức năng đành "bó tay", nhất là với giới underground (không biểu diễn trên sân khấu). Và đây là kẽ hở lý tưởng để người ta "lách". Internet là một công cụ hữu hiệu để các nghệ sĩ giới thiệu sản phẩm sáng tạo của mình đến công chúng mà không phải qua bất cứ một khâu trung gian nào. Đó là cách phát hành trực tuyến, không cần xin phép, không cần kiểm duyệt rườm rà, không mất phí, ít tốn thời gian mà công chúng lại dễ dàng tiếp cận vì được xem, nghe miễn phí. Vì những lợi thế trên, có rất nhiều ca khúc, clip ca nhạc mang những ngôn từ tục tĩu, hình ảnh phản cảm, nội dung phản động thoải mái tung lên các website, trang mạng xã hội. Điển hình như clip ca nhạc "Xin lỗi em chỉ là…" có rất nhiều đoạn bị người xem đánh giá không khác gì phim cấp 3. Thậm chí để câu khách, "khúc dạo đầu" của "Xin lỗi em chỉ là…" lại là một clip sex chính hiệu. Clip "Baby Blues" phát hành trực tuyến của ca sĩ Mai Khôi cũng có nhiều đoạn khiến người xem "nóng bừng" vì diễn tả cảnh phòng the thô thiển. Ngoài ra, còn có nhiều ca khúc tự chế với ngôn từ mà gọi nôm na là "mất dạy" như clip "Kìa con bướm vàng" của ca sĩ Phong Lê, hay việc các ca sĩ, người mẫu tự đưa những cảnh quay khoe thân, uốn éo gợi dục… tràn lan trên mạng với tốc độ lan truyền vô cùng mạnh mẽ. Các sản phẩm phi nghệ thuật này nhanh chóng "đầu độc" công chúng. Nhưng khi bị hỏi thăm, chủ nhân của chúng dễ dàng "trắng án" với 1001 lý do như vụ clip quảng cáo bánh ngọt phản cảm của Trà Ngọc Hằng. Trong đó chủ yếu nhất là núp dưới danh nghĩa lưu trữ cá nhân, chia sẻ miễn phí, hoặc không biết ai tự tiện đưa lên mạng… Nếu sản phẩm bị gỡ xuống thì nó cũng đã kịp nhân bản hàng loạt ở các trang mạng khác.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hồ Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện Chỉ thị 65/CT-BVHTTD về chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang (Tp HCM, 8/5/2013).

Truyền hình bỏ ngỏ

"Ngay cả các chương trình giải trí phát trên sóng truyền hình quốc gia, một số người ngồi ghế giám khảo cũng mặc trang phục phản cảm…" -  ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã phát biểu như vậy. Việc chấn chỉnh, xử phạt vi phạm BDNT và TDTT trên truyền hình trong một năm qua là con số rất nhỏ. Trong khi đó, những phát ngôn, hành xử thiếu văn hóa, ăn mặc phản cảm của cả thí sinh lẫn ban giám khảo, nhất là ở các chương trình truyền hình thực tế, ngày càng nhiễu loạn. Từ chuyện Ban giám khảo và thí sinh cãi vã ăn thua, ''đá xoáy'' nhau đến nghi án mua giải, dàn xếp kết quả, tố tụng nhau… Gần đây nhất là hành động đổ món ăn dự thi của thí sinh vào sọt rác của Ban giám khảo trong chương trình truyền hình thực tế Vua đầu bếp Việt Nam vừa được phát sóng vào ngày 10/5 trên kênh VTV3 khiến khán giả bức xúc vì trái thuần phong mỹ tục. Thế nhưng, Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ ra tay khi việc đã rồi và bị truyền thông và dư luận làm ầm ĩ. Trong suốt một năm qua, người ta chỉ nhớ đến hai vụ buộc Cục Nghệ thuật biểu diễn phải vào cuộc do áp lực dư luận. Đó là vụ clip bóc trần việc dàn xếp kết quả chương trình Giọng hát Việt 2012 - The Voice  bị một kẻ nặc danh tung lên mạng gây chấn động dư luận vào tháng 9/2012; vụ dàn xếp kết quả tin nhắn ảo của chương trình Bài hát yêu thích. Tuy nhiên, ở cả hai vụ việc này cũng chỉ dừng lại ở việc Cục yêu cầu Ban tổ chức có văn bản giải trình, chứ chưa có mức xử lý cụ thể. Động thái xóa nhòa hình ảnh ca sĩ Mỹ Tâm (chỉ chừa mặt) khi quay cận cảnh trong một chương trình âm nhạc phát sóng trực tiếp trên HTV7 ngày 25/3 của Đài Truyền hình Tp HCM được đánh giá là bước chuyển tích cực nhằm tránh sự cố phản cảm về trang phục trên truyền hình. 

Việc thực hiện Chỉ thị 65 trên truyền hình còn lơi lỏng. Trong khi đó, đây là kênh thông tin có ảnh hưởng sâu rộng đến công chúng, luôn tràn ngập các show diễn, các chương trình giải trí và nặng về lợi nhuận, quảng cáo. Do đó truyền hình dễ đi chệch hướng, cổ xúy, tiếp tay cho những vi phạm. Một nghịch lý là, đã có một số Đài truyền hình coi tai tiếng của các ngôi sao là chiêu câu khách hiệu quả nhất cho chương trình nên mời cho bằng được họ ngay sau vụ tai tiếng dù mức cátsê họ "hét" còn ngất ngưởng hơn khi họ chưa bị xử phạt. Thay vì tẩy chay, truyền hình lại o bế họ khiến việc xử phạt của cơ quan chức năng bỗng "tác dụng ngược". Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sau khi bị phạt mức kịch trần là 5 triệu đồng vì nụ hôn khả ố với vị sư trong chương trình đấu giá từ thiện vẫn tự nhiên có mặt ở nhiều chương trình truyền hình trực tiếp có số lượng người xem đông đảo như The Voice, đêm ca nhạc "Một thời dấu yêu" tại sân khấu Lan Anh phát sóng trên VTV9 và các truyền hình địa phương… Sau scandal ăn mặc phản cảm trong đêm "Ngàn sao hội tụ", bị phạt 3,5 triệu đồng, ca sĩ Thu Minh bỗng xuất hiện trên truyền hình với tần suất dày đặc hơn trước. Trong đó, có rất nhiều chương trình việc ăn mặc của cô chưa hẳn đã "tiến bộ".

Để đảm bảo chất lượng âm thanh, vấn nạn hát nhép, đàn nhép hiện nay vẫn được tiếp tay bởi các chương trình truyền hình trực tiếp của nhà đài. Ca sĩ Ánh Tuyết buồn bã cho biết: "Mới đây, tôi tham dự một chương trình lễ hội được truyền hình trực tiếp đêm khai mạc. Nói thật, trong chương trình đó tôi là ca sĩ hát… dở nhất! Đơn giản vì tôi hát live còn các ca sĩ khác đều hát nhép. Tôi chỉ muốn hát live vì hát live mình mới thả hồn vào bài hát được. Nhưng việc hát nhép tràn lan hiện nay khiến những nghệ sĩ chân chính thực sự nản lòng".

Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết: Hiện Bộ đang làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Tp HCM. Thời gian tới hai Đài Truyền hình này sẽ phối hợp với ngành văn hóa để chấn chỉnh, thắt chặt kịp thời hoạt động BDNT và TDTT phát sóng trên truyền hình

P.T.U.
.
.