Quản lý biểu diễn nghệ thuật: Vẫn còn những khoảng trống

Thứ Bảy, 16/04/2016, 07:51
Hai văn bản mới nhất trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới là Nghị định 15/2016/NĐ-CP (ban hành ngày 15/3/2016, sau đây gọi tắt là Nghị định số 15) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL (ban hành ngày 24/3/2016) thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc từng bước đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật vào nề nếp. Tuy nhiên, liệu quy định mới với những điều chỉnh, bổ sung mới có đủ mạnh để tạo ra sự "lột xác" trong công tác quản lý biểu diễn nghệ thuật?


Siết chặt công tác quản lý

Nghị định số 15 và Thông tư số 01 được giới chuyên môn đánh giá là đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết, góp phần đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật đi vào nề nếp. Cùng với việc sửa đổi một số điều của Nghị định 79, Nghị định 15 đã bổ sung thêm một số quy định mới. Những quy định mới cơ bản đáp ứng được đỏi hỏi đang đặt ra trong thực tiễn công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Rõ nét nhất là vai trò của các cấp chính quyền, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã được cụ thể hóa. So với Nghị định số 79, Nghị định số 15 đã bổ sung vị trí, vai trò, trách nhiệm cụ thể hai cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật là Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố. Việc quy định rõ các cơ quan tham mưu trong quản lý nhà nước là cơ sở pháp lý quan trọng để Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch ở địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Hy vọng Nghị định 15 và Thông tư số 01 sẽ góp phần đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật đi vào nề nếp. Trong ảnh: Lâm Thùy Anh, "thi chui" và đăng quang Á hậu 4 trong cuộc thi "Hoa hậu sắc đẹp Hoàn cầu" 2015 tại Hàn Quốc.

Một trong những quy định mới được chú ý là yêu cầu về đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc được bổ sung trong nhiều điều, khoản. Tại khoản 4, Điều 7 quy định về "Trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu" nêu rõ: "không được thu âm, thu hình các chương trình, tiết mục có nội dung trái với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam;  Không phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình chưa được phê duyệt nội dung; bản ghi âm, ghi hình có nội dung, hình thức trái với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam trên mạng viễn thông".

Khoản 3, Điều 7 quy định "Trách nhiệm của người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thí sinh thi người đẹp, người mẫu" cũng bổ sung thêm "Giữ gìn đạo đức, hình ảnh và danh hiệu của người đạt giải phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và đúng quy định của pháp luật".

Nghị định số 15 đã bổ sung chặt chẽ hơn quy định về mặt thủ tục và quy trình cấp, thu hồi giấy phép biểu diễn của các cơ quan quản lý nhà nước.Ví dụ, trong thủ tục đề nghị cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có thêm một số quy định mới như: cần có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ quy định về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả; 01 bản nhạc hoặc kịch bản đối với tác phẩm đề nghị công diễn lần đầu (đối với bản nhạc hoặc nhạc kịch sử dụng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt và chứng nhận của công ty dịch thuật)...

Nghị định 15 cũng bổ sung một điều mới (Điều 7a) quy định rõ về thẩm quyền xử lý, thu hồi giải thưởng, danh hiệu trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu khi có vi phạm. Theo đó, những hành vi như hát nhép, không nộp thuế, sử dụng trang phục không phù hợp thuần phong mỹ tục... sẽ bị thu hồi giấy phép biểu diễn.

Đồng thời, tại khoản 2, Điều 7a cũng quy định rõ: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu". Quy định này rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khi xảy ra nhiều vụ vi phạm trong biểu diễn nghệ thuật mà việc xử lý, răn đe chưa được thực hiện nghiêm túc.

Vẫn còn những băn khoăn

Gây tranh cãi trên các diễn đàn và giới làm nghề là tại điểm a, Khoản 1, Điều 3, Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL quy định người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được "chụp ảnh, ghi hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hay có ý phổ biến lưu hành trên mạng".

Nhiều người cho rằng, quy định này quá khắt khe vì không quy định rõ thời gian áp dụng trong bao lâu và cũng chưa rõ tiêu chí nào để xác định "trang phục phản cảm". Bên cạnh đó, việc chụp ảnh nude, nhất là nude nghệ thuật là quyền tự do của mỗi người, họ có quyền lưu trữ những hình ảnh đẹp của riêng mình. Chỉ có hành động phổ biến, lưu truyền hình ảnh nude, phản cảm vì mục đích xấu mới đáng bị xử lý.

Khi Nghị định số 15 và Thông tư số 01 được ban hành, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch cũng xác nhận tạm dừng việc thực hiện cấp Thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang (trước đó, bản dự thảo Thông tư quy định vấn đề này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa lên trang web cinet.vn để lấy ý kiến của công chúng từ ngày 1/1/2016 đến ngày 6/3/2016).

Việc tạm dừng thực hiện cấp Thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang khiến nhiều người làm nghề, nhất là giới người mẫu băn khoăn. Trong ảnh: Đêm chung kết "Siêu mẫu Việt Nam 2015".

Việc dừng cấp thẻ hành nghề khiến nhiều người làm nghề, nhất là giới người mẫu băn khoăn. Mặc dù thẻ hành nghề không phải là "bảo bối" để giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn nhưng là việc làm cần thiết để siết chặt quản lý trong bối cảnh loạn danh xưng nghệ sĩ, "vàng, thau lẫn lộn như hiện nay". Nói gì thì nói, thẻ hành nghề chắc chắn sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để "thanh lọc" những nghệ sỹ không đạt tiêu chuẩn, hạn chế tình trạng sử dụng danh xưng tràn lan.

Việc tạm dừng cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật một lần nữa cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán của các cơ quan quản lý nghệ thuật. Trước đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng từng đề xuất cấp thẻ hành nghề cho các nghệ sỹ, tuy nhiên, sau đó bị bãi bỏ với lý do, thẻ hành nghề giống như giấy phép con.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, khi xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn tới đây sẽ tiếp tục đưa nội dung cấp Thẻ hành nghề để lấy ý kiến rộng rãi trong công chúng. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định được việc làm này sẽ được triển khai như thế nào và kết quả ra sao.

Việc các quy định mới chỉ dừng lại ở Nghị định và Thông tư như hiện nay chưa đủ mạnh để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực này.

Thực tế cho thấy, các quy định trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam được ban hành trong thời gian qua mới chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh các quan hệ xã hội đã phát sinh từ thực tiễn. Trong khi đó, để nâng cao hiệu quả quản lý, các nhà làm luật cần dự báo được quan hệ xã hội sẽ phát sinh, từ đó xây dựng các quy phạm pháp luật để điều chỉnh.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, đã thành lập Ban soạn thảo Đề cương sơ bộ Luật Nghệ thuật biểu diễn. Theo lộ trình, Luật Nghệ thuật biểu diễn sẽ hoàn tất vào năm 2018. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, để tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý biểu diễn nghệ thuật thì luật phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, có khả năng dự báo, đi trước một bước so với thực tiễn đời sống xã hội.

Tường Phạm
.
.