Quá mù ra mưa!

Thứ Hai, 23/04/2012, 09:00
Siêu mẫu Thanh Hằng ngang nhiên nhả khói thuốc lá trước sự ngạc nhiên của đông đảo khán giả trong một show trình diễn thời trang. Một cuộc triển lãm với mong muốn tố cáo tác hại của tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng lại khiến một đoạn phố giữa trung tâm Thủ đô lênh láng nước bẩn. Và, để phản ánh lối sống ăn chơi, trụy lạc của một bộ phận giới trẻ, một đạo diễn sẵn sàng cho những cảnh quay phản cảm vào trong phim của mình...

Dù vô tình hay cố ý, dù có núp dưới hình thức "sáng tạo nghệ thuật" thì rõ ràng những sản phẩm ấy không chỉ đi ngược lại mục đích tốt đẹp ban đầu mà còn cho thấy chủ nhân của chúng dường như đang quên đi vai trò trách nhiệm của một công dân trong xã hội...

Tại buổi biểu diễn bộ sưu tập của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường trong khuôn khổ chương trình thời trang Elle Fashion Xuân Hè diễn ra tối 8 - 4 tại Tp HCM, siêu mẫu Thanh Hằng gây được sự chú ý bởi là người biểu diễn ở vị trí "vơ - đét". Xuất hiện trong bộ váy gợi cảm, vừa sải chân và tạo dáng đầy tự tin trên sàn catwalk, Thanh Hằng còn khiến khán giả ngạc nhiên với màn hút và nhả khói… điệu nghệ. Phía nhà thiết kế thì cho rằng, ý tưởng của màn trình diễn này là muốn thể hiện hình ảnh một cô gái đẹp bị phụ tình, chán đời nên tìm đến khói thuốc. Và cách tạo hình đó không nằm ngoài mục đích tôn vinh vẻ đẹp của trang phục. Tuy nhiên, nhiều khán giả có mặt tại buổi biểu diễn lại cho rằng, hình ảnh Thanh Hằng với điếu thuốc trên môi lại khiến họ chú ý tới điếu thuốc hơn là trang phục. Được biết, đạo cụ của Thanh Hằng là một điếu thuốc điện tử (e - cigarette), không phải là thuốc lá thật nhưng nó vẫn chứa một lượng nhỏ chất nicotine. Tuy nhiên, với vị trí khán giả ngồi xem thì rất khó để phân biệt đó là thuốc lá thật hay là thuốc điện tử.

Hiện tại, phía Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tp HCM đang yêu cầu đơn vị tổ chức giải trình để kết luận màn trình diễn hút thuốc của Thanh Hằng nằm trong kịch bản, ý đồ của nhà tổ chức hay đơn cử là hành vi cao hứng của người mẫu để có biện pháp xử lý phù hợp. Một điều đáng nói nữa là tại buổi phúc khảo để cấp phép chương trình trước đó, người mẫu Thanh Hằng không dùng đạo cụ này để biểu diễn.

Trong điều 32 của Nghị định 75/2010/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa có quy định về mức phạt với hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo trong chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang. Mà thuốc lá lại nằm trong danh sách hàng hóa cấm quảng cáo. Nếu chứng minh được đây là hành vi quảng cáo thì những người liên quan hoàn toàn có thể bị xử phạt. Rất nhiều ý kiến cho rằng, trong khi Nhà nước ta đang nỗ lực tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân không hút thuốc lá thì việc một người mẫu hàng đầu Việt Nam phả khói trên sàn diễn là điều đáng bị phê phán. Bởi khi người mẫu, ca sĩ - thần tượng của đông đảo giới trẻ hút thuốc lá như vậy đã vô tình tuyên truyền cho việc hút thuốc trong tầng lớp thanh, thiếu niên.

Dù bất cứ lý do gì, việc người mẫu Thanh Hằng hút thuốc trên sàn diễn đã để lại một hình ảnh phản cảm.

Vừa qua, tại L' Épace, Hà Nội đã diễn ra triển lãm có tên "Thương thuyết" của họa sĩ Trần Trọng Linh với 2 giai đoạn là trưng bày tác phẩm, trưng bày video. Triển lãm "Thương thuyết" là câu chuyện về sự biến đổi của dòng sông Tô Lịch từ một dòng sông thơ mộng, một biểu tượng đẹp của Hà Nội đã biến thành biểu tượng của sự ô nhiễm. Để tập trung cho chủ đề này, họa sĩ Trần Trọng Linh đã sử dụng hơn 20m3 rác thải được trục vớt từ chính lòng sông như chai lọ, sách vở, xương động vật, hình nộm, kim tiêm cho đến đồ điện tử như tivi, máy tính, tủ lạnh…Tất cả những rác thải này được xếp thành 7 khối đá, mỗi khối rộng 1m, cao 3m. Chúng được tạo thành từ 21 khối nước sông Tô Lịch rồi làm lạnh ở nhiệt độ - 27 độ C…

Không thể phủ nhận đây là một triển lãm độc đáo và lấy mất khá nhiều thời gian, công sức của họa sĩ Trần Trọng Linh. Như anh chia sẻ thì tác phẩm được thai nghén từ đầu năm 2011 và là quá trình làm việc liên tục của anh với khoảng hơn 40 người nữa. Anh cũng cho biết đã sử dụng một loại hóa chất mà nhờ đó, mùi hôi từ nước và rác thải bớt đi. Khi hóa chất này tiếp xúc với các loại rác thải khác sẽ tạo ra những sắc màu khác nhau…Và, mục đích của những sáng tạo này là: "Tôi muốn lấy hình ảnh ô nhiễm của con sông Tô Lịch đưa vào tác phẩm của mình, dùng ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc để tác động đến vấn đề xã hội. Con người xem quá trình tan chảy của tác phẩm này, họ sẽ giật mình vì đã đối xử không tốt với môi trường".

Họa sĩ trẻ này cũng mạnh mẽ kỳ vọng: "Tôi không đồng ý lắm với khái niệm nghệ thuật thị giác, nếu chỉ là nhìn thì không đáp ứng được nhu cầu của nghệ sĩ lẫn người thưởng thức. Tác phẩm của tôi phải áp đảo người xem vì cái lạnh của khối băng, mùi hôi thối của rác thải, tiếng rơi, vỡ của những sự vật".

Tuy nhiên, đến chiều ngày 9/4, Trung tâm Văn hóa Pháp đã phải chính thức cho dừng cuộc triển lãm này dù thời gian mở cửa còn khá dài. Nguyên nhân là do sau mấy ngày mở triển lãm, những ống nước thải từ khối đá đóng băng rác sông Tô Lịch (có kèm hóa chất xử lý) đã theo đường ống xả thẳng vào cống trước cổng Trung tâm Văn hóa Pháp trên phố Tràng Tiền. Không chỉ có vậy, những dòng nước xanh đỏ, hôi thối từ triển lãm đã không kịp chảy vào cống mà đọng lại trên mặt đường, vỉa hè. Mùi hôi thối bốc lên khiến nhiều người đi qua khu vực này đã phải bịt mũi, nhăn mặt vì khó chịu.

Phía Trung tâm Văn hóa Pháp cho biết, trong thỏa thuận đã yêu cầu họa sĩ Trần Trọng Linh không được tạo ra mùi hôi thối vì đây là con phố trung tâm Thủ đô, nơi nhiều người qua lại. Tuy nhiên, họa sĩ không tôn trọng thỏa thuận này. Chưa kể, khá nhiều người khi tham quan triển lãm ngày đầu khai mạc đã từng thấy một hình ảnh không đẹp mắt, đó là nhiều người, trong đó có không ít trẻ em ăn uống, vui chơi ngay cạnh những khối rác thải khổng lồ. Như vậy, mục đích tốt đẹp ban đầu của họa sĩ rõ ràng đã không đạt được nếu không muốn nói là phản tác dụng. Để tố cáo tình trạng ô nhiễm môi trường thì không nhất thiết phải mang sự ô nhiễm từ nơi này đến một nơi khác, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều người khác.

Trước đó không lâu, bộ phim "Hoa nắng" (đạo diễn Đặng Minh Quang) phát sóng trong chương trình giờ vàng của Đài Truyền hình Việt Nam đã khiến khán giả phản ứng dữ dội về một cảnh phim phản cảm. Trong cảnh quay nói về sự ăn chơi xa xỉ của một bộ phận giới trẻ, có cảnh nhân vật Phúc thè lưỡi ra và liếm từ vùng ngực tới cổ của nhân vật Linh. Hình ảnh phản cảm này diễn ra tới hai lần với mức độ lần sau bạo liệt hơn lần trước. Không ít khán giả nhăn mặt khi xem cảnh này.

Trước phản ứng của dư luận, đạo diễn Minh Quang cho rằng: "Cảnh quay này dùng để chuyển tải việc một thành phần các bạn trẻ trong xã hội đã sa đà vào những trò chơi không lành mạnh… Khi chúng tôi quyết định dùng đoạn hình ảnh này đều đã cân nhắc rất kỹ. Cả ê kíp đồng lòng để hoàn thành một đoạn ngắn nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo, giúp các gia đình thấy rõ thực trạng khi không quan tâm đến con cái"… Nếu mục đích của ê kíp làm phim "Hoa nắng" đúng như vậy thì e rằng họ đã chọn sai phương pháp. Bởi phim làm cho khán giả nhưng phần đông khán giả hoàn toàn không cảm nhận được điều đó ngoài sự phản cảm đáng phê phán. Chưa kể tới việc, khán giả lo ngại, những cảnh quay như vậy không những không có tác dụng giáo dục mà còn "mở đường cho hươu chạy".

Vẫn biết, trong sáng tạo, các nghệ sĩ hoàn toàn có quyền tạo ra những sự khác biệt để mang đến sự độc đáo cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, mọi sự sáng tạo đều phải nằm trong khuôn khổ pháp luật cũng như hợp với quan niệm thẩm mĩ của công chúng và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Bất cứ lúc nào, mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực cũng đều phải hướng con người tới suy nghĩ và hành động đẹp, có ích cho cộng đồng. Khi trách nhiệm công dân của nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật bị lơ là thì chắc chắn những tác phẩm ấy không chỉ đi ngược lại với mục đích tốt đẹp ban đầu của họ mà còn bị công chúng tẩy chay

T.D.
.
.