Putlizer 2015 tôn vinh tiểu thuyết viết về Thế chiến

Thứ Sáu, 19/06/2015, 08:10
Tiểu thuyết "All the Light We Cannot See" (tạm dịch: Mọi ánh sáng chúng ta không thấy) của nhà văn Mỹ Anthony Anthony Doerr viết về Chiến tranh thế giới thứ 2 mới đây đã được vinh danh trong hạng mục giải thưởng Putlizer dành cho tiểu thuyết năm nay. "All the Light We Cannot See" cũng đã từng là một trong những tác phẩm best-seller tại Mỹ của năm 2014, từng lọt vào danh sách chung khảo các đề cử cho Giải thưởng sách quốc gia Mỹ mùa thu năm ngoái. 

Sự "linh ứng" bất ngờ

Hội đồng thẩm định giải thưởng Putlizer đánh giá, cuốn sách của Anthony Doerr là "một tiểu thuyết mới mẻ với nhiều lớp lang tình tiết tinh tế", đã nối tiếp luân phiên qua các chương ngắn kể về câu chuyện giữa 2 nhân vật chính: cô gái người Pháp bị mù Marie-Laure và cậu bé mồ côi Werner về sau gia nhập lực lượng Đức quốc xã. Cuốn sách còn đi vào khám phá mối quan hệ giữa bản chất con người và quyền lực mâu thuẫn của công nghệ.

Những yếu tố đó giúp tác phẩm của nhà văn Doerr vượt qua ba đề cử khác lọt vào chung kết gồm tác phẩm "Let Me Be Frank with You" của tác giả từng giành Pulitzer - Richard Ford, cuốn "The Moor's Account" của Laila Lalami và tiểu thuyết "Lovely, Dark, Deep" của nhà văn Joyce Carol Oates. "All the Light We Cannot See" từng chiếm giữ bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất tại Mỹ trong 49 tuần liên tiếp và ước tính đã có 1,6 triệu bản (cả bìa cứng và ebook) được phát hành.

Tờ New York Times và hàng loạt tạp chí uy tín của Mỹ bình chọn nó là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2014. Theo Wall Street Journal, nhà xuất bản Scribner, đơn vị ấn hành sách đã phải in thêm 100.000 bản nữa để đáp ứng nhu cầu độc giả.

Là công dân ở thành phố Boise, thủ phủ tiểu bang Idaho, Hoa Kỳ, nhà văn Anthony Doerr từng theo học đại học chuyên ngành lịch sử, từng làm việc tại châu Phi và một số quốc gia khác. Anh đã mất hơn 10 năm, dài hơn thời gian xảy ra Thế chiến thứ 2, để hoàn thành "All the Light We Cannot See". Theo ủy ban thẩm định, cuốn sách đã được gợi cảm hứng từ "những nỗi khiếp sợ về Thế chiến thứ 2".

Nhà văn Anthony và bìa tiểu thuyết mới nhất của anh - Ảnh: Sfgate.

Trong chia sẻ với hãng tin AP, Anthony Doerr cho biết, đã có lúc anh nghĩ "mình sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được tác phẩm". Anthony Doerr cũng vô cùng ngạc nhiên khi nhận được giải thưởng Putlizer vì cuốn sách "chẳng có nhân vật người Mỹ nào" trong đó.

Nhà văn 42 tuổi hẳn nhiên rất sung sướng với giải thưởng trị giá 10.000 USD, thú vị hơn khi tin vui do biên tập viên báo đến đúng lúc anh đang cùng cậu con trai 11 tuổi và những thành viên khác trong gia đình thưởng thức kem tại thủ đô Paris (Pháp). Với Anthony Doerr, vẻ như có sự "linh ứng" nào đó thật thú vị khi bối cảnh chính của tiểu thuyết cũng là một nơi trên đất Pháp.

Tiểu thuyết "All the Light We Cannot See" kể về câu chuyện xảy ra tại thị trấn Saint-Malo của Pháp dưới thời Đức quốc xã chiếm đóng, trong thời gian từ giữa những năm 1930 đến những năm xảy ra Chiến tranh thế giới thứ 2. Tất nhiên, cũng còn có 2 bối cảnh chính nữa là thủ đô Paris và nước Đức thời Hitler.

Tác phẩm xoay quanh những diễn biến trong cuộc đời của đôi bạn nhỏ, cô bé khiếm thị người Pháp Marie-Laurie và cậu bé mồ côi người Đức Werner. Werner rất am hiểu về đồ điện, cậu có biệt tài sửa những chiếc radio cũ hỏng. Đây cũng là lý do khiến sau này cậu được lực lượng Đức quốc xã trưng dụng.

Cha của cô bé Marie-Laure là người thợ sửa khóa, chuyên chịu trách nhiệm lo giữ các chìa và quản lý các phòng lưu trữ đồ quý giá tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris. Khi quân đội Đức chiếm đóng thủ đô nước Pháp, Marie-Laure và bố phải tháo chạy.

Giám đốc Bảo tàng đã giao cho cha Marie-Laure việc chăm chút và cất giấu tài sản giá trị nhất trong bộ sưu tập của Bảo tàng, đó là viên kim cương khổng lồ màu xanh lá cây có tên "Sea of Flames". Hai cha con tới thị trấn Saint-Malo và lánh tạm ở nhà một người họ hàng. Tại đó, người cha đã giấu báu vật của mình vào một chỗ khá sơ sài.

Trong lúc đó, Werner đã trở thành một kỹ thuật điện đài lành nghề và khi cuộc chiến ngày càng trở nên cam go với lực lượng Vệ quốc Wehrmacht (tên thống nhất của các lực lượng vũ trang quân đội Đức Quốc xã từ năm 1935 đến 1945), Wener kiếm được một chân trong lực lượng này ở Mặt trận phía Tây tại Saint-Malo. Đôi bạn Werner và Marie-Laure có dịp xích lại gần nhau.

Một vài câu chuyện "bếp núc"

Viết về Thế chiến thứ 2 có lẽ là đề tài đã bị khai thác tới… sáo mòn. Bản thân Anthony Doerr cũng thừa nhận như vậy. Anh đùa: "Ví thử bạn thả tất cả các sách đó xuống nước Đức, chắc là nó sẽ phủ kín đất nước này". Anh nhiều phen ngần ngại khi theo đuổi những trang bản thảo cho cuốn tiểu thuyết mới "All The Light We Cannot See".

Rốt cuộc Anthony Doerr chọn giải pháp trình bày cùng một lúc hai góc nhìn mới, không quen thuộc về một châu Âu trong giai đoạn chiến tranh. Trước hết là "góc nhìn" của cô bé Marie-Laure người Pháp bị mù được bố dẫn đi qua những con phố lộng gió biển ở Saint-Malo. Thứ hai là góc nhìn của cậu bé Wener ở cách Saint-Malo 500 dặm về phía Đông. Werner mong muốn, với khả năng đặc biệt về điện đài, cậu bé sẽ có cuộc sống tốt hơn về sau. Cuốn sách là sự đan xen luân phiên giữa hai cuộc đời nhân vật chính trong từng chương sách, mỗi chương chỉ dài độ vài trang với những thay đổi về quan điểm, đất nước và thời đại giữa hai góc nhìn đó.

Theo Anthony Doerr, ý tưởng viết sách nảy ra trong lần anh bắt chuyến tàu điện ngầm đi từ Princeton, New York tới Pennsylvania vào năm 2004. Người đàn ông ngồi trước mặt Doerr đang nói chuyện điện thoại và khi tàu đi vào đường ngầm, tín hiệu điện thoại bị đứt. Anh ta chợt nổi cáu hết sức vô lý. Nhà văn chợt nghĩ về điều mà người đàn ông đó đang quên mất, đó cũng là điều tất thảy chúng ta đều đang lãng quên. Anh ta đang dùng một thiết bị thu phát tín hiệu radio rất nhỏ trong túi để gửi tin nhắn với tốc độ ánh sáng tới ai đó có thể đang ở cách hàng ngàn dặm. Anh ta cũng có thể đã nói chuyện với ai đó ở Madagascar bằng thiết bị đó. Quả là một điều kỳ diệu.

Ý tưởng đồng thời là động lực thôi thúc Doerr bắt tay viết sách là cố gắng phác họa về một thời đại mà ở đó, việc nghe thấy tiếng nói của người lạ nào đó trong nhà bạn là điều thật đáng kinh ngạc. Vào khoảng 1 tháng sau, nhà văn vẫn chưa biết mình nên chọn bối cảnh cho cuốn sách của mình ở đâu. Tất cả những gì anh mường tượng về đứa con tinh thần đang thai nghén là sẽ có một cô gái bị mù đọc sách cho một cậu bé nghe qua radio.

Một năm sau, anh có chuyến đi giới thiệu sách ở Pháp và chợt dừng chân ở thị trấn ven biển Saint-Malo. Khi chia sẻ niềm thích thú bất ngờ với người biên tập trước phong cảnh cổ kính của thị trấn dừng chân bên đường, Anthony vô cùng kinh ngạc khi người này nói với anh: "Thực tế vào tháng 8-1944, thành phố này đã bị bom Mỹ gần như phá hủy hoàn toàn". Bất ngờ trở thành ám ảnh và tự nó bị cuốn vào câu chuyện của anh lúc nào không biết.

Về nhân vật cậu bé mồ côi người Đức Werner, Anthony cho biết, anh từng nhìn thấy một bức ảnh trên Tạp chí Life về cậu bé 15 tuổi khi sư đoàn 9 quân đội Mỹ chiếm thị trấn Reichenbach của Đức. Cậu bé đang mặc bộ quân phục thùng thình quá cỡ. Cha cậu chết năm 1938 và mẹ cậu cũng qua đời năm 1944. Cậu bé gia nhập không quân Luftwaffe như một cách mưu sinh.

Ngắm nhìn bức ảnh, lần đầu tiên trong thời niên thiếu anh cảm thấy có thể đồng cảm phần nào với một công dân Đức. Trong tất cả những câu chuyện mọi người kể cho anh nghe từ sau chiến tranh thế giới 2, người Đức luôn bị cho là những kẻ tội đồ. Nhà văn đã nghĩ, anh sẽ đặt cậu bé này vào bối cảnh lớn lên trên nước Đức để có thể hiểu về những gì mà lịch sử và quá khứ cho là tội ác.

Với nhà văn sinh năm 1973 Anthony Doerr, viết về chiến tranh thế giới thứ 2 là điều vẫn rất quan trọng. Mỗi ngày qua đi lại có hàng ngàn cựu chiến binh từng tham chiến qua đời. Trong một thập kỷ tiếp theo, sẽ chẳng còn ai hoặc còn rất rất ít người còn có thể nhớ về cuộc chiến với tư cách người trong cuộc. Lịch sử sẽ dần nhợt nhạt theo thời gian. Anthony Doerr lo ngại khi những đứa trẻ như con trai anh, mới 10, 11 tuổi rồi đây sẽ chỉ biết về chiến tranh, về lịch sử thông qua các trò video game hay những kênh truyền hình lịch sử.

Các nhà chính trị luôn nói về Thế chiến thứ 2 theo kiểu trắng và đen. Anthony cho rằng, việc người ta có thể đồng cảm với việc ai đó đã chọn một cách đi như thế nào cho mình cũng là điều rất quan trọng. Bởi theo anh, đó có lẽ cũng là một giải pháp nhiều ý nghĩa giúp loài người tránh được những gì đã từng xảy ra trong quá khứ.

Đỗ Dương (tổng hợp)
.
.