Phim thị trường vẫn đang thắng thế

Thứ Hai, 13/05/2019, 07:40
Nhìn từ thực tế đời sống điện ảnh trong nước cũng như giải thưởng sẽ thấy phim thị trường vẫn đang chiếm ưu thế. Những bộ phim có được doanh thu cao đều là những bộ phim thị trường. Điều đáng nói là đa số các bộ phim này cũng đều thuộc các hãng phim tư nhân...


Sự chiến thắng của bộ phim "Chàng vợ của em" ở ngôi vị cao nhất cho phim truyện điện ảnh tại giải thưởng Cánh diều vừa qua một lần nữa cho thấy những bộ phim thị trường, mang yếu tố hài hước, lãng mạn nhưng chứa đựng thông điệp nhân văn không chỉ thu hút được khán giả mà còn chinh phục được những ban giám khảo khó tính. Và cách làm phim hướng đến khán giả vẫn là điều quan trọng mang đến sự thành công cho mỗi bộ phim.

Trước khi giải thưởng Cánh diều - giải thưởng hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam - có kết quả cuối cùng, nhiều ý kiến đồn đoán xung quanh hạng mục quan trọng nhất dành cho thể loại phim truyện điện ảnh. "Chàng vợ của em" và "Song lang"  là 2 bộ phim được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị cao nhất này. Nếu như "Chàng vợ của em" (đạo diễn Charlie Nguyễn) là một câu chuyện phim hiện đại với bối cảnh thành phố xoay quanh cuộc sống của những con người năng động, bận rộn thì "Song Lang" (đạo diễn Leon Quang Lê) lại là một bộ phim đi vào khắc họa số phận của bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương qua thân phận những con người cụ thể. Điều đáng nói là hai bộ phim này lại có những thế mạnh khác nhau.

Phim “Chàng vợ của em” thu hút khán giả bởi câu chuyện giản dị, hài hước.

Nếu như "Chàng vợ của em" ngay từ khi ra mắt đã tạo được hiệu ứng phòng vé khá tốt với doanh thu khủng thì "Song lang lại "được lòng" các nhà chuyên môn cũng như kịp lận lưng một số giải thưởng tại các LHP quốc tế trước khi đá sân nhà như giải Samir Farid đặc biệt của Ban giám khảo, giải đạo diễn xuất sắc tại LHP Bắc Kinh (Trung Quốc)...

Tuy nhiên, cuối cùng, "Chàng vợ của em" lại chiến thắng và điều này cũng không có gì khó hiểu. Trước khi giành giải Cánh diều, "Chàng vợ của em" đã đứng trong danh sách những bộ phim có doanh thu cao nhất Việt Nam (86 tỷ đồng). Nội dung phim là những câu chuyện đời thường hiện đại, khá dí dỏm, đề cập đến một hoàn cảnh hơi tréo ngoe trong xã hội, đó là phụ nữ xông pha ngoài xã hội, còn đàn ông trở thành "nội tướng" trong nhà.

Một câu chuyện phim không quá phức tạp nhưng được xử lý gọn gàng, hợp lý, mang đến những phút giây thực sự thư giãn cho khán giả. Ngoài ra, những thông điệp nhân văn của đời sống cũng được đạo diễn lồng ghép khá khéo léo, tế nhị.

Nhiều người tiếc cho những bộ phim như "Song Lang", "Trạng Quỳnh"... trong cuộc đua giành ngôi vị, nhưng rõ ràng, sự chiến thắng của "Chàng vợ của em" là điều để lại không ít kinh nghiệm cho các nhà làm phim nếu không muốn thất bại. Không có quá nhiều đột phá trong cách làm phim, không có sự sáng tạo độc đáo về ngôn ngữ điện ảnh, nhưng "Chàng vợ của em" lại chứa đựng những yếu tố hợp lý ở một bộ phim điện ảnh thời nay.

Sự lựa chọn dòng phim hài - lãng mạn cũng là sự khôn ngoan của đạo diễn Charli Nguyễn vì trước đó anh đã từng thành công với "Để mai tính", "Long Ruồi", "Tèo Em", "Em chưa 18"... Đây là những bộ phim tạo được những cơn sốt phòng vé vì phù hợp với tâm lý khán giả nhiều lứa tuổi. Mặc dù là một câu chuyện hài nhưng đạo diễn đã khéo léo lồng ghép thông điệp nhân văn, sự xúc động của tình thân gia đình,  những áp lực mà con người hiện đại đang phải chịu đựng.

Ngoài ra, dàn diễn viên với sự duyên dáng hài hước hiếm có của Thái Hòa, sự tự nhiên, trẻ trung của Phương Anh Đào cùng các nghệ sĩ tên tuổi đảm nhiệm các vai phụ khác đã làm thành điểm cộng cho phim.

Ngược lại, việc "Song lang" chưa có được vị trí cao nhất ở giải thưởng Cánh diều cũng là điều đáng suy ngẫm. Đi theo xu hướng phim nghệ thuật, "Song lang" không có được doanh thu phòng vé như kỳ vọng vì thực sự kén khán giả.

Một bộ phim, dẫu được làm kỹ lưỡng nhưng vẫn thiếu điều gì đó để tạo thành lực hút đưa khán giả tới rạp. Mỗi bộ phim là sản phẩm của cả tập thể và là phép cộng của nhiều phương diện nên sự hài hòa giữa các yếu tố mới là điều quan trọng, quyết định sự thành công ở mỗi bộ phim. Và rõ ràng, phim (được cho) là hay đến mấy nhưng không nhiều người xem thì tức là vẫn thiếu sót ở một khâu nào đó.

Sự chiến thắng của "Chàng vợ của em" khiến nhiều người liên tưởng tới những trường hợp trước tương tự như "Em chưa 18", "Em là bà nội của anh", "Tháng năm rực rỡ"... Đây là những bộ phim đạt được cả hiệu ứng phòng vé lẫn các giải thưởng tại các LHP. Những bộ phim này đưa tới một công thức "ăn khách" với phim Việt: Phim có thể chưa thật sự chau chuốt, cầu kỳ về nghệ thuật nhưng gần gũi, tình huống lôgic, thông điệp giản dị, nhân văn lại được khán giả yêu thích.

Có một điều đặc thù ở điện ảnh Việt Nam là cứ sau mỗi lần trao giải thưởng hay LHP thì câu chuyện phim thị trường, phim nghệ thuật lại có dịp bàn cãi sôi nổi. Những bộ phim nhận được giải thưởng ở một số LHP quốc tế thì lại có phần lép vế khi dự giải trong nước.

Một cảnh trong phim “Song Lang”.

Đã từng có những phản ứng, thậm chí hơi cực đoan không đồng tình với kết quả của Ban giám khảo trong nước. Tuy nhiên, trong tình trạng điện ảnh Việt Nam hiện nay, các giám khảo luôn bị đặt trong tình thế "so bó đũa, chọn cột cờ" thì việc có ai đó chưa hài lòng cũng là điều hiển nhiên. Khi chưa có những bộ phim hài hòa được yếu tố thị trường lẫn nghệ thuật thì chọn những bộ phim chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả cũng là điều hợp lý.

Nhìn từ thực tế đời sống điện ảnh trong nước cũng như giải thưởng sẽ thấy phim thị trường vẫn đang chiếm ưu thế. Những bộ phim có được doanh thu cao đều là những bộ phim thị trường. Điều đáng nói là đa số các bộ phim này cũng đều thuộc các hãng phim tư nhân.

Trong 4 năm trở lại đây, phim tư nhân chiếm số lượng áp đảo. Cụ thể: năm 2015 có 40 phim được sản xuất thì 34 phim tư nhân, 6 phim nhà nước. Năm 2016, toàn bộ 35 phim đều thuộc phim tư nhân. Tương tự, 40 phim của năm 2017 cũng đều thuộc tư nhân. Năm 2018 có 41 phim (40 phim tư nhân, 1 phim của hãng phim Quân đội). Từ thực tế đó, những bộ phim có doanh thu cao nhất cũng đều thuộc các nhà sản xuất tư nhân.

Điều đáng nói là mặc dù là phim thị trường nhưng đây đều là những bộ phim được làm bài bản, chuyên nghiệp ở mọi phương diện từ kịch bản đến âm thanh, ánh sáng, bối cảnh. Sự thất bại của những bộ phim hài nhảm, rẻ tiền được làm sơ sài là minh chứng cho thấy trình độ khán giả ngày càng cao, họ cũng ngày càng kỹ càng khi lựa chọn phim.

Những bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao, có những tìm tòi trong sáng tạo, nghệ thuật như "Song lang", "Cha cõng con", "Đảo của dân ngụ cư" nhưng lại chưa có được doanh thu tốt cũng đã để lại những kinh nghiệm hay cho các nhà làm phim. Phim có thể chứa đựng thông điệp tốt, chau chuốt, kỹ lưỡng nhưng nếu không có cách kể phù hợp với khán giả cũng sẽ khó kéo họ tới rạp.

Khán giả không phải là thước đo duy nhất cho chất lượng của một bộ phim nhưng nói gì thì nói, phim hay phải là phim có nhiều người xem. Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn cho rằng, yếu tố ăn khách của một bộ phim phải trở thành nghệ thuật, đó là "nghệ thuật ăn khách".

Một tín hiệu vui là phim Việt Nam chiếu vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua có doanh thu đột phá, sau 6 ngày chiếu đã thu về hơn 250 tỷ đồng. Hai bộ phim chiếu dịp Tết 2019 là "Cua lại vợ bầu" và "Trạng Quỳnh" đã có được hiệu ứng phòng vé rất tốt. Đặc biệt là "Cua lại vợ bầu", mặc dù phải cạnh tranh với nhiều đối thủ phim nước ngoài đã có được doanh thu khủng sau khi ra rạp.

Ngay sau đó, "Hai Phượng" tiếp tục phá kỷ lục phòng vé chỉ sau 3 tuần công chiếu thu được 160 tỷ đồng. Phim cũng tiên phong cho việc không chỉ phát hành phim trong nước mà còn chiếu ở nước ngoài. "Hai Phượng" đã được phát hành trên hệ thống rạp của Mỹ, Canada và sắp tới là Trung Quốc. Bộ phim đang mang hy vọng trở thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam khi đạt mức 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc hiện nay là Việt Nam vẫn thiếu vắng những bộ phim dung hòa được yếu tố thị trường và nghệ thuật, tiêu biểu như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Để sau mỗi kỳ LHP hay trao giải thưởng, phim ở ngôi vị cao nhất luôn nhận được sự đồng thuận của đông đảo công chúng, cũng như câu chuyện phim thị trường hay phim nghệ thuật không phải là điều đáng gây tranh cãi.

Khánh Thảo
.
.