Phim nhái nguy hiểm hơn hàng nhái

Thứ Năm, 01/06/2017, 07:42
Xem phim Việt mà không thấy đời sống người Việt, thì còn gì buồn hơn nữa. Đừng nghĩ cứ doanh thu tiền tỷ là mở ra tương lai cho điện ảnh Việt. Khi không khai thác được nền tảng văn hoá Việt thì muốn có một bộ phim thuần Việt trong hội nhập quốc tế, mãi mãi là giấc mơ xa vời. Công thức phim ăn khách không thể là công thức mô phỏng "cũ người mới ta"!


Sau 16 ngày trình chiếu, bộ phim "Em chưa 18" đã bán được 2 triệu vé, đạt doanh thu 150 tỷ đồng. Như vậy, đây là bộ phim Việt đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Kỷ lục trước đó thuộc về bộ phim "Em là bà nội của anh" với doanh thu 102 tỷ đồng. Bằng cái nhìn lạc quan, nhiều người mừng rỡ cho phim Việt vì bộ phim "Em là bà nội của anh" được làm theo kịch bản nước ngoài. Tuy nhiên, từ thành công của "Em chưa 18" có thể đưa ra công thức phim ăn khách cho điện ảnh nước nhà không? Câu trả lời là không, nếu muốn xây dựng một nền điện ảnh Việt thực sự!

Nội dung của "Em chưa 18" có thể tóm tắt như sau: Hoàng là một tay chơi có thu nhập ngất ngưởng, sống theo quy luật "không có đêm thứ hai" với bất kỳ cô gái nào có dịp gặp gỡ. Hoàng giống như hình mẫu trong mơ của các quý ông sung sướng, dù chả rõ Hoàng có lao động hoặc có cống hiến gì. Định mệnh ập đến với Hoàng khi quen biết Linh Đan để có mối tình chớp nhoáng quen thuộc và phát hiện ra Linh Đan chưa đủ 18 tuổi.

Thế giới đào hoa của Hoàng bắt đầu loay hoay ứng phó trong lưới tình của cô học trò xinh đẹp và tinh quái. Kịch bản đơn giản và mơ hồ, sử dụng diễn viên không mấy nổi tiếng nhưng lại có tiết tấu nhanh và nhộn. Bộ phim có bối cảnh của một ngôi trường quốc tế, có những buổi tiệc xa hoa được tổ chức tại nhà riêng, có những bữa tiệc kết thúc khóa học, có anh chàng hotboy chơi bóng rổ, các cô gái nhảy cổ vũ…

Poster phim "Em chưa 18".

Ngoài cách đặt tên phim kích thích sự tò mò "em vẫn còn bé lắm, mấy anh ơi", ưu điểm duy nhất của "Em chưa 18" là diễn viên Việt và nói tiếng Việt, còn lại hoàn toàn mô phỏng loạt phim "High School Musical" thịnh hành ở Mỹ đầu thế kỷ XXI. Cả bộ phim "Em chưa 18" từ câu chuyện cho đến dàn dựng đều không thấy yếu tố Việt đâu hết, chỉ thấy một màu sắc Mỹ. Và vì vậy, "Em chưa 18" thu hút được khán giả đến rạp chủ yếu ở lứa tuổi teen, họ xem theo sở thích vui vẻ như xem hài nhảm, mà không cần một chút băn khoăn nào. 

Trong hơn một thập niên qua, khi hệ thống rạp chiếu được đầu tư hoành tráng, điện ảnh Việt cũng chen chân thị trường bằng những sản phẩm bắt chước. Nếu như trường hợp ăn cắp cả nội dung như bộ phim "Giao lộ định mệnh" bị lên án kịch liệt, thì các đạo diễn chuyển sang bắt chước khéo léo hơn. Những người thường xuyên xem phim nước ngoài sẽ không khó nhận ra cảnh nào sao chép của Trung Quốc, cảnh nào sao chép của Hollywood.

Và giờ đây, đến cơn sốt "Em chưa 18" thì đạo diễn nước ta đã công khai làm phim Mỹ nói tiếng Việt! Lẽ ra đó là một điều đáng để suy tư về ý thức nghề nghiệp, thì đạo diễn của bộ phim "Em chưa 18" thừa nhận rất thản nhiên: "Ai nói phim tôi Mỹ quá, tôi sẽ nói: "Đúng rồi". Nếu họ nói Thái quá, Hàn quá thì tôi mới buồn. Không phủ nhận việc tôi bị ảnh hưởng văn hóa Mỹ. Tôi đi học ở Mỹ, lớn lên tôi chơi nhạc Mỹ và phim Hollywood lại tràn ngập thị trường nước mình thì tôi phải bị ảnh hưởng thôi!".

Đành rằng, sáng tạo nghệ thuật cũng cần tính chất học hỏi và kế thừa, nhưng không thể lấy phương pháp "theo voi ăn bã mía" làm cứu cánh. Chỉ cần phim nước ngoài rộ lên trào lưu gì, thì màn ảnh Việt lập tức nhào theo trào lưu ấy. Khi thị trường điện ảnh Hồng Kông vừa bộ phim "Vua Kungfu" của Châu Tinh Trì làm mưa làm gió thì ở nước ta có ngay "Hồn Trương Ba da hàng thịt".

Khi thị trường điện ảnh Mỹ vừa có "Mama Mia" gây sốt thì ở nước ta cũng có ngay những sản phẩm hời hợt mô phỏng như "Nụ hôn thần chết" hoặc "Những nụ hôn rực rỡ". Và khi phim ngoại háo hức với dòng phim siêu anh hùng pha chút hài hước kiểu "Iron man" thì các đạo diễn Việt cũng làm "Mỹ nhân kế" hoặc "Siêu nhân X".  

Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào, là một tâm lý nguy hiểm. Nhất là trong một lĩnh vực nghệ thuật đòi hỏi nhiều bản sắc văn hóa như điện ảnh. Mặc cảm thua kém khiến những nhà làm phim Việt phải nỗ lực bắt chước thiên hạ chăng? Kỹ thuật, công nghệ và nguồn vốn có thể khắc phục theo thời gian, nhưng đánh mất lòng tự trọng thì không thể có tác phẩm đúng nghĩa. 

Xem phim Việt mà không thấy đời sống người Việt, thì còn gì buồn hơn nữa. Đừng nghĩ cứ doanh thu tiền tỷ là mở ra tương lai cho điện ảnh Việt. Khi không khai thác được nền tảng văn hoá Việt thì muốn có một bộ phim thuần Việt trong hội nhập quốc tế, mãi mãi là giấc mơ xa vời. Công thức phim ăn khách không thể là công thức mô phỏng "cũ người mới ta"!

Trong khi xã hội đang nỗ lực chống lại hàng nhái, thì giới điện ảnh lại công khai làm phim… nhái. Hàng nhái nhân danh giá rẻ, còn phim nhái nhân danh điều gì? Cái thiệt hại của người tiêu dùng trước hàng nhái chỉ là tiền bạc, còn người hâm mộ thiệt hại trước phim nhái cả niềm tin dành cho nghệ thuật thứ bảy nước nhà!

Tuy Hòa
.
.