Phim Việt mùa cuối năm: Cuộc đua lặng lẽ

Thứ Tư, 19/11/2014, 08:00
Không truyền thông ầm ĩ, không kèn trống ồn ào như các năm trước, một số phim Việt lặng lẽ quay, lặng lẽ lo hậu kỳ. Phim sắp ra rạp, khán giả vẫn chưa kịp nhớ tên, chưa biết ai đóng vai chính, nội dung như thế nào. Đó là hiện tượng của điện ảnh Việt cuối năm 2014 với hàng loạt "món ăn" được tung ra bất ngờ trong cuộc đua phục vụ công chúng và tìm kiếm doanh thu.

1. Năm 2014 có thể coi là một năm "gặt hái" của điện ảnh Việt khi số lượng phim ra rạp nhiều với tần suất khá lớn. Phim trải đều, không còn "no dồn đói góp" theo kiểu lác đác vài phim trong năm, cuối năm bội thực. Đi cùng với số lượng là chất lượng khá đồng đều bởi sự góp mặt "ganh tài đua trí" của các đạo diễn Việt kiều. Dồn công sức để trình làng rất nhiều phim trong năm như "Cô dâu đại chiến 2", "Đoạt hồn", "Quả tim máu", "Mất xác", "Scandal - Hào quang trở lại", "Cuộc chiến với chằn tinh"… đáng mừng khi phim Việt vẫn dày đặc với đủ thể loại từ kinh dị, hành động đến hài hước, tâm lý lãng mạn phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp nghỉ lễ Halloween, Giáng sinh...

"Hiệp sĩ mù" có thể coi là phát súng mở màn đầu tiên cho mùa phim Việt cuối năm. Cũng như "Hiệp sĩ mù", loạt phim ra mắt dịp này như "Hương ga", "Chàng trai năm ấy", "Lạc giới", "Để Hội tính", "Rừng xác sống"…, đều đầu tư mạnh tay cho khâu phát hành, quảng bá một cách quy mô, rầm rộ từ khi phim mới bấm máy.

Ngoài những phim trên thì hầu hết các phim còn lại đều rất kín tiếng và quyết tâm "ém hàng" đến phút cuối. "Không nói được" của đạo diễn Trần Việt Anh ra rạp ngày 7/11 tới là một ví dụ. Ngày khởi chiếu đã gần kề, đoàn làm phim mới tổ chức họp báo trong khi trước đó thông tin về bộ phim này gần như bằng không. Điều đáng nói là đạo diễn Trần Việt Anh vốn là đạo diễn của MV ca nhạc "Anh không đòi quà" đình đám, gây sốt cho giới trẻ. Thêm nữa, bộ phim hài hước, lãng mạn này có sự tham gia của dàn sao trẻ được ưa chuộng như: Huỳnh Anh, Khổng Tú Quỳnh, Ngọc Khanh, Only C, Trịnh Thăng Bình, Khắc Việt... Hai điều trên đủ để làm bước đà cho một chiến dịch quảng bá ồn ào. Thế nhưng ê kíp sản xuất lại chọn giải pháp "im lặng là vàng". Nhiều người chỉ biết tặc lưỡi đoán mò: chắc họ làm thế để gây bất ngờ! Nếu quả đúng vậy thì mục đích đó bước đầu đã đạt được. Còn phim có hút khách hay không phải chờ kết quả ở... phòng vé.

"Dịu dàng" (đạo diễn Lê Văn Kiệt) cũng là một trường hợp tương tự. Dù đầu năm 2014, thông tin về bộ phim đã rải rác trên truyền thông thế nhưng đến thời điểm này thông tin ấy vẫn vô cùng ít ỏi. Nội dung được giới thiệu chỉ gói gọn về chuyện tình của một cô thợ may và một ông chủ cầm đồ. Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn A Gentle Creature (tạm dịch: "Một sinh vật dịu dàng") của đại văn hào người Nga Fyodor Dostoyevsky. Đoàn làm phim không tiết lộ nhiều về hậu trường cũng như thông tin chi tiết về diễn viên ngoài nhân vật chính do Dustin Nguyễn thủ vai.

Sau phim "Mỹ nhân kế", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng chính thức trở lại với "Siêu nhân X". Trái ngược hoàn toàn với "Mỹ nhân kế" đình đám, "cờ mở trống giong" ngay từ khâu tuyển chọn diễn viên, thông tin về "Siêu nhân X" vô cùng ít ỏi và công chúng không hề biết phim khai thác câu chuyện gì dù phim đang thực hiện.

"Mất xác" là bộ phim "im hơi lặng tiếng" điển hình, xuất hiện bất ngờ nhưng nhanh chóng hút khách nhờ chiêu trò.

Dự kiến ra mắt vào dịp Tết nhưng "Sơn đẹp trai" (đạo diễn Trương Quang Thịnh) vẫn chỉ vỏn vẹn thông tin: ca sĩ Bằng Kiều sẽ thủ vai chính đầy láu cá, ma lanh. Còn "Trúng số" là một bộ phim hài do Dustin Nguyễn làm đạo diễn với sự diễn xuất của danh hài Chí Tài. Thông tin sơ lược về hai bộ phim cũng chỉ xuất hiện lác đác trên một vài báo mạng.

Ngoài những ví dụ nêu trên, đến thời điểm này còn có những bộ phim "lạ hoắc" đang làm khâu hậu kỳ và sẽ tung ra rạp nay mai nhưng danh tính cụ thể vẫn chưa sáng tỏ: "Ngày nảy ngày nay", "Chuyện ba cô nàng", "Ma hotgirl", "Ngủ với hồn ma", "Sài Gòn Tây du ký", "Mỹ nam kế"…

2. Có  nhiều lý do khiến các phim "im hơi lặng tiếng" trước khi bất ngờ ra rạp. Nhà sản xuất có thể muốn khán giả bất ngờ và tò mò. Để giải đáp tò mò, tất nhiên khán giả sẽ bỏ tiền vào rạp. Cái lợi nữa của "ém hàng" đến phút cuối là tránh được cặp mắt soi mói của công chúng. Nhiều phim trước khi khởi chiếu được quảng cáo, tung hê quá đà để đến khi chiếu chính thức, khán giả thất vọng rồi... "điên tiết". Thậm chí, phim còn lỗ nặng như "Lửa Phật", "Đường đua", "Hiệp sĩ mù"… Trong khi "Yêu thuê" hay điển hình như "Mất xác" - chỉ xuất đầu lộ diện khi chỉ còn một tháng nữa là khởi chiếu - lại thu lời.

Phim "mai danh ẩn tích" tránh được sự kỳ vọng quá đà của công chúng. Nếu phim dở, bị chê bai cũng không đến nỗi quá nặng nề. Còn nếu khán giả ủng hộ, khen phim hay thì càng mát lòng mát dạ vì bao nhiêu công sức lặng lẽ đã được công nhận, không tốn của, tốn công cho khâu quảng bá phát hành. Nhiều đoàn làm phim kín tiếng để dễ bề làm việc, không bị xáo trộn bởi ý kiến khen chê khi bấm máy. Họ làm phim thỏa thích theo ý của mình rồi tung ra rạp khiến khán giả "đỡ không kịp".

Ngoài ra, kinh tế khó khăn, trong khi phim ra rạp nhiều như nấm sau mưa thì chuyện PR rầm rộ cũng là cái khó cho những nhà sản xuất có kinh phí eo hẹp. Khác với "Mỹ nhân kế" có mức đầu tư khủng, năm nay dường như "Siêu nhân X" của Nguyễn Quang Dũng mờ nhạt phần quảng cáo cũng bởi nguồn kinh phí kém hơn. "Mỹ nam kế" của đạo diễn Lê Quang Thanh Tâm cũng không được đầu tư nhiều.

Tuy nhiên, kín tiếng cũng khiến phim bị chìm khuất giữa rất nhiều phim được "trát phấn tô son", "đàn ca sáo nhị" ồn ào dẫn đến phim bị ế ẩm, lỗ nặng. Phim "Sống cùng lịch sử", "Mộ gió", "Đam mê" được đánh giá là phim tốt song phải nhận hệ lụy như thế một phần cũng do nguyên nhân này.

Để bổ khuyết cho "gót chân Asin", hầu hết các phim thương mại đều có tên thật "kêu" và cuốn hút. Nếu không cũng "nhá hàng" bằng tên diễn viên chính, đạo diễn hoặc tiết lộ về thể loại phim, đề tài khai thác. Điều đó quả đúng với đánh giá của nhà quay phim Lý Thái Dũng: "Đối với dòng phim thương mại, nhà sản xuất, đạo diễn và ê kíp làm phim sẽ nỗ lực thực hiện để đạt mục đích là phục vụ tối đa nhu cầu của đối tượng xem dòng phim ấy. Nội dung phim thường xoay quanh những câu chuyện, những vấn đề được cho là "hot" đang diễn ra trong đời sống xã hội, đang được đa số nhóm công chúng này quan tâm. Độ "hot" có thể ở nhiều khía cạnh, cả tích cực và tiêu cực, ví dụ: chuyện phim có yếu tố ma, kinh dị, kì bí; chuyện hậu trường của giới showbiz; chuyện hài hước, chọc cười, vấn đề của giới tính thứ ba… Có "thức thời" như vậy, nhà đầu tư mới mong thu hồi nguồn vốn".

Để chắc ăn, ngoài đề tài "hot", một số phim khi xuất hiện bất ngờ phải chuẩn bị thêm chiêu trò. Ví dụ như phim "Mất xác", hành tung cũng gần như lặn "mất xác", thế nhưng khi xuất hiện, ê kip dính ngay scandal. Khán giả chưa kịp biết mặt mũi phim ra sao đã thấy đạo diễn Đỗ Thành An tố và dọa kiện Victor Vũ vì tội trùng ý tưởng khi  "Scandal - Hào quang trở lại" cũng lấy vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường làm cảm hứng như "Mất xác". Sinh sau đẻ muộn, tung tích mất dạng mà "Mất xác" dám lớn tiếng dọa kiện bộ phim đã bấm máy trước mình. Chưa kể "Scandal - Hào quang trở lại" gắn với tên tuổi của đạo diễn uy tín Victor Vũ, được truyền thông rầm rộ và quảng bá rất tốt, cập nhật hình ảnh hậu trường hằng tuần.

Nếu tỉnh táo ngẫm cho kỹ sẽ thấy, đây chẳng qua chỉ là chiêu thức để tạo sự chú ý. Rốt cuộc chẳng có vụ kiện nào xảy ra và đa số khán giả vừa từ phòng chiếu "Mất xác" ra đều mắng thầm vì vụ thẩm mỹ viện Cát Tường chẳng mấy liên quan đến phim. Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc ngán ngẩm: "Với những người làm phim thương mại, mục đích chính của họ là kiếm tiền nên sẽ làm đủ mọi chiêu trò để có lợi nhuận. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn nhận thì từ khi dòng phim thương mại ra đời, những bộ phim đông khách phần lớn đều là… phim nhảm"...

P.T.U.
.
.