Phải đứng về phía quyền lợi của người dân

Thứ Năm, 30/03/2017, 08:37
Trong những ngày cuối tháng 3 này, có một tin tức khá lạ mà những ai quan tâm đến tình hình thế giới chắc sẽ không bỏ qua. Đó là việc chính quyền New Zealand chính thức xin lỗi các bộ tộc người Maori bản địa và đồng thời cấp quyền pháp lý tương đương với quyền con người cho dòng sông Whanganui. 


Người Maori coi dòng sông ấy là tổ tiên của mình, coi dòng sông ấy cũng là một cơ thể sống có thể xác và tâm hồn. 140 năm nay, họ đã dai dẳng lên tiếng đòi quyền "công dân" cho con sông ấy. Và sau một thời gian dài nhận thức được sự tàn phá của con người với dòng sông thông qua các dịch vụ khai thác kinh tế dựa vào nó, chính quyền New Zealand đã đáp ứng yêu cầu của người Maori bản địa.

Từ nay, dòng sông Whanganui sẽ có 2 người đại diện pháp lý để lên tiếng thay mình, 1 từ chính quyền địa phương và 1 từ bộ tộc Whanganui iwi.

Giữa bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới nhận thức được giá trị không gì có thể đánh đổi được của môi trường trong sạch, tự nhiên, động thái Whanganui có thể sẽ là tiền lệ tốt để nhiều vùng lãnh thổ noi theo. Con người đã miệt mài đấu tranh về quyền cho động vật, từ con chó nuôi trong nhà cho tới con tê giác hoang dã. Bây giờ, họ sẽ tiếp tục đấu tranh vì những gì Mẹ Tự Nhiên ban tặng, vì họ hiểu, đó chính là nguồn gốc của mình.

Nhưng câu chuyện Whanagui và những đòi hỏi về quyền tương đương với quyền con người cho những bộ phận của tự nhiên như rừng, núi, đồi, sông, suối… vẫn còn là câu chuyện xa vời, nhiều màu sắc lý tưởng.

Công an và Quân đội giúp dân dựng lại nhà cửa sau bão lũ.

Câu chuyện đọng lại từ Whanagui với chúng ta hôm nay như một bài học, đó chính là quyền lợi của nhân dân và những công chức, quan chức trong mọi bộ máy chính quyền đều phải hướng đến một mục tiêu lớn nhất: đứng về phía nhân dân. 140 năm là cuộc đấu tranh dai dẳng nhưng kết quả của nó cho thấy, chính quyền New Zealand đã lựa chọn đúng. Họ đứng về phía những người Maori, tức là nhân dân của họ, thay vì đứng về phía quyền lợi của riêng chính phủ một cách cứng nhắc.

Cùng thời gian về tin tức từ Whanagui, có một tin rất thú vị mà chúng ta cũng cần phải tìm đọc để thấu hiểu hơn việc đứng về phía nhân dân là như thế nào. Đó là câu chuyện về ông Năm Hấp ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đàn ông 70 tuổi từng có 10 năm làm Phó Chủ tịch phường (từ 1978-1988) đã lấy đất hương hoả của gia đình mình, khoảng 800m2, để mở chợ gom những người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường quanh khu phố về tập trung kinh doanh ở đó kể từ năm 2009.

Tất nhiên, để bù lại những đầu tư về cơ sở hạ tầng, chi phí điện nước, ông thu của mỗi người vào chợ kinh doanh 30 ngàn đồng tiền phí mỗi ngày. Nhưng không ai nhìn thấy màu sắc "kinh doanh" trong cách làm của ông Năm Hấp cả. Những tiểu thương trong chợ gọi ông thân mật là "bố Năm Hấp" và nếu so sánh, chúng ta có thể thấy mảnh đất 800m2 ấy nếu sử dụng vào việc khác, ông Năm Hấp có thể thu được nhiều tiền hơn rất nhiều.

Có lẽ, 10 năm làm công tác ở UBND phường đã cho ông một cái nhìn vững chắc. Đó là bằng mọi giá phải đứng về phía nhân dân. Chuyện của ông Năm Hấp, soi chiếu lại với câu chuyện vỉa hè nóng hổi từ Tết tới nay, cho chúng ta nhận rõ ra hơn một vấn đề rất cốt lõi. Đó là song song với lập lại trật tự, chúng ta cần phải đưa ra một giải pháp thật sự rõ ràng, triệt để đủ cho nhân dân thấy, chính quyền luôn đứng về phía họ, bảo vệ quyền lợi cho họ, đặc biệt là việc ổn định lại cuộc sống sau khi buộc họ phải rời khỏi những vỉa hè mà họ đã lấn chiếm trái pháp luật.

Tuần trước, trong khuyến nghị rất quan trọng được phát đi từ hội thảo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về "Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo" có một trường hợp rất đáng để chúng ta tham khảo. Đó là việc một tỉnh Bắc Trung Bộ lấy lại đất nông nghiệp đã cấp cho nông dân theo đúng tinh thần Luật Đất đai 2013 để giao lại cho một chủ đầu tư.

Nông dân nhận đất để trồng cây keo kết hợp với cây nông nghiệp ngắn ngày. Giá trị bồi thường đất mà dân được đề nghị cũng chỉ tương đương giá trị của hai vụ keo mà dân đang hi vọng thu lại được (thời gian khoảng 12-15 năm). Điều đó làm người dân cảm thấy bất công bằng. Quyền sử dụng đất của họ là 50 năm. Vậy mà bồi thường chỉ bằng tiền hoa màu họ thu được trong tối đa là 15 năm, rõ ràng phần thiệt thuộc về ai chúng ta đều rõ.

Hà Quang Minh
.
.