Tìm miền đất hứa" cho nghệ thuật truyền thống:

Phải đâu nhất thiết thị thành?

Thứ Sáu, 20/11/2015, 08:00
Nếu sống xa quê hương một thời gian, đâu đó trên xứ người, vẳng nghe một câu hò vọng cổ, một giọng dân ca thật ngọt, bạn sẽ thấy thấm thía những giá trị vốn có của nghệ thuật truyền thống… Đó là chia sẻ nhưng cũng là nhắn nhủ của Tổng giám đốc công ty Sen Vàng - chị Phạm Thị Kim Dung - khi quyết định đưa cải lương, đờn ca tài tử vào gameshow "Tài tử tranh tài". 

Tuy nhiên, thực tế lâu nay, hầu hết các nhà hát của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, kể cả ở thủ đô Hà Nội lẫn TP Hồ Chí Minh, dường như rất khó duy trì thường xuyên những đêm sáng đèn sân khấu mỗi tuần, mỗi tháng. Rất nhiều những tiếng thở dài của người làm nghề sau hào quang của các ánh đèn màu với những mặc định đã thiếu vắng lắm "miền đất hứa" cho các mảng màu nghệ thuật này…

Trao đổi lại với Phó giám đốc Nhà hát Hát Bội TP Hồ Chí Minh, NSƯT Ngọc Nga sau hơn một năm thực hiện loạt bài về thực trạng thiếu cơ sở vật chất cho sân khấu nghệ thuật truyền thống, chị cho biết, hiện tại, tất cả vẫn… như cũ. Tọa lạc tại 234 Lý Tự Trọng, quận 1 - một trong những khu vực trung tâm và được coi là "đất vàng" của thành phố nhưng đã rất nhiều năm nay, sân khấu của nhà hát không thể sáng đèn.

Lý do là cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu hoạt động và hát Bội đã trở thành bộ môn nghệ thuật có rất ít khán giả chịu quan tâm mua vé để xem biểu diễn. Mỗi năm, nhà hát vẫn dựng 4 vở, 2 cũ và 2 mới. Nhà hát vẫn chỉ là nơi để cho nghệ sĩ dàn dựng, tập dượt. Không gian biểu diễn chính là khu vực sân khấu tại công viên 23/9, diễn phục vụ, không bán vé. Mỗi năm vẫn 2 vụ mùa đi diễn, hát phục vụ lễ cầu yên, lễ đình từ tháng 1 đến tháng 3 và tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Các chuyến lưu diễn, gần là loanh quanh ở các quận huyện ngoại thành thành phố. Xa hơn là các tỉnh lân cận.

Ngoài người dân đô thị, để bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống cần đến với người dân ngoại tỉnh nhiều hơn (ảnh minh họa).

Chị cũng chia sẻ rất thật rằng nhờ sự quan tâm sắp xếp các buổi diễn phục vụ người dân thường xuyên của Sở Văn hóa - thể thao Thành phố, cộng thêm các hợp đồng lưu diễn trong mỗi mùa lễ hội mà đời sống của những người làm nghề tạm ổn. Mức "tạm ổn" của nghệ sĩ trong nhà hát, nghe ra có phần chua chát. Bởi lẽ, chị chỉ có thể so sánh với đồng lương của phần lớn công nhân trong các khu công nghiệp.

"Trông lên thì không bằng ai nhưng khéo ăn thì no, khéo co thì ấm vậy thôi". Nếu cứ nhìn và so sánh với thu nhập của nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực khác, nghệ sĩ hát Bội không yêu nghề rất dễ nản mà bỏ hát. May mắn là hầu hết anh chị em đều gắn bó với nghề. Hát Bội với họ vẫn là cái nghiệp, phần lớn chấp nhận làm thêm nghề tay trái, kể cả chạy xe ôm, phụ gia đình chạy bán cà phê để có thêm thu nhập …

Trừ sân khấu nghệ thuật múa rối, có lẽ phần nhiều các sân khấu biểu diễn nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, trong đó có Tuồng, Chèo cũng đều trong cảnh ngộ chung với sân khấu hát Bội…

Đồng cảnh là sân khấu Cải lương. Thời điểm trụ sở chính - nhà hát tại đường Trần Hưng Đạo bị đập đi để xây mới, cả nhà hát phải tạm rời về rạp Thủ Đô để diễn, sân khấu đã vắng khán giả lại càng vắng hơn. Vì nhiều lý do, dự án xây dựng nhà hát bị chậm trễ, nhiều nghệ sĩ cứ có dịp đi ngang qua, nhìn công trình dở dang mà tiếc nhớ.

Ngày Nhà hát khánh thành, nghĩ cảnh "lang thang" đã qua, cơn bĩ cực sắp hết nhưng niềm vui chưa trọn vì thiết kế xây dựng không phù hợp… Buồn vì địa điểm để "an cư lạc nghiệp" không như ý, thiếu những vở diễn lớn để tung tẩy trong nghề nghiệp và khẳng định mình. Tuy nhiên, so với nghệ sĩ hát Bội, nghệ sĩ biểu diễn Tuồng, Chèo thì nghệ sĩ cải lương vẫn khá hơn nhiều về mặt thu nhập. Ngay cả khi sân khấu cải lương chính thống đìu hiu khán giả nhất, nhiều nghệ sĩ cho biết họ vẫn sống khá ổn nhờ diễn trong phòng trà, nhà hàng, tiệc cưới, diễn phục vụ người dân các tỉnh và diễn theo hợp đồng với ban tổ chức các lễ đình, lễ hội khác ở các địa phương.

Với một số tên tuổi thuộc hàng "sao", việc đi diễn phục vụ kiều bào ở nước ngoài giúp mang về thu nhập cao có khi không kém nhiều ca sĩ. Thậm chí, một số chương trình biểu diễn mang tính chất thương mại trong nước, sau những vụ lùm xùm về trả thù lao, người mộ điệu mới giật mình trước hàng loạt mức thù lao thuộc hàng "khủng" so với thu nhập của người dân chân chất quê mùa - "quê gốc" của đờn ca tài tử, cải lương…

Nhà hát, sân khấu nghệ thuật truyền thống đìu hiu, bị cho là rơi vào khủng hoảng trầm trọng song có lẽ chỉ là ở các đô thị. Với các vùng quê, đặc biệt những vùng miền được coi là cái nôi của bộ môn nghệ thuật truyền thống nào đó thì sức sống trong lòng công chúng có giảm nhưng chưa đến mức khiến người tâm huyết với nghề hoàn toàn thất vọng.

Tại nhiều vùng quê Bắc Bộ, những điệu hát chèo vẫn vang vọng trên từng đường làng, ngõ xóm mỗi sớm mỗi chiều. Tại nhiều tỉnh vùng Nam Bộ, cải lương vẫn như là máu thịt của số đông. Thời điểm sân khấu cải lương TP Hồ Chí Minh đìu hiu nhất, những người tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ vẫn khẳng định rằng tình yêu của công chúng với bộ môn nghệ thuật này tại nhiều vùng quê vẫn chưa thuyên giảm. Bằng cớ là người dân vẫn rồng rắn kéo nhau đến tham dự và từng xóm ấp đều râm ran tiếng luận bàn về cuộc  thi.

Vui hơn nữa là khi ban tổ chức phát hiện có không ít những gương mặt tiềm năng vẫn vấn vương mùi của đồng đất. Trường hợp chàng nông dân đoạt chuông vàng vọng cổ - Lê Văn Gàn là một điển hình.

Phát hiện tài năng, ban tổ chức nhiều cuộc thi cũng cho biết đã hết sức cố gắng để giúp các tài năng này được tỏa sáng. Cụ thể, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đều bố trí sắp xếp để các thí sinh đoạt giải có cơ hội xuất hiện biểu diễn trong các chương trình do nhà đài tổ chức. Chỉ có điều, một số tài năng thì ở các tỉnh xa. Để tham gia mỗi chương trình, họ phải tính toán, gác lại công việc nhà, khăn gói lên thành phố. Thù lao biểu diễn của nhà đài có hạn, trừ chi phí ăn ở đi lại, người biểu diễn không còn lại bao nhiêu. Đã có những chuyến đi thành lỡ làng là vì thế.

Đi tìm giải pháp cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống, đã từng có ý kiến cho rằng chỉ nên học tập bên nước bạn Nhật Bản là xây dựng cụm biểu diễn nào đó dành cho các sân khấu chứ không nhất thiết phải mỗi bộ môn nghệ thuật một nhà hát hoành tráng tại thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong nhà hát gồm nhiều sân khấu đó sẽ luân phiên tổ chức các chương trình, kịch mục biểu diễn thường xuyên phục vụ du khách và người dân có nhu cầu… Với thực tế đời sống biểu diễn nghệ thuật truyền thống vắng khán giả như hiện nay, ý kiến này không hẳn không có lý.

Trong khi chờ đợi những cuộc "trở mình" ngoạn mục hơn của nghệ thuật truyền thống tại các đô thị trung tâm của cả nước, hàng loạt các hoạt động liên quan được ban tổ chức đưa về các khu vực ngoại tỉnh, hướng về các chủ thể gốc với nhiều hình thức phong phú hơn. Với riêng cải lương, đờn ca tài tử, sau thành công của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, Giải thưởng Trần Hữu Trang, Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 cũng được đưa về miền Tây tổ chức chuông vàng vọng cổ.

Mới đây nhất, lần đầu tiên, bộ môn nghệ thuật truyền thống của Nam Bộ này cũng đã được đưa lên game show riêng - "Tài tử tranh tài". Không chỉ góp phần đánh thức tình yêu nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương với người dân sông nước Nam bộ, sân chơi này còn được kỳ vọng sẽ khơi gợi được tình yêu ấy sâu hơn trong người trẻ với những hình thức thi trẻ trung, sôi nổi, nhiều ngẫu hứng và đúng với bản chất tài tử hơn.

Sự khơi gợi ấy, dẫu muộn nhưng cần thiết nếu cải lương, đờn ca tài tử còn cần duy trì, bảo tồn, phát huy trong tương lai. Và, những cuộc tìm về với người dân các vùng quê, những cái nôi của nghệ thuật truyền thống như thế cũng không hẳn chỉ cần thiết như thế với riêng cải lương, đờn ca tài tử. Với tất cả những bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, đó cũng là những sự trở về cần kíp trước khi quá muộn. Tất nhiên, con đường trở lại không thể giống nhau, dẫu rằng mục đích có thể chỉ có một. Những "miền đất hứa" của các bộ môn nghệ thuật, có lẽ cũng không cần tìm đâu xa xôi hơn thế nữa…

Minh Hà
.
.