Sản xuất phim Việt Nam:

Ông Trương Hoàng Hải - Giám đốc hãng phim Á Châu: “Vừa sản xuất phim vừa đợi...”

Thứ Tư, 12/07/2006, 08:00
Phim Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc lôi kéo khán giả đến  rạp, chỉ có những hãng phim lớn mới dám đầu tư và chỉ  sản xuất phim vào dịp lễ, tết. Kinh phí đầu tư cho phim nhựa rất lớn nên đến thời điểm hiện tại ít ai dám  bỏ vốn vì rủi ro luôn chực chờ.

Hơn nữa từ chuyện làm xong một bộ phim đến khi ra rạp cũng là cả một vấn đề lớn. Chuyện đó rất nhiều hãng phim đã nói, còn riêng tôi, là nhà sản xuất, việc tự bỏ tiền làm bộ phim  “Thập tự Hoa” vừa rồi coi như thất bại nặng nề. Kinh nghiệm mà nhà  sản xuất chúng tôi rút ra sau cú thua lỗ ấy là khâu chọn lựa kịch bản ban đầu rồi mới đến thời điểm phát hành.

Nhìn lại, chúng tôi cũng tự thấy kịch bản “Thập tự hoa” không phù hợp với giới trẻ. Và thời điểm mà chúng tôi đưa phim ra cũng vào dịp mà có quá nhiều nhà sản xuất tranh nhau thời điểm tốt. Tổng vốn đầu tư cho phim này là 2,2 tỉ đồng, cho đến giờ,  Á Châu chỉ mới thu lại được 1/6. Mà tình hình sản xuất phim năm rồi, nhìn lại hầu như nhà sản xuất nào cũng thua lỗ, chỉ mỗi “Đẻ mướn” của Hãng Phước Sang là thắng.

 Nếu nói về vấn đề sản xuất phim chuyên nghiệp thì thật sự chúng tôi luôn nghĩ đến nhưng vào thời điểm này vẫn còn nhiều khó khăn quá, ví dụ như sản xuất phim xong rồi rạp đâu mà chiếu. Lại phải chờ những đơn vị khác đầu tư xây rạp mới xong rồi mới dám đánh mạnh lĩnh vực này. Đến bây giờ mà vẫn còn tồn tại tư tưởng phim cần rạp chứ rạp không cần phim thì sản xuất phim xong rồi lại phải lo chạy rạp. Mệt mỏi lắm.

Tôi xuất thân là người quay phim đã học qua trường lớp, cộng với lòng đam mê nên mới quyết tâm làm phim dù có thất bại như vừa qua. Thua keo này lại bày keo khác. Tôi không nản mà hy vọng nhiều ở thời gian tới. Coi như chúng tôi vừa sản xuất phim vừa đợi…

Hy vọng vào một thời điểm thuận lợi, các hãng đồng loạt làm phim không như bây giờ chỉ một số nhà sản xuất có lực mới dám bung ra. Và cho đến giờ phút này thì tôi đã xác định rõ quan điểm làm phim của mình là phải làm phim thương mại mới tồn tại được. Không thể cứ làm phim theo ý muốn của mình mà phải theo sở thích của khán giả. Khán giả Việt Nam thời điểm này chỉ thích xem phim kiểu giải trí thuần túy, tìm cảm giác thư giãn…

Hướng tới việc sản xuất phim chuyên nghiệp có lẽ cần phải học hỏi nhiều ở nước ngoài. Song để chuyên nghiệp cần phải đồng bộ mọi khâu. Tôi có thể đi nước ngoài học mô hình sản xuất phim chuyên nghiệp nhưng không có điều kiện để lo cho đạo diễn, quay phim cùng học…

Còn mời chuyên gia về dạy, cũng là cả một bài toán hóc búa về kinh  phí. Nói gì đi nữa, chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện  một dự án làm phim mới, bây giờ chưa thể tiết lộ. Nhiều người hỏi thất bại thảm hại rồi mà chưa sợ sao. Tôi nghĩ nhà sản xuất phim nào khi đầu tư chẳng tính đến yếu tố rủi ro. Tôi biết, nếu đầu tư lĩnh vực khác có thể an toàn và lợi nhuận cao gấp nhiều lần nhưng mà biết làm sao, bởi vì điện ảnh luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với tôi

Hạnh Chi
.
.