Nóng vì… lệch chuẩn

Thứ Bảy, 27/08/2016, 07:53
Trong số "ngân hàng" chiêu trò của truyền hình thực tế, lệch chuẩn là cách hữu hiệu để tạo độ nóng. Người mắng xơi xơi, "đá" ném rào rào thì mới mong câu khách dù mang tiếng là ồn ào, lố bịch. Báo động ở chỗ tình trạng lệch chuẩn này ngày càng được nhiều chương trình ưu ái.


Lâu nay, người ta mặc định rằng nếu muốn thi người mẫu, tiêu chuẩn đầu tiên phải là chiều cao. Chiều cao thấp lắm cũng phải 1,68 mét, ngất ngưởng cũng cỡ 1,8 mét với nữ. Ấy vậy mà ở chương trình "Tìm kiếm người mẫu Việt Nam" (Vietnam's Next Top Model) năm ngoái đã gây sốc với Hồng Xuân cao vượt ngưỡng (1,9 mét) thì năm nay lại xuất hiện La Thanh Thanh chỉ cao vỏn vẹn 1,54 mét.

Có thể coi đây là thí sinh có chiều cao khiêm tốn nhất trong lịch sử các cuộc thi người mẫu. Chưa kể thí sinh khác như Lã Thu Hằng chỉ cao 1,62 mét với thân hình siêu phẳng, siêu gầy cũng tiến vào nhà chung. Ở thí sinh nam, Hoài Nam gây sốc khi chỉ cao 1,72 mét trong khi chuẩn người mẫu nam tối thiểu 1,8 mét.

Mục đích mà bộ tứ quyền lực của cuộc thi này thường ra rả là giúp các thí sinh trở thành những người mẫu chuyên nghiệp cho làng thời trang Việt Nam và xa hơn là thị trường quốc tế. Thực tế, đã có nhiều gương mặt từ cuộc thi gây được ấn tượng với các kinh đô thời trang khó tính như Milan (Ý), Paris (Pháp), London (Anh), New York (Mỹ)...

Có thể kể đến như Hoàng Thùy, Tuyết Lan, Trang Khiếu, Chà Mi... Họ đạt được thành công bởi đơn giản vì đáp ứng tiêu chuẩn khắc khe của người mẫu. Đương nhiên, những người mẫu này đều có chiều cao trên 1,73 mét. Vậy nên, nhiều người không khỏi sửng sốt tự hỏi: với thí sinh chỉ cao 1,54 mét thì họ sẽ trở thành người mẫu như thế nào?

Người mẫu Ngọc Trinh làm MC cùng Trấn Thành trong chương trình hát nhép "Kỳ phùng địch thủ".

Đồng ý rằng những thí sinh lệch chuẩn kia sẽ trở thành người mẫu ảnh như ban tổ chức hứa hẹn nhưng họ sẽ chỉ làm việc được tại Việt Nam vì để ghi danh vào làng mẫu quốc tế chuyên nghiệp (dù chỉ là người mẫu ảnh thôi) thì họ phải có mặt trong những show thời trang đình đám. Không ai mời chụp hình một người mẫu mà thân hình không đủ chuẩn để diện đồ. Vậy nên mới có chuyện người mẫu phải ép cân, luyện tập giữ dáng để đúng size chuẩn.

Dễ dàng nhận ra đây là sự "ăn theo" từ phiên bản Mỹ. Khi siêu mẫu Tyra Banks, chủ nhân của American's Next Top Model phá bỏ mọi giới hạn, chấp nhận cả những thí sinh mà có nằm mơ họ cũng không nghĩ một ngày mình được sải chân trên sàn catwalk trong một cuộc thi tầm cỡ thế   giới này, sự chỉ trích bùng lên dữ dội. Trong khi đó phiên bản Australia lại siết chặt quy chuẩn chiều cao của thí sinh. Theo đó, người thắng cuộc phải có chiều cao ít nhất 1,78 mét.

Họ lý giải rằng vì cả thế giới đều có chung tiêu chuẩn về cơ thể, chiều cao người mẫu, và điều này chỉ mang lại cho thí sinh cơ hội tốt nhất ở thị trường thế giới. Không khó hiểu khi đây là một chiêu trò mới mẻ để Tyra gây sự chú ý cho chương trình thực tế vốn đã bị kêu ca là nhàm chán và đã dự định đóng cửa.

Những thí sinh bước ra từ chương trình đậm mùi giải trí này đương nhiên không còn nằm trong cụm từ mỹ miều: trở thành người mẫu của làng thời trang Mỹ hay thế giới. Mà đơn giản hơn, những thí sinh lệch chuẩn chỉ là yếu tố thu hút để cứu lấy chương trình đang bị tụt rating (lượng người xem) thảm hại. Họ chỉ cần người xem, chấm hết!

Tình trạng của phiên bản Việt cũng không khá khẩm hơn. Thí sinh nấm lùn chỉ là một pha lệch chuẩn để thu hút sự chú ý của công chúng như dạo Hồng Xuân cao lêu nghêu, thi thố đều rất tệ nhưng vẫn tiến vào chung kết.

Trước sự cạnh tranh của chương trình mới mẻ "The Face: Gương mặt thương hiệu" thì đây là cách để nhà sản xuất cứu nguy dưới cái lốt: ai cũng có thể trở thành người mẫu nếu đủ sự tự tin, ước mơ. Kiểu như ai cũng có thể trở thành quán quân nếu biết hát và - cực kỳ quan trọng - biết thu hút bằng cách tự thân gây sốc, dẫu hát mà như hét, thậm chí không cần hát tí nào mà chỉ cần nhép - một hành vi bị cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Ở lĩnh vực bắt chước, hát nhép này thì có hằng hà sa số chương trình đua nhau nở rộ: từ "Gương mặt thân quen", "Ai tỏa sáng" đến "Tuyệt chiêu siêu diễn", "Biến hóa hoàn hảo", "Kỳ phùng địch thủ"... Để "chặt chém" nhau, chương trình càng sinh sau đẻ muộn càng ra sức khai thác sự lệch chuẩn như phát ngôn gây sốc; hành động lố bịch như sàm sỡ, trưng nội y trên sân khấu; giả gái siêu thô và siêu xấu để khoái trá nhận câu khen "bá đạo" của giám khảo: "Anh/ chị chưa thấy ai giả giá xấu như em!". Hát nhép không ra hát nhép mà chủ yếu nhấp miệng sơ sơ và diễn mà toàn diễn nhây, nhảm, độ lố bịch càng nhiều càng được giám khảo khen bằng câu "xưa như Trái Đất": "Chị rất thích. Chúc mừng em".

"Kỳ phùng địch thủ" sẽ lép vế nếu "đặc sản" chỉ có kiểu nhép và bắt chước lố bịch này. Vậy nên, bên cạnh Trấn Thành, chương trình nhanh chóng có nữ MC chẳng hề liên quan gì đến hài, ca nhạc: người mẫu Ngọc Trinh. Sự xuất hiện của của nữ hoàng nội y Ngọc Trinh cùng những thị phi, thân hình nóng bỏng và phát ngôn ngô nghê được "kích hoạt" mọi lúc mọi nơi là quả bom hạng nặng khiến công chúng chấn động. Và đương nhiên, họ không tò mò vào xem mới lạ.

Thí sinh La Thanh Thanh chỉ cao 1m54, là thí sinh thấp nhất cuộc thi "Tìm kiếm người mẫu Việt Nam" 2016.

Sự lệch chuẩn không chỉ nằm ở dàn thí sinh, MC mà còn ở ban giám khảo - vị trí "cao cả" nhất trong mắt người xem. Nhiều người không có vai trò chuyên môn mà hễ ăn khách là được đặt vào ghế nóng. Cô gái người Hàn Quốc Hari Won nói tiếng Việt bập bõm nhưng vẫn ngồi chấm điểm cho những thí sinh tham gia "Biến hóa hoàn hảo" vì cô là người yêu của Trấn Thành.

Á khôi Thúy Vân được biết nhiều hơn với vai trò người đẹp, đoạt ngôi vị Á hậu 3 tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015 cũng cầm cân nảy mực trong chương trình "Người hát tình ca". Không ngạc nhiên khi mỗi lần nhận xét, cô đều nói rằng mình cảm nhận với tư cách khán giả.

Diễn xuất của ca sĩ Thủy Tiên trong một vài bộ phim luôn bị khán giả la ó vì độ sượng, đơ. Ấy vậy mà Thủy Tiên vẫn xuất hiện với vai trò là giám khảo khách mời trong chương trình "Cười xuyên Việt". Nhận xét của cô chỉ là lời cổ động chứ không có ích gì về mặt chuyên môn. Đến cô bé Phương Mỹ Chi còn được chương trình "Cùng nhau tỏa sáng" mời "gõ đầu người khác" thì sá gì các trường hợp trên.

Không ít người bảo vệ thần tượng của mình cho rằng họ đến ngồi ghế nóng với tư cách khán giả, nêu cảm nhận như khán giả. Nhưng nói như ca sĩ Ánh Tuyết, việc anh ngồi vào ghế giám khảo tức là anh có vai trò, nhiệm vụ đánh giá người ta chứ không thể ngồi chơi khơi khơi. Mà đã đánh giá thì trình độ phải hơn, đằng này họ hoàn toàn mù tịt mà cứ phán bừa. Còn nếu bảo là nêu cảm nhận và cho điểm ở góc độ khán giả thì đừng mời họ vào ghế nóng, đừng gọi họ là giám khảo hay giám khảo khách mời mà chỉ nên gọi là khách mời hay khán giả khách mời mà thôi.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng cho rằng dù chương trình có đặt nặng yếu tố giải trí đi chăng nữa thì giám khảo cũng phải làm đúng thiên chức của mình là nhận xét chuyên môn và định hướng thẩm mỹ.

Điều đáng buồn là ngoài những người tẩy chay, phản đối thì một lượng không nhỏ ủng hộ lệch chuẩn. Một em bé gồng hơi, rướn cổ hát "Dạ cổ hoài lang", "Tàu anh qua núi"... được huấn luyện viên tranh nhau giành giật về đội mình và khán giả thì xuýt xoa ngưỡng mộ. Dám chắc, những câu như "Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Năm canh mơ màng..." chưa chắc người lớn đã hiểu thấu đáo thì huống hồ một cô bé chưa đầy 10 tuổi đầu.

Một thời, đứa trẻ được gọi là "thần đồng" như bé Châu (tên thật là Nguyễn Huy) nổi tiếng với kiểu uốn éo và hát các bài bi tình người lớn như "Trả nợ tình xa", "Anh number one", "Hãy cho tôi"... bị lên án, tẩy chay thì bây giờ chuyện đó được mặc định chấp nhận và cổ súy trên sóng truyền hình bởi những người mang danh nghệ sĩ. Nhân cách, tâm hồn các em hình thành thế nào từ những ca khúc không phù hợp lứa tuổi ấy?

Các giá trị chuẩn mực bị bóp méo, bị chà đạp không thương tiếc khi người ta tôn vinh sự lệch chuẩn. Người nào thích nổi tiếng cứ đu bám theo như một con đường tắt dễ dàng. Nên chẳng quá xa xôi nếu nó dần đưa cái xấu lên ngôi trong cơn khát rating của truyền hình thực tế.

Phan Thi Uyên
.
.