Nói thêm về chuyện viết tắt

Thứ Ba, 14/08/2012, 08:00
Báo VNCA số ra ngày 16/7/2012 có đăng bài viết "Bài học nào cho việc… viết tắt?" của tác giả Nguyễn Trường Văn. Tôi tán đồng với một số ý kiến đưa ra trong bài viết này, đặc biệt là đoạn: "Đã thương thì thương cho chót. Nhiều báo cho in tắt tên người bán dâm, nhưng lại ghi rõ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của các cô. Điều này thiết nghĩ còn "nguy hại" với các cô hơn...

=>"Bài học nào cho việc… viết tắt?"

Đơn giản vì: Có địa chỉ cụ thể, hàng xóm láng giềng nơi các cô cư trú khi đọc báo sẽ nhận ra các cô ngay. Như vậy các cô khó có thể xóa đi điều tiếng kia nếu có ý định hồi hương, làm lại cuộc đời". Nhân đây, tôi cũng xin bàn thêm về một số trường hợp viết tắt không cần thiết, hoặc vô lý… để các nhà báo tham khảo, đặng qua đó rút ra được điều gì khả dĩ có ích chăng? 

Vừa rồi, dư luận cả nước xôn xao về vụ tên sát nhân bệnh hoạn Đặng Trần Hoài, 26 tuổi, ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Tp Hà Nội đã xuống tay giết hại cháu Khuất Thị M., 4 tuổi, và hiếp cháu Khuất Thị H., 8 tuổi, là hai chị em ruột trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Nhiều báo giấy và báo mạng đã đưa tin, bài, ảnh về vụ án hết sức dã man và đau lòng này. Hầu hết các báo đều đưa tên tắt của hai cháu bé nạn nhân. Có báo, như báo Dân trí điện tử còn "cẩn thận" in tắt cả tên của các nhân chứng, như người bác ruột của hai cháu M. và H. được tòa báo viết tắt là P. (mặc dù nhiều báo ghi rõ tên người bác này). Tuy nhiên, xung quanh việc viết tắt này cũng vẫn có những điểm cần bàn.

Đương nhiên về lý, ai cũng có thể cho rằng, việc viết tắt tên cháu H. là vì việc xảy ra với cháu là việc nhạy cảm (cháu bị cưỡng hiếp). Nêu rõ tên cháu có thể gây bất lợi cho tương lai của cháu sau này. Tuy nhiên, nếu muốn để ít người chú ý đến cháu, không biết rõ tên cháu là gì thì việc in rõ tên bố mẹ cháu, địa chỉ cụ thể của gia đình cháu, rồi lại chụp in rành rành ngôi nhà cháu ở (mà báo chí gọi là hiện trường xảy ra vụ án) thì tác dụng có là bao? Rồi với trường hợp của em gái cháu. Nếu đã công khai tên bố mẹ cháu H. rồi thì sao không ghi đầy đủ tên cháu M. Cháu M. bị giết chứ có bị hiếp đâu, vả chăng cháu mất rồi, vậy còn gì ngần ngại mà phải viết tắt tên cháu? Cũng vậy, viết tắt tên anh P. nhưng lại trương bức ảnh của anh to đuỳnh to đoàng lên mặt báo như Báo Dân trí thì việc viết tắt tên của anh P. ở đây còn ý nghĩa gì nữa?

Một việc nữa cũng cần nhắc là nhiều bài báo hay viết tắt tên một số cơ quan, đơn vị có tên gọi dài hoặc lặp lại nhiều lần trong bài. Nhưng viết tắt phải viết từ đầu (sau khi nêu tên đầy đủ của đơn vị đó) thì hiệu quả của việc viết tắt mới cao, chứ mãi đến gần cuối bài mới viết tắt thì là… phí phạm. Rồi thì có báo, cái tên ấy chỉ được nhắc có một lần mà cũng bày trò viết tắt. Lại có chữ khi viết tắt thì chữ viết tắt lại đọc được ra một nghĩa khác (như chữ thi hành án được nhiều báo viết tắt là THA). THA (Từ điển Tiếng việt định nghĩa là: "thả người bị bắt giữ" và: "bỏ qua") với chữ thi hành án về nghĩa là khác nhau nhiều đó. Vậy có nên viết tắt kiểu ấy?

Lê Cảnh Thuận
.
.