Ý kiến ngắn

Nói lấy được

Thứ Năm, 15/05/2014, 08:00

Ở nước ta, hiếm có cây cầu nào đi vào thơ nhiều như cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có các thi phẩm: "Vịnh cảnh Hàm Rồng", "Đi thuyền trên sông Mã", "Lên chùa Linh Sơn", "Đêm trăng qua núi Hàm Rồng"…của các thi sĩ: Sầm Phố, Nguyễn Huy Khởi, Nguyễn Quang Khiêm, Lê Đình Thực…

Năm 1932, thi sĩ Tản Đà viết liền hai bài thơ về cầu Hàm Rồng trong niềm cảm hứng cao độ. Bài thứ nhất có tên: "Qua cầu Hàm Rồng hứng bút". Bài thứ hai có tên: "Mơ cảnh cầu Hàm Rồng".

Thời kỳ thơ viết về cầu Hàm Rồng bừng rộ nhất là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Anh Ngọc có "Cao điểm"; Trinh Đường có "Đến Đông Sơn nghe tiếng trống phòng không"; Nông Quốc Chấn có "Kính chào Thanh Hóa"; Xuân Hoàng có "Gửi Hàm Rồng"; Huy Cận có "Giữa trưa", "Nắng mưa, sấm sét sông Mã, sông Chu", "Chào Đông Sơn"; Mã Giang Lân  có "Trụ cầu Hàm Rồng"…

"Trụ cầu Hàm Rồng" được sáng tác vào năm 1968.

Bài thơ được mở đầu bằng:

Đạn hai mươi li bắn thủng xi măng
Bom tấn ép bẻ tung cột sắt
Tên lửa nổ thép già thành nước
Trụ cầu Hàm Rồng chỉ làm bằng cốt sắt xi măng

và kết thúc bằng:

Trụ cầu ung dung đứng đó
Bọn giặc lái bị bắt qua đây cúi đầu run sợ
Cứ thế suốt bốn năm
Trụ cầu Hàm Rồng chỉ làm bằng cốt sắt xi măng.

Bài thơ ấn tượng và sâu sắc nhờ cái tứ "đòn bẩy", trong đó câu "Trụ cầu Hàm Rồng chỉ làm bằng cốt sắt xi măng" được nhấn nháy tới 4 lần, được coi là "chìa khóa" của sự thành công.

Vì lẽ ấy, "Trụ cầu Hàm Rồng" đã đoạt giải ba trong cuộc thi thơ danh giá của Tuần báo Văn nghệ năm 1969. Trong cuộc thi này, thi sĩ của Trường Sơn Phạm Tiến Duật đã đoạt giải nhất với chùm thơ 4 bài: "Lửa đèn", "Gửi em cô thanh niên xung phong", "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" và "Nhớ".

Cùng đoạt giải ba trong cuộc thi thơ danh giá này còn có: "Bè xuôi sông La" của Vũ Duy Thông…Đến nay, những bài thơ này vẫn được coi là một phần thành tựu của các tác giả nói trên.

Ấy vậy mà có một "nhóm rượu" trong lúc "tào lao chi khươn", đã rất vô cớ xúc phạm đến nhà thơ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mã Giang Lân năm nay đã 73 tuổi (nên nhớ ngoài thơ, nhà thơ Mã Giang Lân còn là nhà nghiên cứu, phê bình thơ đáng trọng). Thậm chí, một tác giả còn có lời lẽ xấc xược khi viết: "Nếu "trụ cầu Hàm Rồng" có thể viết như thế này thì dễ thuyết phục hơn: "Hàm  Rồng con gái đảm đang/ Trụ cầu dải yếm trói chàng Giôn - xơn/ Hàm Rồng con gái căm hờn/ Trụ cầu quần lót mồ chôn Huê Kỳ/ Hàm Rồng phụ nữ gan lỳ/ Trụ cầu rau má mãi ghi sử vàng".

Chưa hết, trong cơn "bốc" chẳng giống ai, tác giả này còn vu cho nhà thơ Mã Giang Lân là người 2 lần đi lậu vé (1 lần đoạt giải ba cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1969 và 1 lần đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 2013). Anh ta cũng cố tình hiểu sai 3 câu thơ "Tôi thao thức trong ngôi nhà thao thức/ Cánh đồng vụ gặt/ Bàn tay tôi còn đậm hơi bùn" trong bài thơ "Mùa trăng" của Mã Giang Lân và vặn vẹo rất buồn cười: "Chưa nói đến những câu trên không phải thơ, những câu nói quá bình thường, không nói là tầm thường. Mà cách nói vống lên không ai tin được. Anh có thao thức thật không? Bằng chứng nào cho biết anh thao thức thật? Bàn tay anh còn đậm hơi bùn thật không? Bằng chứng đâu? Ảnh hoặc dấu vân tay?".

Nếu cứ vặn vẹo kiểu này, thì ngay với câu thơ giàu trải nghiệm, làm độc giả động tâm, suy ngẫm như "Làm kẻ ác khó nhọc vô cùng" trích trong "Mặt nạ kẻ ác" của nhà thơ lớn người Đức Béctôn Brếch, hẳn tác giả trên cũng có thể viết: Tại sao làm kẻ ác lại khó nhọc? Anh đã làm kẻ ác bao giờ đâu mà nghĩ như thế? Bằng chứng đâu?

Nhận xét như thế là "nhận xét lấy được", "nói lấy được".

Các cụ nhà ta từng dạy "Nói phải củ cải cũng nghe". Còn nói theo kiểu "cãi chày cãi cối" trên thì: Người nào nói người ấy nghe thôi

Đặng Huy Giang
.
.