Từ vụ dỡ mái đình lấy gỗ sưa đem bán:

Nỗi buồn mang tên "di sản"

Thứ Sáu, 28/03/2014, 08:30
Sự việc một số người đứng đầu thôn Cựu Quán (xã Thượng Đức, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cùng với ban Khánh tiết của đình Cựu Quán đã dỡ 4 thanh gỗ trên mái đình để bán được số tiền 1,2 tỉ đồng thực sự như một hồi chuông cảnh báo về câu chuyện ứng xử với di sản đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong công luận nhiều năm trở lại đây. Việc bảo vệ tính nguyên vẹn của các di tích lịch sử văn hóa cũng dường như là việc làm không thể, dù đã có Luật di sản quy định rất rõ về vấn đề này...

Cách đây ít ngày, một số người đứng đầu thôn Cựu Quán (xã Thượng Đức, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cùng với ban Khánh tiết của đình Cựu Quán đã dỡ 4 thanh gỗ trên mái đình để bán được số tiền 1,2 tỉ đồng. Số tiền bán được tuy không quá lớn, song khi vụ việc bị phanh phui, hình ảnh chùa Cựu Quán bị dỡ mái đang căng bạt phủ che tạm được đăng tải trên báo chí, cứ vô hình như một "lưỡi dao" khiến nhiều người cảm thấy xót xa, đau lòng. Sự việc này thực sự như một hồi chuông cảnh báo về câu chuyện ứng xử với di sản đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong công luận nhiều năm trở lại đây. Việc bảo vệ tính nguyên vẹn của các di tích lịch sử văn hóa cũng dường như là việc làm không thể, dù đã có Luật di sản quy định rất rõ về vấn đề này.

"Trục lợi" từ di sản?

"Cây đa, bến nước, sân đình" vốn là hình ảnh đi sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Việt, là hình ảnh thân thương gợi nhớ về quê nhà. Có lẽ bởi vậy, sự việc "dỡ mái đình lấy gỗ sưa đem bán" kia mới khiến nhiều người quan tâm và... hốt hoảng đến thế trước việc con người ứng xử với di sản của cha ông. Việc mua bán này được giải thích là để lấy tiền tu sửa ngôi đình đã xuống cấp, song theo ông Đỗ Văn Thúy - Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Hoài Đức thì huyện chưa một lần nhận được thông tin hay công văn về việc đình Cựu Quán xuống cấp và cần tu sửa. Đáng nói là người chi 1,2 tỉ đồng để mua 4 thanh gỗ sưa nói trên là sư thầy Thích Diệu Bản - người có nhiều năm trụ trì tại chùa Cựu Quán, là chỗ "thân quen".

Với số tiền bán được từ 127,5kg gỗ sưa, 700 triệu đã được gửi tại một ngân hàng, còn 500 triệu đồng được dùng vào việc mua ruộng quanh chùa và mua gỗ để sửa lại mái vảy của đình.

Khi sự việc vỡ lở, báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc, đình Cựu Quán đã được niêm phong để làm rõ động cơ, mục đích của việc dỡ mái đình lấy gỗ sưa đem bán, bởi vì đây là một hành vi vi phạm Luật Di sản. Tuy chưa được công nhận là di tích lịch sử nhưng đình Cựu Quán vẫn nằm trong danh mục kiểm kê để bảo vệ, vì thế nó vẫn phải tuân theo Luật Di sản. Hành động mua bán gỗ sưa cũng là vi phạm pháp luật, bởi gỗ sưa là nhóm gỗ quý hiếm đã được quy định cấm buôn bán. Chính vì thế, ngoài chính quyền địa phương, các cơ quan thuộc ngành văn hóa phải vào cuộc thì hiện Công an huyện Hoài Đức đang trong quá trình điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của việc dỡ mái đình Cựu Quán để bán gỗ sưa.

Sau khi bị dư luận lên tiếng phê phán gay gắt, bức "tượng lạ" mới được chuyển ra khỏi chùa Bà Đá.

Liên quan đến vụ việc này, đến nay cả 6 người có "chức sắc" trong làng tham gia vào vụ "dỡ đình" đã đưa ra lời xin lỗi trước chi bộ thôn, trong đó có 2 người đã công khai đứng lên xin lỗi người dân trong cuộc họp ngày 7/3, song dư luận vẫn cảm thấy chưa thỏa đáng. Dường như nó là "giọt nước tràn ly" trong việc ứng xử với di sản. Đáng nói là những vụ việc xâm hại di sản gần đây lại phần nhiều bắt đầu từ người có trách nhiệm trong việc trông coi, quản lý di tích.

Mới đây thôi, họa sĩ Lê Thiết Cương đã phải gay gắt lên tiếng trước việc một pho tượng mới tinh theo phong cách ngoại lai đã được đưa vào tiền sảnh của chùa Bà Đá - một ngôi chùa được xem là thuộc loại linh thiêng và lâu năm nhất chốn Hà thành. Khi bức ảnh và thông tin về bức ảnh "pho tượng lạ trong chùa Bà Đá" được lưu truyền trên mạng, rất nhiều người đã tìm đến đây tìm hiểu thực hư... Lúc ấy Đại đức Thích Chiếu Tuệ mới lên tiếng thừa nhận rằng: "Tượng này không hô thần nhập tượng theo các pho tượng tâm linh của người miền Bắc. Bởi vì hô thần nhập tượng tức là vĩnh viễn thờ ở đó. Đây chỉ là pho tượng biểu tượng theo kinh Dược sư!".

Chùa Bà Đá là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố nên pho tượng này để thờ là không phù hợp cả về thẩm mỹ và tâm linh và cũng không đúng với Luật Di sản. Đại đức Thích Chiếu Tuệ cũng giải thích thêm rằng pho tượng ấy chỉ là để bày mang tính biểu tượng trong vài ngày và sau đó ông sẽ cất đi... Nhưng một giả thiết đặt ra là, nếu không có tiếng nói của những người hiểu biết về văn hóa, Phật giáo hay các cơ quan truyền thông lên tiếng, liệu pho tượng ấy có được "cất đi" không hay sẽ vĩnh viễn "an tọa" tại chùa Bà Đá để phật tử về chiêm bái một bức tượng không... "hồn" nhưng lại nghễu nghện trước đó một hòm... công đức?

Đã có luật, phải ứng xử theo luật

Lại nói về "vật thể lạ", chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện về "hòn đá lạ" xuất hiện trong Đền Thượng của khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng. Việc bỗng dưng xuất hiện một hòn đá bí hiểm, loằng ngoằng ký tự không rõ nguồn gốc đã khiến nhiều người hoang mang, đoán già đoán non rằng có thể đó là hòn đá để "trấn", "yểm" của một thế lực nào đó nên chẳng ai dám đụng vào. Kỳ khôi hơn, đã có hẳn một cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu được mở ra để thảo luận về đề tài "hòn đá lạ" trong đền thờ quốc Tổ. Trong khi đó, chúng ta đã có Luật Di sản có hiệu lực từ lâu, theo đó, căn cứ vào Luật này thì việc đưa vào di tích một hiện vật nào đó đều phải có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền như Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh hoặc thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Cục Di sản... Việc hòn đá kia bỗng dưng xuất hiện trong di tích mà không có cơ quan có thẩm quyền nào cho phép thì đó là việc làm trái luật, vì thế việc nó phải bị đưa ra khỏi đền là điều chẳng phải bàn cãi. Và rồi "hòn đá lạ" ấy cũng đã được rời ra khỏi Đền Thượng, song câu chuyện về một hội thảo mang tên "hòn đá lạ" được dư luận nhắc đến như một giai thoại về nỗi đau của sự bất lực, bế tắc trong công tác bảo vệ những di sản của cha ông để lại, cụ thể ở đây là đền, chùa, miếu, mạo...

Có một thực tế là hiện nay, có những cơ quan, tổ chức, phật tử có điều kiện tài chính đã cung tiến cho các đền chùa nào tượng, nào chuông, nào giáo mác, nào voi, nào sư tử... Những người có trách nhiệm tại chỗ như sư trụ trì, người trông nom di tích thường là rất mừng vui và vô tư tiếp nhận hiện vật cho đền chùa nơi mình trông nom thêm phần... hoành tráng.

Trong những ngày đầu tháng 3 này, dư luận lại được một phen ồn lên khi tại Đền Phù Đổng, còn gọi là Đền Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã "vô tư" tiếp nhận hiện vật cung tiến là một con ngựa sắt cao 3 mét, kèm bộ áo giáp sắt và roi sắt. Ngựa sắt được đặt ngay trong sân di tích, còn bộ áo giáp sắt và roi sắt thậm chí đã được tùy tiện đưa vào đặt trong gian thờ tự.

Theo báo cáo của huyện Gia Lâm và xã Phù Đổng, việc đưa hiện vật vào di tích được thực hiện từ cuối năm 2013 và được sự đồng ý của Trưởng ban Quản lý di tích đền Phù Đổng, đồng thời là Chủ tịch UBND xã Phù Đổng. Trao đổi với phóng viên, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội vẫn giữ quan điểm như đã từng nói về "pho tượng lạ trong chùa Bà Đá" là: "Các hiện vật ấy được đưa vào đền mà chưa được phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ chỉ đạo UBND xã Phù Đổng, UBND huyện Gia Lâm kiên quyết đưa các hiện vật này ra khỏi di tích!". Song, đó là chỉ đạo từ phía cơ quan chức năng, trong lúc đó, về phía chính quyền sở tại lại trù trì rằng: "Việc đưa hiện vật ra khỏi di tích không thể thực hiện ngay trước mắt vì một số hiện vật quá lớn, di chuyển khó khăn. Sau khi khắc phục sai phạm sẽ xin phép tổ chức hội thảo mời các cơ quan chức năng, các nhà khoa học đóng góp ý kiến về việc đưa các hiện vật trên vào Đền Phù Đổng. Nếu các cơ quan chức năng và các nhà khoa học thấy cần thiết, các hiện vật trên sẽ đưa vào di tích".

Vậy là sau "Hội thảo hòn đá lạ" ở Đền Hùng, liệu có thêm một di tích quốc gia đặc biệt quan trọng nữa xin được... hội thảo để có thể "đường đường chính chính" tiếp nhận các hiện vật dường như chưa rõ nguồn gốc!

H.A.
.
.