Xu hướng sáng tác ca khúc "ăn theo" trào lưu:

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Thứ Hai, 11/08/2014, 08:00
Một vấn đề rất đáng quan tâm trong sáng tác ca khúc của nhạc sĩ, ca sĩ trẻ hiện nay là xu hướng "ăn" theo trào lưu. Mỗi ca khúc ra đời được "gắn" với hiện tượng xã hội nào đó đều nhận được hàng triệu lượt người nghe và bình luận trên mạng xã hội. Điều gì đang xảy ra trong dòng chảy âm nhạc đương đại và ca khúc "trào lưu" có thể tạo nên diện mạo mới cho nhạc Việt? Câu trả lời là không, bởi đúng như quy luật của cuộc sống, điều gì đến nhanh và không có nền tảng vững chắc cũng sẽ qua đi rất nhanh...

1. Chẳng biết từ lúc nào, thuật ngữ "đắng lòng" lại trở thành câu cửa miệng của nhiều bạn trẻ. Để thể hiện cảm xúc buồn, vui, hào hứng hay vui nhộn đều có thể nói một câu rất "vuông", "xanh rờn" là "đắng lòng". "Đắng lòng", ban đầu được dùng tràn lan trên mạng xã hội, sau "bước" ra đời sống thực và trở thành chất liệu "quý" để nhạc sĩ, ca sĩ Only C cùng với Avatar Boys sáng tác ca khúc với cái tên rất lạ là "Đắng lòng thanh niên".

Theo như Only C thì "Đắng lòng thanh niên" ra đời nhằm mang đến tiếng cười, không khí sôi động thông qua việc phê phán nạn cá độ trong mùa World Cup 2014. Xuất hiện "kịp thời", cộng hưởng với trào lưu "đắng lòng", ca khúc "Đắng lòng thanh niên" được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng internet. Ngoài "Đắng lòng thanh niên", trước đó, Only C cùng với Karik cũng trình làng ca khúc "Anh không đòi quà". Ca khúc được gợi cảm hứng từ câu chuyện chàng trai cho người đến đòi quà bạn gái cũ từng tạo nên cơn sóng giận dữ trong cộng đồng trẻ về lối sống trọng đồng tiền. Một bài hát thực chất không có gì đáng để nói nhiều nếu xét trên tiêu chí ca khúc nhưng lại tạo nên làn sóng hâm mộ từ giới trẻ. Ca khúc này "hot" đến mức, trên internet xuất hiện vô số phiên bản, do nhiều nhóm bạn trẻ ở khắp nơi thực hiện.

"Ế" của Karik và Windy Quyên và "Forever Alone - FA" của Justa Tee lại đề cập đến hiện tượng nhức nhối trong giới trẻ hiện nay là tình trạng độc thân. Đánh trúng tâm lý của các bạn trẻ, ngay sau khi xuất hiện, "Ế" và "FA" đã nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của nhiều người. Chỉ sau một tuần ra mắt, "Ế" đã nhanh chóng chiếm vị trí số 1 trong nhiều bảng xếp hạng âm nhạc dành cho giới trẻ. Nhiều người đánh giá "Ế" là món ăn tinh thần mang tính giải trí rất hợp thời.

Ca khúc "Tại sao bạn đến trái đất này" của nhóm MTV và ca sĩ "kỳ cựu" Phương Thanh được lấy cảm hứng từ câu nói trào lưu "Bạn đến trái đất với mục đích gì?". Ca khúc "Tại sao bạn đến trái đất này" mang đậm tính thời sự, phê phán nhiều vấn đề đang đặt ra trong showbiz như "lộ hàng", scandal chân dài -đại gia, ca sĩ trẻ tìm mọi cách để nổi tiếng. Hình tượng "thanh niên nghiêm túc" cũng được Kay Trần và Tronie Ngô đưa vào ca khúc của mình. Big Dady và Hạnh Sino thể hiện cảm xúc về mùa hè qua ca khúc "Nóng". Tính đến thời điểm hiện nay, MV "Nóng" đã đạt được con số kỷ lục, 4 triệu lượt xem trên Youtube và hơn 7 triệu lượt trên Zing MP3.

Một cảnh trong MV "Anh không đòi quà" của Karik và Only C.

2. Vì sao những ca khúc trào lưu lại có thể thu hút số lượng người xem đông đảo đến vậy? Có thể thấy rằng, "ưu điểm" nổi bật của những ca khúc dạng này là luôn bắt nguồn từ hiện tượng đang "hot" trong giới trẻ. Ca khúc châm biếm, đả kích mạnh mẽ những thói hư, tật xấu đang bị xã hội lên án. Phần lớn những ca khúc trào lưu đều do các bạn trẻ thuộc dòng nhạc underground sáng tác. Đó là những bạn trẻ tài năng, đam mê âm nhạc, dám nói thẳng, nói thật và không ngừng tìm tòi trong cách thể hiện ca khúc mới. Nhạc sĩ, ca sĩ underground không ngại động chạm vào những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm của xã hội đương đại, những góc khuất đời sống cùng với suy nghĩ về cuộc sống, những khoảng trống cô đơn trong tâm hồn con người đều được đưa vào âm nhạc một cách giản dị nhưng đầy lôi cuốn. 

"Đắng lòng thanh niên" được yêu thích nhờ tiết tấu sôi động, dễ nghe cùng những ca từ dí dóm phê phán nạn cá độ trong mùa World Cup. MV "Ế" được đánh giá cao ở diễn xuất hồn nhiên của chàng khờ Karrik và "triết lý" thời sự với bạn trẻ là "ế không phải vì thích thế mà ế vì đó là xu thế". MV "Nóng" thu hút người xem bằng nội dung vui nhộn, những đoạn rap hài hước. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những vlogger "đình đám" trên mạng xã hội như Jvevermind, Huyme, Lâm Việt Anh…  cũng góp phần làm cho MV "Nóng" càng thêm "hot". "FA" chứng tỏ khả năng sáng tạo bằng âm nhạc của Justa Tee. Thông qua những hình ảnh "trớ trêu" mà một chàng độc thân luôn phải đối mặt, "FA" đã gửi gắm thông điệp ý nghĩa: dù là một người cô đơn hãy cứ vui vẻ để sống vì có rất nhiều người cũng đang độc thân như bạn, hãy kiên nhẫn chờ đợi, tình yêu chắc chắn sẽ đến gõ cửa.

"Tại sao bạn đến trái đất này" mang lại tiếng cười thông qua câu chuyện hài hước, phê phán nhưng không quá nặng nề. "Anh không đòi quà" của Karik và Only C được đánh giá cao ở phần phối khí và lời bài hát được đầu tư công phu. Những tình tiết hài hước trong câu chuyện cũng được đề cập đến qua phần đọc rap "Anh đây khi yêu em là trao cho em con tim chung tình em ơi hãy lắng nghe anh này/ Yêu anh đi em anh không đòi quà/ Chia tay anh không đòi lại quà"…

3.Vì được sáng tác theo kiểu "ăn xổi" nên phần lớn những ca khúc trào lưu bị đánh giá là dễ dãi trong ca từ, đơn giản trong âm nhạc và đặc biệt là không ít ca khúc bị "tố" là vay mượn nhạc của người khác. Ca khúc "Đắng lòng thanh niên" bị cho là "na ná" với ca khúc "Bailando" của ca sĩ Tây Ban Nha Enrique Iglesias vừa cho ra mắt nhân dịp World Cup 2014 tại Brasil. Sau đó, chính Only C cũng lên tiếng thừa nhận rằng, anh đã mượn beat nhạc của "Bailando" và phát triển, viết thêm giai điệu mới. Only C nghe và thích ca khúc "Bailando" cộng với trào lưu "đắng lòng" đã thôi thúc anh sáng tác "Đắng lòng thanh niên". Hành động mượn beat của Only C một lần nữa gây nên những luồng ý kiến trái chiều, nhất là khi trào lưu "mượn beat ngoại" đang trở thành việc làm quen thuộc trong sáng tác của nhiều nhạc sĩ underground. Trước đó, Sơn Tùng M-TP, một ca sĩ trẻ, được coi là mẫu hình thành công của nhạc sĩ, ca sĩ underground "dính" nghi án đạo nhạc khiến công ty quản lý của anh phải xin rút khỏi thị trường ca khúc "Em của ngày hôm qua" khi đó đang "làm mưa, làm gió" trên nhiều bảng xếp hạng âm nhạc uy tín.

Mặc dù tạo được sức nóng qua phần hình ảnh bắt mắt, táo bạo nhưng "Anh không đòi quà" bị chỉ trích vì cổ xúy cho cách làm âm nhạc "ăn xổi", thiếu đầu tư chiều sâu. Cũng tương tự như vậy, "Thanh niên nghiêm túc" của Tronie Ngô và Kay Trần bị nhiều khán giả khó tính phê phán và "ném đá" bởi sự đu bám theo trào lưu. Single "Tại sao bạn đến trái đất này" của MTV và Phương Thanh bị chê là âm nhạc không ấn tượng và thiếu sự đầu tư nghiêm túc. Nhiều đoạn rap trong MV "Ế" của Karik và Windy Quyên bị coi là "nhảm nhí", "rap bẩn". Trong MV này, chàng trai có những đoạn đọc rap bậy bạ không thể chấp nhận như: "Lễ tình nhân thì họ có nhân tình/ Còn tui ở nhà ôm máy tính/ Khi trai gái họ đang làm tình thì tui lại ngồi đánh liên minh/ Không phải là tui không kiên định tìm người iu cho riêng mình…". Đa phần các ca khúc trào lưu đều sử dụng ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ tuổi "teen" và thường xen lẫn nhiều từ tiếng Anh trong những câu tiếng Việt vốn không được viết theo trật tự ngữ pháp nào. Phong cách sáng tác cũng như phong cách biểu diễn của những nghệ sĩ underground mang dấu ấn của nước ngoài, nhất là thị trường âm nhạc Mỹ và Hàn Quốc (K-pop). 

Thiết nghĩ, trong thời buổi bùng nổ công nghệ như hiện nay, việc làm nhạc theo các xu hướng đang được yêu thích không có gì là xấu, tuy nhiên, tư duy âm nhạc theo kiểu "mì ăn liền", thiếu sự đầu tư cẩn trọng và nghiêm túc sẽ không mang lại hiệu quả tốt. Âm nhạc cần đến tiếng cười nhưng đó không đơn thuần là tiếng cười mà còn là những cung bậc cảm xúc khác nhau của cuộc sống. Ca khúc theo trào lưu chỉ là cảm xúc nhất thời và hiệu ứng từ đám đông đôi khi không phản ánh được giá trị âm nhạc đích thực

P.M.T.
.
.