Những dòng chảy đối lưu của nhạc Việt

Thứ Sáu, 25/02/2011, 09:42
Trong đời sống văn học nghệ thuật, âm nhạc luôn chứng tỏ là lĩnh vực có sự vận động và biến đổi không ngừng, luôn luôn có cái mới để mang đến cho công chúng. Những ranh giới phân định lâu nay như nhạc sĩ chỉ biết sáng tác hay ca sĩ chỉ biết hát đã dần bị xóa mờ. Giới nhạc sĩ giờ đây, ngoài công việc sáng tác cũng đang hào hứng lên sân khấu trực tiếp thể hiện đứa con tinh thần của mình.

Hiện nay, trong album của các ca sĩ đã có thêm những ca khúc do chính họ sáng tác. Hai dòng chảy đối lưu này đã góp phần làm nên sự phong phú của đời sống âm nhạc.

Từ trào lưu nhạc sĩ hát

Trước đây, khán giả quen với cách nghĩ, nhiệm vụ chính của nhạc sĩ là sáng tác nên khi nhạc sĩ Trần Tiến bằng giọng trầm trầm, khê khê của mình ôm đàn hát những ca khúc của mình như "Tôi yêu bóng đá", "Vòng tay cầu hôn"… thì khán giả thấy tò mò, háo hức, ngồ ngộ hơn là nghe rồi sau đó phân tích rạch ròi hay hay không hay. Trước Trần Tiến, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đôi lần hát ca khúc của mình. Những nhạc sĩ cùng thời với Trần Tiến như Phú Quang, Thế Hiển, hay thuộc thế hệ sau như Quốc Bảo cũng thế. Họ hát ca khúc của mình như một cuộc dạo chơi, hát cho bạn bè nghe. Và thường những ca khúc ấy đã được ca sĩ nào đó thể hiện rất thành công rồi. Dường như đó cũng là những tín hiệu để ra đời một thế hệ nhạc sĩ hát ca khúc của mình.

Nhiều nhạc sĩ đã khiến khán giả thích thú khi họ giới thiệu những tác phẩm của mình bằng chính giọng hát của mình như Phương Uyên, Kỳ Phương, Trường Huy, Sỹ Luân… Sau này, Duy Mạnh cũng làm mưa làm gió với những ca khúc do chính mình sáng tác như "Kiếp đỏ đen", "Tình em là đại dương"… Gần đây, Nguyễn Đức Cường cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng từ chương trình Bài hát Việt với những ca khúc do anh tự phối khí và thể hiện như "Em trong mắt tôi", "Nồng nàn Hà Nội"… Đó là những nghệ sĩ đi tiên phong cho dòng trào lưu này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, những nhạc sĩ được ví như "F1" của trào lưu nhạc sĩ hát đã có dấu hiệu xuống sức. Họ dồn sức vào sáng tác, phối khí, thu âm và đào tạo ca sĩ trẻ hơn là biểu diễn trên sân khấu. Trong số một vài nhạc sĩ đang giữ vững phong độ… hát, phải kể tới Vũ Quốc Việt, Nguyễn Hải Phong, Lương Bằng Quang…

Nhạc sĩ Phương Uyên (bên phải) thường xuyên thể hiện những ca khúc do cô sáng tác.

Khi lứa nhạc sĩ hát đầu tiên có dấu hiệu giảm phong độ thì một loạt các nhạc sĩ trẻ soán ngôi như một sự tất yếu. Những cái tên nhạc sĩ trẻ đang khiến nhiều người yêu nhạc chú ý là Mạnh Quân, Tăng Nhật Tuệ, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hồng Thuận, Khắc Việt… Có những nhạc sĩ mạnh dạn cho ra đời cả album là những sáng tác của mình. Các nhạc sĩ này có bước đi khá giống nhau. Họ đều là những nhạc sĩ có giọng hát ổn, sau khi sáng tác được những ca khúc hit cho những ngôi sao trẻ, gây dựng được tên tuổi, lập tức sau đó sẽ tung ra album của mình. Trường hợp nhạc sĩ Đào Trọng Thịnh sau khi có 2 ca khúc mà Lam Trường thể hiện thành công là "Ngôi nhà xưa" và "Con đường tình yêu" cũng được  khán giả biết đến với vai trò ca sĩ gắn liền với ca khúc "Vô vọng"… Tương tự như vậy, nhạc sĩ Mạnh Quân sau khi nổi tiếng với "Thiên đường gọi tên", "Cơn mưa tình yêu", "Mẹ, con đã về" dành tặng các cho các ca sĩ thì đã lấn sâu hơn vào sự nghiệp cầm mic bằng việc tham gia cuộc thi Sao Mai điểm hẹn và ra album đầu tay "Hãy là một kỷ niệm". Gần đây, nhạc sĩ trẻ Khắc Việt cũng trình làng album online "Câu chuyện tình yêu" vào cuối năm 2009 và album Vol 1 "Yêu lại từ đầu" vào tháng 10/2010, khẳng định vị thế nhạc sĩ - ca sĩ của mình.

Việc nhạc sĩ hát mang lại những ưu điểm nhất định. Khi các nhạc sĩ tự thể hiện đứa con tinh thần của mình thì họ hiểu tác phẩm của mình hơn bao giờ hết. Vì thế, cảm xúc được phát huy hết khả năng. Không chỉ có vậy, nó góp phần khiến cho đời sống âm nhạc phong phú và đa dạng hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng kiên trì theo đuổi xu hướng này. Và thực tế, có nhạc sĩ  chưa được đào tạo thanh nhạc một cách bài bản nên việc hát không thể đạt chất lượng như các ca sĩ chuyên nghiệp.

…đến trào lưu ca sĩ sáng tác

Trong vài năm gần đây, có một hiện tượng khá phổ biến là trong album của diva cho tới các ngôi sao thị trường và cả những ca sĩ vừa ra nhập làng giải trí đều có một vài ca khúc do chính họ sáng tác. Những ca sĩ lấn sân sang viết nhạc khá nhiều, có thể kể tới một số cái tên như Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Hoàng Bách, Nguyễn Phi Hùng, Nguyên Vũ… Xét một cách kỹ lưỡng, trào lưu này không phải tự nhiên mà có. Nó manh nha từ việc ban đầu các ca sĩ đặt lời Việt cho các bài hát quốc tế hay bài hát trong phim. Như Đàm Vĩnh Hưng đặt lời Việt cho ca khúc "Bình minh sẽ mang em đi" từ nguyên tác tiếng Anh; Minh Quân Việt hóa ca khúc chủ đề trong bộ phim Hàn Quốc "Trái tim mùa thu". Sau này, các ca sĩ mạnh dạn hơn trong việc sáng tác các ca khúc và đã biến thành phong trào rầm rộ. Ngọc Sơn là một trong những ca sĩ tiên phong giới thiệu những ca khúc tự sáng tác của mình. Minh Thuận, Lý Hải cũng có một loạt ca khúc do mình viết. Ca sĩ Ngọc Anh có hẳn một album nhạc với 5 ca khúc của mình với tên gọi "Hãy yêu khi ta còn bên nhau"… Các ca sĩ trẻ cũng không đứng ngoài trào lưu này như Vân Quang Long, Tina Tình, Phan Đinh Tùng…

Có một điều đặc biệt là trong trào lưu ca sĩ sáng tác có sự góp mặt hùng hậu của các ca sĩ nữ. Ngoài Mai Khôi được nhiều người biết đến thông qua các ca khúc do chính cô sáng tác thì nhiều ca sĩ được tin cậy đảm trách phần âm nhạc cho phim. Cách đây không lâu, ca sĩ Minh Thư gây ấn tượng công chúng với loạt ca khúc trong phim "Bỗng dưng muốn khóc", Thủy Tiên với các ca khúc trong phim "Tuyết nhiệt đới", "Ngôi nhà hạnh phúc" đã khiến những bài hát của họ được khán giả trẻ yêu mến. Có những ca sĩ nhận được sự công nhận của hội đồng nghệ thuật như ca sĩ Giáng Son với "Cỏ và mưa", "Giấc mơ trưa"; Bảo Lan (nhóm Năm Dòng Kẻ) với "Độc huyền cầm" đoạt giải thưởng Bài hát Việt. Tiêu biểu nhất ở trào lưu này phải kể tới Lưu Thiên Hương.

Đến với âm nhạc với tư cách là ca sĩ nhưng những ca khúc của cô được công chúng yêu mến và thường xuyên đoạt giải thưởng tại chương trình Bài hát Việt như "Thu tình yêu", "Quạt giấy", "Em sẽ là giấc mơ", "Guốc mộc"… đã khẳng định vị thế nhạc sĩ của cô. Đến nay, gần như Lưu Thiên Hương ngả sang sáng tác cũng như làm album cho các ca sĩ trẻ hơn là biểu diễn trên sân khấu. Một ca sĩ nữa mà khi mới xuất hiện đã gây sửng sốt cho khán giả đó là Lê Cát Trọng Lý. Ra mắt trong liveshow cuối cùng của chương trình bài hát Việt năm 2008, ca khúc "Chênh vênh" ngay lập tức đã được giải thưởng Bài hát của năm trong sự đồng thuận của cả khán giả và Hội đồng nghệ thuật. Tương tự như Lê Cát Trọng Lý, Đinh Mạnh Ninh, Anh Khang cũng khiến khán giả thú vị khi biểu diễn những ca khúc của mình.

Ca sĩ khi biểu diễn tác phẩm của mình, ngoài lợi thế về giọng hát, họ cũng là người hiểu rõ hơn ai hết tác phẩm của mình. Vì vậy, hiệu quả cũng thường cao hơn. Có thể nói, phong trào ca sĩ sáng tác là một xu hướng gần với thế giới. Nhiều nghệ sĩ thế giới thành công trong xu hướng "hoàn thiện", đó là vừa sáng tác, phối khí và biểu diễn này như Bob Dylan, David Crosby, Paul McCartney, John Lennon…

Ban đầu, khán giả thường tò mò, hào hứng với những sáng tác của các ca sĩ. Tuy nhiên, viết ca khúc không khó, cái khó là để ca khúc đọng lại trong tâm trí khán giả như một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Có một thực tế là nhiều ca khúc do các ca sĩ tự sáng tác thường nhanh chóng rơi vào quên lãng bởi ngôn từ dễ dãi, ngô nghê, giai điệu gượng ép. Các ca sĩ như Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm thường được khán giả nhớ khi hát ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp hơn là của bản thân mình.

Nhạc sĩ hát và ca sĩ sáng tác là những dòng chảy đối lưu có thật trong đời sống âm nhạc. Cũng không ít người lo ngại, những xu hướng này sẽ khiến âm nhạc đi vào tình trạng nghiệp dư hóa. Đó là nguy cơ không xa nếu các nghệ sĩ chỉ làm với mục đích tạo cái lạ và đánh bóng tên tuổi chứ không nhận ra khả năng thực sự của mình

Khánh Thảo
.
.