Xung quanh vấn đề dạy vẽ và dạy kỹ năng cảm thụ mỹ thuật trong nhà trường:

Nhất bên trọng nhất bên khinh

Thứ Năm, 29/05/2014, 08:00

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho "Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP HCM đầu tháng 5. Vấn đề giáo dục, nâng cao năng lực cảm thụ mỹ thuật cho công chúng, đặc biệt là lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường trở nên nóng hơn bao giờ hết bởi sự bất cập của nó...

Trong cuộc thi "Rung chuông vàng" năm 2008, câu hỏi quyết định cuối cùng dành cho sinh viên xuất sắc nhất đã vượt qua 99 đối thủ như sau: "Nữ điêu khắc gia Việt Nam nào có tên trong từ điển Larousse, thường dùng các module để làm tượng". Nếu quan tâm về mỹ thuật, không gọi là quá cao siêu, người ta dễ dàng có câu trả lời bởi bà quá nổi tiếng: Nữ điêu khắc gia người Huế Điềm Phùng Thị. Thế nhưng sinh viên được coi là xuất sắc về cả toán, lý, hóa, văn và nói tiếng Anh vanh vách kia lại đành bó tay thua cuộc.

Sẽ chẳng ngạc nhiên khi nhận được cái gãi đầu lúng túng nếu thử hỏi một sinh viên (không học trường mỹ thuật) hay học sinh tốt nghiệp phổ thông về trường phái mỹ thuật của một bức tranh. Chưa kể, nếu đứng trước bức tranh trừu tượng, hẳn nhiên đa số công chúng Việt Nam thấy "đầu óc quay cuồng" vì không thể hiểu nổi ý đồ của tác giả. Ở nước ta, hội họa, nhất là dòng tranh trừu tượng và mỹ thuật đương đại là thứ "tra tấn não bộ" công chúng khủng khiếp nhất.

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Hiệu phó Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM bức xúc: "Bộ Giáo dục và Đào tạo mắc sai lầm rất lớn khi quá chú trọng đào tạo kỹ năng vẽ mà không chú trọng đào tạo kỹ năng cảm thụ mỹ thuật cho học sinh phổ thông. Làm vậy có khác nào chúng ta đang gắng sức đào tạo những họa sĩ nhí, thậm chí là thợ vẽ chứ không phải là những công chúng có gu thẩm mỹ, biết thưởng thức cái đẹp". Điều họa sĩ Nguyễn Trung Tín bức xúc hoàn toàn có cơ sở bởi chắc chắn, thế hệ họa sĩ tương lai vốn chỉ là con số ít ỏi so với công chúng của nền mỹ thuật trong tương lai.

Với hệ thống giáo dục của nước ta, mỹ thuật dù đã trở thành môn học chính thức nhưng vẫn bị xã hội coi thường, xem là môn phụ, chỉ dành cho các học sinh có năng khiếu. Số khác học cho qua. 

Quang cảnh buổi Hội thảo "Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn 2030" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP HCM ngày 6/5/2014.

Ở tiểu học, giáo viên dạy mỹ thuật thường chính là giáo viên chủ nhiệm. Trong khi đó môn này đòi hỏi phải có giáo viên riêng có kiến thức chuyên môn, được đào tạo từ các trường mỹ thuật. Các giờ thực hành gồm vẽ, thủ công, trang trí, nặn...  chiếm gần 90% so với giờ thường thức mỹ thuật. Những kiệt tác của các danh họa trong nước như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn… hoặc các danh họa thế giới như Picasso, Leonardo da Vinci... chưa được giới thiệu, phân tích kỹ để học sinh hiểu tại sao các tác phẩm ấy lại nổi tiếng, được coi là kiệt tác.

Trong giờ thực hành, có em chỉ cố vẽ sao cho giống thật chứ không hề cảm thụ được một bức tranh đẹp là ra sao, tại sao nó lại được đánh giá là đẹp, nội dung, hình thức, bố cục, sắc độ của bức tranh như thế nào là hài hòa...

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín cho biết: "Từng tìm hiểu về nền mỹ thuật nước Nhật, tôi thấy họ có hệ thống giáo dục cho học sinh rất hay. Đó là hạn chế dạy vẽ mà chú trọng dạy học sinh cách xem tranh. Xem sách giáo khoa của họ, tôi rất ngạc nhiên vì mặc dù dạy cho học sinh tiểu học, nhưng sách có rất nhiều tranh của các tác giả trong nước lẫn thế giới, được phân tích kỹ lưỡng, giới thiệu hoàn cảnh ra đời, tác giả là ai, bố cục, nội dung, chất liệu... Do đó, một học sinh phổ thông của Nhật có thể kể vanh vách về các trường phái mỹ thuật, ý nghĩa của các bức tranh, tác phẩm điêu khắc khi bước vào bảo tàng không có gì là lạ".

Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM tỏ ra lo ngại bởi ngoài việc dạy trong trường học, các kênh giáo dục, đưa mỹ thuật đến gần công chúng trẻ vô cùng thiếu thốn. Chương trình truyền hình mỹ thuật thường thức cho khán giả gần như không có, trong khi các loại hình nghệ thuật khác lại vô cùng được ưu tiên trên sóng nhà đài.

Sách báo phê bình về mỹ thuật quá hạn chế và đắt đỏ khiến công chúng tiếp cận khó khăn. Các lĩnh vực khác như âm nhạc, điện ảnh, văn chương, ít nhiều công chúng vẫn cảm nhận được cái hay cái đẹp, đấu tranh với những tác phẩm phi nghệ thuật bởi sự định hướng của đội ngũ nhà phê bình khá hùng hậu. Trong khi đó các nhà phê bình mỹ thuật, giám tuyển mỹ thuật của nước ta hiện nay vô cùng thiếu và yếu. Các trường đào tạo đội ngũ này có rất ít học viên theo học vì chế độ lương thưởng, đãi ngộ còn quá thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn...

Giáo dục mỹ thuật cho học sinh đang chú trọng thực hành nhiều hơn dạy cảm thụ mỹ thuật (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Kém thẩm mỹ, lại thiếu định hướng, do vậy công chúng thưởng thức mỹ thuật theo cảm tính. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tỏ ra lo lắng khi hiện nay nhu cầu thưởng thức mỹ thuật của công chúng nước ta rất thấp so với thế giới. Qua khảo sát, nhu cầu thưởng thức âm nhạc chiếm 40%; 20% dành cho điện ảnh; 10% cho các loại hình sân khấu; 20% cho văn học và 10% nhu cầu còn lại chia đều cho nhiếp ảnh, múa và mỹ thuật. Mỹ thuật lại không đơn giản gói gọn trong mỹ thuật cơ bản như hội họa, điêu khắc... mà nó ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày như kiến trúc, thời trang, đồ họa, nội thất.... Do đó, thị hiếu cảm thụ mỹ thuật kém dẫn đến nhiều hệ lụy.

Kém thẩm mỹ khiến kiến trúc nhà cửa bị lai căng, gu ăn mặc, chọn lựa hình dáng, bao bì sản phẩm của người Việt bị đánh giá thấp... Các công trình mỹ thuật, đặc biệt là tượng đài và tranh hoành tráng thường bị người dân xâm hại, gây xuống cấp, hủy hoại...

Đứng trước bức tranh có giá trị và bức tranh tầm thường, họ cũng không có trình độ để phân biệt. Do vậy nước ta thuộc vào những nước tồn tại vấn nạn tranh chép, tranh giả khá nhức nhối. Nhiều nhà chuyên môn bức xúc khi tình trạng này diễn ra nhan nhản ở các sàn Art, nơi được coi là địa điểm giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật chân chính, đích thực. Chính tình trạng đánh tráo các giá trị nghệ thuật, lừa bịp công chúng này mà Việt Nam chưa có một thị trường tranh, sàn đấu giá đúng nghĩa.

Để cứu vãn tình trạng này, mỹ thuật cần phải được trả về đúng vị trí của nó, môn mỹ thuật phải được dạy hài hòa cả lý thuyết lẫn thực hành. Đối với việc dạy cảm thụ mỹ thuật, học sinh cần được học các giai đoạn lịch sử, các trường phái nghệ thuật từ nguyên thủy đến hậu hiện đại. Các loại hình mới như sắp đặt, video art, tranh tường... cũng nên đưa vào chương trình cho phù hợp với thời đại.

"Trong thời gian sắp tới, Bộ sẽ có những bổ sung trong bản Quy hoạch về vấn đề giáo dục, tuyên truyền mỹ thuật. Theo đó, để nâng cao năng lực cảm thụ mỹ thuật của công chúng, Bộ tăng cường việc phối hợp ngành mỹ thuật với các cơ quan truyền thông để xây dựng các chương trình, tiết mục tuyên truyền, quảng bá tác phẩm đến công chúng. Chương trình giáo dục trong nhà trường sẽ được đổi mới với các chủ đề đa dạng, phong phú, đáp ứng sát yêu cầu thực tiễn, có chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng, lớp tuổi. Chú trọng việc phát triển về mỹ thuật thông qua các bài học kỹ năng, gắn với sự kiện lịch sử, cảm thụ và thực hành nghệ thuật" - Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói.

Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cho rằng việc giáo dục mỹ thuật ở bậc phổ thông cần linh hoạt hơn. Nhà trường nên tổ chức cho học sinh tham quan làng nghề, đến bảo tàng và tham gia các cuộc triển lãm để có cảm thụ thực chất. Bảo tàng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Anh... luôn có chương trình đưa học sinh tới tham quan và dạy vẽ. Ngoài mục đích chính là nâng cao tầm hiểu biết nghệ thuật, họ còn nhằm đầu tư vào những giám tuyển mỹ thuật và những nhà tài trợ tương lai. Và để đầu tư vào khách hàng tiềm năng, một số gallery danh tiếng tại Mỹ không ngần ngại gửi giấy mời tới các học sinh trường tiểu học

Phan Thi Uyên
.
.