Nhân sự kiện phim "Đường đua" được cấp phép phát hành: Phải biết điểm dừng!

Thứ Tư, 29/05/2013, 09:00

Như vậy là sau 3 tháng quay bổ sung và chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định phim truyện, bộ phim "Đường đua" do hãng phim Xanh (Blue Productions) sản xuất đã chính thức được cấp phép phát hành nhưng có thêm ghi chú là "cấm trẻ em dưới 16 tuổi". Ngược lại, tương lai ra rạp của phim "Bụi đời Chợ Lớn" - dù đã thêm một lần gặp gỡ giữa Hội đồng thẩm định và đại diện phía nhà sản xuất - vẫn rất mịt mù. Một lần nữa, câu chuyện về kiểm duyệt phim lại nóng lên với những điều đáng bàn.

1. Có lẽ nữ đạo diễn Hồng Ánh đã cảm thấy nhẹ lòng, yên tâm tham gia Liên hoan phim Cannes khi đứa con tinh thần đầu tiên của mình được làm với kinh phí không nhỏ đã chính thức vượt qua cửa ải kiểm duyệt để được cấp phép phát hành. Được biết, trước đó, nhà sản xuất phim "Đường đua" đã nộp bản trình duyệt đầu tiên cho Cục Điện ảnh để chuẩn bị ra rạp vào tháng 3 nhưng Hội đồng thẩm định phim truyện yêu cầu phải chỉnh sửa. Theo quan điểm của Hội đồng xét duyệt, phim phơi bày một xã hội với khá nhiều cảnh đâm chém, giết người không ghê tay của các băng nhóm xã hội đen… Những người làm phim đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của Cục Điện ảnh. Họ vừa chỉnh sửa vừa trao đổi, cuối cùng "Đường đua" đã được chính thức cấp phép ra rạp.

Cũng chịu chung số phận phải chỉnh sửa nhưng "Bụi đời Chợ Lớn" không được suôn sẻ như "Đường đua". Sau khi gửi bản phim đầu tiên tới Cục Điện ảnh, đơn vị này cho biết phim đã vi phạm Luật Điện ảnh khi không chỉnh sửa nội dung theo yêu cầu của Hội đồng duyệt, bởi đây là phim có yếu tố nước ngoài. Nhà sản xuất phim cũng không trình lại kịch bản đã sửa chữa mà vẫn tiến hành sản xuất theo kịch bản ban đầu. Chưa kể, Hội đồng thẩm định còn cho rằng bộ phim quá bạo lực, nội dung chỉ xoay quanh việc thanh trừng lẫn nhau của các băng đảng xã hội đen ở Chợ Lớn. Phim phản ánh không đúng tình hình thực tế Chợ Lớn. Khi phim trình duyệt ngày 19/3 vừa qua, Hội đồng thẩm định tiếp tục yêu cầu hãng phim chỉnh sửa lại. Ngày 3/5 vừa qua, một cuộc họp kín kéo dài nhiều giờ giữa Cục Điện ảnh và nhà sản xuất phim đã được tổ chức. Tuy nhiên, kết quả thì "Bụi đời Chợ Lớn" vẫn cứ phải sửa tiếp nếu muốn được phép chiếu. Chia sẻ với báo giới, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, với tư cách đạo diễn, anh đã chỉnh sửa 2 lần theo yêu cầu từ phía Hội đồng duyệt phim Quốc gia và Cục Điện ảnh. Đã thêm tuyến nhân vật là cơ quan chức năng vào phần cuối phim nhưng bản sửa vẫn chưa được duyệt. Đạo diễn Charlie Nguyễn khá hoang mang vì không biết sửa theo cách nào. Hãng phim Chánh Phương cũng không có câu trả lời cụ thể nên Charlie Nguyễn bảo, anh chỉ sửa phim một cách chung chung. Anh mong muốn có một hướng sửa cụ thể, rõ ràng hơn. Theo yêu cầu của Cục Điện ảnh thì hãng Chánh Phương cần cắt bỏ hoặc tiết chế những cảnh thể hiện tính chất bạo lực gây hoảng loạn hoặc phản cảm, loại bỏ một số lời thoại thô tục, có tính chất bạo lực, cắt bỏ cảnh quan hệ tình dục giữa hai nam thanh niên, thêm vai trò của đoàn thể, chính quyền vào những cảnh chém giết… Nhưng ai cũng biết, việc sửa đi sửa lại sẽ khiến tâm lý đạo diễn chán nản và mất thời gian hơn việc đi làm một bộ phim mới.

Tuy nhiên, nếu đáp ứng được những tiêu chí của Hội đồng duyệt phim Quốc gia, "Bụi đời Chợ Lớn" vẫn được phép ra rạp, dù có thể muộn hơn so với dự kiến ban đầu. Và biết đâu những ồn ào xung quanh việc chỉnh sửa phim lại khiến khán giả tò mò, hiếu kỳ đến xem phim nhiều hơn. Xem ra, tương lai của "Bụi đời Chợ Lớn" vẫn còn có hy vọng hơn trường hợp phim "Bẫy cấp 3" (đạo diễn Lê Văn Kiệt) đã bị cấm phát hành phổ biến bởi phía Hội đồng duyệt đánh giá "Bộ phim thiếu logic, chất lượng kém và không hề có tính giáo dục". Đây cũng là trường hợp hy hữu trong nhiều năm qua của điện ảnh Việt Nam.

Phải hạn chế những cảnh bạo lực như thế này, “Bụi đời Chợ Lớn” mới hy vọng được phép công chiếu.

2. Không chỉ có "Đường đua", có "Bụi đời Chợ Lớn" mới phải chỉnh sửa mà chuyện phải dùng đến "dao kéo" trong điện ảnh Việt Nam là chuyện thường tình. Mới đây, khi đạo diễn Lưu Huỳnh làm phim "Lấy chồng người ta", trước khi công chiếu cũng phải cắt đoạn đầu phim miêu tả cảnh nhân vật nữ chính (diễn viên Đinh Y Nhung thủ vai) bị đánh ghen, lột quần áo đứng giữa chợ phải đeo tấm bảng "Lấy chồng người ta" trước ngực. Phía Hội đồng xét duyệt cho rằng, diễn viên già, xấu, để cảnh đó liệu có tác dụng gì! Một bộ phim nổi tiếng bị cắt gọt nhiều là "Bi! Đừng sợ" của đạo diễn Phan Đăng Di khi có đến 5 cảnh nóng bị cắt. Điều này khiến cho mạch phim bị vỡ, người xem nhiều khi không hiểu nổi tại sao có những cảnh phía sau. Những cảnh nóng bị cắt cũng chính là những cảnh quan trọng trong cấu trúc phim, có vai trò kết dính cốt truyện nên bộ phim không còn trọn vẹn như ban đầu. Đạo diễn Phan Đăng Di hơn một lần chia sẻ sự nuối tiếc vì bộ phim đã bị cắt: "Một trong những chủ đề chính của phim là đời sống tình dục nên cần đến những cảnh nóng để người xem hiểu. Do vậy khi bị cắt đi thì phim sẽ trở nên mơ hồ. Giá như phim được giữ lại những cảnh đó và quy định độ tuổi thích hợp được xem thì tốt".

Lâu nay, ở nhiều nước, với điện ảnh người ta chỉ làm công tác hậu kiểm. Luật điện ảnh quy định những điểm cấm hết sức rõ ràng mà các nhà làm phim phải tránh tuyệt đối. Nếu không vi phạm những điều cấm trên thì phim sẽ không bị cắt gọt hay cấm chiếu mà người ta sẽ phân loại phim theo độ tuổi, kèm theo lời cảnh báo về nội dung có thể gây ảnh hưởng đến người xem. Có ý kiến cho rằng, liệu với Điện ảnh Việt Nam, bỏ qua kiểm duyệt có được không?

Phải chỉnh sửa phim là điều mà các nhà sản xuất, các đạo diễn không hề muốn bởi nó tốn thời gian, tốn tiền bạc và đặc biệt là làm mất sự hứng thú của những người sáng tạo. Tuy nhiên, với một nền điện ảnh kém chuyên nghiệp, còn manh mún như ở Việt Nam thì sự kiểm duyệt là điều cần thiết. Bởi thực tế hiện nay, để chạy theo thị hiếu của một số ít khán giả trẻ, các đạo diễn cho quá nhiều yếu tố sex và bạo lực vào phim. Thậm chí, có những phim hai yếu tố này quá dày đặc, vượt qua cả các phim của nước ngoài. Những phim bị cắt khi đem ra xét duyệt thường liên quan đến các yếu tố kinh dị - bạo lực hoặc tình dục. Đây là mẫu số chung trong vấn đề kiểm duyệt phim ảnh ở các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, vi phạm và liều lượng thế nào lại phụ thuộc vào mỗi nước. Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh giữ vững quan điểm: "Món ăn tinh thần phim ảnh nếu chứa chất độc, chất bẩn càng nguy hiểm hơn vì nó đầu độc tinh thần con người và lan nhanh ra cả xã hội. Như vậy, việc ngăn chặn là cần thiết".

Chắc chắn rằng, trước mắt, khi việc phân loại phim theo độ tuổi chưa được thực hiện vì lo ngại các rạp chiếu vì lợi nhuận sẽ không làm tốt điều này, Việt Nam không thể bỏ qua khâu kiểm duyệt phim. Theo bà Ngô Phương Lan thì mỗi nước có cách phân loại phim riêng và ở Việt Nam, với những đặc thù riêng, việc kiểm duyệt phim phải tuân theo Luật Điện ảnh. Nhưng để vấn đề kiểm duyệt phim không phải là nỗi ám ảnh nặng nề căng thẳng luôn đeo bám người làm phim ngay từ khi bắt đầu nghĩ đến một đề tài, một chủ đề nào đó là điều cần tính đến. Hiện nay, danh sách Hội đồng duyệt phim quốc gia gồm 11 thành viên, trong đó chủ yếu là những người lớn tuổi. Vậy thì có lẽ cần trẻ hóa thành phần duyệt phim hơn nữa để có được những cách nhìn mới, quan niệm mới trong những bộ phim. Cũng như không chỉ là những nhà làm phim hay người quản lý trong lĩnh vực điện ảnh, văn hóa mà cần có nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác như giáo dục, luật pháp để có những nhận định, phán xét "thấu tình đạt lý" hơn.

Lâu nay, phía cơ quan kiểm duyệt vẫn được coi là những người "cầm đằng chuôi" nên tồn tại tâm lý miễn cưỡng "bằng mặt nhưng không bằng lòng" giữa nhà sản xuất và đơn vị kiểm duyệt. Thế nên, để mỗi sản phẩm điện ảnh là tác phẩm nghệ thuật đích thực thì bản thân nghệ sĩ không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn phải có trình độ nhận thức văn hóa và trách nhiệm xã hội khi sản xuất phim. Còn để công tác kiểm duyệt phim nhanh gọn, thuận tiện cho cả người sản xuất lẫn cơ quan chức năng thì sự đối thoại là điều cần thiết

K.T.
.
.