Nhàn đàm "Tóc trắng" với " Tây phong"

Thứ Ba, 12/02/2013, 08:00

"Tây phong" là Gió tây, gió thổi từ phía tây đến, tức là Gió thu. Nó ngược với "Đông phong", là Gió đông, gió thổi từ phía đông đến, tức là Gió xuân. Điển cố văn học cho biết thế, thơ xưa cũng cứ theo thế mà viết. Là bởi vì, thơ chữ Hán của ta học từ thơ Đường, không ngại dùng điển tích, hình ảnh, quy ước... của Đường thi.

A. Tây phong:

"Tây phong" là Gió tây, gió thổi từ phía tây đến, tức là Gió thu. Nó ngược với "Đông phong", là Gió đông, gió thổi từ phía đông đến, tức là Gió xuân. Điển cố văn học cho biết thế, thơ xưa cũng cứ theo thế mà viết. Là bởi vì, thơ chữ Hán của ta học từ thơ Đường, không ngại dùng điển tích, hình ảnh, quy ước... của Đường thi.

Chỉ có điều nên biết, mùa thu (của đất trời) cũng hay được dùng với nghĩa là mùa thu của đời người, tức là lúc đã xế chiều (kể từ chớm già). "Mùa đông" đã là già lắm rồi, cả trời đất và người. Cho nên thời xưa nói "Tây phong" tức là "Thu phong", cũng là mùa thu, tức là tuổi vào già. Do đó, "Tây phong", "Thu phong", ngoài nghĩa cụ thể để chỉ gió thu, mùa thu, thì cũng "liên quan" rất nhiều đến "Bạch phát", "Tóc trắng", đến "Vạn cổ sầu" (tuổi già)!

Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi "đầy" "Thu phong". Trong bài "U cư" (Ở nơi u tịch - nhị thủ), Nguyễn Trãi viết: "Lưu lạc bạch đầu thành để sự/ Tây phong xuy đảo tiểu ô cân" (Phiêu bạt đến đầu bạc mà có thành việc gì đâu/ Gió tây thổi rơi cả chiếc khăn thâm nhỏ). Gió thu thổi khăn che đầu, lại càng phơi ra tóc bạc! Thế là già lại thêm già, lạnh càng thêm lạnh. Trong bài "Thu chí" (Thu đến), ông viết: "Thiên lý xích thân vi khách cửu/ Nhất đình hoàng diệp tống thu lai/ Liêm thùy tiểu các tây phong động/ Tuyết ám cùng thôn hiểu giác ai/ Trù trướng lưu quang thôi bạch phát/ Nhất sinh u tứ vị tằng khai" (Ngàn dặm thân trơ trọi, ở đất khách lâu ngày/ Một sân lá vàng đưa thu đến/ Gió tây lay động bức rèm buông trước gác nhỏ/ Ở xóm hẻo lánh, tuyết xuống mịt mù, tiếng tù và buổi sớm nghe thê thảm/ Bùi ngùi nỗi thời gian thấm thoắt giục tóc bạc quá nhanh/ Suốt đời mối u sầu chưa hề gỡ được). Gió thu, mùa thu, lá vàng, rất gần với "Tóc trắng" trong thơ xưa.

Trong bài "Độ Long Vĩ giang" (Qua sông Long Vĩ), ông viết: "Cố quốc hồi đầu lệ/ Tây phong nhất lộ trần/ Tài qua Long Vĩ thủy/ Tiện thị dị hương nhân/ Bạch phát sa trung hiện/ Ly hồng hải thượng văn/ Thân bằng tân khẩu vọng/ Vị ngã nhất triêm cân" (Ngoảnh nhìn quê cũ, nước mắt rơi/ Gió tây tung bụi suốt đường đi/ Vừa sang sông Long Vĩ/ Đã là người nơi đất khách/ Mái tóc trắng phơi ra giữa cát/ Ngoài biển, nghe chim hồng lìa đàn kêu thương/ Bạn bè trên bến đứng nhìn theo/ Vì ta mà lệ đẫm khăn). Ta lại thấy gió thu, mùa thu đi cùng "Tóc trắng". Có những thứ ấy, thơ chưa khi nào vui!

Trong bài "Thu nhật ký hứng" (Ngoài thu cảm hứng), ông viết hai câu đầu: "Tây phong tài đáo bất quy nhân/ Đốn giác hàn uy dĩ thập phần" (Gió tây vừa đến với người xa quê/ Thế mà đã mười phần lạnh lẽo). Và, hai câu cuối là: "Tự khẩn bạch đầu khiếm thu thập/ Mãn đình hoàng diệp lạc phân phân" (Tự cười mình đầu bạc, vụng thu xếp/ Đầy sân lá rụng bay tơi bời) v.v...

B. Tóc trắng

"Tóc trắng", "Tóc bạc", âm Hán - Việt là "Bạch phát", dùng để trỏ tuổi già của người ta. Thêm vào một chữ "sầu", thành ra "Sầu tóc trắng", "Sầu tóc bạc"(Bi bạch phát), là để trỏ cái nỗi buồn lớn nhất của người ta: Đời người quá ngắn! Đó là nỗi buồn trước lẽ tử - sinh do bất khả kháng với cái chết trước mặt, do vạn đời nay đau đớn vì không giải quyết được bài toán sinh - tử, không thể nào chế ra được thuốc "trường sinh bất lão", không có thuật tu tiên nào để được "trường sinh bất tử". Tết đến, mừng nhau "thêm một tuổi", thực ra là để đánh lừa cái việc "mất đi một xuân", bớt đi một năm, của đời người. Vạn đời nay đau đớn thế, cho nên người xưa mới gọi nỗi "Sầu tóc trắng", "Sầu tóc bạc" ấy là nỗi "Sầu vạn cổ", "Vạn cổ sầu". Đó là nỗi sầu lớn nhất, dai dẳng nhất, cả thời chiến cũng như thời bình, cả lúc giàu cũng như khi nghèo, cả lúc vinh quang cũng như lúc nhục của người ta, của con người, của kiếp người, của loài người, muôn thuở, cổ kim, vĩnh cửu!

Cho nên, trong bài "Tương tiến tửu", Lý Bạch (701- 762), thi nhân đời Đường (618- 907), người viết hay nhất về "Vạn cổ sầu", mới "giải quyết" mối "Vạn cổ sầu" ấy bằng cách... uống rượu: "Áo cừu bên ngựa tốt ngàn vàng/ Trẻ đâu đem cả vào làng/ Đổi ra rượu uống cho tan cổ sầu".

Ở bài "Cổ phong" thứ ba, ông viết: "Dây dài khôn buộc mặt trời/ Xưa nay ngồi ngẫm sự đời mà cay/ Chất vàng cao chín tầng mây/ Cũng không mua được một ngày xuân xanh".

Ở bài "Cổ phong" thứ năm, ông lại viết: "Đất trời sẽ chẳng còn nguyên/ Tháng ngày rồi cũng cạn trên vai người/ Tùng xanh ve tới lả lơi/ Nào hay tùng cỗi lâu rồi còn đâu/ Tìm chi tiên dược thêm sầu/ Bàn chi những lẽ nông sâu với người/ Hỏi ai nghìn tuổi trên đời/ Hay là chen chúc một thời rồi đi?". Ước sống nghìn năm còn chẳng được (Hỏi ai nghìn tuổi trên đời), còn bàn gì lẽ nông sâu trên đời cho mệt! Làm gì có thuốc tiên (tiên dược) mà tìm!

Cũng trong "Tương tiến tửu", ông viết: "Anh không thấy tóc tơ ngày nọ/ Sớm đương xanh, chiều đã tuyết sương/ Nhà cao ai đứng trong gương/ Trông lên tóc bạc mà thương phận người". Đời người một sớm một chiều như thế, bon chen quá làm gì?

Ở bài "Đối tửu", ông lại viết: "Tóc đen ngày trai tráng/ Nay đã đòi pha sương", thì cũng là viết về mối "Sầu vạn cổ" ấy.

Ở bài "Tặng Tiền trưng quân Thiếu Dương", ông bảo: "Rượu nồng đang đợi trong chén ngọc/ Liễu xanh đưa trời vào tháng ba/ Gió xuân còn thổi dăm ngày nữa/ Tóc trắng trên đầu hai đứa ta".

Đến bài "Thu Phố ca", thì sự "cộng bi tân" (thêm cay đắng), nỗi "bạch phát thôi" (giục tóc bạc), tình "Bi bạch phát" (Sầu tóc bạc), tóm lại là "Nỗi buồn tóc trắng"; mối "Vạn cổ sầu" được nén lại trong một bài tứ tuyệt trữ tình, vĩ đại: "Tóc trắng dài ba ngàn trượng/ Sầu ta cũng dài lê thê/ Đầy gương, hỏi đâu còn chỗ/ Gọi chút sương thu theo về".

Nhưng tại sao lại là "Tóc trắng dài ba ngàn trượng"? Thì nó chính là nỗi "Sầu tóc bạc", là mối "Vạn cổ sầu" vừa nói. "Ba ngàn trượng", với một đời, cứ như là hoang đường! Thế nhưng với "vạn cổ", thì không có cách nói nào đúng hơn, hay hơn. Ba câu tiếp theo, mỗi câu đều "nối điêu" cho câu đầu, làm cho nỗi sầu đau trước lẽ tử - sinh, chồng chất lên như núi trên núi, thác trên thác, cây trên cây, trời trên trời, đời này trên đời khác, vô tận, đầy gương, không còn chỗ cho bất cứ chút gì khác, kể cả chút sương thu, vẻ đẹp mong manh - thơ mộng trong thơ cổ thi phương đông!

Để rồi ông bảo: "Đời là cơn mộng lớn/ Nhọc lòng mà làm chi".

Thơ xưa là thế. Nay, theo nhiều thứ chủ nghĩa, có thể nghĩ khác về mối "vạn cổ sầu", có thể "trông chết cười ngạo nghễ". Bài viết này chỉ muốn nói đơn giản, "Tóc trắng", "Tây phong" xưa là thế. "Nhàn" thì "đàm", thế thôi.

(Ghi chú: Những câu Đường thi của Lý Bạch trích trong bài là do người viết bài này dịch. Xem "Lý Bạch, những bài thơ Đường thi nổi tiếng" - NXB Giáo dục, Hà Nội 2008)

Đỗ trung Lai
.
.