Nhạc sĩ Bảo Phúc: Viết nhạc cho phim không dễ

Thứ Ba, 02/12/2008, 14:30
Có một thời, "Những nẻo đường phù sa" (bài hát cho bộ phim cùng tên) được chép vào hầu hết sổ tay của những người yêu nhạc. Và "cha đẻ" của bài hát ấy, nhạc sĩ Bảo Phúc, thì nói rằng, cái thời "phù sa" đã xa rồi.

Bây giờ anh đang chăm chút nhiều ca khúc cho những bộ phim truyền hình dài tập như: "Khát vọng đồng quê" (Hãng phim Cửu Long), "Theo dấu ba vua" (70 tập, của hãng BHD), "Kẻ di trú", "Vó ngựa trời Nam" (Hãng phim TFS), "Những cuộc tình đen trắng", "Sóng gió thương trường"…

- Thưa nhạc sĩ Bảo Phúc, là một trong những người viết nhiều và thành công khi  viết nhạc cho phim, ông có thể cho biết một vài kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này?

+ Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã có ý thức mua nhiều sách nước ngoài về nghiên cứu. Đến nay, tủ sách về nhạc phim của tôi đã lên đến hàng trăm cuốn. Có bảy thể loại nhạc phim mà tôi tự trang bị cho mình, đó là: Phim tâm lý xã hội, Phim hành động, cao bồi viễn chinh, lịch sử, hài, khoa học viễn tưởng, thiếu nhi.

Tôi xem và so sánh. Theo tôi, đây là phần rất quan trọng để mình không bị nhầm lẫn ở từng thể loại phim. Ngoài ra việc sắp xếp khí nhạc cho từng đoạn nhạc cũng là điều không thể thiếu.

Một yếu tố quan trọng không kém đó là tìm chủ đề cho phim. Việc biến tấu chủ đề và thay đổi sao cho hợp lý luôn luôn cần thiết. Vấn đề mấu chốt là lột tả được tâm lý nhân vật, tăng cường thêm vào ngôn ngữ hình ảnh.

- Hiện nay, một nhạc sĩ có thể nhận được số tiền thù lao là 100 triệu đồng cho một ca khúc (thậm chí hơn), theo anh số tiền này đã đủ trả cho "chất xám" của nhạc sĩ?

+ Đã gọi là chất xám thì vô giá. Mức thù lao chỉ là một quy ước theo tài năng của từng người ở khía cạnh vật chất. Tôi ví dụ, nhạc phim, ca khúc phim "Titanic" được chiếu rộng rãi trên thế giới, tác giả ngoài việc được hưởng thù lao rất cao, bên cạnh đó những luật về sở hữu trí tuệ, luật khai thác băng đĩa rất rõ ràng nên người sáng tác được hưởng khá nhiều phần trăm lợi nhuận từ bộ phim.

Họ có thể sống suốt đời, không lo lắng vấn đề "cơm áo gạo tiền". Bởi vì nước họ đã có luật bản quyền. ở Việt Nam, quyền lợi cho một tác giả muốn tính như thế nào cũng được. Chẳng qua đó chỉ là sự quy ước với nhau.

Ngay quy chế một tập phim của Hãng phim truyền hình vỏn vẹn chỉ được 110 triệu cho tất cả (đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, thiết kế, quay phim v.v...). Thì việc đòi hỏi thù lao sáng tác ca khúc cho phim, âm nhạc cho phim rõ ràng chưa đáp ứng được.

Những hãng phim tư nhân, họ chi rộng hơn vì cần chất lượng cao, thương hiệu của người viết nhạc, việc ưu đãi lợi nhuận rất rõ ràng. Bộ phim "Võ lâm truyền kỳ" tôi đã nhận thực hiện với thù lao là 100 triệu đồng.

Tôi cảm thấy được làm hết sức và hài lòng về chất lượng mình thực hiện. Hy vọng trong tương lai, việc thay đổi những cơ chế trên sẽ giúp cho giới nhạc sĩ nói riêng và ngành điện ảnh nói chung, phấn khích vì được đánh giá đúng tài năng của mình.

- Hiện nay, số lượng phim được sản xuất trong năm là khá lớn, chính vì thế, cũng cần có một đội ngũ những người viết nhạc phim đủ tầm để nâng những bộ phim đó lên, thu hút khán giả. Nhiều nhạc sĩ trẻ nhảy vào cuộc, nhưng họ thường làm vội và ưa cái "bề nổi" nên nhiều ca khúc, nếu tách rời bộ phim sẽ bị quên lãng. Anh nghĩ sao về điều này?

+ Những nhạc sĩ trẻ khi lao vào lĩnh vực này, nếu không có vốn sống, không có độ nhạy bén về phim, không có sự nghiên cứu cặn kẽ sẽ gặp phải những khó khăn. Ca khúc chỉ là một phần trong bộ phim. Nhiều người lầm tưởng viết xong một ca khúc nổi tiếng trong bộ phim sẽ là một người viết nhạc phim giỏi.

Hai phạm trù đó khác nhau. Sáng tác một ca khúc để sống được độc lập, thoát khỏi bộ phim bao gồm nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là đưa cảm xúc của chính mình đến người xem và họ cảm nhận được, họ nhớ được và họ hiểu được tư tưởng của ca khúc muốn nói điều gì.

Đừng nghĩ viết nhạc phim là dễ, lĩnh vực này cũng đòi hỏi kiến thức, thậm chí đòi hỏi nhiều điều phức tạp hơn. Nếu chúng ta không cân nhắc. Chúng ta dễ phá hỏng một hệ thống nghe của quần chúng.

Như tôi đã nói ở trên, hiện trạng phim Việt Nam ngày hôm nay tràn ngập ca khúc cũng là một thói quen sai, nhưng khi lặp đi lặp lại nhiều lần thì tự nhiên trở thành đúng, điều đó vô cùng tai hại!

- Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.