Nhuận bút của nhà văn:

Nhà văn sống được là nhờ vào những công việc khác

Thứ Sáu, 28/09/2007, 13:15
Một cuốn sách, đặc biệt là tiểu thuyết, nhà văn phải mất nhiều năm để nghĩ ngợi, và để hoàn thành việc viết ít nhất cũng mất hàng năm trời. Thế nhưng số tiền nhuận bút nhà văn được trả cho sức lao động của mình chẳng đáng là bao. Nạn sách lậu tràn lan khiến cho nhà văn có cảm giác mình bị bóc lột sức lao động khủng khiếp, mà không thể tự bảo vệ mình và cũng không có ai bảo vệ mình.

Các NXB, các đơn vị làm sách lúc nào cũng hợp đồng in với tác giả khoảng trên dưới 1.000 cuốn cho một đầu sách. Nhưng nhiều cuốn sách bán chạy, ăn khách thì không phải là 1.000 cuốn tiêu thụ ngoài thị trường, mà là một con số nào đó, vĩnh viễn bí mật đối với nhà văn, dù đó không phải là bí mật quốc gia.

Vì người ta có thể in nối bản bao nhiêu nhà văn không thể biết. Rồi các đầu nậu nhảy vào làm sách nhái, sách lậu.

Riêng cá nhân tôi, làm một phép toán sơ sơ cũng có thể tính ra số tiền mình có được bằng lao động viết sách trong những năm qua. Tính từ truyện ngắn đầu tay in năm 1989, cho đến nay tôi đã xuất bản 15 đầu sách (gồm truyện ngắn và tiểu thuyết).

Sách của tôi hầu hết là vừa phải về số trang, giá bán khoảng chừng 25.000 mỗi cuốn. Mỗi cuốn trung bình đều được trả nhuận bút cho 1.000 bản với mức 10% giá bìa. Nhưng nhà văn thường phải bỏ ra một nửa số nhuận bút để quy đổi thành sách tặng bạn bè, người thân.

Như vậy có thể tính ra trong gần 20 năm cầm bút đã qua, tôi kiếm được khoảng chừng 20 triệu từ việc sáng tác (trung bình mỗi năm là trên dưới 1 triệu). Nhưng không phải ai cũng có nhiều đầu sách trong 20 năm cầm bút như tôi. Có người chỉ viết dăm ba cuốn thôi. Nhưng không thể nói họ không lao động cực nhọc bằng tôi.

Vì lao động nhà văn là lao động đặc thù. Vậy có thể thu nhập của họ còn thấp hơn mức 1 triệu/năm nữa. Con số này sẽ khiến bạn đọc giật mình, nhưng đúng là như vậy. Nhà văn chúng tôi vẫn sống được là nhờ vào những công việc khác. Mỗi người phải lựa chọn lấy một nghề khác để có đồng lương đảm bảo cho gia đình.

Tôi có nhiều năm vừa viết văn vừa bán gà tần để có tiền. Rồi sau đó tôi đi làm báo. Vật lộn với nghề báo cũng là để đảm bảo có một thu nhập ổn định để nuôi dưỡng tình yêu văn chương. Nói chung tôi thấy thù lao trả cho công sức của nhà văn chúng ta quá bọt bèo.

Viết truyện ngắn, trước khi in thành sách, chúng tôi còn có thể đăng báo để có nhuận bút trước, nhưng tiểu thuyết thì không thể. Hiếm có nơi nào cho in dài kỳ trên báo một cuốn tiểu thuyết cả. Nên người viết tiểu thuyết chẳng có gì “thâm canh” tác phẩm của mình ngoài chính đồng nhuận bút in sách. Như thế thì chẳng ai dại gì lại đi viết tiểu thuyết cho mệt.

Có lần tôi ký hợp đồng với một nhà sách là họ sẽ mua bản quyền một tập sách của tôi trong 5 năm, với mức tiêu thụ là 5.000 cuốn. Gần hết thời gian tôi đến để thanh toán nhuận bút (10% giá bìa). Nhưng bên kia bảo sách không bán được và không trả tôi nhuận bút.

Cuối cùng tôi đành phải nhượng bộ thanh lý hợp đồng, thay vì nhuận bút cho 5.000 cuốn tôi chỉ lấy được nhuận bút cho 1.000 cuốn. Tất nhiên về lý mình đúng, nhưng chả lẽ đi kiện tụng, cãi nhau thì mệt mỏi, chẳng còn cảm hứng để mà sáng tạo.

Gần đây có mạng internet, nạn ăn cắp bản quyền của nhà văn cũng là điều đáng phải báo động. Ví dụ, cuốn “Đàn bà xấu thì không có quà” đã được nhượng bản quyền 5 năm từ 2004 đến 2009 cho một đơn vị làm sách. Nhưng trên trang web “Việt Nam thư quán” người ta đã post cả cuốn sách của tôi lên, và cho tới nay đã có tới 31.000 lượt khán giả truy cập.

Nhà văn đâu có được bạn đọc trả tiền cho việc đọc sách của họ trên mạng. Nếu mỗi một bạn đọc mỗi lượt truy cập sẽ trả cho nhà văn 100 đồng, thì với 31.000 lượt độc giả ấy, nhà văn có thể có nhuận bút để sống được. Nhưng ví thử bây giờ tôi lên mạng để nói về chuyện này, có khi bạn đọc lại xem Y Ban như một kẻ ăn mày không biết chừng (cho dù việc đề nghị trả tiền bản quyền là rất chính đáng).

Chúng ta không nên kêu độc giả bỏ rơi văn chương, mà chính là cơ chế quản lý, in ấn của chúng ta đã không tạo ra những thuận lợi cần thiết, tối thiểu cho nhà văn. Nói chung nhà văn chúng tôi ở trong tâm trạng chán nản, không còn hứng thú viết và in sách nữa....

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.