Nhuận bút của nhà văn:

Nhà văn khó sống được bằng nghề văn

Thứ Năm, 27/09/2007, 11:30
Nhìn vào lịch sử văn học Việt Nam có rất nhiều ví dụ cho thấy những người theo đòi nghiệp chữ nghĩa khó có thể sống bằng tiền do chính những con chữ sinh ra.

Cụ Nguyễn Du xưa kia vừa lo việc làm quan vừa viết “Truyện Kiều”. Cụ Nguyễn Khuyến sau khi rời quan về ở ẩn, làm thơ phải trông vào mảnh vườn, ao cá. Còn cụ Tú Xương cả đời trầy trật thi cử vẫn không thể đỗ đạt một chức quan để nuôi gia đình, đành ngậm ngùi làm “đứa con thứ 6” của bà vợ tảo tần: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”.

Trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn Nguyễn Vỹ trong bài thơ “Gửi Trương Tửu” đã viết: “Nhà văn An Nam khổ như chó”, để nói về sự bọt bèo của nghề cầm bút. Nếu coi viết văn là một nghề thì có lẽ đó là cái nghề... đáng sợ, vì chẳng mấy ai sống được đàng hoàng bằng nghề, huống hồ đây lại là cái nghề lao tâm khổ tứ, đau đớn, vật vã trước trang giấy.

Từ cổ chí kim, nhà văn nước ta chủ yếu “chơi văn chương” mà thành danh chứ không xem đây là công việc kiếm tiền. Một cuốn sách viết ra mất hàng năm trời, có khi hàng chục năm hoặc lâu hơn thế, nhưng tiền nhuận bút dành cho nhà văn nhiều khi không đủ một bữa nhậu mời bạn bè. Ấy thế mà ai đã trót đeo cái nghiệp này vào thân thì cũng chẳng dễ dàng từ bỏ.

Ai cũng biết rằng, mỗi năm, một đất nước có thể đào tạo ra nhiều giáo sư, bác sĩ, kỹ sư... nhưng nhà văn thì không thể đào tạo. Nhà văn là trời cho, chẳng trường lớp nào sản sinh ra họ. Tài năng của họ là đặc biệt, là hiếm hoi. Nhưng tiếc thay, sự trả công của đời sống dành cho lao động của nhà văn  chưa bao giờ thỏa đáng.

Nhà văn giống như trọng tài bóng đá, thỉnh thoảng anh ta mới được mời “thổi còi” cho một trận đấu. Một nhà văn trong suốt đời mình có thể viết hàng trăm cuốn sách, nhưng cũng có khi chỉ vài ba cuốn. Và lao động của họ ở mỗi cuốn sách rất khó để lượng hóa được. Họ không có gì để đảm bảo cho việc nhiều năm tháng nghĩ ngợi, cho quá trình ấp ủ để sinh ra một “đứa con tinh thần” của mình.

Gần với lãnh địa văn chương là làng báo. Chúng ta nhìn đâu cũng thấy nhà văn làm báo. Đây là nghề gần nhất với văn chương, lại dễ kiếm tiền bằng chữ nghĩa hơn là viết văn đơn thuần. Nếu không làm báo thì nhà văn sẽ lựa chọn bất kỳ một ngành nghề gì khác để có đồng lương ổn định đảm bảo đời sống. Số người dũng cảm lựa chọn nghề viết một cách chuyên nghiệp và có thể sống được bằng công việc viết văn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Trong thời buổi văn chương không còn là lựa chọn duy nhất của người thưởng thức văn hóa nghệ thuật, thì để bán được sách, để có thương hiệu, nhiều nhà văn cũng trở nên linh hoạt hơn trong việc tiếp thị tên tuổi mình.

Đời sống hôm nay có thứ văn chương hữu xạ tự nhiên hương (số này xem ra ngày càng hiếm) và có thứ văn chương gây ồn ào bằng công nghệ lăng xê chẳng khác gì lăng xê ca sĩ.

Nhiều nhà văn xuất hiện trên báo chí, truyền hình nhiều đến mức khán giả quen mặt như quen mặt ca sĩ. Lựa chọn những đề tài mang tính nhạy cảm để viết như tình dục, đồng tính... cũng là một cách để hút sự tò mò chú ý của độc giả. Nhưng cho dù có cả những “mánh” như vậy để gây “sốc” trong đời sống văn học, nhuận bút mà nhà văn có được từ viết sách cũng khó mà nói rằng, họ có thể sống ung dung bằng nghề.

Một khi đã hội nhập vào sân chơi chung của thế giới, mong muốn nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà văn, chúng ta phải có được một môi trường tốt cho nhà văn sáng tạo, mà trước tiên là việc đảm bảo để người viết có thể sống bằng nghề.

Nếu như nhà văn vẫn phải chật vật chuyện áo cơm thì chúng ta cũng không thể đòi hỏi họ sống chết với nghề, toàn tâm toàn ý với độc giả. Cũng đừng trách họ phải loay hoay chỗ này chỗ kia tìm kiếm một công việc khác để có thu nhập, để sống.

Tiền không thể và không bao giờ đo chính xác giá trị một tác phẩm văn học. Nhưng tiền vẫn phải là một đảm bảo, rằng mồ hôi, công sức của nhà văn đã được đánh giá thỏa đáng và được trân trọng

Vũ Quỳnh Trang
.
.