Văn học mạng trong xu thế hội nhập:

Nhà văn Võ thị Xuân Hà : “Ở địa hạt nào ta cũng có thể tìm ra báu vật”

Thứ Tư, 16/04/2008, 16:40
"Đôi khi tôi cũng gặp được những trang viết khá hay và ấn tượng trên mạng. Đôi khi cũng liều hy sinh cả một buổi để đọc các blog cá nhân, hay những trang văn học khá ấn tượng của các tờ báo điện tử trong nước. Tôi thấy về cơ bản xu thế này đang phát triển tốt. Nhưng còn xộc xệch quá. Y như cách chúng ta làm các hệ thống ngầm dưới lòng thành phố vậy, ông nọ ngoặc vào ông kia,..." - Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho biết.

- Thưa nhà văn Võ Thị Xuân Hà, chị có thường xuyên theo dõi các tác phẩm văn học trên mạng hay không? Và chị nhận xét thế nào về xu thế phát triển văn học mạng ở nước ta hiện nay.

+ Hầu như ngày nào tôi cũng lướt mạng. Tuy nhiên, tôi ít thích đọc các tác phẩm văn học trên mạng, chỉ đọc những bài bình luận, giới thiệu, phê bình văn học. Đơn giản vì quỹ thời gian của tôi rất ít.

Tôi phải sắp xếp thật hợp lý mới có thể được ngồi đọc các tác phẩm được in thành sách. Với tôi khi cầm những cuốn sách lên tay để đọc, vẫn là những giờ phút lý tưởng nhất.

Hơn nữa, để theo dõi những tác phẩm văn học trên mạng không đơn giản chút nào. Vì có vô vàn những trang web của các tổ chức và cá nhân. Gần như là "cầu âu", lướt vào đâu gặp cái gì hay thì dừng lại xem qua một chút.

Đôi khi tôi cũng gặp được những trang viết khá hay và ấn tượng. Đôi khi cũng liều hy sinh cả một buổi để đọc các blog cá nhân, hay những trang văn học khá ấn tượng của các tờ báo điện tử trong nước.

Tôi thấy về cơ bản xu thế này đang phát triển tốt. Nhưng còn xộc xệch quá. Y như cách chúng ta làm các hệ thống ngầm dưới lòng thành phố vậy, ông nọ ngoặc vào ông kia, (năm nay Hà Nội chuẩn bị bị đào xới khắp thành phố đấy) chẳng biết đường nào mà lần. Vì vậy cần có hành lang pháp lý rõ ràng…

- Trong một vài cuộc hội thảo và tranh luận gần đây, có ý kiến cho rằng chúng ta đã hình thành cái gọi là "nền văn học mạng". Cá nhân chị nhận định ra sao về ý kiến này?

+ Rõ ràng là đã có một bộ phận tác giả trưởng thành từ cư dân mạng, đã có cái gọi là "nền văn học mạng". Gần như là một thế giới văn học khác đang diễn ra bên cạnh nền văn học mà chúng ta coi là chính thống. Nếu phủ nhận, chúng ta sẽ bỏ qua rất nhiều cốt lõi tinh thần xã hội mới

- Internet với lợi thế của nó có thể biến bất cứ người cầm bút nào thành nhà văn (tạm gọi là như vậy), vì họ có thể xuất bản bất cứ cái gọi là "tác phẩm" nào đó họ sáng tác trên mạng mà không cần đến bất cứ sự kiểm duyệt nào như khi xuất bản trên giấy.

Theo chị, người đọc làm thế nào để lựa chọn được các tác phẩm văn học đích thực trong hằng hà sa số các tác phẩm ấy.

+ Internet với lợi thế của nó có thể biến bất cứ người cầm bút nào thành nhà văn ư? Không đâu! Không phải cứ có tác phẩm được đưa lên mạng, được một bộ phận công chúng đọc là anh ta đã được gọi là nhà văn.

Người đọc hiện  nay đã có một trình độ nhận thức khác với cách nhận thức được nuôi dưỡng bằng chế độ bao cấp. Chúng ta không nên quá lo cho độc giả.

Bằng chứng là nếu một cuốn sách, hay nói cách khác, một tác phẩm văn học đã được "cấp phép", đích thực là văn học, nếu đưa lên một địa chỉ mạng nào đó, ngay lập tức lượng truy cập sẽ tăng rất lớn.

Trong khi đó, những tác phẩm mà tác giả "tự xuất bản lên mạng", phải chờ đợi khá nhiều thời gian, qua nhiều sự giới thiệu, may ra mới có được một lượng người đọc khiêm tốn.

Nhưng tôi không khẳng định rằng sẽ không thể có một tác phẩm văn học đích thực được xuất bản theo kiểu "tự xuất bản lên mạng". Chắc chắn ở bất cứ địa hạt nào ta cũng có thể tìm ra báu vật.

- Theo chị, đâu là nhược điểm lớn nhất của việc xuất bản tác phẩm văn học trên mạng?

+ Nhược điểm lớn nhất đó là sự dễ dãi câu chữ trên mạng sẽ đánh mất văn phong. Đến một lúc nào đó, tác giả mạng người Việt ta sẽ cắt bớt những trạng ngữ, bổ ngữ, những từ bị coi là thừa. Hơn nữa, việc "gặp gỡ" giữa tác giả và người đọc quá dễ dàng, sẽ khiến cho tác giả ngộ nhận.

- Gần đây, một số nhà văn sau khi viết xong tác phẩm thường cho đăng tải trên mạng trước, vừa để thăm dò độc giả, vừa để quảng bá cho tác phẩm của mình trước khi xuất bản trên giấy. Với các tác phẩm chưa xuất bản của mình, chị có định đi theo "lộ trình" đó không?

+ Tôi không có thói quen nói trước những ý nghĩ chưa thành hiện thực của mình với bất kỳ ai. Nhưng chắc rằng tôi sẽ suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.

- Thực tế là các tác phẩm văn học trên mạng được nhiều người quan tâm thường viết về các đề tài nhạy cảm như: tình dục, đồng tính, sự nổi loạn...Theo chị, vì sao lại có hiện tượng này?

+ Như tôi đã nói ở trên, văn học được trình bày trên mạng thường hay cắt bớt văn phong, các bổ ngữ. Những câu chuyện thiên về đề tài nhạy cảm dễ thu hút sự chú ý của người đọc.

Vì người ta đọc mạng là đọc lướt, thời gian đọc có thể nói là được rút ngắn so với đọc sách. Ngay cả người đọc cũng không chú ý tới câu chữ, chỉ chú ý tới nội dung tình tiết. Đến ngay chính tôi hàng ngày vào mạng, đọc báo điện tử, thường chú ý đến trang xã hội trước xong đến trang pháp luật, sau hết mới lướt vào trang văn học

- Xin cảm ơn nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.