"Đạo văn" - Một mất mười ngờ:

Nhà thơ Đỗ Bạch Mai: “Cần phải thận trọng hết sức khi kết luận một vụ “đạo văn” nào đó”

Thứ Năm, 04/01/2007, 15:30

Trong đời sống văn học Việt Nam nhiều năm qua có nhiều vụ nghi án đạo văn. Nhưng có lẽ trường hợp bài thơ “Huệ trắng” (với nhan đề ban đầu là “Bóng đen”) của nhà thơ Bế Kiến Quốc bị nghi oan là “đạo văn” của nhà thơ nổi tiếng Henrích Hainơ là được nhiều người nhớ cho đến tận bây giờ.

Nhà thơ Đỗ Bạch Mai, vợ của nhà thơ Bế Kiến Quốc, kể lại câu chuyện này với mong muốn, chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng khi đưa ra kết luận về một câu chuyện nào đó, vì có thể nó sẽ phương hại nghiêm trọng tới danh dự và làm tổn thương đến tình cảm của người trong cuộc.

“Năm 1971, nhà thơ Trần Quốc Toàn, một người bạn của nhà thơ Bế Kiến Quốc, đưa bản thảo đầu tiên bài thơ “Bóng đen” cho một nhóm sinh viên khoa văn. Bài thơ này sau đó được lưu truyền trong hai trường Đại học Sư phạm và Tổng hợp.  Nhiều sinh viên đã chép vào sổ tay của mình bài thơ này. Tôi cũng rất yêu bài thơ, mặc dù khi đó chưa làm bạn với anh Quốc. Và bài thơ này là bài thơ Bế Kiến Quốc viết tặng một cô gái tên là Đỗ Kim Tỉnh. Còn tôi, khi chia tay người bạn trai đầu tiên, tôi đã chép tặng bài thơ này của anh Quốc, để nó nói hộ điều mong muốn trong lòng mình. Sau đó, số phận cho tôi và Bế Kiến Quốc gặp nhau và trở thành vợ chồng.

Cho tới đầu những năm 1990, tôi không nhớ cụ thể lắm, xảy ra vụ việc bài thơ “Bóng đen” (lúc này đã được anh Quốc đổi tên là “Huệ trắng”) bị nghi là “đạo thơ” của H.Hainơ. Nguyên do là cuốn sách “Những nền văn minh thế giới”(Anmanach) có in bài thơ “Bóng đen” và đề tên tác giả là H.Hainơ, do một nhóm sinh viên Trường Sư phạm sưu tầm. Báo Người Hà Nội là nơi đầu tiên in bài về vụ “nghi án” này. Bế Kiến Quốc rất buồn, anh gọi cho nhà thơ Quang Huy để trình bày về hoàn cảnh ra đời bài thơ. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là người rất nhiệt tình tham gia tìm hiểu câu chuyện này. Anh đến nhà xuất bản Văn học gặp ông Lữ Huy Nguyên nhờ giúp đỡ tìm lại các tác phẩm của Hainơ. Dịch giả Trần Đương cũng vào cuộc để rà soát lại toàn bộ các sáng tác trong sự nghiệp của Hainơ và không tìm ra được bài thơ nào của Hainơ có nội dung như bài thơ “Bóng đen”. Anh Quốc buồn nhưng rất bình tĩnh trước sự việc.

Nhân câu chuyện này, có người ác ý lại viết bài kết luận Bế Kiến Quốc “đạo thơ” của Mãn Giác Thiền Sư. Số là có một câu thơ trong một bài thơ, anh Quốc có nhắc đến hình ảnh một nhành mai đang chờ đợi trước hiên nhà, ảnh hưởng hơi hướng từ câu thơ “Đêm qua sân trước một nhành mai” của nhà thơ thời trung đại. Trong công việc sáng tác, đôi khi người đi sau ảnh hưởng người đi trước đôi chút là rất bình thường. Nhưng buồn một nỗi là họ đưa ra ví dụ ảnh hưởng ấy như để khẳng định chắc chắn thêm bài thơ “Bóng đen” chính là Bế Kiến Quốc đã “lấy trộm” của Hainơ. Kết thúc sự việc, Nhà xuất bản phải đính chính và xin lỗi tác giả Bế Kiến Quốc về sự nhầm lẫn của mình.

Từ câu chuyện này, tôi cho rằng, với bất cứ một sự nghi ngờ nào chúng ta đều phải tìm hiểu cho rõ ngọn nguồn trước khi kết luận, tránh những hiểu lầm đáng tiếc gây khó khăn, bực mình cho người sáng tạo nghiêm túc. Đạo văn là một hiện tượng cần được loại bỏ để làm trong sạch môi trường văn chương. Nhưng kết luận ai đạo văn của ai, cần phải thận trọng hết sức”

Quỳnh Trang (ghi)
.
.