Nhà báo và đạo đức truyền thông

Thứ Năm, 01/06/2017, 08:01
Không còn ở độ tuổi hai mươi chớp nhoáng hy vọng vội vàng thất vọng, tôi cho rằng xã hội thông tin càng nở rộ thì vai trò của nhà báo càng bị đặt vào nhiều hoàn cảnh thử thách cam go hơn! Trong trào lưu “sốc, sex, sến” tràn lan, đạo đức truyền thông trở thành nỗi băn khoăn của những người làm báo và không riêng những người làm báo!


Biên độ tác nghiệp và nhu cầu tự vấn

Lê Thiếu Nhơn

Cứ trôi miên man theo các sự kiện, nhà báo không dễ định vị bản thân và càng không dễ thấu hiểu đồng nghiệp mình. Lịch sử báo chí Việt Nam đã có một bề dày nhất định, nhưng đến hôm nay chỉ có mỗi cuốn “Bốn mươi năm nói láo” ít nhiều có thể giúp các nhà báo nhìn thấy chính họ và công việc của họ. Vũ Bằng đã lấy cột mốc từ cái tiểu phẩm châm biếm đầu tay “Lọ văn” viết năm 16 tuổi để năm 1969 cho ra đời cuốn “Bốn mươi năm nói láo”.

Đôi lúc tôi cứ băn khoăn, trước khi vĩnh viễn rời khỏi thế giới chữ nghĩa nhọc nhằn vào năm 1984, nếu Vũ Bằng viết thêm một cuốn sách về nghề báo thì liệu ông có đặt tên là “Mười năm năm nói thật” không? Chỉ cần “Bốn mươi năm nói láo” đã đủ chứng minh sự tận tụy của Vũ Bằng với nghề báo rồi. Một cuốn sách khác về nghề báo, có lẽ phải đợi lớp hậu sinh khả úy. Thế nhưng, ai sẽ viết khi công nghệ số thúc ép mỗi nhà báo cuống cuồng theo đuổi tin tức mà hầu như không có thời gian để đánh giá từng vấn đề một cách sâu sắc hơn, tinh tế hơn, nhân văn hơn?

Nhờ một chút cơ duyên, tôi may mắn được đánh đu với nhiều thế hệ nhà báo, từ những nhà báo đang sung sức đến những nhà báo đã cao niên, từ lãnh đạo báo chí cấp cao cho đến phóng viên tập sự nhút nhát. Và điều tôi đúc kết được là càng ngày các nhà báo càng có quan điểm đơn giản về nghề báo. Thậm chí đâu đó đã xuất hiện khuynh hướng coi báo chí như một nghề kiếm ăn bình thường, không hề có hoài bão gì, không hề có sứ mệnh gì.

Các nhà báo đang tác nghiệp.

Ý niệm sự thật và chính nghĩa trở nên mong manh khi nhà báo chấp nhận xã hội như một bức tranh được vẽ sẵn và cây bút của nhà báo chỉ dùng để tô màu. Đáng sợ hơn, nếu hành vi tô màu của nhà báo không phụ thuộc vào năng lực của mình mà phụ thuộc vào mong muốn của những người ban lợi ích cho mình!

Tôi thường phải rất cố gắng để tránh khỏi kiểu cười chua chát khi mường tượng hình ảnh nhà triết học lừng lẫy thế kỷ 18 của nước Pháp – Edmund Burke nhìn lên khu vực dành cho báo chí trong lâu đài Versailles mà bảo rằng: “Trên kia là đẳng cấp thứ tư và họ nắm giữ quyền lực nhiều hơn ba đẳng cấp quý tộc, tăng lữ và thường dân”. 

Có nhiều lý do để phân bua cho chất lượng tác phẩm báo chí hiện nay. Ai cũng phải làm liền tay, phải nhanh phải nhiều mới đáp ứng được tốc độ nhật báo, tốc độ internet. Tuy nhiên, những bài báo chụp giựt và hời hợt chỉ tạo nên sự phồn vinh giả tạo mà thôi. Một nền báo chí không thể phát triển nếu độc giả không tìm thấy những bài báo đáng đọc lần thứ hai.

Tôi có thói quen sưu tầm những bài báo hay, nhưng càng ngày kết quả thu lượm càng thưa vắng, dù mặt bằng báo chí đang đa dạng dần lên. Vì sao? Vì những nhà báo gạo cội đã mỏi mệt, mà những nhà báo trẻ không thể thay thế. Có thể trách giận chăng, nếu các nhà báo trẻ biện minh họ phải bận rộn hoàn thành những bài báo mưu sinh cấp thời.

Tôi chưa bao giờ nguôi mơ ước làng báo Việt Nam sẽ có được những nhà báo lớn, mà tác phẩm của họ giúp công chúng biết đắn đo đặt cược cho tương lai. Nếu không đủ sức thu nạp như Thomas Friedman viết “Chiếc lexus và cây ô liu” hoặc “Thế giới phẳng”, thì cũng can đảm như Tom Plate viết “Lời tự thú của một nhà báo Mỹ” hay chọn con đường khái quát như Jeferey Archer viết “Quyền lực thứ tư”.

Đáng tiếc, kinh tế thị trường đang đẩy giới nhà báo vào thế chông chênh giữa nghiệp vụ và cơm áo. Tôi có cảm giác nhiều đồng nghiệp của mình bắt đầu giông giống MC chuyên nói những câu đèm đẹp theo kịch bản có sẵn. Nguy hiểm hơn là một bộ phận không nhỏ các nhà báo thiếu kiềm chế đã sa vào trào lưu nịnh thối – chửi hôi khi chung đụng với doanh nghiệp. Khi muốn xin tài trợ hoặc muốn xin quảng cáo thì gắn lên cho họ nhiều thứ son phấn mà họ không thể có hoặc không muốn có, nhưng khi họ gặp trục trặc thì xúm lại miệt thị, dèm pha đủ đường.

Thật sự, qua trường hợp dư luận bủa vây một nữ đại gia thủy sản ở miền Tây Nam bộ, tôi rất ngượng bởi nhớ đến bài thơ “Xem gặt lúa” của Bạch Cư Dị viết từ đầu thế kỷ thứ 9: “Phận mình tài cán gì, việc nông trang chẳng biết, lương hưởng ba trăm hộc, ăn hết năm vẫn dư, nghĩ lại thấy thẹn thùng, suốt ngày lòng bứt rứt”. Những người trực tiếp làm ra của cải cho đất nước, lẽ ra phải được báo chí ứng xử đàng hoàng hơn, tử tế hơn.

So với 10 năm trước hoặc 20 năm trước thì cuộc sống của các nhà báo bây giờ đã được cải thiện rất nhiều. Nhà báo ở biệt thự, không hiếm. Nhà báo đi xe hơi, không hiếm. Có thể khấp khởi mừng thầm “kim môn tàng kiều”, chốn giàu sang sẽ có người đẹp, chốn giàu sang sẽ có điều hay chăng? Chưa chắc. Cách gõ bàn phím máy tính chỉ nhỉnh hơn cách viết tay bản thảo về thao tác kỹ thuật, chứ không khẳng định được sự tiến bộ nào về tư duy đề tài hay phương pháp phản biện. Thỉnh thoảng đọc lại những gì mình viết khi mới vào nghề, tôi nhận ra không ít sự vụng về và sự ngây ngô, nhưng khẩu khí thật thẳng thắn và lối nói thật chân thành.

Cổ nhân dạy, tuổi trẻ là lương tri của thời đại, quả không sai. Cái thuở bê con không sợ hổ dữ, cái thuở tiểu ngư gặp Long Vương không biết mặt để chào, xem ra cũng lắm ưu việt. Ít nhất trên những bài báo ngỡ ngây dại ấy, độc giả không thấy nhà báo uốn éo ngôn từ để đón lõng chút xu thời hay che chắn chút toan tính! Bây giờ, cái nồng nhiệt ngày xưa không thể nào tìm lại được, nhưng tôi vẫn dặn mình rằng, nghề báo rất cao quý, đừng bao giờ để lộ ra sự hèn mọn trước những kẻ có quyền và những kẻ có tiền!

Hoa hậu áo dài Đàm Lưu Ly: Tôi ái ngại khi tiếp xúc với những bạn trẻ làm báo

Gia Quân (thực hiện)

-  Bây giờ, báo chí rất chú trọng đến giới show biz, nhất là báo mạng. Thông tin showbiz đang được khai thác triệt để nhằm phục vụ sự tò mò của một bộ phận công chúng. Là một người nổi tiếng, chị đánh giá thực trạng này như thế nào?

+ Được dư luận quan tâm cũng là niềm vui, nhưng tôi khước từ cách tác nghiệp chỉ nhằm soi mói đời tư. Nói thật, tôi thấy cách khai thác giới showbiz hiện nay đang có chiều hướng lá cải một cách rẻ rúng. Nhiều bạn bè tôi đã trở thành nạn nhân của chiêu trò câu view của báo mạng, mà chúng tôi vẫn hay đùa là “toi mạng vì báo mạng”!

-  Thế nhưng, nếu những người trong giới showbiz không “hợp tác” thì báo mạng cũng khó lòng phơi bày những chuyện lố bịch?

+ Đúng, không ít nghệ sĩ trẻ thích lên báo mạng bằng mọi giá. Mua cái xe mới cũng lên báo mạng, sắm cái váy mới cũng lên báo mạng, mà giận hờn người yêu cũng lên báo mạng. Tuy nhiên, nghệ sĩ có phải tự họ viết lên báo đâu! Báo mạng phải thể hiện quyền điều chỉnh thông tin của mình chứ! Sự chạy đua tin tức giật gân của báo mạng khiến giới showbiz càng bát nháo hơn. Từ ngày có thêm hoạt động kinh doanh, tôi thực sự ái ngại khi tiếp xúc với những bạn trẻ làm báo…

-  Vì sao, thưa chị?

+ Tôi có cảm giác nhiều người trong số họ chẳng được đào tạo gì về nghiệp vụ báo chí, cũng như không hề có chút kiến thức xã hội nào.

-  Xin được nghe ví dụ cụ thể của chị…

+ Có phóng viên hẹn đến thẩm mỹ viện Lucky Angel của tôi để viết bài, tôi cũng lịch sự tiếp đón. Thế nhưng, bạn trẻ ấy có cách đặt câu hỏi phỏng vấn ngô nghê như từ trên trời rơi xuống. Tôi phải nhắc nhở: “Em có biết gì về lĩnh vực làm đẹp không mà có ý định viết bài?”. Cuối cùng em ấy thú nhận gặp tôi chủ yếu chỉ để… xin quảng cáo!

-  Sự nhập nhèm giữa làm báo và làm… tiền là một câu chuyện dài đấy, chị ạ!

+ Tôi biết chứ! Có nhiều phóng viên chưa viết bài đã tỏ ngay thái độ vòi vĩnh và đe dọa nữa kia. Tôi có phải là cô chân dài vừa lơ ngơ bước chân trên sàn catwalk đâu. Tôi đã đăng quang Hoa hậu Áo dài hơn 20 năm và cũng đã từng làm tiếp viên hàng không đi khắp nơi. Gặp những trường hợp phóng viên lên mặt hạnh họe nọ kia, tôi không hợp tác và mời về ngay đấy!

-  Theo chị, hiện nay điều gì bất cập đang tồn tại giữa báo chí và showbiz?

+ Tôi thấy càng ngày càng ít nhà báo chuyên nghiệp về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Những bài bình luận sắc sảo, hoặc những bài chân dung thấu đáo, không còn nhiều trên các trang báo. Thay vào đó là những kiểu PR rất hời hợt và những kiểu giật tít rất rùng rợn. Thế nhưng, điều tệ hại nhất là tình trạng các báo mạng suốt ngày rình mò Facebook của những người nổi tiếng. Một tấm ảnh hoặc một dòng trạng thái trên Facebook của nghệ sĩ cũng bị lôi lên báo và suy diễn lung tung. Trong khi đời sống nghệ thuật còn bao nhiêu đề tài để viết, để đánh giá, để định hướng cho công chúng!

- Chị có góp ý gì để thay đổi thực trạng nhiễu nhương giữa báo mạng và showbiz không?

+ Tôi luôn cho rằng, nghề báo là một nghề cao quý, và người làm báo là những người có tố chất đặc biệt. Tôi tin vài biểu hiện tiêu cực chỉ giống như “con sâu làm rầu nồi canh” thôi. Tôi mong những nhà lãnh đạo báo chí cũng như ban biên tập các báo chú trọng hơn ở khâu tuyển dụng, đào tạo và giám sát quá trình tác nghiệp của phóng viên. Nhất là mảng giải trí, phóng viên không có năng lực thẩm mỹ gì mà cho họ theo dõi showbiz thì chắc chắn họ chỉ viết được những chuyện ba xu! Và làm rối loạn xã hội trong định hướng thông tin. Nếu không chấn chỉnh, vẫn cứ đà này, sẽ làm hại cả báo chí lẫn showbiz!.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Ngồi trước trang báo là đối diện cuộc đời!

Hương Ngân (thực hiện)

-  Trong sự quan sát của nhà thơ kiêm nhà báo Lê Minh Quốc, tốc độ phát triển các loại hình báo chí hiện nay có đáng mừng không?

+ Đáng mừng chứ, nếu các nhà báo tự thân vận động để sống bằng nghề mà không phải: 1. Nhận kinh phí từ các cơ quan nhà nước; 2. Sử dụng nghề báo như một “cần câu cơm” bằng cách “bóp cổ” các doanh nghiệp, người dân. Một xã hội có nhiều loại hình báo chí càng cho thấy trình độ dân trí của xã hội đó và họ có nhu cầu cần đọc/ nghe/ xem thông tin đa chiều từ một sự kiện.

-  Mỗi khi nghe tin một phóng viên nào đó bị khởi tố vì tống tiền doanh nghiệp, ông cảm thấy thế nào?

+ Tôi vui mừng vì các cơ quan chức năng đã loại trừ một/nhiều con sâu ra khỏi làng báo.

-  Theo ông, làm sao để nhà báo có thể giữ gìn đạo đức nghề nghiệp trước những cám dỗ vật chất?

+ Với tôi, từ ngay lúc vào nghề, tôi luôn tự nhủ rằng, đồng tiền lương thiện và trong sạch nhất của người làm báo/ viết báo vẫn là nhuận bút từ những gì mình đã viết.

-  Cũng nhiều năm làm báo, chắc ông có làm thơ về… nghề báo. Xin vui lòng cho độc giả Văn nghệ Công an thưởng thức một đoạn được không?

+ Được chứ, xin sẵn lòng...

nhìn vào trang giấy trắng
thấy gương mặt cuộc đời
tham sân si ái ố
chứ nào phải chuyện chơi

có gan chơi như thật
là ám sát con người
bịa chuyện rồi thêm thắt
bao số phận chết tươi?

có gan chơi như thật
từ những chuyện đùa chơi
đưa vô danh dưới đất
vụt bay lên cõi trời?

có gan chơi như thật
mà thôi, cái cõi đời
nợ có vay có trả
máu ngàn đời vẫn tươi

hoa một ngày đã héo
người muôn năm vẫn người
làm sao anh dám viết
nửa thật với nửa chơi?

ngồi trước trang giấy trắng
là đối diện cuộc đời...

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Đừng nên làm những gì mà chính mình cũng không muốn!

Tâm Huyền (thực hiện)

-  Thưa nhà báo Huỳnh Dũng Nhân! Nhiều năm nay, anh tham gia giảng dạy báo chí. Xin hỏi, vấn đề đạo đức truyền thông được đề cập như thế nào trong giáo trình của anh?

+ 20 năm qua, tôi tham gia giảng dạy báo chí với tư cách là giảng viên thỉnh giảng ở các khoa báo chí Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh (ĐHKHXH&NV TPHCM) và một số trường khác, cũng như ở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tôi dạy các môn phóng sự điều tra, lao động phóng viên, phỏng vấn, ký chân dung... chứ không dạy môn đạo đức báo chí, truyền thông. Tuy nhiên vấn đề đạo đức của nghề và người làm nghề không bao giờ thiếu vắng trong các bài giảng của tôi. Vì muốn hay không, những ví dụ tôi dẫn giải về tác nghiệp của phóng viên luôn luôn có dấu ấn của cái tâm, cái tầm, luôn mang sự lựa chọn và quyết định của người làm báo.

Khi lên lớp, tôi nhắc lại nhiều kinh nghiệm làm báo của tôi và các đồng nghiệp, những tình huống nên và không nên, những điều cần tránh, những việc nguy hại cho nghề báo để sinh viên cùng chia sẻ và tự tìm ra một cách xử lý tình huống đó. Ví dụ tình huống một người đàn ông đang thời gian tập trung cải tạo trong trại giam, khi bị quản giáo gọi ra để làm một đoạn phỏng vấn truyền hình về một vụ án trước đây, anh ta đã khóc và van nài đừng để anh ta bị lên màn hình, vì anh ta và gia đình đã trả giá quá nhiều đau khổ rồi. Vậy người phóng viên có nên tiếp tục thu hình anh ta không, hay là đóng nắp ống kính tìm cách khác để tiếp tục công việc?

Tôi thường nói với sinh viên rằng: “Nghề báo có quyền làm theo lương tâm và trách nhiệm của mình. Đừng nên làm những gì mà chính mình cũng không muốn. Cần thấy rằng sau mỗi bài báo là những hoàn cảnh và số phận những con người. Làm báo là nhắm tới lợi ích cộng đồng, chứ không phải để nổi tiếng và để làm giàu bất chính!”.

Tôi là người hay tích lũy và thu lượm các câu chuyện nghiệp vụ của làng báo, nên những câu chuyện nhân văn, hướng thiện, yêu nghề... và những bài học kinh nghiệm về đạo đức nhà báo thường được đưa ra phân tích cho sinh viên thấy được nghề báo nguy hiểm, gian khổ và rất dễ bị cám dỗ nếu không có đạo đức nghề báo. Tôi hiểu là các em sinh viên chưa làm báo nên tránh dùng lối rao giảng đạo đức, mà thường dùng các câu chuyện thực tế để áp dụng phương pháp dùng "nghề dạy nghề" mà thôi.

-  Từ kinh nghiệm của mình, anh nhận thấy những sinh viên báo chí đã được chuẩn bị gì để vững vàng khi tham gia vào nghề báo nhiều thị phi hôm nay?

+ Khi có nhà báo phỏng vấn tôi trước kia làm báo khó khăn là gì? Tôi nói: khó khăn là chưa có Internet! Lại hỏi thời nay làm báo khó khăn là gì? Tôi cũng nói khó khăn thời nay là đã có Internet! Bởi công nghệ đã thay đổi cách làm báo, cách đọc báo, thay đổi rất nhiều thứ trong đó có cả đạo đức nhà báo. Sinh viên báo chí là những người hiểu rõ thế giới mạng. Họ tiếp cận thế giới mạng với tư cách là người sử dụng nó cho học tập và giải trí, giao tiếp và cho những bước đi đầu tiên trong nghề báo. Các sinh viên chuyên ngành báo điện tử chắc được trang bị nhiều hơn thế. Họ đã chuẩn bị cho mình sự cảnh giác và thận trọng cũng như bản lĩnh để bước vào nghề báo thời buổi rất sóng gió và rất nhiều thị phi này. Có điều sự hình dung và chuẩn bị ấy có thể chưa đủ liều để đối phó với một thực trạng chắc chắn là dữ dội hơn, chua xót hơn và phũ phàng hơn.

Nhiều sinh viên đi làm ở một đơn vị báo chí rồi mới thốt lên: “Tụi em không nghĩ nghề báo khắc nghiệt hơn những gì đã học ở trường!”. Ngay cả một số giảng viên báo chí cũng chưa thấy hết sự cay nghiệt của nghề báo giai đoạn sau này. Theo tôi, cần có những chuyên đề về làm báo kỷ nguyên số cho sinh viên nhiều hơn nữa để các em bớt bỡ ngỡ và lo ngại khi bước vào nghề báo thời @.

-  Theo anh, có nên rạch ròi giữa nghề PR hay còn gọi là nghề pi-a, viết thuê, quảng cáo và nghề báo? Hệ lụy của sự nhập nhèm ấy ra sao?

+ Đầu năm nay tôi vừa dạy một vài lớp báo chí và nhận thấy nhiều em học báo là để lấy cái bằng đại học, rồi từ đó đi làm truyền thông hay một nghề gì đó khả dĩ liên quan đến báo chí, chứ không nhiều em tha thiết với báo chí (nhất là báo in). Tôi có nói với các em nghề gì thì nghề nhưng kiến thức của nghề báo rất cần thiết, và có thể tạo ra thế mạnh riêng cho các em nếu sau này các em chọn nghề khác. Nó có mối liên quan chung - riêng với nhau như nghề dược với nghề y, như thủ môn và cầu thủ đá bóng của một đội bóng...

Nghề báo và nghề PR khó có thể tách ra làm hai nửa như cắt đôi một củ khoai. Nó có liên quan và hoà quyện nhưng mục đích sử dụng thì nên rạch ròi hơn. Trang PR trong tờ báo và trang nội dung của tờ báo là khác nhau. Hệ lụy là cùng mục đích cung cấp thông tin, nhưng khác nhau là vai trò người cung cấp thông tin. Nhà báo chủ động và chịu trách nhiệm thông tin khi báo thấy cần thiết thông tin cho bạn đọc. Còn PR viết bài bỏ tiền thuê báo đài đăng thông tin của họ. Mập mờ nội dung và tiền bạc sẽ làm bạn đọc mất lòng tin vào thông tin trên báo đài. Mà việc mất lòng tin rất dễ lan truyền dây chuyền như... trò domino.

-  Muốn hạn chế những tiêu cực trong báo giới, anh có đề xuất giải pháp gì không?

+ Tôi nghĩ phải làm nhiều việc lắm, nhưng những việc ấy thuộc về các nhà lãnh đạo và các nhà quản lý, tôi không dám lạm bàn. Một tờ báo mà tới 7-8 đơn vị chịu trách nhiệm quản lý thì trách nhiệm phải ở khâu quản lý trước tiên.

-  Nếu một bạn trẻ cảm thấy thất vọng vì bức tranh báo chí hiện nay, anh khuyên họ điều gì?

+ "Nếu có chữ nếu thì người ta đã có thể bỏ Paris vào trong một chiếc lọ"... Bức tranh báo chí hiện nay quả là không còn được như mong đợi, nhưng tôi vẫn tin sẽ thay đổi được tình trạng đáng buồn này. Có lẽ tôi sẽ khuyên bạn ấy là hãy xác định lại mục đích và đam mê ban đầu của bạn khi chọn nghề báo là gì...
PV
.
.