20 năm đổi mới, văn học trên đường ra biển lớn:

Nguyễn Hòa: Lý luận - phê bình đang cần tới một bản chất khoa học đích thực

Thứ Ba, 31/10/2006, 10:30

Sau 20 năm đổi mới, thành tựu lớn nhất của lý luận - phê bình văn học là đã được tạo điều kiện để bộc lộ hầu như tất thảy các ưu điểm và hạn chế của nó. Thật ra về ưu điểm thì cũng chưa có gì là nhiều nhặn, và cũng chưa có gì đáng để tự hào, còn hạn chế thì xin lỗi, có thể liệt kê ra vô số...

Tôi đã nhiều lần lên tiếng về các “vấn nạn” cốt tử của lý luận - phê bình hiện nay (như sự lạc hậu về lý luận, sự thiếu trách nhiệm trí thức, vai trò của báo chí và xuất bản, công tác tổ chức và quản lý...), song hình như đó chỉ là tiếng nói vào thinh không, chẳng ai buồn nghe, và nhiều người vẫn tiếp tục hành nghề lý luận - phê bình theo các kiểu lối xưa nay người ta vẫn làm.

Là người viết lý luận - phê bình hay có “cảm hứng” phê phán, tôi theo dõi khá chặt chẽ sinh hoạt lý luận - phê bình ở Việt Nam trong 20 qua và điều tôi rút ra được là chúng ta chưa có một nền lý luận - phê bình có tư cách là một chuyên ngành khoa học hoàn chỉnh. Nhiều hội thảo đã được tiến hành, nhiều ý kiến tâm huyết đã được phát biểu và mọi việc vẫn... y như cũ!

Không có ý muốn chê trách bất kỳ một bạn viết nào, song quả thật hiện tượng có người chỉ viết vài bài đọc sách cũng được xem là nhà lý luận - phê bình đã làm cho tôi thấy tình hình đôi lúc “hơi bị” khôi hài. Tôi nghĩ ngày nào nhận xét cảm tính về tác phẩm văn chương cũng được coi là lý luận - phê bình thì ngày đó bản chất khoa học của lý luận - phê bình còn chưa được tôn trọng.

Theo tôi, tình trạng trên đây có một căn nguyên từ một số người làm lý luận - phê bình thuộc thế hệ trước. Thường thì sau khi họ viết rồi công bố một sản phẩm là liền được chấp nhận theo một nguyên tắc bất thành văn rằng: phàm những điều họ viết ra đều được coi là lý luận - nghiên cứu - phê bình và họ là người đã “thủ đắc chân lý”, nhất là với các vị có chức danh học vị hoặc tồn tại trong nghề theo cung cách “sống lâu lên lão làng”!

Thời gian gần đây, tôi nhận thấy các sản phẩm thuộc loại này ngày càng nhiều, và thường là kết quả của một chương trình, một đề tài nghiên cứu nào đó được Nhà nước đầu tư. Sự thoải mái ấy làm cho người khác ngỡ đó là lý luận - nghiên cứu - phê bình mẫu mực và cứ thế... làm theo! Chính thái độ và cách thức làm việc như thế đã không chỉ “hạ giá” lý luận - phê bình, truyền bá những tri thức “giả khoa học” mà còn góp phần kéo lùi sự phát triển của lý luận - phê bình...

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.