Nguyễn Á và những góc ảnh "mặn"

Thứ Năm, 02/10/2014, 08:00
Vị mặn trong giọt mồ hôi của người chiến sĩ Trường Sa, trên gương mặt cương nghị của người Cảnh sát biển ngày Hoàng Sa nổi sóng. Vị mặn của nụ cười, tình người trong bữa ăn giữa con sóng tròng trành, xô giật. Vị mặn biển cả trên đôi tay rám nắng, kéo mẻ lưới đầy của bác ngư dân... Tất cả vị "mặn" đó "thấm" vào từng thớ ảnh, góc máy của Nguyễn Á, để khi đặt ống kính xuống, anh bỗng nghe vị mặn thấm môi mình.

1. Ngày 2/9, triển lãm ảnh "Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã ra đến Hà Nội. Trước đó, triển lãm đã khai mạc tại Nhà Văn hóa Thanh niên, TP HCM và trưng bày tại Đà Nẵng. Cứ khoảng hơn một năm, Nguyễn Á lại cho ra mắt một triển lãm ảnh mới. Mà triển lãm nào cũng công phu khiến người ta ngỡ ngàng. Để chuẩn bị cho những cuộc triển lãm ảnh của mình, khâu chuẩn bị của Nguyễn Á cũng ngót nghét hàng năm trời.

Từ năm 2012 đã nghe anh khoe có gần trăm bức về Trường Sa rồi. Thời gian sau, mỗi độ có tàu ra Trường Sa, gọi hỏi thăm anh, đã nghe giọng anh sang sảng cùng tiếng sóng. Hóa ra, hồi cùng đoàn công tác thăm các nhà giàn DK1 năm 2010, anh đã yêu biển, yêu người chiến sĩ vượt lên mọi gian lao, ngày đêm canh giữ biển trời. Ý tưởng bộ ảnh về biển đảo bắt đầu từ đó. Bốn năm, năm lần Nguyễn Á ra Trường Sa để "lăn, lê, bò, toài", "săn" góc ảnh ưng ý.

Là nhiếp ảnh gia tự do, không thuộc cơ quan, đoàn thể nào nên việc đặt chân lên tàu ra hải đảo đối với Nguyễn Á là chuyện không đơn giản. Trường Sa anh còn được du di, chứ hôm đi Hoàng Sa, nếu anh không tận dụng mọi mối quen biết, năn nỉ cả ngày trời, thì có lẽ bây giờ bộ ảnh này cũng sẽ không hoàn chỉnh, mãi mãi thiếu những khoảnh khắc lịch sử ghi lại lòng yêu nước của dân tộc trỗi dậy, sục sôi.

Đặt chân lên tàu Kiểm ngư 628, Nguyễn Á thú thật, những ngày đầu, chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc hung hăng truy đuổi, đâm va và bắn vòi rồng, anh rất lo lắng, sợ hãi. Nhưng sự bình tĩnh, khéo léo đối phó của các kiểm ngư viên đã khiến anh thêm vững lòng. Trái tim nóng thúc giục, Nguyễn Á cứ lao ra khỏi cabin, cả ngày giang nắng để chụp đủ mọi góc ảnh. Trở về đất liền, chưa hài lòng với những gì mình chụp được, Nguyễn Á lại năn nỉ ra Hoàng Sa một lần nữa để chụp cặn kẽ, khắc họa thật rõ nét hình ảnh của các chiến sĩ ngày đêm bám biển.

Các chiến sĩ Cảnh sát biển trong những ngày làm nhiệm vụ tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Á.

"Đối với tôi, may mắn lớn nhất của cuộc đời mình chính là việc được ra quần đảo Hoàng Sa trong thời khắc nghiêm trọng ấy. Ra đây tôi mới cảm nhận hết sự vất vả gian khổ nhưng rất anh dũng của các chiến sĩ Cảnh sát biển, Kiểm ngư. Ghi lại những khoảnh khắc lịch sử ở Hoàng Sa, tôi muốn góp tiếng nói bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo này. Với tôi, đó còn là trách nhiệm của một người thanh niên đối với đất nước" - Nguyễn Á bộc bạch.

Đến xem triển lãm của Nguyễn Á mới thấy hết tình cảm dạt dào anh dành cho biển đảo. Bộ ảnh gần 1.000 bức kể câu chuyện về cuộc sống đời thường, lao động của các ngư dân, nhân dân trên đảo; hình ảnh sinh hoạt và chiến đấu của các lực lượng thực thi pháp luật tại vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Đó còn là sức sống bất diệt được làm nên từ bàn tay con người ở Trường Sa: màu xanh cây cỏ, đàn bò nhởn nhơ, tiếng chuông chùa ngân vọng, ngọn hải đăng sừng sững, buổi sớm mai trên biển…

Những bức ảnh cận cảnh bữa ăn vội vã của các chiến sĩ Kiểm ngư, khuôn mặt ngư dân cháy nắng, đen sạm cười giòn dưới lá cờ Tổ quốc tung bay trên sóng nước, giờ chăm vườn rau của lính nhà giàn, nước mắt của người mẹ chiến sĩ hải quân chảy dài khi ôm đứa con xa nhà… tất cả thần thái trên gương mặt của mỗi nhân vật ấy đều được ống kính của Nguyễn Á đặc tả, toát lên một niềm tin mãnh liệt. Đặc biệt, triển lãm dành nhiều hình ảnh đặc tả các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Nguyễn Á tâm sự rằng những chuyến đi Hoàng Sa, Trường Sa để lại cho bước đường rong ruổi của anh nhiều kỷ niệm ấm áp: "Có đảo tôi đến ba lần trong ba tháng. Khi tôi đến đảo Trường Sa Lớn, một bà mẹ mang thai sáu tháng, đến khi tôi trở về thăm lại thì đứa bé đã chào đời. Hành trình để một đứa con ra đời trên đảo, tôi kể lại bằng chiếc máy ảnh. Những người dân trên đảo cứ có thứ gì hay hay lại mang biếu mình. Tôi cũng chẳng có gì hơn, nên mỗi lần đi chỉ mua được ít bánh kẹo biếu họ. Vậy mà mỗi lần gặp, họ cứ nhắc hoài. Rồi phút chia tay người đi kẻ ở trên tàu Kiểm ngư 628, mắt ai cũng hoe đỏ. Tôi đưa máy ảnh lên chụp, bấm một hồi, tự dưng mới biết mình khóc". 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á bên nhà giàn DK1.

Song hành với triển lãm, Nguyễn Á còn cho ra mắt cuốn sách ảnh cùng tên. Nội dung cuốn sách được chia làm bốn phần: "Hoàng Sa", "Trường Sa", "Nhà giàn DK1" và "Đảo Lý Sơn" với sự chấp bút, trình bày của các nhà báo, dịch giả, biên tập viên… Có thể ví cuốn sách như một biên niên ký bằng ảnh đầy sống động về con người, địa lý, cảnh vật và các sự kiện liên quan đến hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đó là một bằng chứng hùng hồn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng không ai có thể chối cãi.

2. Mỗi lần gặp gỡ, tôi vẫn thường để ý đến mái tóc xoăn của Nguyễn Á -  ấn tượng từ lần đầu gặp tại "Đẹp Fashion Show 10". Anh cười: tóc xoăn tự nhiên chứ không phải uốn cho ra chất lãng tử đâu. Chợt nhớ khi còn sống, có lần NSND Y Moan từng xoa đầu anh mà rằng: "Mình kết nghĩa làm anh em được đấy, vì… em có mái tóc giống anh quá". Mái tóc xoăn có chút gì hoang dại, ngông nghênh.

Giới nhiếp ảnh vẫn thường kháo nhau rằng Nguyễn Á bị "giời đày". Nghe vậy, anh chỉ cười. Ừ, thì coi như cái số anh bị "giời đày", làm những việc mà người ta bảo là điên rồ, chẳng giống ai. Để rồi sau đó, họ lại xoa bù cái đầu xoăn: "Cảm ơn mày, nghe Á!".

Làm bộ ảnh triển lãm, túng đầu này, thiếu đầu kia anh lại xuôi ngược vay mượn. Nếu trước khi diễn ra triển lãm anh trằn trọc, lo lắng bao nhiêu thì bây giờ anh thư thái bấy nhiêu dù lúc này phải lo "cày" để trả nợ. Bạn bè, đồng nghiệp vẫn chặc lưỡi: Chắc chỉ có thằng Á "giời đày" mới dám làm những chuyện ngông như thế. Những bộ ảnh "Thanh niên tình nguyện" năm 2008, "Họ đã sống như thế" năm 2009, "Tâm và tài - Họ là ai?" năm 2012; "Nick Vujicic - Những ngày ở Việt Nam" năm 2013, đều do anh tự móc tiền túi trang trải từ khi bấm kiểu ảnh đầu tiên. Bao nhiêu tổ chức, cá nhân xin tài trợ, anh đều nhã nhặn khước từ. Dù túng thiếu, anh vẫn sẵn sàng rửa ảnh biếu tặng nhân vật nếu họ ngỏ ý nhưng tiền thì không bao giờ nhận. Và nếu in sách, bao giờ anh cũng xin nhà xuất bản hạ mức giá bán sách thấp nhất. Người ta bảo Á sĩ diện quá chỉ tổ làm khổ mình. Anh không bận tâm, ngược lại anh thấy tự hào về sự khốn khổ "giời đày" của mình. Cái tôi của một người nghệ sĩ không cho phép anh kinh doanh những gì làm nên bằng trái tim, đặc biệt đó lại là nghệ thuật.

Việc làm của Nguyễn Á khiến không ít người hồ nghi. Gã tóc xoăn này muốn chơi trội, muốn gây ấn tượng bằng việc bỏ tiền tỷ để thực hiện triển lãm ảnh ư? Nhưng chơi trội gì nữa, ấn tượng gì nữa khi mới 20 năm gắn bó với nghề anh đã đoạt hàng chục giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong và ngoài nước.

Ai nói gì, Nguyễn Á cũng cười. Nụ cười như nắng, hồn nhiên và tinh nghịch, không lẩn khuất những bon chen, toan tính. Anh không an phận bó buộc mình với ánh đèn studio chụp hình người mẫu, đám cưới. Bởi nếu có ý nghĩa, studio chỉ có ý nghĩa với một vài cá nhân. Còn chuyện anh làm bây giờ, nó mang ý nghĩa cho cả cộng đồng, cho nhiều thế hệ. Ít ra với anh, làm gì đó cho cộng đồng khiến anh vui hơn là kiếm tiền sau mỗi buổi chụp ở studio. Sung sướng nào hơn, khi qua những việc làm đó, chính anh đang thực hiện trách nhiệm công dân của mình với đất nước. Biển trời thỏa chí vẫy vùng nam nhi.

Nguyễn Á gửi cho tôi vài bức ảnh anh đang tác nghiệp ở Trường Sa. Mở mail, chợt thấy một anh chàng tóc xoăn đeo máy ảnh, tinh nghịch dang rộng đôi tay như chú chim hải âu trên đại dương mênh mông, phía xa là nhà giàn DK1. Nụ cười vẫn ở đó, hồn nhiên mà chất chứa bao vị mặn nặng lòng

Quỳnh Nga
.
.