Nguồn cảm hứng nhân văn về con người

Thứ Sáu, 25/06/2021, 11:26
Ô nhiễm môi trường sống không còn là một câu chuyện mới nhưng khi hình ảnh rác nhựa xuất hiện ở đáy đại dương được công bố, thực sự đã gợi lên trong chúng ta một sự thất vọng. Nỗi thất vọng mang tên... con người.


Con người đã làm gì để thiên nhiên không còn bí ẩn và diệu kì? Có thể, khi những chúa tể rừng xanh như sư tử, hổ, tê giác bị bắn hạ hay các vị “vua” của biển cả bị vây bắt, người ta mới chỉ thấy xót xa mà quên rằng: mưa lũ, hạn hán mới chính là sự tổn thương ghê gớm nhất bởi khi tự nhiên không còn có thể cân bằng, hài hòa được nữa, có nghĩa là một sự xấu hổ với chúng ta. Đã đến lúc con người phải  đối mặt với chính mình. “Con người  nạn nhân” trong mỗi chúng ta phải đối diện với “con người thủ phạm” để cật vấn, lý giải sự tàn nhẫn đó. Liệu có còn niềm tin ở con người? Con người có còn là một nguồn cảm hứng thực sự nữa hay không?

Hiện thực của đời sống tự nhiên là vậy, còn trong thời đại 4.0, con người đã tạo ra cho mình một hiện thực khác mang tính xã hội. Chúng ta gọi đó là thế giới ảo, mạng ảo, cộng đồng ảo, xã hội ảo… được mã hóa, số hóa và mang tính quy ước, dựa trên nguyên tắc cộng đồng, đạo đức cộng đồng. Nếu trong đời sống tự nhiên, con người luôn tìm cách khai thác nguồn lợi có sẵn từ tài nguyên thì ở đây, thông tin chính là nguồn tài nguyên vô tận để chia sẻ và tương tác. Chúng ta vừa khai thác nó từ cá nhân khác, à chính mình cũng rất có thể sẽ trở thành mục tiêu của ai đó bởi luôn tồn tại một ranh giới mong manh giữa sự hiếu kì và sự chân thành thương cảm.

Christian Eriksen đã tạo ra một hiệu ứng lan tỏa về tính nhân văn.

Đêm 12/6, trong trận đấu giữa Đội tuyển Đan Mạch gặp ĐT Phần Lan, ở vào phút thứ 43, tiền vệ Christian Eriksen của Đan Mạch bất ngờ bị đột quỵ, ngã gục trên sân cỏ. Trong vòng 13 phút khi Eriksen được đội ngũ y tế cấp cứu, các cầu thủ Đan Mạch đã tạo thành một vòng trong kín vây xung quanh anh khiến không ít người thắc mắc: họ đang cầu nguyện để Eriksen được bình an hay đang bảo vệ hình ảnh của Eriksen? Câu trả lời thứ 2 có vẻ hợp lý hơn trong bối cảnh hiện nay. Điều này hoàn toàn khác với khi tiền vệ Morosini của CLB Livorno gục ngã ở phút thứ 31 trong trận đấu giữa Livorno và Pescara thuộc giải Serie B vào ngày 14/4/2012. Mặc dù khi đó Morosini đã được các nhân viên y tế chăm sóc (và đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 25) nhưng không có một sự che chắn nào từ phía những người đang có mặt trên sân như với Eriksen hôm vừa qua. 

Vậy tại sao lại có sự khác biệt đó? Trong thời đại ngày nay, một con người kể cả khi không làm chủ được bản thân và gục ngã nhưng vẫn phải đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn. Trong hàng tỉ người đang ngồi trước màn hình ti vi để theo dõi trận đấu lúc đó, có ngàn vạn người thật sự lo âu nhưng lại vẫn có những kẻ chỉ soi mói  muốn biết được khoảng khắc thê thảm nhất của một cầu thủ. Đó là hai cách sống, hai con đường, hai sự lựa chọn cùng xuất hiện trong thời của mạng xã hội mà mỗi cá nhân đều là nguồn phát, phân tích, chia sẻ.

Thông thường, một sự dũng cảm, mạnh mẽ mới tạo được ấn tượng và gây được sự chú ý chứ không phải là một tai nạn đáng tiếc. Nhưng, khi trao danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất trận" cho Eriksen, Chủ tịch UEFA Aleksander eferinda đã tuyên bố: "Bóng đá là một trò chơi đẹp mắt và Christian đã chơi bóng đá một cách đẹp mắt" (theo Báo Thanh niên). Cái đẹp mà người đứng đầu Liên đoàn bóng đá châu Âu nhắc đến chắc chắn không thể là trình độ chuyên môn, là bàn thắng hay khả năng kiến tạo mà ở sự tận hiến. Các cầu thủ đã quá mệt mỏi để phục vụ cho môn thể thao với quy một ngành công nghiệp như thế. Chẳng phải quá lời khi danh thủ Toni Kroos từng lên tiếng: "cầu thủ chỉ như con rối của cả FIFA và UEFA" (theo Báo Lao động), những cầu thủ châu Âu đang trở thành vật hi sinh của của những giải đấu thu thu hút khán giả vì nhu cầu giải trí. Tưởng như, câu chuyện của Eriksen chỉ là sự cảnh báo cho nguy cơ quá tải từ các cầu thủ nhưng nó lại mở ra một bật ngờ. Đó chính là những giá trị nhân văn mà bóng đá mang lại. 

Rác thải nhựa đang phá hủy đại dương.

Bóng đá luôn thu hút được sự quan tâm của công chúng trên toàn thế giới không thua kém các sự kiện chính trị, tôn giáo ở các quốc gia đang phát triển. Có lẽ, khi chàng cầu thủ Đan Mạch ngã xuống mặt cỏ trên sân Parken (Copenhagen-Đan Mạch), hàng tỉ người đang theo dõi trận đấu qua màn hình ti vi đều không thấy hẫng hụt vì trận đấu bị gián đoạn mà thực sự đã chuyển sự quan tâm của mình sang cổ vũ khích lệ cho sự hồi phục của Eriksen. Trong giây phút ăn mừng bàn thắng, danh thủ ở nhiều đội dành những cử chỉ, hành động để cổ vũ anh. Từ câu chuyện này, gợi cho chúng ta những góc nhìn về con người.

1. Muốn tạo ra một cuộc sống thân thiện với môi trường, trước hết con người phải nhân ái từ trong tâm hồn. Sự nhân ái như một thứ tài nguyên cần được tái tạo chứ không chỉ khai thác nếu như không muốn nó sớm cạn kiệt. Khi những bài học về đạo lý giữa người với người, khi những câu chuyện về tình nhân ái giữa người với thiên nhiên đã quá cũ kĩ, sáo mòn thì cần phải có những sự thật mới mẻ, những tấm gương mới mẻ. 

Hình ảnh các cầu thủ đội tuyển Bỉ đá bóng ra ngoài ở phút thứ 10 trong trận đấu với Đan Mạch trong đêm 17/6 và vỗ tay trong 1 phút như một cách cổ vũ cho Christian Eriksen khiến người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới hết sức cảm động. Một hiệu ứng Christian Eriksen đã xuất hiện, nó không hề xuất phát từ một chiêu trò của giới truyền thông mà là một nguồn cảm hứng nhân văn về con người. Bất kể trong lĩnh vực nào, trong giai đoạn nào, con người nhân ái luôn là khởi nguồn của mọi sáng tạo. 

2. Con người ở khía cạnh nhân bản trở thành giá trị cốt lõi của sự phát triển. Cũng như bóng đá, các ngành công nghiệp văn hóa, giải trí xuất hiện và hình thành đem lại lợi nhuận cho các quốc gia. Tuy nhiên, việc lấy con người nhân bản làm trung tâm, làm mục tiêu phát triển mới là điều đáng trân trọng. 

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam từng phát biểu: “Với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đạt được mức phát triển con người cao. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tới” (theo Báo Công an nhân dân). 

Chỉ khi con người nhân bản được thụ hưởng các giá trị tốt đẹp mới tạo ra một xã hội văn minh. Nhìn cách mà những người Việt Nam ứng xử khi xảy ra đại dịch trong hơn năm qua cho thấy một sự nhìn nhận mới về con người. Người có số phận không may mắn, người gặp rủi ro không tạo ra một sự bi quan trong suy nghĩ chúng ta mà thôi thúc chúng ta tạo ra những việc làm văn minh và nhân ái.

3. Từ câu chuyện của chàng tiền vệ Christian Eriksen dấy lên một câu chuyện về con người, lan tỏa một nguồn cảm hứng. Người ta không bàn nhiều về tài năng, về đóng góp của anh cho thể thao thế giới; người ta cũng không dành cho anh sự thương hại mà là một sự trân trọng những nỗ lực tận hiến. Anh đáng được trân trọng vì đã đánh thức sự nhân ái trong mỗi chúng ta. Hay nói cách khác, đó là một mục tiêu khác mà những nhà tổ chức sự kiện bóng đá châu Âu đã dành cho khán giả yêu chuộng thể thao chân chính.

Có thể vòng chung kết Euro sẽ khép lại với những ngôi sao được vinh danh nhưng chắc chắn rất lâu sau người ta sẽ còn nhắc đến Christian Eriksen - chàng tiền vệ mang áo số 10 như một người đã đem lại cảm hứng về con người trên sân cỏ. Nếu một ngày nào đó hình ảnh của anh không chỉ dừng lại trên sân cỏ mà bước vào sáng tạo nghệ thuật thì hẳn sẽ không có gì bất ngờ bởi nguồn cảm hứng về con người chưa bao giờ cũ…

Mai Phương
.
.