Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân:

Người xứ Đông “phải lòng” Hà Nội

Thứ Sáu, 23/10/2015, 08:00
Tại lễ trao giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" năm nay, "Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội" đã vinh danh nhà nghiên cứu Giang Quân - người được ví như cuốn "từ điển sống về Hà Nội". Dù không sinh ra ở đất Thăng Long nhưng những gì mà nhà nghiên cứu này dành cho Hà Nội trong suốt hơn nửa thế kỷ qua thật đáng trân trọng. Đó là hơn 30 cuốn sách đứng tên riêng về đất và người Hà Nội, là hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu đứng tên chung với các tác giả khác... Nhưng trên tất cả là một đời người, một tấm lòng lúc nào cũng tâm huyết, si mê và đau đáu với văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Những người có mặt lại Lễ trao giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" cuối tháng 9 vừa qua đã không khỏi xúc động khi chứng kiến hình ảnh nhà nghiên cứu Giang Quân ngồi trên xe lăn lên nhận giải. Di chứng của 3 lần tai biến đã khiến ông bị liệt nửa người nhưng may mắn trí não vẫn rất minh mẫn. Gần 90 tuổi, có thể nói nhà nghiên cứu Giang Quân là người của thế hệ trước nhưng cách nói chuyện say mê, hào hứng và đặc biệt phong thái trẻ trung, dí dỏm của ông luôn khiến câu chuyện vô cùng thú vị. Ngồi trò chuyện cùng ông trong căn nhà mà theo ông "gia tài lớn nhất là những cuốn sách" tại phố Khâm Thiên, chúng tôi càng thêm hiểu, thêm ngưỡng mộ và yêu kính một tấm lòng như thế với Hà Nội.

Nhà nghiên cứu Giang Quân nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

"Tôi cũng là nhà báo, có thẻ hẳn hoi và đến nay vẫn thường xuyên viết bài cộng tác với một số cơ quan báo chí nên chúng ta là đồng nghiệp nhỉ?" - nhà nghiên cứu Giang Quân đã mở đầu cuộc trò chuyện một cách tự nhiên gần gũi khiến chúng tôi có cảm giác như được quen biết ông từ lâu lắm rồi. Chuyện xa chuyện gần rồi bao giờ với ông, cũng là chuyện Hà Nội, điều ông đau đáu suốt cuộc đời mình: "Tôi là người nhà quê, sinh ra và gắn bó quãng đời thơ ấu của mình ở một ga xép nhỏ là ga Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Năm 1950, khi ngoài 20 tuổi, tôi lên Hà Nội sinh sống. Và rồi con người nhà quê trong tôi được cái nét thanh lịch hào hoa của người Hà Nội cuốn hút. Tôi may mắn được quen biết và tiếp xúc với những gia đình văn hóa như gia đình ông Hoàng Đạo Thúy, gia đình Giáo sư Nguyễn Lân... tôi mê lắm và nhủ thầm trong lòng sẽ cố gắng để sống và lao động theo những giá trị ấy. Năm 2011, tôi được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, tức là sau 70 năm Hà Nội đã nhận tôi là con. Gần đây nữa lại là giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" thì tôi mừng quá vì sự ghi nhận ấy có nghĩa mình đúng là người Hà Nội thật rồi. Nhiều người hỏi tôi rằng, tại sao tôi lại yêu Hà Nội đến thế và chỉ nghiên cứu riêng về mảnh đất này? Tôi là nhà báo, công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, phụ trách biên tập tờ tạp chí của Sở nên công việc cho tôi điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu về đất và người Hà Nội. Với tôi, cảnh quan tự nhiên của Hà Nội rất đẹp với những địa danh lịch sử như Hồ Gươm, Văn Miếu, Hồ Tây...

Người Hà Nội xưa rất thanh lịch, chỉ cần nhìn thoáng qua là biết. Từ cách ăn nói, đi đứng, người Hà Nội đều từ tốn, nhẹ nhàng. Ví dụ như người Hà Nội đích thực không bao giờ đeo vàng bạc khắp người như nhiều người giàu có bây giờ. Có khi họ rất giàu nhưng cũng chỉ đeo một chiếc nhẫn ở ngón tay. Còn về ứng xử, người Hà Nội luôn có ý thức tìm và dùng những ngôn ngữ đẹp trong cuộc sống để trao đổi với nhau. Tôi "phải lòng" văn hóa Kẻ Chợ, si mê văn hiến Thăng Long vì thế".

Tình yêu Hà Nội đã khiến anh công chức của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội ngày ấy không ngừng tìm hiểu về văn hóa Thủ đô. Nửa thế kỷ qua, bước chân ông có mặt trên mọi địa danh Hà Nội. Những chuyến đi điền dã nghiên cứu, ông không bao giờ nghỉ ở nhà khách mà thường nhờ cán bộ địa phương thu xếp cho được ngủ ở nhà người già nhất làng hay khu phố. Những hiểu biết, những ghi chép về từng căn nhà, góc phố của Hà Nội cứ đầy thêm sau từng chuyến đi.

Năm 1984, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô, ông đã cho xuất bản cuốn "Thủ đô Hà Nội". Đây là cuốn sách tâm huyết đầu tiên của ông về Hà Nội, cũng có thể coi như cuốn sách đầu tiên mang tính chất "cẩm nang" về Hà Nội. Những yếu tố địa chí như đường thủy, đường bộ, chợ và những yếu tố văn hóa như phong tục tập quán, nghề truyền thống, đặc sản... được phản ánh một cách đầy đủ và khái quát.

Được biết sau này, cuốn sách còn được bổ sung, tái bản nhiều lần. Nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã chọn cuốn sách làm quà tặng cho bạn bè quốc tế. Sau này, một loạt những cuốn sách quý của ông về Hà Nội tiếp tục ra đời là kết quả của những tìm hiểu, nghiên cứu sâu kỹ về Hà Nội như "Ký sự địa chí Hà Nội", "Từ điển đường phố Hà Nội", "Hà Nội trong ca dao tục ngữ", "Văn hóa gia đình người Hà Nội"... Những công trình ấy cho thấy sự nghiên cứu toàn diện từ lịch sử, phong tục truyền thống đến văn hóa của Thủ đô. Lĩnh vực nào của văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong ông cũng hết sức uyên thâm. Giáo sư sử học Phan Huy Lê đánh giá: "Nhà nghiên cứu Giang Quân là người yêu Hà Nội bền bỉ và lặng lẽ".

Một số tác phẩm về Hà Nội của nhà nghiên cứu Giang Quân.

Yêu Hà Nội, với nhà nghiên cứu Giang Quân là hiểu và yêu từng góc phố, trong đó có con phố Khâm Thiên nơi ông gắn bó cả cuộc đời mình. "Tôi ở Khâm Thiên được 65 năm rồi. Trước giải phóng, nhà tôi có hiệu sách Quốc Việt rất to do bà nhà tôi quản lý với nhiều loại sách phục vụ đủ các thế hệ trong một gia đình. Sau giải phóng Thủ đô, bà nhà tôi chuyển sang công tác cho hiệu sách quốc doanh Đống Đa cung cấp các loại sách giáo khoa cho trường học và sách cho thư viện. Nhiều người sống lâu năm ở phố Khâm Thiên vẫn nhớ bà nhà tôi là chủ hiệu sách lịch sự và hiền hậu. Ai không đủ tiền mua sách bà sẵn sàng cho đọc ké miễn là giữ gìn sách cẩn thận vì ngày đó sách mới chỉ rọc 1 mặt, không rọc sẵn 3 mặt như bây giờ.

Nhà tôi mê sách nên rất ủng hộ công việc của chồng mặc dù tôi đi suốt và có khi mang cả tiền nhà đi. Tôi thường gọi Khâm Thiên là phố "hỉ, nộ, ái, lạc" bởi nó chứa đựng đầy đủ mọi cung bậc của cuộc sống. Khi xưa, Khâm Thiên nổi tiếng là phố cô đầu. Tôi nhớ các văn nghệ sĩ như Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Tô Hoài... vẫn thường tới đây nghe hát ca trù. Chị em cô đầu có sự quý trọng đặc biệt với các văn nhân nên nhiều khi sẵn sàng cho nghe hát chịu... Tận mắt chứng kiến và sống với sự đổi thay của Khâm Thiên, tôi đã viết riêng cho con phố này cuốn sách có tên "Khâm Thiên gương mặt cuộc đời". Năm 2014, sách đã được bổ sung và tái bản".

Với nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" không đơn thuần chỉ là sự vinh danh cho những đóng góp lớn lao của ông với Hà Nội mà còn là cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa ông với người họa sĩ tài hoa. Ông kể lại mà nước mắt ứa ra: "Tôi có nhiều kỷ niệm với họa sĩ Bùi Xuân Phái lắm vì sách của Sở Văn hóa - Thông tin ngày tôi phụ trách chủ yếu do Bùi Xuân Phái vẽ bìa. Hôm tôi lên nhận giải, gặp vợ họa sĩ Bùi Xuân Phái. Bà bảo với tôi "Vui quá vì được gặp bác ở đây. Không ngờ sau bao năm, dù người còn, người mất nhưng anh em bác lại gặp nhau thế này"...

Ba lần tai biến khiến cho sức khỏe của ông yếu đi nhiều dù may mắn là tay phải vẫn cầm được bút. "Tôi vẫn cố gắng ít nhất mỗi ngày ngồi vào bàn viết 4 tiếng. Có hôm giữ được cảm xúc ngồi viết luôn đến tối. Nhưng sức khỏe không cho phép nên nhiều công trình của tôi còn dang dở như "Top ten Hà Nội", một cuốn về phong tục tập quán lễ hội vùng Hà Nội mở rộng... Nhưng cũng may đều là những tác phẩm làm cùng người khác nên nếu tôi không tham gia được thì các anh sẽ hoàn thiện nốt". Yêu và nặng lòng cùng Hà Nội nên ông cũng không khỏi chạnh lòng khi Hà Nội ngày nay không còn giữ được những nét thanh lịch như những ngày xưa cũ. Ông cho rằng Hà Nội giờ đây chỉ còn 1/3 là người Hà Nội gốc, còn lại là người ngoại tỉnh nhập cư. Mỗi vùng quê đều có vẻ đẹp của vùng quê ấy, tuy nhiên, có nhiều người đến Hà Nội nhưng còn rơi rớt lối sống tự do, tùy tiện nên văn hóa Hà Nội cũng bị ảnh hưởng. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Nó khiến tính hào hoa của người Hà Nội bị phai nhạt.

Coi trọng đồng tiền, lợi danh một cách thái quá khiến cho nhiều giá trị đạo đức bị xem nhẹ. Dù không khỏi chạnh lòng khi ngoài ông và nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì vẫn chưa có người thứ 3 theo đuổi con đường này nhưng ông vẫn tin tưởng: "Mong người Hà Nội ngày nay hãy sống và lao động bằng cách ứng xử thanh lịch của người Tràng An thì văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ vẫn giữ được vẻ đẹp riêng của mình trong thời đại mới".

Thảo Duyên
.
.