Nhuận bút của nhà văn:

Người viết lúc nào cũng phải xoay sở vì tiền

Thứ Hai, 24/09/2007, 15:05
Một gia đình mà hai vợ chồng cùng làm văn chương như chúng tôi là rất chật vật. Viết văn xuôi còn chẳng sống được bằng nghề, nói gì đến thơ.

Trong đời chúng tôi, món quà lớn nhất mà văn chương mang lại (bằng tiền) chính là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ đều được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật - PV).

Những khoản nhuận bút lớn nhất đều nhờ vào các cuốn văn xuôi của ông Tường, đó là mấy cuốn bút ký và cuốn viết về Trịnh Công Sơn.

Hồi đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, gia đình tôi khó khăn đến nỗi, đã có lúc tôi định đi làm phục vụ quán cà phê của chị Phương Chi, một người bạn của chúng tôi.

Nhuận bút trả cho các tác phẩm văn học thực tình là quá thấp, khiến cho người viết lúc nào cũng phải xoay sở về tiền. Để đảm bảo cuộc sống và nuôi dưỡng niềm đam mê quả là không dễ dàng chút nào. Con gái tôi rất yêu văn học nhưng nó không đi theo nghiệp sáng tác, vì nó nhìn ba mẹ thấy cực quá. Hiện tại chúng tôi sống bằng lương hưu và trông vào sự giúp đỡ của các con.

Ông Tường đau ốm chục năm nay cũng chỉ dựa vào sự giúp đỡ của con cái, bạn bè, chứ tiền dành dụm từ nhuận bút là hoàn toàn không có. Các nhà văn sống được bằng nghề vẫn là con số rất ít, phần nhiều còn lại đang phải vật lộn, bươn chải, điều này khiến tôi chạnh buồn.

Trong khi đó, có nhiều đầu nậu giàu lên trông thấy vì in và tiêu thụ sách bán chạy của các nhà văn. Một số NXB và đơn vị làm sách cứ ngang nhiên lấy tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ để sử dụng, in ấn mà không cần hỏi ý kiến tác giả, không gửi tặng một cuốn sách chứ đừng nói đến việc trả nhuận bút.

Bản thân tôi cũng nhiều lần bị họ xâm phạm bản quyền, in và trích thơ mình một cách tùy tiện, không trả nhuận bút. Tất nhiên mình có thể đi kiện vì họ vi phạm bản quyền, nhưng lấy đâu ra thời gian, công sức mà theo hầu tòa được?

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.