Họ là những thiên thần áo trắng

Thứ Năm, 17/06/2021, 17:22
Đêm về, Bệnh viện dã chiến số 2 chưa bao giờ ngủ. 10 ngày trôi qua, những "thiên thần áo trắng" ấy đã làm việc trong một guồng quay không ngơi nghỉ để mong sao hơn 600 bệnh nhân của họ sớm lành bệnh, trở về với cuộc sống bình thường. Họ đang thức vì nhân dân, vì một Bắc Giang an toàn.


Những liều thuốc thần kỳ

Vừa trút bỏ bộ quần áo bảo hộ y tế sau 6 giờ liên tục làm việc trong Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang, bác sỹ Trần Hoài Nam trong nhóm bác sỹ số 5 của Bệnh viện dã chiến số 2 dường như quên đi hết mệt mỏi khi nhắc về những bệnh nhân của mình. Anh cho biết: "Các bệnh nhân ở đây chủ yếu là công nhân trẻ nên khi họ bị nhiễm SARS-CoV2, vào đây điều trị bệnh cũng là một cú sốc tâm lý đối với họ. Điều quan trọng trong việc thăm khám, chăm sóc cũng như điều trị bệnh đối với những bệnh nhân này chúng tôi phải song hành với các liệu pháp điều trị tâm lý cho họ".

Một số bệnh nhân khi mới nhập viện có tâm lý rất lo lắng. Cho nên, các y bác sỹ, điều dưỡng ở đây đã quan tâm đến việc tác động về mặt tâm lý cho họ để họ lạc quan trong lúc này là điều hết sức cần thiết. Trực tiếp các y bác sỹ, điều dưỡng động viên qua những lời nói nhẹ nhàng. Mỗi phòng bệnh được bố trí hai bệnh nhân ở cùng cũng tạo điều kiện cho họ có cơ hội chia sẻ tình cảm trong những ngày nằm điều trị bệnh dài ngày ở đây. 

Đồng thời, các bệnh nhân ở 4 khu A,B,C,D trong Bệnh viện dã chiến số 2 được tham gia vào 4 nhóm Zalo để cùng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình. Cũng thông qua đây, các y, bác sỹ trực tiếp điều trị bệnh nhân ở các kíp trực và các bác sỹ điều phối sẽ hướng dẫn, tư vấn, giải thích những thắc mắc của bệnh nhân về bệnh COVID-19 cũng như tình trạng bệnh của bệnh nhân; động viên, tác động tâm lý để người bệnh yên tâm chữa trị và thực hiện đúng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bệnh nhân Lăng Thị H, 34 tuổi, là công nhân ở khu công nghiệp huyện Việt Yên nhập viện trong tình trạng dương tính với SARS-CoV2. Chị chia sẻ: "Khi nhận được thông tin bị dương tính, thật sự bản thân lo lắng vô cùng. Vào nhập viện Bệnh viện dã chiến số 2 này, ngày đầu tiên, những lo lắng vẫn cứ dồn dập đổ về chị. Bởi đây là căn bệnh nguy hiểm, có những chuyển biến nhanh, trong khi đó ở đây chỉ có một mình không có người thân hỗ trợ… Song đến ngày thứ 2, thứ 3 sau đó, những lo lắng cũng dần vơi đi bởi trong bệnh viện, bên cạnh chị lúc nào cũng có các y, bác sỹ. Thấy có biểu hiện ho, khó thở, mệt mỏi, chị gọi là bác sỹ đến khám ngay, rồi phát thuốc để uống. 

Các y, bác sỹ CAND tại Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang. 

"Các bác sỹ phát cho lọ thuốc điều trị ho, có thuốc uống thật là yên tâm. Nếu không có bác sỹ, không có thuốc thì bệnh nhân chúng em lo lắng lắm. Đêm hôm trước, em đã đi ngủ rồi nhưng các bác sỹ vẫn mang máy đến khám, đo, rồi mang thuốc đến. Chúng em ở đây chỉ biết trông cậy vào các bác sỹ mà thôi. Trong hoàn cảnh bệnh dịch như thế này, những bệnh nhân chúng em biết ơn các bác sỹ nhiều lắm, không gì có thể đo đếm được"- Bệnh nhân H chia sẻ.

Bệnh nhân Chu Thị M, 23 tuổi, là công nhân ở Khu công nghiệp huyện Việt Yên cũng không giấu nổi cảm xúc của mình khi trong những ngày nằm điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 được chăm sóc đầy đủ từ bữa ăn, nước uống, thuốc men hằng ngày. "Trong lúc đại dịch này, các y bác sỹ trong những bộ quần áo màu trắng, em chỉ nhìn thấy đôi mắt như nhòe đi vì những giọt mồ hôi nhỏ xuống. Em không biết họ là ai mà chỉ biết gọi họ là những "Thiên thần áo trắng". Qua những lời động viên, các y bác sỹ ở đây đã giúp em thêm tự tin để chiến thắng với dịch bệnh. Mọi nỗi sợ hãi cũng đã được xua tan. Và mỗi miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày ở trong bệnh viện dã chiến này, những bệnh nhân như em thầm biết ơn biết bao người ở bên ngoài đang ngày đêm phục vụ chúng em''.

Nơi những trái tim hướng về

Điều dưỡng Nguyễn Bá Tùng ở khoa Nội - Thận - Khớp, Bệnh viện 19-8 hiện đang chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến số 2 chia sẻ: Trong những ngày vừa qua, Bắc Giang là tâm điểm dịch nóng nhất của cả nước. Hàng nghìn bệnh nhân COVID - 19 đang phải điều trị tại các Bệnh viện của tỉnh Bắc Giang cũng như tại các Bệnh viện dã chiến. Tại Bệnh viện dã chiến số 2 này, hơn 600 bệnh nhân đang được đội ngũ y tế địa phương và đội ngũ y tế Công an nhân dân trực tiếp điều trị. Số lượng bệnh nhân rất lớn mà nhân lực cán bộ y tế còn hạn chế nên đây là áp lực lớn nhất với những y, bác sỹ. Do biến chủng lần này nguy hiểm nên hằng ngày, các y, bác sỹ đã phải thăm khám, kiểm tra sức khoẻ để theo dõi sát từng bệnh nhân; kịp thời phát hiện, xử lý những bệnh nhân có chuyển biến nặng; đồng thời dành thời gian trò chuyện, động viên tinh thần của bệnh nhân cùng cố gắng vượt khó trong thời gian điều trị tại đây.

Điều mà điều dưỡng Tùng cũng như nhiều y, bác sỹ ở đây trăn trở nhất là việc chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân là trẻ em. Bệnh viện dã chiến số 2 này đang điều trị cho 13 bệnh nhi, trong đó có 8 cháu dưới 5 tuổi. Ở trong bệnh viện dã chiến này, khu vui chơi dù nho nhỏ dành cho các cháu trở thành xa xỉ và là điều không thể thực hiện được. Cho nên, các y, bác sỹ đã dành những tình cảm đặc biệt đối với các cháu nhỏ. 

Ngoài việc điều trị  bằng thuốc men thì những món quà nhỏ như: Đồ chơi, sách tập tô, sữa, bánh… được các y, bác sỹ tự tay chuẩn bị tặng cho các cháu nhằm giúp các cháu có tâm lý thoải mái hơn trong thời gian điều trị bệnh. Nhân ngày 1-6, mặc dù ở trong bệnh viện dã chiến nhưng được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, các cháu đã có một ngày Tết thiếu nhi vô cùng ấm cúng bên các bác sỹ. Điều dưỡng Tùng gọi những bệnh nhi này là những "Chiến binh nhí". 

Các y, bác sỹ tổ chức ngày Tết thiếu nhi cho các bệnh nhân trẻ em.

Anh chia sẻ: Những "Chiến binh nhí" này để lại ấn tượng lớn nhất với các y, bác sỹ. Các em rất ngoan, hiểu chuyện, chào hỏi các cô chú y, bác sỹ, luôn nở nụ cười mỗi khi các y, bác sỹ tới thăm khám. Những đôi mắt thơ ngây của con trẻ là động lực xua đi những mệt nhọc khi làm việc phải giam mình trong bộ đồ bảo hộ suốt 6 tiếng đồng hồ trong những ngày nắng nóng 39-40 độ vừa qua. Và một niềm vui nữa với điều dưỡng Tùng là mỗi khi có bệnh nhân xét nghiệm âm tính chính là động lực để anh và đồng nghiệp làm việc hăng say hơn.

Còn bác sỹ Đàm Đức Long ở Khoa Mắt- Bệnh viện 19-8 thì lại trong một tâm trạng đặc biệt hơn. Là người con của quê hương Bắc Giang nên khi dịch bệnh hoành hành Bắc Giang, anh luôn trong tư thế sẵn sàng chờ lên đường chi viện cho Bắc Giang. Trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến số 2 này, nhìn những công nhân trẻ, có người ở tận miền Tây Bắc, đời sống kinh tế có nhiều khó khăn khi phải điều trị bệnh dài ngày ở đây, anh thật sự thương họ vô cùng. Đối với các trường hợp bệnh nhân có chuyển biến nặng, các y, bác sỹ đã theo dõi sát sao để có hướng xử lý và điều trị phù hợp, hiệu quả. Tính đến thời điểm này, các bệnh nhân trong Bệnh viện dã chiến số 2 đều nằm trong tầm kiểm soát của các các bác sỹ.

Vỡ òa niềm vui

Sáng ngày 6-6, tại Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang, 21 người bệnh điều trị COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh và cho xuất viện. Họ đều là công nhân tại các công ty thuộc Khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đại tá, Bác sỹ Nguyễn Thái Hưng - Phó Giám đốc Bệnh viện 19-8, Trưởng đoàn Y tế Công an Nhân dân tại Bắc Giang cho biết: Đây là các trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang được xuất viện. Các bệnh nhân này đều có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2, khỏe mạnh, không có dấu hiệu lâm sàng, các kết quả xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.

Niềm vui của 21 bệnh nhân cũng là niềm vui chung của các y, bác sỹ tại Bệnh viện dã chiến số 2 này. Với họ, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách song với với tình yêu và trách nhiệm của người thầy thuốc, của người chiến sỹ Công an nhân dân, những "thiên thần áo trắng" sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thắp lên niềm tin và hy vọng cho mỗi người bệnh đang điều trị ở đây, giúp họ nhanh khỏi bệnh, trở về cuộc sống bình dị, đời thường.

Minh Thúy
.
.