Nhà văn, nhà báo Lại Văn Long:

Người đi ra từ thung lũng cô đơn của văn học

Thứ Hai, 15/12/2014, 08:00
Nhắc đến tên tuổi Lại Văn Long, giới cầm bút và người yêu văn chương nhớ đến truyện ngắn "Kẻ sát nhân lương thiện" đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn 1990-1991 của tuần báo Văn nghệ.  Sau đó, anh đi làm báo và lặng lẽ viết văn rồi ra mắt tập truyện ngắn và tiểu thuyết "Thạch Đế". Trong hơn 20 năm làm báo, nhà báo Lại Văn Long đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá.

Một thế giới ẩn dụ ám ảnh

Nhà báo, nhà văn Lại Văn Long sinh năm 1964, công tác tại Báo Công an TP HCM. Tôi biết anh khi mới chập chững bước vào nghề báo và rụt rè đến gửi bài cộng tác với anh. Lúc đó, tôi chưa biết anh có những thành công đáng nể trong nghề báo lẫn nghề văn như thế. Chỉ thấy anh hiền, nhiệt thành với một cộng tác viên non trẻ vụng về như tôi mà lòng cảm phục. Sau này, khi có thời gian quen anh lâu hơn, tôi mới tìm đọc về anh và biết về anh nhiều hơn. Tiếp cận với tập truyện "Thủy cơ", tiểu thuyết "Thạch đế" và một số truyện ngắn của anh được đăng trên mạng, tôi hình dung ra anh là một người đi ra từ thung lũng cô đơn của văn học. Sáng tác của anh luôn hàm chứa tính ẩn dụ, tư tưởng triết luận nhân sinh có tính biểu trưng và khái quát cao, gây ám ảnh cho người đọc.

Trong truyện của anh, những nhân vật luận đề đều mang một thân phận cô đơn đến trơ trọi và lạc lõng, bơ vơ giữa đồng loại. Phải chăng, ảnh hưởng từ nền học thuật triết học và những trải nghiệm, suy tưởng của bản thân mà anh đã sáng tạo ra những hình tượng đó? Đọc văn anh, tôi thích thú với những câu văn ẩn dụ, những tình tiết ẩn dụ đầy sự liên tưởng và sự khái quát đã đạt đến sự tiên liệu, dự báo cho cả tương lai. Tôi nghĩ, phải yêu dân tộc này, yêu đất nước và cuộc sống này, mới có thể viết ra những điều ám ảnh như thế.

Xuất thân từ một người học Triết học ở Trường Đại học Tổng hợp TP HCM và chưa qua một ngày được đào tạo về văn chương báo chí, nhưng với tố chất và sự rèn luyện phấn đấu của mình, Lại Văn Long đã để lại những ấn tượng không nhỏ trong làng báo, làng văn. Trong những dịp hiếm hoi gặp anh, tôi được nghe anh tâm sự về hành trình đi vào làng báo, làng văn của mình. Câu chuyện của anh giản dị, hồn nhiên nhưng vẫn khiến những người trẻ theo nghiệp cầm bút như tôi thấy thán phục.

Nhà văn, nhà báo Lại Văn Long.

Anh kể: "Khi đang còn là sinh viên năm cuối đại học, một hôm thầy giáo dạy môn Mỹ học bước vào lớp và hỏi: "Ai đã có bài đăng báo?". Khi thấy cả lớp không có ai viết báo cả, thầy khuyên cả lớp: "Các bạn nên tập viết báo…". "Sau buổi học, tôi ngồi viết bài báo "Cơ sở để đổi mới niềm tin" và gửi Báo Sài Gòn giải phóng. Mấy ngày sau, bài được đăng ở trang nhất làm tôi rất vui mừng. Nhuận bút khi ấy được 1.000 đồng, có thể ăn sáng bình dân trong một tuần. Tiếp theo đó, trên Báo Tuổi trẻ chủ nhật đăng truyện ngắn "Màu mận chín" và tôi được trả 10.000 đồng nhuận bút. Đây là số tiền đủ để tôi mua phiếu ăn ở ký túc xá Ngô Gia Tự hơn nửa tháng. Nhưng cái lớn hơn là tôi tự tin mình có thể kiếm sống được nhờ viết văn, viết báo".

Tháng 6/1988, sau khi tốt nghiệp đại học, anh về Đà Lạt nơi gia đình anh đang sinh sống để xin làm nghề tuyên huấn chứ không viết báo, viết văn. Được hơn hai năm, duyên nợ chữ nghĩa đã kéo anh trở lại với nghiệp cầm bút, anh quay lại Sài Gòn làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo và thỉnh giảng triết học.

"Bệ phóng" từ văn học

Đầu năm 1992, tác phẩm "Kẻ sát nhân lương thiện" được giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ. Tâm sự với chúng tôi, nhà văn Lại Văn Long kể lại quá trình anh trăn trở để viết nên truyện ngắn đặc sắc làm nên tên tuổi và định hình phong cách của anh: "Khi tôi về công tác ở Lâm Đồng, mỗi tháng lương được 38kg gạo, nuôi bản thân chưa đủ nói gì giúp gia đình. Cả nhà vẫn nghèo túng, cực khổ như xưa, mấy đứa em có nguy cơ bỏ học vì nghèo. Đã vậy các dự án xóa bao cấp, người nghèo sẽ phải trả học phí, viện phí như đổ thêm dầu vào lửa làm tâm trạng của tôi càng bức bối. Tôi có quen một số người là sĩ quan cấp tá trong quân đội cũng nghèo như mình. Hằng ngày họ phải trồng rau rồi lủi thủi chở xe đạp ra chợ bán. Trong khi đó lứa Việt kiều đầu tiên trở về nước làm ăn, đi đến đâu cũng được đón rước long trọng… Một biệt thự ở cạnh cơ quan tôi cấp cho một nhà cách mạng lão thành bị đòi lại trả cho chủ cũ trước 1975. Tôi đã tự hỏi: "Sao người chiến thắng lại phải chịu khổ triền miên trong lúc kẻ bại trận trước sau cũng là ông chủ, bà chủ?". Trong lúc chán chường, bế tắc như vậy, tôi lại nhớ đến "đấu tranh giai cấp" của K.Marx và tư tưởng vượt lên số phận để làm người hùng của F.Nietzsche nên chỉ trong một đêm cay đắng và tuyệt vọng, tôi đã viết xong truyện này với khoảng 20 trang giấy viết tay…

Sau khi truyện ngắn này được đăng trên Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vào cuối năm 1990, có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có người quy truyện này đã "phủ nhận sạch trơn" thành quả của cuộc cách mạng mấy mươi năm hao tốn xương máu. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng truyện là lời cảnh báo cần thiết về tiến trình đổi mới, nếu không có những chính sách thích hợp có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường (thực tế 20 năm sau những ý kiến này được chứng minh là đúng qua các vụ đổ máu vì tranh chấp nhà, đất). Sau này một vị thứ trưởng khi gặp tôi đã kể: "Lúc tớ còn làm tổng biên tập một tờ báo tỉnh ở miền Trung, đã cho đăng lại truyện này. Nhiều người đã phản ứng…". Một vị lãnh đạo ngành tư tưởng văn hóa cho biết, khi ông cùng nhà thơ Hữu Thỉnh (Tổng Biên tập Báo Văn nghệ và Chủ tịch hội đồng chấm giải cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 1990 - 1991) sang Mỹ, một số nhà báo đã hỏi: "Các ngài tuyên bố đổi mới, kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư, sao lại trao giải nhất cho một truyện "bắn vào Việt kiều" như thế?". Câu trả lời rất hay, đại ý: "Chúng tôi đã trao giải cho tác phẩm bắn vào áp bức bất công. Cả nhân loại xưa nay vẫn ghét áp bức bất công…". Như vậy không chỉ trong nước, mà cả ở hải ngoại cũng có những ý kiến trái chiều về truyện này. Tôi rất biết ơn và khâm phục Ban Biên tập Báo Văn nghệ và Ban giám khảo cuộc thi truyện ngắn năm đó. Nếu họ không dũng cảm, cuộc đời tôi đã khác, không có "cú hích" và cảm hứng để theo nghiệp văn như bây giờ".

Trăn trở với văn chương

Là một người sáng tác văn chương, Lại Văn Long có nhiều suy tư với nền văn học nước nhà hiện nay. "Dưới con mắt của người đọc, tôi thấy văn học chúng ta trong những năm gần đây như một vườn hoa yên ả, nhìn thì phong phú về màu sắc, nhưng chẳng thấy bông hoa lạ lùng, đột phá để người thưởng ngoạn được reo lên thích thú hay phải lặng người suy tư... Bây giờ hội thơ có ở khắp nơi, ngày thơ ở đâu cũng tưng bừng long trọng. Thế mà sao không có những bài thơ hay như những thời kỳ thơ chưa được "chăm sóc" và… "xã hội hóa"? Các giải thưởng văn học hằng năm cũng ít tạo được không khí sôi động hay sự quan tâm của xã hội. Nói theo cách của Nam Cao, văn học chúng ta đang… "sống mòn"!

Theo Lại Văn Long, sinh hoạt văn học rất cần đến giới phê bình và sự giúp sức của truyền thông. "Nếu các nhà phê bình văn học tích cực với chức phận của mình, văn đàn sẽ nhộn nhịp, thu hút được sự quan tâm của độc giả và giúp độc giả chọn được các tác phẩm có giá trị. Còn nếu các vị cứ "lười" hoặc thờ ơ như những năm gần đây thì văn học vẫn cứ phải "sống mòn". Đó cũng là cơ hội cho những tác phẩm xoàng xĩnh, thậm chí tệ hại lên ngôi nhờ những chiêu trò quái đản…" - nhà văn Lại Văn Long chia sẻ.

Với nghề báo, Lại Văn Long là một người cần mẫn và tài hoa. Anh viết nhiều đề tài, thấy cái gì xã hội cần thì mình tập trung khai thác. Sự cống hiến của anh với nghề báo đã được ghi nhận và vinh danh khi anh đoạt nhiều giải thưởng về báo chí. Giải thưởng đầu tiên của anh do Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh trao là loạt bài điều tra về một "trung tâm" chuyên mua bán bằng lái ôtô các loại. Giải nhất báo chí toàn quốc mà báo Công an TP Hồ Chí Minh được trao là loạt bài điều tra về tiêu cực, tham nhũng ở một doanh nghiệp nhà nước do anh cùng các đồng nghiệp Lan Anh, Thiên Hà, Thu Hiền thực hiện. Ngoài ra, anh cũng đoạt nhiều giải thưởng báo chí danh giá khác…

Tuy nhiên, tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó. Anh có nhiều giải thưởng báo chí nhưng cũng từng bị kỷ luật treo bút sáu tháng khi viết loạt bài "Người có khả năng chữa bệnh đặc biệt" nhuốm màu sắc mê tín dị đoan ở tỉnh Quảng Nam.

"Hơn 20 năm làm báo, tôi đã nếm trải đủ thành công và thất bại, vui buồn của nghề này và đã đúc rút ra nhiều điều cần thiết cho nghề nghiệp. Khi được mời thỉnh giảng các lớp báo chí ở TP Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh, tôi tự viết giáo trình các môn: "Phóng sự điều tra", "Nghiệp vụ phóng viên" nên đã đưa cả những thành công lẫn thất bại trong quá trình xâm nhập thực tế, thu thập tài liệu, hình ảnh cho các phóng sự điều tra của mình vào các bài giảng. Qua đó, các bạn sinh viên báo chí cũng có thể nhặt nhạnh được vài điều bổ ích từ nghề báo và cho nghề báo" - nhà báo Lại Văn Long nói.

Hiện anh đã hoàn thành xong tiểu thuyết "Người khổng lồ đội mồ kể chuyện". Đây là câu chuyện dài về một dân tộc nhỏ bé, hiền hòa bị hai đế quốc thay nhau xâm lược và cưỡng chiếm biển đảo. Dân tộc đó đã sản sinh ra một người khổng lồ lãnh đạo toàn dân chống xâm lược. Họ đã đánh tan cả hai đạo quân xâm lược hùng mạnh và giương cao ngọn cờ hòa bình, chính nghĩa trên biển Đông. Ngoài ra anh đang hoàn thiện một tiểu thuyết dày gấp 3 như thế và một tập truyện ngắn… 

Nguyễn Thịnh
.
.