Người coi thư viện như thánh đường

Thứ Năm, 23/10/2014, 08:00
Không được qua chuyên môn tại một trong những trường nghiệp vụ thư viện danh tiếng nào ở trong nước hay quốc tê, mà chỉ là một trường hợp tay ngang bước vào ngành thư viện một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng như là số mệnh, để rồi ông Đỗ Hữu Dư "đóng đinh" suốt cuộc đời với nó...

Trong ngành thư viện Việt Nam khoảng 50 năm trở lại đây, hẳn không ai không biết đến cái tên Đỗ Hữu Dư. Trong Tạp chí Thư viện số đặc biệt do Thư viện Quốc gia xuất bản nhân kỉ niệm 90 năm thành lập vào năm 2007, phần cảm tưởng, suy nghĩ của những người từng công tác lâu năm tại Thư viện Quốc gia, có tất cả năm bài thì thấy tới bốn bài nhắc đến tên tuổi này. Một bài là của vị nguyên phó giám đốc, còn ba bài còn lại là của ba vị nguyên là trưởng các phòng nghiệp vụ. Có lẽ hiếm ai trong ngành có được niềm vui đó. Gần đây tôi có dịp gặp chị Nguyễn Thị Xuân, nguyên Phó Giám đốc Thư viện thành phố Đà Nẵng, nay cũng đã nghỉ hưu, chị nhắc đến ông Dư như nói về một người thầy, với lòng kính trọng. Chị bảo, "ông Dư là người đã giúp tôi tìm thấy cái cao quí của sách và nghề thư viện".

Không được qua chuyên môn tại một trong những trường nghiệp vụ thư viện danh tiếng nào ở trong nước hay quốc tê, mà chỉ là một trường hợp tay ngang bước vào ngành thư viện một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng như là số mệnh, để rồi ông Đỗ  Hữu Dư "đóng đinh" suốt cuộc đời với nó.

Năm 1955, chàng học sinh Hà Nội Đỗ Hữu Dư ở tuổi 19, được nhận vào học tại trường có tên Đại học nhân dân, một tên trường khá xa lạ với những người hôm nay nhưng vốn là lớp học chính trị dành cho học sinh và trí thức Hà nội sau ngày giải phóng Thủ đô 1954. Ra trường, đang lúc đứng giữa ngã ba thì ông được cán bộ tổ chức của Bộ Văn hoá đến tuyển. Đọc lí lịch thấy Đỗ Hữu Dư biết Pháp văn và Anh văn, thế là họ xin tiếp nhận và đưa ông về công tác tại Thư viện Quốc gia, lúc này đang thiếu người giỏi ngoại ngữ. Mà ở ngành thư viện thì cần người biết ngoại ngữ.

Như tất cả các viên chức mới, những ngày đầu Đỗ Hữu Dư cũng đã phải kinh qua các công việc đơn giản như lao động khuân vác, vệ sinh lao động, phụ đứng cho độc giả mượn sách báo… Bất cứ công việc nào được phân công, ông đều làm một cách say mê, trách nhiệm. May mắn, thời gian này có một chuyên gia người Liên Xô, ông Xêrốp, sang giúp mở một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện cho những cán bộ mới, Đỗ Hữu Dư cùng nhiều cán bộ của Thư viện Quốc gia nhờ đó mới được tham gia học những bài học đầu tiên về nghiệp vụ thư viện, nhưng với tư cách dự thính. Dù sao cũng qua đó, ông mới được trang bị những hiểu biết cơ bản về công việc của nghề thư viện. Tưởng thư viện là đơn giản chỉ có việc cho mượn sách, báo, nhưng hoá không phải vậy. Sau đó, ông tiếp tục được làm quen với nhiều công đoạn khác như biên mục, phân loại, tổ chức bộ máy tra cứu và hợp tác quốc tế. Mãi nhiều năm sau này ông mới có điều kiện theo học lớp đại học thư viện tại chức (khoá 1969-1974) của trường bồi dưỡng cán bộ của Bộ Văn hoá.

Ông Đỗ Hữu Dư.

Những người cùng công tác một thời có nhận xét, dù chân ướt chân ráo bước chân vào nghề, tuy không phải từ một trường chính qui về thư viện, nhưng ông Đỗ Hữu Dư với tình yêu với sách, báo và nghề thư viện nên đã rất nhanh chóng có được nhận biết công việc, rồi sau đó đã trở thành chuyên gia về một số lĩnh vực của ngành, đặc biệt trong khâu biên mục và phân loại. Trong nghề thư viện, đây là những lĩnh vực đòi hỏi có khả năng nghiên cứu sâu. Ông là người đã có đóng góp đáng kể trong việc xây dựng các hệ thống phân loại của thư viện quốc gia cũng như của nhiều thư viện các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Nếu có một ai đó am hiểu tường tận hầu khắp các công đoạn của một thư viện cấp quốc gia, vận dụng nó một cách khoa học, hiệu quả vào thực tiễn thì một trong số đó là ông Đỗ Hữu Dư. Trong bộ Từ điển bách khoa Việt Nam khi xuất bản thì tất cả các mục từ nói về thư viện học hầu như đều do ông biên soạn, được Ban biên tập nhận xét là súc tích và cập nhật.

Thế mạnh của Đỗ Hữu Dư là ngoại ngữ. Vốn là học sinh Hà Nội những tháng ngày thực dân Pháp chiếm đóng nên trong chương trình học, ngoài học tiếng Việt, ông phải học đan xen tiếng Pháp và tiếng Anh, sau đó ông còn theo học thêm tại các lớp ngoại ngữ tư thục nên ông khá vững hai ngoại ngữ này. Nhưng khi làm việc tại Thư viện Quốc gia giúp ông dần nhận ra, chừng đó là chưa đủ vì thời gian này quan hệ giữa nước ta và hai nước Liên Xô cũng như Trung Quốc được mở rộng, sách báo tiếng Trung và Nga được bổ sung rất nhiều tại thư viện chưa được khai thác hết nên ông thấy cần phải học thêm. Một trong những người đã giúp ông học tiếng Trung chính là ông Nguyễn Thế Đức, vị Giám đốc Thư viện Quốc gia lúc này, người từng có thời gian dài theo học tại Trung Quốc.

Thấy ông Dư ham hiểu biết, thực sự cầu thị nên dù không rộng rãi thời gian lắm nhưng ông Đức vẫn hết sức nhiệt tình giúp đỡ. "Thầy" và "trò" đã "dạy" và "học" ngay trên các ghế đá ngoài vườn hoa của thư viện vào các buổi trưa khi mọi cán bộ khác đã đi nghỉ. Riêng tiếng Nga, ông Đỗ Hữu Dư đã phải bỏ ra hơn hai năm vừa làm việc vừa tự học, từ lúc bập bõm cho đến khi đọc và dịch thông thạo. Tiếng Pháp thành thục còn giúp ông sau này vượt qua nhiều thí sinh khác để được sang Pháp thực tập một thời gian, những năm 1983-1984.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo, Đỗ Hữu Dư cùng một vài cán bộ có ngoại ngữ giỏi trong cơ quan đã chọn dịch nhiều tài liệu và sách thông tin nghiệp vụ cần thiết từ các nước ra tiếng Việt để giúp đồng nghiệp cùng nghiên cứu. Đáng chú ý, trong những cuốn sách được ông chọn dịch đó có những cuốn sách rất cần thiết  mà mãi nhiều năm sau này các thư viện ở nước ta mới nhận thức và áp dụng, như cuốn: "Kinh tế và tổ chức công tác thư viện" hay "Thư viện nông thôn"… Khi ông về công tác ở Vụ Thư viện, ngoại ngữ và chuyên môn giúp ông có điều kiện chủ động trực tiếp liên hệ, đề xuất và  tham gia vào các dự án, các chương trình được các chuyên gia và các tổ chức quốc tế sang hỗ trợ, giúp đỡ.

Năm 1979, ông được cử tham gia đoàn chuyên gia văn hoá Việt Nam sang giúp đỡ nước bạn Campuchia mới giải phóng. Nhiệm vụ của ông là giúp đỡ bạn sớm mở cửa lại được thư viện hoàng gia của bạn đã bị đóng cửa trong nhiều năm thời kì Pôn Pốt. Sự hiểu biết chuyên môn và nhất là ngoại ngữ giúp ông làm việc một cách thuận lợi. Đây là đất nước mà trước đó phần lớn cán bộ thư viện nước bạn đã được đào tạo tại Pháp và Mỹ, trong thư viện có rất nhiều sách và tài liệu ngôn ngữ của hai quốc gia này. Hơn nữa, tinh thần trách nhiệm của ông trong thời gian ở nước bạn đã giúp bạn vượt qua nhiều khó khăn để nhanh chóng mở lại thư viện phục vụ nhân dân.

Đỗ Hữu Dư cũng đã trực tiếp biên soạn nhiều tài liệu nghiệp vụ và đã cho xuất bản một số sách nói về thư viện, như: "Sổ tay công tác thư viện thiếu nhi", "Sách báo, thư viện trong các nhà văn hoá - câu lạc bộ", "Sách, bạn đọc, thư viện và người cán bộ thư viện", "Thư viện, xuất bản và phát hành sách"… Đáng nói, ông không phức tạp hoá công việc, không máy móc dựa vào các giáo trình một cách nặng nề, khô cứng,  mà đã phổ cập những kiến thức nghiệp vụ qua cách trình bày rất dễ hiểu, đã biết lấy những thí dụ, những chuyện thực tế xảy ra nơi này nơi khác để dẫn chứng, giúp những cán bộ thư viện dù cho là người mới vào nghề, có thể dễ dàng hiểu và nắm bắt công việc một cách thuận lợi. Đó cũng chính là một trong những lí do mà ông luôn được mời về các địa phương để giảng dạy và nói chuyện nghiệp vụ tại nhiều trường lớp thư viện.

Có nhiều người trong ngành nhận xét ông Đỗ Hữu Dư là một nghệ sĩ. Ông yêu văn chương, lại biết viết kịch, đóng các vai kịch và còn trực tiếp đứng ra dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ nói về ngành cho cán bộ trong cơ quan để tham gia các hội thi, hội diễn. Ông còn làm thơ và có một bài viết về nghề thư viện được chọn in trong tập "Những vần thơ về thư viện", được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cùng những nhà thơ tên tuổi như Vũ Quần Phương, Bút Ngữ, Nguyễn Thái Vận, Xuân Quỳnh, Xuân Sách v.v… Trong bài thơ ông viết ca ngợi ngành thư viện có đoạn: "Tôi đi mãi trong kho dài vô tận/ Mê say nhìn ngàn vạn công trình/ Gieo tri thức hẹn gặp mùa quả ngọt/ Trên đất màu - thư viện mãi tái sinh…".

Những ấn tượng tốt đẹp của đồng nghiệp về ông cũng một phần từ những hoạt động văn nghệ đáng nhớ đó. Nhưng còn những lí do khác. Ấy là khi ông về giữ cương vị Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá, công việc thường xuyên khiến ông luôn phải đi về các địa phương kiểm tra, xem xét công việc. Vì để chu đáo đón tiếp ông - với tư cách là người lãnh đạo ngành nên địa phương thường bố trí bàn ghế nước nôi, chuẩn bị văn bản báo cáo rất trịnh trọng. Vậy nhưng nhiều khi đến giờ làm việc thì không thấy ông. Mọi người bủa đi tìm thì hoá ra khi ấy ông đang mải mê hướng dẫn một vài cán bộ nghiệp vụ nào đó nắm bắt công việc ngay tại chỗ làm việc của họ. Tính tình xuề xoà, tác phong giản dị, không cầu kì câu nệ cấp trên cấp dưới, nhiều tuổi hay còn trẻ nên ông thường gần gũi, chan hoà với cán bộ ở những nơi ông đến.

Có lần, trong chuyến cùng đi công tác với ông, ông đã tâm sự với tôi: "Thư viện luôn là người bạn chung thuỷ mà mình đã dành hết tâm sức cho nó suốt cuộc đời. Với mình, sách và thư viện ví như một thánh đường, mà sống với nó, trí tuệ luôn được khai mở, còn tâm hồn thì hoàn toàn bình yên, thanh thản"

Huy Thắng
.
.