Tọa đàm về điện ảnh Việt Nam thời hội nhập:

Ngổn ngang trăm mối…

Thứ Hai, 23/03/2009, 10:00
Không ít người nghĩ rằng, sau khi Việt Nam vào WTO và triển khai xã hội hóa điện ảnh thì Nhà nước sẽ rảnh tay, thoát nợ, đỡ phải đau đầu tốn kém lo cho điện ảnh nữa. Vì điện ảnh đã là hàng hóa giải trí rồi. Có người còn nói vui: "Cô bồ trẻ truyền hình đã thay thế mụ vợ già điện ảnh". Không ít người định kiến và mặc cảm với sự hỗ trợ, bảo trợ của Nhà nước với điện ảnh nước nhà, cho rằng đó là bao cấp, là “bú sữa” Nhà nước v.v...

Việt Nam đã có thị trường điện ảnh chưa, sự nghiệp xã hội hóa có đáp ứng được nhu cầu phát triển của điện ảnh không hay vẫn cần tới sự hỗ trợ và bảo hộ của nhà nước để điện ảnh dân tộc thực sự phát triển? Chính sách điện ảnh cần bổ sung điều chỉnh ra sao? Điện ảnh Việt Nam cần phải làm gì để tăng cường hội nhập? Hàng loạt vấn đề có tầm chiến lược đã được đặt ra tại cuộc "Tọa đàm về Điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế" do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức sáng 27/2 tại Hà Nội, trong khuôn khổ giải Cánh diều Vàng 2009.

Nhận diện thị trường điện ảnh Việt Nam

Lễ trao Giải Cánh diều vàng 2008.

Không giống như những cuộc hội thảo điện ảnh trước đây (các đại biểu thường đọc những bản tham luận dài dòng mòn sáo và lặp lại), cuộc tọa đàm này không có các văn bản viết sẵn, mà các đại biểu trực tiếp cầm micro trao đổi thẳng vào những vấn đề sinh động của thị trường điện ảnh. 11 ý kiến của các nghệ sĩ và các nhà quản lý đã tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều tập trung vào một tiêu điểm là đánh giá thị trường điện ảnh, qua đó phân tích vai trò không thể thay thế của Nhà nước với sự phát triển của điện ảnh nước nhà.

Thị trường điện ảnh Việt Nam chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chưa toàn diện. Đó là nhận định chung của các đại biểu. Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng tính chưa hoàn chỉnh của thị trường điện ảnh hiện nay thể hiện ở chỗ hoạt động của nó chỉ diễn ra trong khu vực các hãng phim tư nhân, hầu như không diễn ra trong khu vực các hãng phim Nhà nước. Mặt khác, hàng hóa điện ảnh còn chưa có sức cạnh tranh, chưa có xuất khẩu phim thực sự có tính thương mại.

NSND Hải Ninh cho rằng sản phẩm điện ảnh thị trường chất lượng không đều, tuy có những bước phát triển nhưng hiện đang có nguy cơ trở lại dòng phim "mì ăn liền" đầu thập kỷ 90. Hơn thế nữa, có sự lẫn lộn giữa cinema và tivi, chỉ cần khán giả, không cần thẩm mỹ.

Ông Jery Herman - Giám đốc Trung tâm Điện ảnh 22 Hai Bà Trưng, một người tích cực đưa các phim kinh điển của thế giới đến với khán giả Việt Nam cho rằng điện ảnh Việt Nam bỏ quên không khai thác một thị trường lớn ở nước ngoài. Ông cho biết các Liên hoan phim và các chợ phim vẫn luôn quan tâm tới điện ảnh Việt nam, tìm mua phim Việt Nam mà không có.

Một số đại biểu nhận thấy điện ảnh Việt Nam còn bỏ quên một thị trường nội địa là nông thôn Việt Nam với lượng khán giả lớn gấp nhiều lần khán giả thành phố. Chưa có những dự án đầu tư cho việc tiêu thụ hàng hóa điện ảnh ở nông thôn. TS Michael - Đại diện quỹ Ford tại Việt Nam cho rằng thị trường điện ảnh Việt Nam bỏ quên thiếu nhi, hiện nay thiếu phim thiếu nhi chiếu rạp.

Điện ảnh là hàng hóa giải trí thuần túy có mục đích thu lời hay còn là một tác phẩm nghệ thuật với những trách nhiệm văn hóa xã hội riêng? Đó cũng là một vấn đề được đề cập đến khi bàn về mối quan hệ giữa phim thương mại và phim nghệ thuật.

GS Trần Luân Kim cho rằng, với thế giới, hai loại phim này từng tách ra, nhưng đến đỉnh cao lại hòa làm một. Phim là một hàng hóa đặc biệt, có thuộc tính xã hội và đặc trưng thẩm mỹ, thương mại chỉ là phương tiện, thuộc tính xã hội là mục đích. Cần phải bàn cách làm sao cho phim Việt Nam hấp dẫn hơn, cạnh tranh đối chọi được với phim nước ngoài trong điều kiện mới khi Việt Nam sẽ bỏ cô-ta đối với phim ngoại nhập.

Ông Ngô Thảo - Cố vấn nghệ thuật của Hãng BHD dẫn lời nhà báo Dương Phương Vinh nói rằng: Nếu các anh muốn kiếm tiền thì đi buôn bất động sản chứ đừng làm những phim như "Đẹp từng centimet" và thanh minh rằng mục tiêu hoạt động của các Hãng phim tư nhân không chỉ vì lợi nhuận thuần túy mà cũng hướng đến thẩm mỹ theo các cách khác nhau.   

Ông cho rằng trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất như hiện nay, làm được phim hay mới là điều phi thường. Thế giới người ta làm phim 15 triệu USD đã được coi là quá rẻ, còn ở ta làm phim có ba bốn trăm ngàn USD thì rất khó hay.

Bà Đinh Thị Thanh Hương - Giám đốc Hãng phim Thiên Ngân chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tiếp thị các bộ phim ăn khách: Trước khi làm phim phải xác định rõ phục vụ thị trường nào, mặt khác, tạo sự đồng thuận phối hợp hữu cơ giữa nhà sản xuất và đạo diễn trong bốn khâu chủ chốt: Xây dựng kịch bản, chọn diễn viên, dựng phim (mongtaz) và cuối cùng là phát hành, quảng cáo tiếp thị cho phim. Tuy nhiên, Thiên Ngân chưa sản xuất được các phim giải trí nhưng vẫn có kế hoạch làm các phim nghệ thuật có thể đi thi, tham dự các Liên hoan phim. --PageBreak--

Theo bà, phim hài - hành động là loại phim được khán giả đón đợi nhất, nhưng hiện nay làm phim hành động ở Việt Nam là rất khó. Các đại biểu cũng cho rằng phim thị trường của ta còn dễ dãi, lai căng, chưa phục vụ rộng rãi mọi đối tượng. Cần có thêm các mùa phim khác bên cạnh mùa phim Tết với các tác phẩm vừa hấp dẫn ăn khách vừa có tính thẩm mỹ cao.

Trách nhiệm của nhà nước...

Không ít người nghĩ rằng, sau khi Việt Nam vào WTO và triển khai xã hội hóa điện ảnh thì Nhà nước sẽ rảnh tay, thoát nợ, đỡ phải đau đầu tốn kém lo cho điện ảnh nữa. Vì điện ảnh đã là hàng hóa giải trí rồi. Có người còn nói vui: "Cô bồ trẻ truyền hình đã thay thế mụ vợ già điện ảnh". Không ít người định kiến và mặc cảm với sự hỗ trợ, bảo trợ của Nhà nước với điện ảnh nước nhà, cho rằng đó là bao cấp, là “bú sữa” Nhà nước v.v...

Mặt khác, khi tham gia vào WTO, các quốc gia phải tuân thủ luật chơi của kinh tế thị trường. Tâm thế và tình thế đó cho phép Nhà nước có thể yên tâm phủi tay, đẩy điện ảnh vào... phiên chợ. Quả thực, những năm gần đây, Nhà nước có vẻ nhẹ gánh hơn với “Nàng tiên thứ Bảy”, kinh phí tài trợ hàng năm cho sáng tác điện ảnh giảm xuống còn 7 tỉ, vậy mà có năm như năm vừa qua không tiêu hết, vì chẳng biết cho ai! Ấy thế mà tại cuộc tọa đàm này, trách nhiệm của Nhà nước với điện ảnh dân tộc lại được dựng dậy trong hàng loạt ý kiến khi bàn về những giải pháp chiến lược cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam liên quan đến cơ sở vật chất, đào tạo và chính sách.

Nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam phải xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh như các nước trong khu vực thì mới có tác phẩm đỉnh cao, vừa có khả năng xuất khẩu thu lợi nhuận vừa quảng bá văn hóa Việt Nam.

Ông Ngô Thảo cho rằng, muốn giữ gìn bản sắc văn hóa phải công nghiệp hóa. Cơ sở vật chất lèo tèo xập xệ sao giữ được bản sắc! Muốn xây dựng một nền điện ảnh phát triển phải có Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo lực lượng.

Ông Jerry Herman cũng cho rằng hiện nay câu hỏi cơ bản cho điện ảnh Việt Nam là: "Việt Nam có muốn có một nền công nghiệp điện ảnh không?". Ông đưa ra ví dụ về bộ phim "Quan tài đỏ" của Thái Lan đã đem tới cho ngành du lịch nước này hàng trăm triệu đôla để thấy rằng hàng hóa điện ảnh vừa là công cụ hội nhập đắc lực, vừa có thể sinh lời gián tiếp nên cần mạnh dạn đầu tư cho nó. Ông cho biết, trên thế giới không có chuyện tư nhân đầu tư hoàn toàn cho việc xây dựng cơ sở vật chất cho điện ảnh mà luôn có sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước.

NSND Hải Ninh đề nghị lập một Ban chuyên môn độc lập để nghiên cứu và tư vấn cho Chính phủ về chiến lược phát triển và mô  hình tổ chức của ngành điện ảnh. Ông cho rằng phối hợp giữa điện ảnh và truyền hình là một thế mạnh, nhiều nước đã lập Bộ Điện ảnh và Truyền hình, nhưng ở ta không khai thác thế mạnh này. Tiền quảng cáo của truyền hình rất lớn, nhưng điện ảnh thì luôn luôn thiếu kinh phí sản xuất phim.

Theo ông, đó là một  lỗ hổng cơ chế cần khắc phục, nó đã dẫn đến sự lãng phí tài năng vì hàng loạt đạo diễn có năng lực một thời gian dài không có điều kiện sáng tác vì các hãng phim Nhà nước khủng hoảng cả đầu vào và đầu ra. Nếu sát nhập điện ảnh và truyền hình thì có thể lấy kinh phí sản xuất phim từ quảng cáo.

Ông Jerry Herman cũng cho biết các nước họ hỗ trợ cho điện ảnh từ nguồn kinh phí lấy từ tiền bán vé của các rạp và từ truyền hình. Kênh 4 của Truyền hình Anh đã tài trợ 30% kinh phí sản xuất phim "Triệu phú khu ổ chuột", bộ phim vừa đoạt 8 giải Oscar. Hầu hết các nước châu Âu đều có bộ phận chuyên trách đầu tư cho điện ảnh của chính phủ. Theo ông Nhà nước nên hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo và sản xuất phim.

NSƯT Lê Đức Tiến đề nghị nhà nước xây dựng chính sách thuế hợp lý đối với phim ngoại nhập để lấy phần trăm tiền thuế này đầu tư cho điện ảnh Việt Nam. Như vậy phim nước ngoài vẫn được nhập thoải mái mà điện ảnh Việt Nam vẫn có điều kiện tồn tại và phát triển. Nhà nước cũng nên tạo điều kiện để điện ảnh có một kênh truyền hình riêng.

TS Michael khuyên chúng ta nên điều chỉnh luật để khuyến khích sự có mặt của các hãng phim nước ngoài tại Việt Nam, ràng buộc họ vào  các nghĩa vụ đào tạo. Mặt khác, Cục Điện ảnh phải trở thành thành viên của Mạng lưới phát triển điện ảnh châu Á để có thêm điều kiện xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Đỗ Minh Tuấn
.
.